Asset Publisher

null Giá trị bền vững từ bức huyết họa về Bác Hồ của người họa sĩ thương binh - Lê Duy Ứng

Post details Bài viết

Giá trị bền vững từ bức huyết họa về Bác Hồ của người họa sĩ thương binh - Lê Duy Ứng

                                                                                          TS. Nguyễn Quốc Trung

                                                                                           Khoa Xây dựng Đảng

Thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được ghi tạc vào lịch sử dân tộc và dù có trải qua bao thời gian, bao thế hệ con người thì chiến công đó vẫn không thể bị xóa nhòa. Đóng góp vào chiến công đó là những quyết sách mang tầm chiến lược, là những trận thắng vang dội với tài trí thông minh, tinh thần anh dũng, ý chí quyết chiến quyết thắng của quân và dân Việt Nam. Bên cạnh những đóng góp to lớn đó còn có sự đóng góp của những câu chuyện đời thường, những kỷ vật cá nhân bình dị nhưng mang lại ý nghĩa sâu sắc và một giá trị bền vững qua thời gian về một cuộc chiến, một chiến thắng của một dân tộc anh hùng, những con người anh hùng. Trong số vô vàn những điều bình dị đó thì bức huyết họa về Bác Hồ của họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng là điểm nhấn, khắc sâu trong tâm khảm mỗi con người Việt Nam về ý chí, về khát vọng, về niềm tin mãnh liệt về một tương lai tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Câu chuyện về người họa sĩ thương binh vẽ bức tranh Bác Hồ bằng máu thì không còn lạ gì với các thế hệ con người Việt Nam hôm nay - trong những giờ học lịch sử trên ghế nhà trường, các thầy cô giáo sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ bằng câu chuyện hết sức cảm động này; trên diễn đàn báo chí (ký sự, phóng sự, bài báo in, báo hình,...) cũng đã không ít lần khai thác; câu chuyện về người họa sĩ thương binh vẽ tranh Bác Hồ bằng máu cũng xuất hiện trong các tập truyện ngắn của nhà văn Sơn Tùng,… nhưng dù có bao nhiều lần khai thác và bằng hình thức nào đi chăng nữa thì cũng không bao giờ có thể nói lên hết được giá trị của câu chuyện, của bức huyết họa, đó chính là gía trị bền vững, là những điều bình dị làm nên giá trị.

Hàng năm, cứ đến những ngày tháng tư lịch sử, trong mỗi một con người Việt Nam hôm nay khi hồi tưởng lại những ngày tháng hào hùng của lịch sử, ôn lại những kiến thức lịch sử về một thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam, về thắng lợi của một chiến dịch mang tên vĩ lãnh tụ thiên tài của dân tộc - chiến dịch Hồ Chí Minh,… ký ức và nhận thức của mỗi một con người Việt Nam hôm nay như lắng đọng lại ở một điểm nhấn nào đó và câu chuyện về bức huyết họa vẽ Bác Hồ của họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng khiến chúng ta phải dừng thật lâu để cảm nhận và để suy nghĩ.

     

 

 

Họa sỹ Lê Duy Ứng và phiên bản của bức chân dung Bác Hồ vẽ bằng máu. (Minh Thu, (Vietnam+), Họa sĩ

thương binh Lê Duy Ứng: Họa Bác Hồ bằng ánh sáng trong tim, báo Bình Phước, cập nhật ngày 19/5/2022

          Lê Duy Ứng từ nhỏ đã bộc lộ năng khiếu và niềm đam mê hội họa, năm 1960, khi mới học lớp 4, ông đã tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên với chủ đề "Xấu nên tránh, tốt nên làm", triển lãm giúp ông giành giải mỹ thuật[1], giải thưởng đã tiếp thêm động lực nuôi dưỡng đam mê hội họa của ông. Năm 1967, Lê Duy Ứng thi đỗ vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Khi đang học năm thứ ba, trước tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xếp lại ước mơ cầm cọ, tình nguyện nhập ngũ (1971). Nhờ có năng khiếu hội họa, Lê Duy Ứng được phân công vào đơn vị trinh sát với nhiệm vụ đặc biệt: Vẽ bản đồ, đắp sa bàn để phục vụ chiến đấu. Ông từng có mặt tại nhiều chiến trường khốc liệt, đặc biệt là 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lê Duy Ứng theo sát các mũi tiến công của Sư đoàn 325, 304 và Lữ đoàn tăng thiết giáp 203 (Quân đoàn 2).

Vừa cầm súng chiến đấu, ông vừa cầm bút ghi lại bằng nét vẽ những khoảnh khắc hào hùng từ Huế, Đà Nẵng đến tận cửa ngõ Sài Gòn. Ngoài nhiệm vụ trên, ông còn được giao nhiệm vụ và có đam mê mãnh liệt đi khắp miền Nam vẽ tranh Bác Hồ tặng đồng bào miền Nam. Những bức tranh vẽ Bác Hồ của ông hết sức sinh động và mang trong đó cả tấm lòng của Bác đối với Nhân dân miền Nam và cả tấm lòng của Nhân dân miền Nam đối với Bác. Mỗi bức ký họa của ông là một lát cắt sống động, chân thực của cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc - nơi máu, lửa và tinh thần quật cường được khắc họa bằng trái tim của người lính - họa sĩ[2].

Bức huyết họa Bác Hồ được vẽ bằng máu xuất hiện vào những ngày quyết định nhất của cuộc kháng chiến và của lịch sử dân tộc. Rạng sáng 28/4/1975, khi cùng đồng đội trên chiếc xe tăng 847 thuộc Lữ đoàn Tăng 203 tiến vào căn cứ Nước Trong - cách Sài Gòn chừng 30km, xe tăng của ông bất ngờ trúng đạn. Một tiếng nổ lớn vang lên, Lê Duy Ứng bị thương nặng, ngất lịm giữa cơn bão bom đạn. Khi tỉnh lại, ông thấy mình vẫn nằm trên sàn xe, bên cạnh là một đồng đội đã hy sinh. Tiếng hô xung phong, tiếng bom đạn vẫn gầm rú dữ dội xung quanh. Chiếc xe tăng nằm bất động. Ông cảm nhận rõ vết thương trên đôi mắt, ông không nhìn thấy gì cả và điều đó đối với người họa sĩ, cảm xúc không thể diễn đạt bằng lời. Trong khoảnh khắc bình lặng giữ sự sống và cái chết, một ý nghĩ vụt lóe lên trong đầu: "Mình là họa sĩ, mình phải để lại điều gì đó cho đồng đội, cho cuộc đời"[3]. Trong cơn đau tưởng chừng tận cùng sức chịu đựng của cơ thể sát thịt, người họa sĩ Lê Duy Ứng vững vàng một niềm tin sắc đá, dùng chính máu đang “rỉ ra” từ đôi mắt bị thương của mình, phác họa chân dung Bác Hồ, phía sau là lá cờ Tổ quốc và cờ Đảng tung bay. Dưới bức vẽ, ông nắn nót ghi dòng chữ: "Ánh sáng niềm tin. Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân", rồi ký tên. Hoàn tất, ông đặt bức họa - kết tinh từ máu và ý chí - vào túi áo ngực, sát trái tim, rồi thiếp đi, tưởng đã vĩnh viễn không bao giờ tỉnh lại[4].

Cuộc đời của người họa sĩ và bức tranh dường như “thông tâm” và có sự chung một cảnh ngộ. Sau khi bị thương ông đã vài lần thập tử nhất sinh nhưng cuối cùng ông cũng tỉnh lại và đối với bức tranh cũng vậy, đó chỉ là một bức vẽ và trong hoàn cảnh chiến tranh giữa mưa bom bão đạn, giữa sự sống và cái chết,…nhưng những người đồng chí của ông vẫn trân trọng và gìn giữ bức tranh chờ ông tỉnh lại và trao trả bức tranh về đúng chỗ của nó -  sức sống và niềm tin mãnh liệt đã thúc giục, ông đã chiến thắng, ông tỉnh lại để khẳng định niềm tin và sự tồn tại của bức tranh qua khói lửa bom đạn như để khẳng định một giá trị bất diệt – tất cả điều đó làm nên những giá trị.

Câu chuyện về người họa sĩ thương binh và bức huyết họa vẽ Bác Hồ đó là minh chứng hùng hồn nhất, tràn đầy cảm xúc về niền tin, về ý chí kiên cường, về sức mạnh tinh thần, về khát vọng của mỗi một con người và của cả dân tộc Việt Nam. Đó là những giá trị chân thực nhất, chắc chắn nhất, rõ ràng nhất và có tính bền vững nhất mà không một “cây bút” tài hoa nào với bằng tất cả trí tưởng tượng phong phú của mình có thể tạo ra và mang được ý nghĩa sâu sắc như thế; cũng như không một thế lực thù địch nào có thể bằng bất cứ hình thức gì để có thể xóa nhòa đi ý nghĩa sâu sắc và giá trị vượt thời gian của nó.

Trong những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, cả nước đang có những hoạt động thiết thực và có ý nghĩa chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mỗi một người Việt Nam hiện nay như được sống lại và cảm nhận được khí thế “…thần tốc, táo bạo…” của những đoàn quân, của tinh thần con người, của ý chí và khát vọng dân tộc. Sống với khí thế hào hùng của lịch sử, tự hào lịch sử không đồng nghĩa với việc hoài niệm quá khứ, “ngủ quên trên chiến thắng” hay “tự hào quá khứ” mà các thế hệ con người Việt Nam hôm nay, tự hào, tự tin học tập, đổi mới, sáng tạo, dám dấn thân, dám cống hiến, dám hy sinh,…để tự hào với các thế hệ tiền nhân đã gìn giữ, vun đắp cho đất nước và xây dựng giá trị cho dân tộc. Trong bước hành trình đó luôn có sự đồng hành và tiếp sức của lịch sử, của những giá trị, trong đó bức huyết họa vẽ Bác Hồ của họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng là “dấu chấm đỏ” trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người./.


[1] Phần thưởng là vài cây bút chì, hộp màu và giấy vẽ

[2] Phong Vũ, Hà Thanh Lê: Chuyện về người lính vẽ tranh Bác Hồ bằng máu trên chiến trường, Báo Dân trí, cập nhật ngày 23/5/2025

[3] (Minh Thu, (Vietnam+), Họa sĩ thương binh Lê Duy Ứng: Họa Bác Hồ bằng ánh sáng trong tim, Báo Bình Phước, cập nhật ngày 19/5/2022

[4] Phong Vũ, Hà Thanh Lê: Chuyện về người lính vẽ tranh Bác Hồ bằng máu trên chiến trường, Báo Dân trí, cập nhật ngày 23/5/2025