Xuất bản thông tin

null Từ một số mô hình cơ quan Nhân quyền quốc gia và gợi mở cho Việt Nam

Trang chủ Bài viết

Từ một số mô hình cơ quan Nhân quyền quốc gia và gợi mở cho Việt Nam

Ths. Nguyễn Quang Thành

Khoa Nhà nước và Pháp luật

          Cơ quan nhân quyền quốc gia (tiếng Anh là National Human Rights Institution, viết tắt là NHRI) là những cơ quan do nhà nước thành lập và được chủ thể thành lập trao thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp hoặc một đạo luật cụ thể để thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm các quyền con người, quyền công dân trong phạm vi của quốc gia. Theo định nghĩa của Liên hợp quốc thì “cơ quan nhân quyền quốc gia” là một cơ quan được giao những chức năng cụ thể trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Đây được xem là một thiết chế có tính chất của cơ quan nhà nước (quasi – governmental agency) với chức năng thực hiện quy trình tư vấn, hỗ trợ nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền, được thành lập theo sự ghi nhận trong văn bản pháp lý tối cao của quốc gia là Hiến pháp hoặc do luật định.

          Mặc dù ở mỗi quốc gia có quy định ít nhiều khác nhau nhưng về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan này đều được ghi nhận theo nguyên tắc Paris (được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết 48/134 năm 1993). Có thể điểm qua vài nhiệm vụ nổi bật như: đệ trình khuyến nghị, đề xuất và báo cáo về các vấn đề liên quan đến nhân quyền lên Quốc hội, Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền khác; thúc đẩy sự đảm bảo hài hòa giữa pháp luật quốc gia với các chuẩn mực nhân quyền thế giới; nhận và xem xét đơn khiếu nại, tố cáo của cá nhân về các vi phạm đến quyền con người; hợp tác với cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc, tổ chức nhân quyền của quốc gia khác và các tổ chức nhân quyền phi chính phủ… Có thể nói, cơ quan nhân quyền quốc gia giữ vị trí quan trọng trong hệ thống cơ chế bảo vệ quyền con người của một quốc gia và thông thường không thuộc về nhánh quyền lực nhà nước nào. Bởi lẽ, để bảo đảm hoạt động hiệu quả, phát huy được khả năng thực thi nhiệm vụ theo thẩm quyền hiến định hoặc luật định, các cơ quan nhân quyền quốc gia này phải có tính độc lập tương đối. Hay nói cách khác, cơ quan này có vị trí trung gian, như “cầu nối” giữa nhà nước và đời sống xã hội.

          1. Mô hình của Pháp

          Ủy ban tư vấn quốc gia về quyền con người của Pháp là một trong những thể chế đầu tiên được xây dựng sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1947 theo sáng kiến của Rané Cassin. Trong thời gian đầu thành lập, Ủy ban đặc biệt tập trung vào luật nhân quyền quốc tế và tham gia vào quá trình soạn thảo Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Ủy ban được lãnh đạo bởi 01 Chủ tịch và 02 Phó Chủ tịch, là những người được các thành viên trong Ủy ban này bầu ra. Quyết định cao nhất được chấp thuận chỉ tại phiên họp toàn thể có mặt tất cả các thành viên.

          Cơ quan này họp 6 lần trong một năm nhằm thảo luận và thông qua các nghị quyết và công trình nghiên cứu. Công việc chính của Ủy ban được tiến hành bởi các tiểu ban họp thường kỳ theo từng tháng để thảo luận những vấn đề đáng chú ý, lắng nghe các chuyên gia và đại diện Bộ, ngành. Thành viên của tiểu ban được thành lập theo các chủ đề khác nhau như: nhân quyền và biến động xã hội, giáo dục về nhân quyền, cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc và bài ngoại…

          2. Mô hình của Hàn Quốc

          Ủy ban nhân quyền quốc gia của Hàn Quốc đã đi vào hoạt động từ tháng 11 năm 2001 dựa trên nền tảng một đạo luật được thông qua vào tháng 4 năm 2001. Ủy ban này hoạt động độc lập với các thiết chế khác trong bộ máy nhà nước với thẩm quyền tài phán không chỉ đối với các công dân Hàn Quốc mà những người nước ngoài đang sinh sống, làm việc tại quốc gia này cũng có thể chịu ảnh hưởng. Ủy ban gồm 11 ủy viên (trong đó có 01 vị trí Chủ tịch), Tổng thống sẽ đề cử 04 vị trí ủy viên và các ủy viên khác được lựa chọn bởi Quốc hội và Chánh án Tòa tối cao. Chuyên trách từng vấn đề là Ban thư ký (do Tổng thư ký đứng đầu) và gồm 05 Vụ: Hành chính và kế hoạch, Chính sách nhân quyền, Cục chống phân biệt đối xử, Giáo dục nhân quyền, Điều tra và giải quyết. Cơ quan này có một văn phòng chính thức đặt tại thủ đô Seoul và ba văn phòng khu vực với hơn 200 nhân viên làm việc chuyên trách.

          3. Mô hình của Uganda

          Ủy ban nhân quyền Uganda được thành lập theo quy định Hiến pháp năm 1995. Ủy ban có quyền tài phán trên toàn lãnh thổ nhưng không được điều tra về các vấn đề liên quan đến quan hệ giữa Chính phủ và các quốc gia, tổ chức quốc tế khác. Ủy ban gồm có Chủ tịch và các thành viên được bổ nhiệm bởi Tổng thống với sự chấp thuận của Quốc hội. Chủ tịch thường là thẩm phán của Tòa án dân sự tối cao hoặc cá nhân hội đủ điều kiện. Các thành viên có nhiệm kỳ 6 năm và có thể được tái bổ nhiệm. Thành viên Quốc hội, hội đồng chính quyền địa phương, ban chấp hành của các đảng phái chính trị hoặc các tổ chức và công chức không được tham gia vào Ủy ban.

          4. Mô hình của một số quốc gia Đông Nam Á

          Đông Nam Á chỉ có bốn quốc gia thành lập cơ quan chuyên phụ trách các vấn đề liên quan đến nhân quyền vào năm 2012 là Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan, trong đó cơ quan nhân quyền của Phillippines được thành lập sớm nhất vào năm 1986.

          Về cơ sở pháp lý của việc thành lập cơ quan quốc gia về quyền con người, Philippines và Thái Lan là hai quốc gia ghi nhận vấn đề này trong Hiến pháp, còn hai quốc gia còn lại ghi nhận trong Luật (Malaysia) hoặc Sắc lệnh (Indonesia). Bên cạnh đó, cơ quan của các quốc gia này đều có chức năng giải quyết khiếu kiện và có thể chuyển các vụ việc sang cơ quan tư pháp để xử lý. Ở Indonesia quyền hạn của cơ quan nhân quyền còn cho phép can thiệp hay hỗ trợ các quá trình thụ lý ở Tòa án liên quan đến vụ việc xâm phạm quyền con người khi được Tòa án cho phép. Ở Thái Lan, thiết chế này còn có thể xử phạt (phạt tiền hoặc tù) nếu từ chối không hiện diện hoặc cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc, có quyền gửi báo cáo đề xuất việc bồi thường cho cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý việc bồi thường. Đặc biệt, cơ quan nhân quyền ở Philippines có quyền đi thăm các cơ sở giam giữ, yêu cầu thả những người vô tội và khuyến nghị bồi thường thông qua Tòa án.

          5. Nhu cầu xây dựng cơ quan nhân quyền quốc gia tại Việt Nam

          Nếu xét theo các tiêu chí đặt ra ở nguyên tắc Paris thì hiện nay ở Việt Nam chưa có thiết chế nào có thể xem là cơ quan nhân quyền quốc gia, mặc dù chúng ta đã có được những cơ quan chuyên biệt phụ trách các vấn đề về quyền con người như: Hội đồng dân tộc, Ủy ban các vấn đề xã hội, Ủy ban văn hóa – giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng,… của Quốc hội; Ban Tôn giáo, Ủy ban dân tộc, Ban chỉ đạo nhân quyền thuộc Chính phủ. Chính vì thế, trong những năm tới đây, chúng ta cần phải đặt vấn đề cho việc ra đời của một cơ quan nhân quyền quốc gia vì những lẽ sau:

Một là, bảo vệ và phát triển nhân quyền là một nghĩa vụ quốc tế, cũng là một yêu cầu khách quan để đảm bảo sự tồn tại và phát triển toàn diện của con người. Và để làm được điều đó cần phải có một cơ quan với chức năng và nhiệm vụ thống nhất, toàn diện đảm đương. Thực tế đã cho thấy cơ quan quốc gia về quyền con người là một bộ phận cấu thành không thể thiếu trong quá trình đảm bảo nhân quyền trên thế giới.

Hai là, vấn đề nhân quyền đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành “miếng mồi chính trị” hấp dẫn cho các thế lực thù địch lợi dụng, chống phá nhà nước Việt Nam. Vì vậy, sớm hoàn thiện cơ chế, bộ máy chuyên trách về nhân quyền sẽ là một cách đối phó hữu hiệu trước cơn bão “xuyên tạc” về nhân quyền tại Việt Nam.

Ba là, với chức năng và nhiệm vụ được pháp luật quy định, cơ quan nhân quyền quốc gia sẽ là một thiết chế hữu ích giúp nhà nước giải quyết được những khó khăn, vướng mắc thông qua việc tư vấn, trợ giúp độc lập, khách quan các vấn đề liên quan đến nhân quyền; đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế và tăng uy tín của Việt Nam với các quốc gia trên thế giới; đặc biệt, đây là thiết chế trung gian làm giảm thiểu căng thẳng, bất đồng giữa cá nhân, tổ chức và nhà nước nếu xảy ra các vụ việc về quyền con người.

          Nhìn chung, để xây dựng một cơ quan nhân quyền quốc gia đòi hỏi phải có một lộ trình lâu dài, nghiên cứu và học tập các mô hình ở nhiều nước trên thế giới để thành lập một thiết chế hoàn chỉnh nhất. Tuy nhiên, những yếu tố sau đây cần được lưu ý đó là chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan; tính độc lập của cơ quan này đối với những thiết chế khác; về việc bổ nhiệm, tuyển chọn nhân sự phù hợp trong cơ quan… Dựa trên các yếu tố này, người viết cho rằng có 02 phương án có thể xem xét, đó là: (i) thành lập Ủy ban nhân quyền hoặc (ii) trên nền tảng các cơ quan của Quốc hội và thuộc Chính phủ cải tổ, hợp nhất để trở thành Hội đồng nhân quyền quốc gia. Với việc thành lập một thiết chế bảo vệ nhân quyền một cách độc lập, người viết nghĩ rằng đây sẽ là một bước tiến bộ vượt bậc trong quá trình thực thi và đảm bảo quyền con người tại Việt Nam trong tương lai./.

Tài liệu tham khảo

Vũ Công Giao, Cơ quan nhân quyền quốc gia, vị trí của nó trong Hiến pháp trên thế giới và gợi ý cho Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 6, 2012

Học viện Chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh: Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ năm 2010 – 2011 về Tổ chức và hoạt động của cơ quan nhân quyền quốc gia một số nước ASEAN và Trung Quốc – Kinh nghiệm đối với Việt Nam, Hà Nội, 2011

Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội – Trung tâm nghiên cứu quyền con người, quyền công dân: Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong khu vực ASEAN, Nxb Lao động xã hội, Hà Nội, 2012.