Publicador de contenidos

null Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành” trong quá trình học tập của học viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Bài viết

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành” trong quá trình học tập của học viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Võ Châu Hạnh

Chi bộ lớp Trung cấp LLCT Khóa 62

 

Với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý hành chính Nhà nước và một số lĩnh vực khác. Trong quá trình giảng dạy, các giảng viên của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp luôn quan tâm hàng đầu đến việc trang bị cho người học hệ tư tưởng, cơ sở lý luận vững chắc, cũng như năng lực vận dụng cơ sở lý luận ấy vào đời sống và thực tiễn công việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

1. Tính cấp thiết của yêu cầu gắn kết lý luận và thực tiễn trong quá trình học tập

Trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước, cán bộ đảng viên, người lãnh đạo, quản lý luôn là đội ngũ đóng vai trò quan trọng trong công tác tham mưu, hoạch định đường lối, các chính sách, chủ trương, quyết định…Trong đó, tính thực tiễn, tính khả thi và phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội ở mỗi địa phương sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của người dân. Chính vì thế, ngoài cơ sở lý luận và các kiến thức tổng quan liên quan đến lĩnh vực phụ trách, đội ngũ này cần có sự đầu tư, đi sâu sát thực tế, cọ xát thực tiễn, để từ đó tạo sự gắn kết, liên thông giữa lý luận và thực tiễn, góp phần đưa ra quyết định đúng đắn, có lợi cho tập thể, quốc gia, dân tộc.

Vận dụng đúng đắn và sáng tạo phong cách, tư tương của Bác, Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách” [3]. Điều này cho thấy tầm quan trọng trong mối quan hệ biện chứng giữa lý luận và thực tiễn, nó đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhà lãnh đạo, quản lý phải luôn quan tâm, thực hành thường xuyên. Và để tạo cơ sở nền tảng thực hiện hiệu quả quan điểm này của Đảng, cần thiết phải đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại” [4] để không ngừng nâng cao năng lực gắn kết giữa lý luận và thực tiễn cho các thế hệ học viên, đặc biệt là tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị.

2. Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành” của học viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

2.1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành

Hơn 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác Hồ đã sớm tiếp cận với hệ thống các quan điểm, tư tường, học thuyết tiến bộ trên thế giới. Với góc nhìn toàn diện, Người đã sớm nhận định rằng “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[5]. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, con người muốn cải tạo được thế giới cần phải có những hiểu biết (tri thức) về nó bằng cách tác động vào thế giới khách quan thông qua hoạt động thực tiễn. Vận dụng quan điểm ấy, Bác cho rằng: “Lý luận là sự tổng kết kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá tình lịch sử”[5]. Theo đó, lý luận được hình thành dựa trên việc tổng kết kinh nghiệm từ thực tiễn, đồng thời, lý luận cần phải được bổ sung, hoàn thiện, phát triển thông qua quá trình tổng kết kinh nghiệm thực tiễn mới mẻ, đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, xét trên bình diện quan hệ giữa hai yếu tố này, đòi hỏi thực tiễn đúng đắn phải được dẫn dắt, soi đường bằng lý luận khoa học đúng đắn, nếu không thì thực tiễn sẽ là trở thành mù quáng, mất phương hướng. Chính vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến tính thực tế thiết thực của sự việc. Đồng thời, trong học tập phải gắn liền với mục tiêu và yêu cầu của công việc; học phải đi đôi với hành; đi từ nhận thức đến hành động; học trên mọi phương diện, từ sách vở đến hiện thực cuộc sống thông qua những người xung quanh; học tập cốt yếu là nắm được tinh thần và phương pháp để nhận thức đúng giải quyết tốt thực tế công việc.

Thực tiễn quá trình lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng của Bác Hồ chính là minh chứng cụ thể nhất trong việc gắn kết giữa lý luận với thực tiễn thông qua việc phong cách làm việc “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng” [1].  Quan điểm này của Người mang giá trị vô cũng sâu sắc, có sức lan tỏa lâu bền và góp phần đưa chính trị vào đời sống dân gian một cách hiệu quả nhất, gần gũi và mộc mạc nhất. Từ đó, đã huy động được sức mạnh to lớn của toàn dân, làm nên những thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sinh thời, Người cũng chỉ rõ: “Lý luận phải liên hệ với thực tế. Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông” [2].

2.2. Thực tiễn quá trình vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành” của học viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

2.2.1. Những kết quả đạt được

a) Vận dụng trong việc thực hiện tác phong, nền nếp

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Nhà trường là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực phụng sự cho tỉnh nhà, cho người dân, việc xây dựng phong thái, hình ảnh và tác phong cho học viên luôn được chú trọng quan tâm. Trong đó, đặc biệt nhất là hình thành cho học viên thói quen làm việc khoa học, đúng giờ; thay đổi từ tư duy chấp hành sang tự giác thực hiện đối với các nội quy, quy định trong thời gian học tập tại Trường và tiếp tục phát huy tại cơ quan công tác.

b) Vận dụng trong quá trình học tập

Trong quá trình học tập, ngoài việc được trang bị hệ thống kiến thức về cơ sở lý luận theo khung chương trình học, học viên còn được các giảng viên giới thiệu những thành tựu mới, hướng dẫn các phương pháp nghiên cứu nhằm phát triển năng lực tư duy logic để liên hệ thực tiễn địa phương trong từng nội dung, bài học cụ thể. Đồng thời, học viên được thực hành đối với các bài học về kỹ năng như ứng xử, giải quyết tình huống, tuyên truyền, vận động…

Học viên tham gia các hoạt động rèn luyện, thực hành kỹ năng trên lớp học

Ngoài ra, học viên cũng được tham gia các hoạt động nghiên cứu thực tế nhằm củng cố tri thức, đối chiếu cơ sở lý luận đã được học với việc triển khai trong điều kiện thực tiễn, học tập những mô hình, cách làm mới; lồng ghép sinh hoạt chuyên đề của các chi bộ với cuộc thi đa dạng về hình thức và phong phú về nội dung. Thông qua đó, không chỉ giúp cho người học hệ thống lại tri thức mà quan trọng hơn là có thể vận dụng phương pháp luận một cách sáng tạo để tự mình chiếm lĩnh những tri thức mới, vận dụng lý luận để giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Học viên tham gia nghiên cứu thực tế về công tác xây dựng Đảng tại TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng

Bên cạnh đó, học viên được khuyến khích và tạo điều kiện thực hành các kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể, kỹ năng làm việc nhóm nhằm phát huy sức mạnh đoàn kết của tập thể. Ngoài ra, hệ thống cơ sở lý luận, kiến thức được học tại Trường cũng là cơ sở nền tảng quan trọng giúp cho học viên phát triển tư duy khoa học, tư duy logic và vận dụng tối đa trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng thông qua việc tham gia cuộc thi viết chính luận.

c) Tham gia các hoạt động, phong trào trong Nhà trường

Ngoài hoạt động chính là học tập, học viên còn được tạo điều kiện rèn luyện sức khỏe thông qua các mô hình tập luyện và thi đấu thể dục thể thao. Ngoài mục tiêu nâng cao trí lực, thể lực để học tập và làm việc tốt, các hoạt động này còn là cơ sở tạo nên sự kết nối giữa giảng viên và học viên, góp phần xây dựng môi trường đoàn kết, hỗ trợ trong Nhà trường. Bên cạnh đó, các chi bộ lớp học có sự giao lưu, kết nối, cũng như chủ động phát động các phong trào, chương trình hành động cụ thể như tham gia trồng cây xanh, dọn vệ sinh trường lớp,… nhằm đóng góp cho môi trường và sự phát triển của Nhà trường.

Giao lưu thể thao giữa các lớp Trung cấp Lý luận chính trị

2.2.2. Một số tồn tại

Do đặc thù về thời gian và hình thức học tập, việc tham gia một số hoạt động đối với các lớp học hệ không tập trung đôi lúc còn bị giới hạn. Điều này dẫn đến việc Nhà trường chưa có cơ hội phát hiện năng lực của từng học viên hoặc giúp học viên chinh phục những mục tiêu mới về năng khiếu, sở trường. Đồng thời, học viên chưa có nhiều cơ hội vận dụng cơ sở lý luận, kiến thức trong trong quá trình học tập để thực hành ngay trong môi trường học tập ở Nhà trường thông qua các cuộc thi, phong trào.

3. Biện pháp nâng cao hiệu quả việc vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành” của học viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, việc vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành cần được phát huy và đẩy mạnh hơn nữa thông qua một số biện pháp như sau:

3.1. Đối với giảng viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Một là, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về phương pháp giảng dạy, tăng cường vận dụng các hình thức tổ chức lớp học hiện đại, các lớp học đảo ngược nhằm phát huy tối đa vai trò trung tâm của người học trong qua trình học tập.

Hai là, chú trọng cung cấp cho người học phương pháp tự học, tự nghiên cứu nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo hướng phù hợp với từng đối tượng, phát huy tính tự giác, tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tự học tập để nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị và phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ.

Ba là, không ngừng cập nhật những chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước, những thành tựu khoa học và công nghệ mới để lồng ghép vào quá trình giảng dạy, từ đó, giúp học viên thấm nhuần lý luận và năng động, sáng tạo trong mọi hoạt động thực tiễn.

3.2. Đối với học viên

Một là, tiếp tục đổi mới phương pháp tiếp cận các vấn đề nghiên cứu, học tập dựa trên việc cụ thể hóa những giá trị của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sao cho phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị công tác.

Hai là, đẩy mạnh nghiên cứu, cập nhật những vấn đề mới, mang tính thời sự, kết hợp với việc vận dụng cơ sở lý luận đã tiếp thu để giải quyết tốt các mối quan hệ, một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đổi mới đất nước, từ đó làm cơ sở khoa học cho việc tham mưu, hoạch định đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ba là, từ việc gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành, trong thực tế công tác tại đơn vị, cần tăng cường đấu tranh phản bác có hiệu quả, kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch. Ða dạng hóa hình thức đấu tranh bảo vệ nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế phối hợp và trao đổi thông tin, chủ động nắm bắt âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá của các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị; chú trọng xây dựng luận cứ đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch. Tích cực đóng góp trong công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nhân cách trong sáng, tinh thần cách mạng triệt để, tiến hành thành công sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ đất nước.

Như vậy, việc vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gắn lý luận với thực tiễn, học đi đôi với hành là một yếu tố tiền đề quan trọng giúp hiện thực hóa, cụ thể hóa lý luận khoa học và kiến thức, trên cơ sở đó, mỗi học viên có khả năng xây dựng kế hoạch cá nhân để học tập, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ lý luận và vận dụng lý luận vào thực tiễn thông qua hành động, việc làm cụ thể, mang lại lợi ích cho quốc gia, dân tộc. Đồng thời, đây cũng là yếu tố quan trọng giúp cho học viên hình thành nên thế giới quan khoa học, không tuyệt đối hóa lý luận mà phải liên hệ với thực tiễn đất nước và thời đại.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 288.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, tr.496, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, tr.181-182, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, tr.82, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 2, tr. 289.