Agrégateur de contenus

null Chủ tịch Hồ Chí Minh với mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào

Trang chủ Bài viết

Chủ tịch Hồ Chí Minh với mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào

NCS. Nguyễn Thanh Tuấn

Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Tóm tắt

          Việt Nam – Lào là hai nước láng giềng núi sông liền một dải, quan hệ gắn kết anh em giữa hai dân tộc đã được hình thành từ trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của hai quốc gia – hai dân tộc và được nâng lên tầm cao mới khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân cách mạng Lào. Đây là mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thủy chung giữa Nhân dân hai nước Việt Nam – Lào dày công vun đắp, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, đã trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung hiếm có. Tình cảm của Nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và chính Người cùng đồng chí Chủ tịch Kayxỏn Phômvihản, đồng chí Chủ tịch Xuphanuvông cùng các thế hệ lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, Nhân dân hai nước kế tiếp dày công vun đắp.

Từ khóa: Hồ Chí Minh, đoàn kết, Việt Nam – Lào, quan hệ đặc biệt, đối ngoại.

1. Đặt vấn đề

          Quan hệ Việt Nam – Lào là mối quan hệ đặc biệt, thủy chung và hiếm có trong lịch sử thế giới đương đại. Đây không chỉ là kết quả của tiến trình cách mạng lâu dài mà còn là thành quả từ tư duy chiến lược và hành động thực tiễn của các nhà lãnh đạo tiền bối, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người không chỉ định hướng, mà còn trực tiếp thiết lập và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị bền chặt giữa hai dân tộc ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương.

          2. Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt - Lào

2.1. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người khởi xướng quan hệ đoàn kết Việt – Lào từ tư tưởng đến hành động

          Trong những thập kỷ đầu thế kỷ XX, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam là Nguyễn Ái Quốc đã dày công nghiên cứu lý luận và trực tiếp kiểm nghiệm thực tiễn về bản chất và mô hình các cuộc cách mạng trên thế giới nhằm phát hiện chân lý cứu nước. Người vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam và Đông Dương để xác định con đường giải phóng của dân tộc Việt Nam và dân tộc Lào theo quỹ đạo cách mạng vô sản.

Trong quá trình đó, Nguyễn Ái Quốc luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến tình hình Lào. Người không chỉ lên án chế độ thực dân Pháp nói chung mà còn tố cáo cụ thể sự tàn bạo của thực dân Pháp ở Lào. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - một trong những tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc trực tiếp sáng lập vào tháng 6 năm 1925 tại Quảng Châu (Trung Quốc), đến tháng 2 năm 1927, Hội này gây dựng được cơ sở tại Lào.

Trên thực tế, từ nửa sau những năm 20 của thế kỷ XX, Lào là một đầu cầu trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng cứu nước mới của Nguyễn Ái Quốc vào Đông Dương; đồng thời là địa bàn để Người nắm tình hình và tìm kiếm con đường trở về Việt Nam. Năm 1928, đích thân Người bí mật tiến hành khảo sát thực địa tại Lào càng cho thấy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

Năm 1930, ngay từ khi thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương liên kết chặt chẽ phong trào cách mạng ba nước Đông Dương. Người xác định: “Cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia là ba dòng thác cùng đổ về một hướng – đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội.” Tư tưởng quốc tế vô sản của Người là nền tảng vững chắc cho sự ra đời và thiết lập mối quan hệ đoàn kết cách mạng giữa Việt Nam và Lào.

Hồ Chí Minh đã chủ động cử cán bộ cách mạng sang Lào gây dựng cơ sở, xây dựng tổ chức, đào tạo cán bộ và hướng dẫn phong trào yêu nước tại Lào. Nhiều cán bộ Lào đầu tiên đã được học tập và trưởng thành trong môi trường cách mạng Việt Nam. Đó là kết quả trực tiếp từ chỉ đạo của Hồ Chí Minh, thể hiện vai trò thiết lập chiến lược một cách chủ động, có tầm nhìn xa.

2.2. Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập nền tảng pháp lý và chính trị cho quan hệ đặc biệt Việt – Lào

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cách mạng Lào trên tinh thần quốc tế vô sản, mà còn trực tiếp thiết lập cơ sở pháp lý và chính trị đầu tiên cho mối quan hệ hai nước. Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện mừng, công nhận Chính phủ Lào It-xa-la, thể hiện rõ lập trường chính trị của Việt Nam đối với nền độc lập và chính danh của nước bạn.

Chính Người đã chỉ đạo tiến hành ký kết Hiệp ước Tương trợ Lào – Việt (1945) và sau đó là Hiệp định về tổ chức liên quân Lào – Việt, đặt nền móng pháp lý và cơ chế cho liên minh chiến đấu, chính thức thiết lập mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai quốc gia đang đấu tranh giành độc lập.

2.3. Vai trò chỉ đạo trực tiếp trong liên minh chiến đấu Việt – Lào

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người xác định chiến lược: “Giúp bạn là giúp mình”. Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người kiên trì đường lối liên minh chiến đấu Việt – Lào – Campuchia. Người nói: “Hai dân tộc Việt – Lào sống bên nhau trên cùng một dải đất, cùng có chung một dãy núi Trường Sơn. Hai dân tộc chúng ta đã nương tựa vào nhau, giúp đỡ lẫn nhau...”.

Đường Hồ Chí Minh xuyên qua đất Lào là một trong những minh chứng cụ thể nhất cho sự chỉ đạo tài tình và tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng quan hệ đồng chí, anh em giữa hai dân tộc. Mối quan hệ chiến đấu “cùng ăn, cùng ở, cùng đánh giặc” giữa bộ đội Việt Nam và lực lượng Pa-thét Lào đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt, có một không hai trên thế giới.

2.4. Vai trò kiến tạo và trao truyền mối quan hệ đặc biệt

Không chỉ dừng lại ở việc thiết lập và chỉ đạo trong kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng đội ngũ kế cận, đào tạo thế hệ cán bộ cho Lào. Người nhấn mạnh việc giúp bạn phát triển giáo dục, đào tạo cán bộ, y tế và kinh tế sau chiến tranh.

Chính Người đã truyền cảm hứng cho các nhà lãnh đạo Lào như Chủ tịch Cayxỏn Phômvihản, Chủ tịch Suphanuvong về tinh thần đoàn kết, lòng tin và cam kết chung thủy trong quan hệ hai nước. Những tư tưởng này trở thành định hướng cơ bản cho toàn bộ đường lối đối ngoại của cả hai Đảng, hai Nhà nước về sau.

3. Kết luận

Có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thiết lập nền tảng, mở đường và định hình mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào. Từ tư tưởng đến hành động, từ chiến lược đến thực tiễn, Người đã xây dựng một mô hình mẫu mực trong quan hệ quốc tế, mang đậm tính nhân văn, chiến lược và thủy chung.

Di sản tư tưởng và chính sách mà Hồ Chí Minh để lại đã trở thành nền tảng tinh thần, kim chỉ nam cho mối quan hệ Việt – Lào suốt hơn 90 năm qua. Trong bối cảnh hiện nay, việc gìn giữ, phát huy và truyền tiếp di sản ấy là nhiệm vụ thiêng liêng của cả hai dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

-  Nguyễn Phú Trọng (2022), Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (1962–2022), Hà Nội.

-  Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập – Tập 1, NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

-  Viện Lịch sử Đảng (2005), Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam – Tập I, NXB Chính trị quốc gia.

-  Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập – Tập 6, NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

-  Bộ Ngoại giao Việt Nam (2012), Quan hệ Việt – Lào: Di sản quý báu của hai dân tộc, Tài liệu tuyên truyền, Hà Nội.

-  Ban Tuyên giáo Trung ương – Bộ Quốc phòng (2017), Tuyến đường Hồ Chí Minh – Biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu Việt – Lào – Campuchia, NXB Quân đội Nhân dân.

-  Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập – Tập 12, NXB Chính trị quốc gia Sự thật.

-  Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập – Tập 10, NXB Chính trị quốc gia Sự thật