Asset Publisher

null Tăng cường thi đua, khen thưởng tạo động lực để phát triển

Trang chủ Bài viết

Tăng cường thi đua, khen thưởng tạo động lực để phát triển

Lưu Thuý Hiền

Khoa Xây dựng Đảng

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, mở đầu phong trào hành động cách mạng của toàn dân, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Đảng. Trải qua hơn 70 năm, dưới những tên gọi, những nội dung và hình thức biểu hiện khác nhau, phong trào thi đua yêu nước trong cả nước ở mọi ngành, mọi cấp, mọi địa phương đã phát triển theo một dòng chảy liên tục, đóng góp quan trọng vào những thành quả to lớn của cách mạng Việt Nam.

Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đã dạy: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”. Trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục xác định thi đua yêu nước là động lực to lớn để thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước. Công tác thi đua khen thưởng trở thành động lực thúc đẩy mọi tầng lớp, mọi thành phần trong xã hội thi đua lao động sản xuất, nghiên cứu, học tập, sáng tạo; góp phần quan trọng trong xây dựng cuộc sống mới, xây dựng nền văn hóa mới, con người mới ngày càng phát triển.

II. NỘI DUNG

Xác định nhân tố đóng vai trò quyết định mọi thắng lợi - vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển, đó là CON NGƯỜI. Để khai thác hiệu quả nhân tố CON NGƯỜI thì phải làm tốt công tác thi đua - khen thưởng. Thi đua- khen thưởng là môi trường tốt nhất để xây dựng con người mới và tạo động lực phát triển, như Bác Hồ đã từng nói: “Thi đua - khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”.

Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng được thể hiện cụ thể qua các văn bản như: Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng”; thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18 tháng 5 năm 2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Bộ Chính trị “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 ngày 15/6/2022, hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024.

Trong thời gian qua, công tác thi đua - khen thưởng luôn được các cơ quan, đơn vị hết sức quan tâm, coi thi đua khen thưởng là một trong những giải pháp hữu hiệu chủ yếu, là động lực thúc đẩy mọi cá nhân và đơn vị phải luôn phấn đấu với quyết tâm cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Các ngành, các cấp, các địa phương có các phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, tiêu biểu là phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Tuổi trẻ xung kích, tình nguyện”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Dạy tốt, học tốt”; “Vì an ninh Tổ quốc”; “Dân vận khéo”; “Ngày vì người nghèo”…Đặc biệt là phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để lại ai ở phía sau”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”… Nhiều địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả, huy động được nhiều nguồn lực xã hội và của nhân dân vào xây dựng quê hương, đất nước, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, lan tỏa rộng khắp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thi đua, khen thưởng cũng còn một số hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất là nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả.

Việc tuyên truyền, tổ chức học tập, áp dụng mô hình mới còn ít được quan tâm. Công tác thi đua, khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp còn chưa nhiều, nhất là các hình thức khen bậc cao; tính tiêu biểu, nêu gương và lan tỏa trong công tác khen thưởng có lúc còn hạn chế.

Để góp phần thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng cần phát huy vai trò hết sức quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng….để thúc đẩy các phong trào thi đua, khuyến khích, động viên, tạo động lực, truyền cảm hứng cho toàn dân, cả hệ thống chính trị, góp phần phát huy sức mạnh toàn dân tộc, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong và bên ngoài; kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đã đạt được; khắc phục những khó khăn, tồn tại, yếu kém, góp phần thực hiện các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đề ra.

Đẩy mạnh tuyên truyền tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.

Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình hay, những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt”, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền trên không gian mạng. Kịp thời phát hiện, tuyên truyền các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, những tấm gương có thành tích xuất sắc trong công tác, lao động, học tập, v.v.

Tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện các phong trào thi đua, công tác khen thưởng, bảo đảm đúng quy định, kịp thời, công khai, minh bạch, tránh hình thức. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, đột xuất,....

Đổi mới phong trào thi đua với nội dung cụ thể, mục tiêu thiết thực, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị. Vừa qua, tỉnh Đồng Tháp ban hành Quy chế xét tặng danh hiệu “Công dân tiêu biểu Đất Sen hồng” và “Công dân danh dự Đất Sen hồng” biểu dương, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo”. Đồng thời kịp thời phát hiện nhân tố mới, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn tỉnh, góp phần hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra.

III.KẾT LUẬN

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường dạy về công tác thi đua: Đã thi đua thì phải có khen thưởng, “thi đua là gieo trồng, khen thưởng là thu hoạch”. Thi đua và khen thưởng phải luôn gắn bó với nhau, bổ sung và hỗ trợ cho nhau. Trên cơ sở thi đua, có thể chọn lựa những cá nhân và tập thể tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất để kịp thời khen thưởng. Đồng thời, khen thưởng đúng người, đúng việc thì sẽ động viên và thúc đẩy phong trào thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi thi đua và khen thưởng không những là động lực phát triển xã hội mà còn là công cụ quản lý của nhà nước, phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hằng ngày, ở mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là “đòn bẩy”, trở thành động lực kích thích cá nhân, tập thể hăng say hoạt động, phát huy hết tài năng của mình trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh.