Publicador de contenidos

null Phát triển kinh tế vào mùa nước nổi tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Bài viết

Phát triển kinh tế vào mùa nước nổi tại xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp

Lê Thị Thanh Kiều

Khoa Lý luận cơ sở

Thường Phước 1 nằm ở phía Bắc của huyện Hồng Ngự với diện tích tự nhiên trên 3.400ha[1]. Xã cách trung tâm Huyện 7km có 5 ấp với 123 Tổ Nhân dân tự quản. Về vị trí địa lý, phía Đông Thường Phước 1 giáp xã Thường Thới Hậu A, phía Tây giáp tỉnh An Giang với ranh giới là sông Tiền, phía Nam giáp xã Thường Phước 2 và phía Bắc giáp với nước bạn Campuchia. Kinh tế chủ yếu của nhân dân địa phương Thường Phước 1 là trồng trọt, chăn nuôi.

Là một xã biên giới nên trong công cuộc xây dựng và phát triển, xã Thường Phước 1 có xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm, sự đồng thuận của Đảng bộ và Nhân dân cũng như sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước nên địa phương có bước phát triển vượt bậc. Ngày 30/5/2023, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã biên giới Thường Phước 1 – xã đầu tiên của huyện Hồng Ngự tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao[2]. Đây là cơ sở để địa phương tiếp tục các hoạt động nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cho nhân dân, nhất là trong điều kiện ưu thế của một địa phương đầu nguồn vào mùa nước nổi với những cách làm đem lại giá trị kinh tế.

Trước hết, xã Thường Phước 1 thực hiện mô hình nuôi trữ cá đồng trong mùa nước nổi. Mô hình này được thực hiện chủ yếu tại ấp Giồng Bàng từ năm 2023 và đem lại hiệu quả, lúc đầu chỉ có sự tham gia của khoảng 65 hộ dân trên diện tích 100ha. Hiện nay, đã thu hút thêm nhân dân tham gia và nhân rộng với 95 hộ trên diện tích 150ha. Qua đó, vào tháng 7 âm lịch khi nước về, các hộ gia đình tất bật chuẩn bị nuôi trữ cá đồng, đến khoảng tháng 10 âm lịch, bắt đầu thu hoạch.

Đây là mô hình được sự quan tâm của chính quyền địa phương, hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời cũng tận dụng được thời gian nhàn rỗi sau vụ lúa của các gia đình. Sau khi thu hoạch nguồn lợi thủy sản, các hộ tham gia vào mô hình được chia đều nguồn thu nhập. Năm 2023, trừ các khoản chi phí, tổng số 65 thành viên trong Tổ nuôi trữ cá đồng có nguồn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng[3]. Có thể nói rằng, đây là hướng đi hiệu quả, mang lại sinh kế bền vững và nguồn thu nhập cho các hộ gia đình trong mùa nước nổi.

Phát triển buôn bán tại các chợ biên giới trên địa bàn đang được chú trọng góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nhân nhân địa bàn biên giới. Theo đó, chợ biên giới Thường Phước 1 thu hút trung bình 200 - 300 người dân nước bạn sang chợ trong ngày. Các mặt hàng chủ yếu được buôn bán tại chợ là các loại thủy sản đánh bắt từ các cánh đồng ngập nước của khu vực đầu nguồn Hồng Ngự và các khu vực lân cận. Khi nước lũ tràn về cũng là lúc chợ vùng biên xã Thường Phước 1 trở nên sôi động hơn bao giờ hết.

Ngoài ra, vào mùa nước nổi xã Thường Phước 1 có thể phát triển du lịch trãi nghiệm. Mùa nước nổi có những khó khăn nhưng hơn hết là dịp để du khách khám phá những vẻ đẹp huyền bí của thiên nhiên tại xã Thường Phước 1. Cũng như các mô hình Chợ quê ở Tràm Chim (huyện Tam Nông); Chợ quê Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh), Chợ quê Long Thuận, Chợ phiên làng nghề dệt choàng Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) du lịch trãi nghiệm tại Thường Phước 1 nhằm thúc đẩy và phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, gắn với du lịch nông thôn. Đến đây, du khách được thưởng thức các món đặc sản mùa nước nổi như cá linh, các lóc, cá rô đồng, chuột đồng, … được chế biến nhiều hình thức hấp dẫn.

Người dân Thường Phước 1 có được giá trị kinh tế khá nhiều trong mùa nước nổi. Qua đó, ruộng đồng được nghỉ ngơi, tháo chua rửa phèn, được cung cấp phù sa,… cho vụ sản xuất tiếp theo và cũng tận dụng lúc này để phát triển du lịch đặc trưng. Tham quan trãi nghiệm cánh đồng nước nổi sẽ giúp du khách có thể ngắm nhìn ánh bình mình lấp lánh trên những cánh đồng mênh mông biển nước. Có thể đắm chìm cung nông dân đánh bắt cá thiên nhiên. Có thể tìm về và hiểu hơn về cuộc sống bình dị - thật thà - chất phác của người dân vùng biên. Đồng thời có thể tham quan cột mốc 240 phân định đường biên giới Quốc gia giữa Việt Nam và Campuchia và tham quan mua sắm đồ lưu niệm tại chợ biên giới Thường Phước. Đặt biệt là được thưởng thức các món ăn đồng quê có chỉ riêng tại vùng biên này.

Người dân Đồng Tháp nói chung và người dân xã biên giới Thường Phước 1 nói riêng luôn trông chờ “mùa nước nổi” một cách tự nhiên. Nước nổi không chỉ gắn với những kỷ niệm đẹp mà hơn hết, người dân biết tận dụng giá trị đặc trưng này để phát triển kinh tế theo hướng vừa khai thác, vừa bảo tồn vì đây là hướng đi tất yếu để giúp nhân dân vùng đầu nguồn thực sự có những “mùa lũ đẹp”./.


[1] Https://hongngu.dongthap.gov.vn/chi-tiet-bai-viet/-/asset_publisher/1mOzUrGkrdAE/content/id/10280825.

[2] Https://thdt.vn/tin-tuc/thuong-phuoc-1-xa-dau-tien-cua-h-hong-ngu-dat-chuan-ntm-nang-cao

[3] Https://www.baodongthap.vn/kinh-te/bo-truong-le-minh-hoan-tham-mo-hinh-nuoi-tru-ca-dong-mua-nuoc-noi-125268.aspx