Publicador de contenidos

null Ấm áp từ những câu chuyện về nghĩa đồng bào tương thân, tương ái chung tay vượt qua bão lũ

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Ấm áp từ những câu chuyện về nghĩa đồng bào tương thân, tương ái chung tay vượt qua bão lũ

Lê Thị Nhật Sang

Khoa Nhà nước và Pháp luật

 

“…Việt Nam quê hương ta đẹp lắm mặc lửa khói giày xéo tháng năm.

Người Việt Nam da nâu mắt đen thảo thơm bất khuất như cành sen…”

Có lẽ chỉ đến khi cơn bão số 3 mang tên Yagi đổ bộ, kéo theo là mưa lũ ở nhiều khu vực tại Bắc Bộ thì chúng ta mới cảm nhận hết được những ca từ “thảo thơm”, “bất khuất” được nhạc sĩ Đông Thiên Đức khắc họa trong ca khúc “Một vòng Việt Nam” đầy tự hào đến như vậy.

Từ khi còn bé, chúng tôi đã được học rằng, Việt Nam là đất nước có vị trí địa lý chịu nhiều ảnh hưởng bởi thời tiết bất thường, đặc biệt là bão lũ. Sự khắc nghiệt ấy đã đi vào câu hát quen thuộc “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”. Cũng chính sự khắc nghiệt mà điều kỳ diệu nảy nở từ lòng người: tình yêu thương, sự chia sẻ và tinh thần đùm bọc đồng bào đã trở thành một phần không thể thiếu của người Việt Nam.

Bão lũ không phân biệt giàu nghèo, không hỏi thăm kẻ mạnh người yếu. Nhưng ngay khi tin tức về những ngôi làng bị lũ quét, sạt lở, ngập lụt, những mái nhà bị sập đổ được phát đi, người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc lại hướng về những nơi gặp thiên tai bằng tất cả trái tim mình. Những chuyến xe chở đầy nhu yếu phẩm nối dài hàng cây số, những người không giàu có vẫn sẵn sàng bớt đi bữa cơm để dành chút gạo, ít muối gửi vào vùng bão. Tất cả gom góp từ tình thương và sự thấu hiểu rằng, hôm nay người ta gặp nạn, ngày mai có thể mình là người cần giúp đỡ.

Cơn bão số 3 mang theo trận cuồng phong dữ dội đổ ập lên các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội cũng như nhiều tỉnh, thành ở khu vực phía Bắc đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho người dân. Cảnh tượng đổ nát, hoang tàn vẫn còn hiện rõ, phản ánh những mất mát và khó khăn mà hàng triệu người dân đang phải gánh chịu. Những tưởng đó đã là kết thúc “hành trình” của một siêu bão, mọi thứ sẽ sớm được tái thiết đưa cuộc sống người dân vùng tâm bão trở về như trước. Nhưng không dừng lại ở đó, bão qua đi và hoàn lưu bão lại tiếp tục gây mưa lũ, ngập lụt nặng nề, một loạt địa phương rơi vào cảnh ngập lụt, lũ quét, sạt lở nghiêm trọng. Những tin dữ như lũ quét, sạt lở đất, cầu sập, người mất tích, người bị cô lập bởi nước lũ, xe khách bị cuốn trôi... liên tục ập tới. Tất cả tạo nên một khung cảnh đau thương, mất mát đến nghẹn lòng bao trùm lấy các tỉnh đang gánh chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão vào những ngày đầu tháng 9….

Thế nhưng, bên cạnh những thông tin về sức ảnh hưởng và mức độ tàn phá khủng khiếp của bão lũ, đó là những hình ảnh cảm động về tình người, về những nghĩa cử cao đẹp hỗ trợ đồng bào giảm thiểu thiệt hại, chung tay vượt qua khó khăn, hoạn nạn cũng hiện diện khắp nơi. Một lần nữa, tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái của người dân Việt Nam trở thành điểm sáng giữa bão lũ, là minh chứng rõ nét cho sức mạnh dân tộc vượt qua thời điểm khó khăn, gian khổ.

Chắc hẳn trong chúng ta vẫn còn nhớ một loạt video được chia sẻ trên các diễn đàn mạng xã hội vào ngày 7/9 ghi lại hình ảnh những chiếc xe ô tô nối đuôi nhau tạo thành lá chắn di động, che chắn cho xe máy lưu thông an toàn trên các cầu tại Hà Nội (Thanh Trì, Vĩnh Tuy, Nhật Tân…) hay khoảnh khắc hai chiếc xe cùng chắn gió cho một người đi đường. Đây đều là những tư liệu quý giá ghi lại những hành động tuy nhỏ nhưng lay động lòng người của các tài xế giữa thời tiết giông bão.

Cũng trong ngày 7/9, khi cơn bão chuẩn bị ập vào Thủ đô Hà Nội, thời điểm mọi người đã yên ấm ở trong nhà tránh bão thì vẫn còn đó những mảnh đời lưu lạc, cơ nhỡ không biết đi về đâu. Lúc này, tinh thần tương thân tương ái, đùm bọc hỗ trợ lẫn nhau của người dân Việt Nam lại hiện diện rõ nét. Hàng loạt thông tin về các địa chỉ cung cấp nơi ở miễn phí cho người vô gia cư đã được chia sẻ rộng rãi. Với tốc độ nhanh chóng, những bài đăng, tổng hợp danh sách các địa chỉ căn hộ, chung cư mini cùng số điện thoại liên hệ đã kịp đến những người cần, giúp nhiều người gặp khó khăn tìm được nơi trú ẩn an toàn khi siêu bão đang cận kề. Đáng nói, không chỉ cung cấp chỗ ở, có người còn sẵn sàng trả tiền gọi taxi đưa người cơ nhỡ về tận nhà, cung cấp đồ ăn, thức uống, nhu yếu phẩm miễn phí...

Và khi cơn bão số 3 mới đi qua, khi người dân ở những vùng “tâm bão” vẫn đang gồng mình đối diện với thiệt hại, vậy nhưng khi nghe tin mưa lũ hoành hành ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nước ở các con sông, con suối vẫn dâng lên không ngừng, họ - những người vừa bị tổn thương sẵn lòng chung tay giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Tại Quảng Ninh, địa phương mới bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão, nhà cửa, đường phố chỉ là đống đổ nát nhưng người dân không nề hà lên đường đi cứu trợ cho các tỉnh Lào Cai và Yên Bái. Hay tại nơi khúc ruột miền Trung gánh chịu lũ lụt thường xuyên, không chỉ gửi lương thực cứu trợ, người dân nơi đây còn tình nguyện ra miền Bắc hỗ trợ vùng bão. Có lẽ câu nói vui “lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá… tả tơi” bỗng nhiên thật đúng trong trường hợp này.

Có thể nói rằng, trong cả triệu tấm lòng thảo thơm hướng về đồng bào đang chịu ảnh hưởng bởi bão lụt, để tìm ra một câu chuyện mang tính bao quát, đầy đủ thật không dễ dàng. Nhưng mạng xã hội, báo chí đã đề cập đến câu nói đầy cảm hứng của GS.TS. Lê Ngọc Thạch - Giảng viên thỉnh giảng Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) khi ông cầm cuốn sổ tiết kiệm của cả cuộc đời lên tới 1 tỉ đồng để đóng góp ủng hộ đồng bào. Số tiền ấy, ông nói là để dành từ tiền hưu trí, tiền đi dạy và cả tiền viết sách suốt nhiều năm qua. Thấy đồng bào miền Bắc đang khổ sở vì bão lũ, ông không kiềm lòng được nên quyết định cầm sổ tiết kiệm của mình ủng hộ hết. Ông chỉ giữ lại phần tiền lãi để lo cho các chương trình thiện nguyện khác. Ông chia sẻ: “Có thể 1 tỉ đồng là nhiều với đóng góp của một cá nhân, nhưng cũng chỉ là hạt cát so với những thiệt hại mà đồng bào miền Bắc đang gánh chịu”. Có lẽ, chính hai chữ “đồng bào” thiêng liêng đã hối thúc một thầy giáo già không hề tiếc khoản tiền rất lớn mà cả đời tích cóp. Chính hai chữ “đồng bào” khiến ông cảm thấy khoản tiền 1 tỉ đồng “chỉ như hạt cát”.

Không dừng lại ở đó, những đội phản ứng nhanh ở khắp các vùng miền, từ dải đất miền Trung còn nhiều gian khó đến miền Nam xa xôi cũng hướng về những trọng điểm lũ lụt phía Bắc, làm tất cả những gì có thể để san sẻ khó khăn, giúp vơi đi nỗi đau thương, mất mát của đồng bào. Nhiều người làm nghề chèo thuyền trên suối Yến đưa đón khách lên chùa Hương cũng hướng về vùng lũ, góp sức vào những mái chèo để đưa bà con đến nơi an toàn và vận chuyển, phân phát hàng cứu trợ, trong số đó có những người là phụ nữ.

Trên những cung đường, nhiều chuyến xe mang nhu yếu phẩm và các vật dụng cần thiết cho vùng lũ cũng đang hối hả nối đuôi nhau hướng về phía Bắc. Những chuyến xe đầy ắp tình nghĩa đồng bào. Trên mạng xã hội, nhiều tài xế thông báo sẵn sàng chở hàng miễn phí tới cho bà con vùng lũ; có những hội nhóm ô tô địa hình sẵn sàng đảm nhiệm việc chở hàng hóa cho bà con ở những khu vực đi lại khó khăn...

Xúc động biết bao, trong những thời điểm cam go nhất, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp xuống địa bàn, nắm tình hình thực tế, động viên, chia sẻ nỗi đau thương mất mát với bà con, chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai những công việc quan trọng, cấp thiết để nhanh chóng khắc phục hậu quả bão lũ. Cơ động liên tục trên nhiều khu vực đang chịu hậu quả nặng nề của mưa lũ, chiều 12/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với tấm áo ướt đẫm mồ hôi, tay chống gậy, chân lội bùn lầy xuống tận hiện trường vụ sạt lở đất ở thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai), kiểm tra công tác tìm kiếm cứu nạn, động viên bộ đội và các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại đây. Đau thắt lòng trước những mất mát và thiệt hại to lớn của bà con nơi đây, người đứng đầu Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương triển khai những việc cần kíp để tìm kiếm người bị nạn, đồng thời nhanh chóng ổn định cuộc sống cho bà con.

Hay hình ảnh đứng trước ống kính máy quay truyền hình, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã không kìm được xúc động, nghẹn lời, rưng rưng nước mắt khi nói về mất mát của đồng bào...

Tất cả những việc làm đó, hành động đó đều xuất phát từ lòng yêu thương con người với nhau, xuất phát từ mong muốn giúp đỡ không mong cầu lời khen ngợi hay cảm ơn, bởi đơn giản đó chính là truyền thống quý báu, tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, con người Việt Nam được lưu giữ suốt từ ngàn đời qua. Tất cả những câu chuyện trên, một lần nữa chứng minh, càng trong hoạn nạn, người Việt Nam càng đoàn kết; càng lúc gian khó, nguy nan, tinh thần bất khuất, kiên cường của người Việt Nam càng được nhân lên gấp bội. Và những hình ảnh ấy khiến chúng ta thêm tin tưởng, khó khăn sẽ sớm qua đi, những vùng đất đau thương hôm nay sẽ sớm gượng dậy, hồi sinh sau bão lũ. Cũng như cách mà cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang từng thể hiện trong bài thơ “Đất nước mình kỳ diệu phải không em”:

Đất nước mình rồi sẽ về đâu ư?

Sẽ đứng vững dù can qua, bão tố

….

Là dân Việt lòng ai không trăn trở

Ai không người nặng nợ với non sông”.

Biết rằng thiên tai là điều không thể tránh khỏi và lòng thương xót dành cho các địa phương như Thái Nguyên, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội,... là vô hạn, nhưng mỗi cơn bão dù có dữ dội đến đâu rồi cũng sẽ qua đi. Chúng ta có thể phải chịu đựng những tổn thất nặng nề và bão lũ có thể cuốn trôi tất cả của cải, vật chất nhưng chắc chắn có một thứ mà nó không thể làm cuốn đi, đó là tình nghĩa đồng bào luôn tỏa sáng rực rỡ ở bất kỳ nơi đâu trên dải đất hình chữ S. Và sau những trận bão, người ta không chỉ thấy sự mất mát mà còn cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị của sự yêu thương, của lòng nhân ái. Bão lũ đi qua, để lại những mảnh đời bất hạnh, nhưng đồng thời cũng là cơ hội để chúng ta nhận ra rằng, chỉ cần có tình người, mọi khó khăn rồi cũng sẽ qua.