Sisältöjulkaisija

null Nhu cầu rèn luyện tư duy phản biện cho học viên Trung cấp lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp trong tình hình mới

Chi tiết bài viết Bài viết

Nhu cầu rèn luyện tư duy phản biện cho học viên Trung cấp lý luận chính trị ở Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp trong tình hình mới

Ths. Mai Quang Khả

Ths. Phạm Thị Mỹ Nhung

Mở đầu

Trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay, công tác giáo dục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đang đứng trước thử thách mới. Việc nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo yêu cu giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng luôn là vấn đề quan trọng và cấp bách.

Hệ thống các Trường Chính trị nói chung, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp nói riêng, đã và đang không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao kiến thức, năng lực và kỹ năng cần thiết cho học viên, trong đó chú trọng nâng cao năng lực tư duy phản biện cho học viên, khắc phục lối thụ động một chiều.

Nội dung

Có thể hiểu Tư duy phản biện là hình thức của tư duy mà chủ thể nhận thức có thể phủ định hoặc khẳng định một kết quả nhận thức qua việc xem xét lại một tình huống, một vấn đề nào đó theo quan điểm, chính kiến của chủ thể trên cơ sở vận dụng một cách chủ động, nhuần nhuyễn, sáng tạo những tri thức, phương pháp nhất định.

Thực hiện Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị, hành chính; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý hành chính Nhà nước và một số lĩnh vực khác.

Đối với học viên hệ trung cấp lý luận chính trị, trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp cần phải nâng cao năng lực tư duy phản biện. Nghĩa là cần nâng cao năng lực tiếp nhận thông tin trong tư duy có căn cứ, lý lẽ; năng lực xử lý thông tin; Nâng cao năng lực phát hiện vấn đề mới trong thông tin; năng lực phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác để xác định lại tính chính xác của thông tin; Nâng cao năng lực sử dụng thành thạo, nhuần nhuyễn cả nội dung và phương pháp tư duy để phát hiện và có phương pháp xử lý tốt vấn đề.

Năng lực tư duy phản biện của học viên hệ trung cấp lý luận chính trị là khả năng đào sâu suy nghĩ để nắm vững kiến thức về lý luận chính trị, vượt ra khỏi những suy nghĩ có sẵn để rèn luyện tư duy độc lập; là khả năng phát hiện, phân tích những vấn đề nảy sinh trong quá trình học tập, nghiên cứu; là khả năng suy nghĩ tích cực và đa chiều trên cơ sở tôn trọng, lắng nghe ý kiến của người khác, phát hiện ra những hạn chế, khắc phục những định kiến, giáo điều trong học tập và nghiên cứu lý luận chính trị; là khả năng đưa ra những ý kiến mới, hợp lý trong quá trình học tập.

Nâng cao năng lực tư duy phản biện của học viên hệ trung cấp lý luận chính trị là sự chuyển biến về nhận thức, bao gồm cách tiếp cận, nhận diện, phát hiện vấn đề, tìm kiếm dữ liệu, so sánh, phân tích, khẳng định bản chất, giá trị khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh, quan điểm của Đảng, đường lối, chính sách – pháp luật của Nhà nước; là năng lực phê phán, tự phê phán, tự nghiên cứu, học tập các môn lý luận chính trị  góp phần tiếp thu kiến thức cho bản thân để phục vụ hoạt động thực tiễn.

Nâng cao năng lực tư duy phản biện có vai trò quan trọng đối với học viên hệ trung cấp lý luận chính trị, nó giúp cho học viên có khả năng quan sát, khả năng tư duy logic, khả năng tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, tự phản biện và phản biện lại các ý kiến về một vấn đề nào đó đặt ra trong cuộc sống cũng như trong công tác, giúp cho công việc đạt hiệu quả cao.

Vì vậy để nâng cao năng lực tư duy phản biện cho học viên hệ trung cấp lý luận chính trị, ngoài việc phát huy vai trò của giảng viên và nhà trường thì đòi hỏi học viên trong quá trình học tập phải tự giác trong học tập, chủ động trong trao đổi ý kiến với giảng viên, tránh lối tư duy một chiều.

Kết luận

Học viên hệ trung cấp lý luận chính trị trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp là những cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức, dự nguồn của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp trong tỉnh, giữ vị trí quan trọng trong công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể. Với vị trí và vai trò của mình, họ phải thường xuyên đào sâu suy nghĩ nhằm có ý tưởng mới, có dự định, kế hoạch mới phù hợp để thực thi nhiệm vụ của mình. Để những ý tưởng đó trở thành hiện thực, mang lại hiệu quả cao trong quá trình xây dựng, phát triển cơ quan, đơn vị và địa phương,.. họ phải thường xuyên tư duy lật đi, lật lại vấn đề, thẩm định, đánh giá, bác bỏ, phủ định, bổ sung hoặc lựa chọn những chủ trương, chính sách, đề án phù hợp. Vì vậy, ngoài những yêu cầu chung của người cán bộ như có năng lực chuyên môn, có phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo trong công việc thì họ còn cần phải có năng lực tư duy phản biện. Hơn nữa, trong điều kiện đổi mới, với hội nhập quốc tế sâu rộng, trình độ dân trí không ngừng được nâng cao và thông tin cập nhật, thì bên cạnh việc phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, còn cần phải có năng lực tư duy phản biện. đây là kỹ năng quan trọng giúp học viên phân tích, đánh giá, lựa chọn ý tưởng mới nhằm xây dựng chủ trương, quyết sách và chỉ đạo thực tiễn một cách sáng tạo và đạt hiệu quả cao nhất.