Contentverzamelaar

null Học tập Bác trong xác định, xây dựng và giữ vững niềm tin để mỗi cán bộ đảng viên “Vững tin vào thắng lợi”

Chi tiết bài viết Bài viết

Học tập Bác trong xác định, xây dựng và giữ vững niềm tin để mỗi cán bộ đảng viên “Vững tin vào thắng lợi”

TS. Nguyễn Quốc Trung,

Phó trưởng Khoa Xây dựng Đảng

 Tiêu Viễn

Trong những ngày tháng lịch sử này, khi toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị đang quyết tâm, quyết liệt trong công tác sắp xếp các đơn vị hành chính; sắp xếp các cơ quan, tổ chức; tinh giãn đội ngũ cán bộ, công chức; tinh giảm biên chế trong các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị,…thì vấn đề xây dựng niềm tin, xác định niềm tin và giữ vững niềm tin được quan tâm và đặt lên hàng đầu, mà trước hết, quan trọng nhất là đội ngũ cán bộ đảng viên.

Để xác định rõ và giữ vững niềm tin trong bối cảnh hiện nay thì những câu chuyện, những lời huấn thị, những quan điểm cũng như phương pháp, cách thức xác định, xây dựng và giữ vững niềm tin của Bác là kim chỉ Nam để mỗi cán bộ đảng viên xây dựng niềm tin và “vững niềm tin vào thắng lợi” của “cuộc cách mạng” trong sắp xếp, tinh giãn tổ chức và đội ngũ cán bộ để đưa đất nước bước vào kỹ nguyên vươn mình, thực hiện và đạt được mục tiêu đã được đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người luôn có niền tin vững chắc, trước hết là tin vào chính mình, tin vào Nhân dân, tin vào dân tộc, vào tương lai đất nước. Khi tìm thấy và xác định con đường cách mạng, phương thức đấu tranh giành độc lập, Người luôn xác định niềm tin vững vàng vào Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, và đó chính là cội nguồn sức mạnh làm nên những thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người là hiện thân của đức tin kiên cường vào “những thắng lợi cuối cùng” của cách mạng Việt Nam, đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là tấm gương mẫu mực để Nhân dân trao gửi niềm tin. Những giá trị đó đã luôn được Đảng củng cố, phát huy, lan tỏa trong đội ngũ cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân trong mọi điều kiện, hoàn cảnh và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.

Với nền tảng vững chắc của niềm tin nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dù thử thách cam go đến đâu, Bác vẫn tin rằng Nhân dân là người làm nên chiến thắng, cách mạng cuối cùng sẽ thắng lợi vì có sức mạnh vô địch của nhân dân. Ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập, Người với tư cách là Chủ tịch Chính phủ lâm thời đã đề nghị tiến hành tổng tuyển cử càng sớm càng tốt. Nhiều người lúc bấy giờ lo lắng bởi dân ta tốt, nhưng chưa quen, chưa đủ nhận thức để có thể làm chủ lá phiếu của mình trong một thể chế dân chủ vừa mới được hình thành. Bên cạnh đó là tình cảnh thù trong, giặc ngoài đang gia tăng sức ép mọi mặt đối với Nhà nước công nông non trẻ. Có thể nói trong hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn có niềm tin vững chắc vào sức mạnh và sự sáng suốt của nhân dân. Nhiều tổ chức đã đề nghị Bác không cần ứng cử, Bác là đại biểu suốt đời của cách mạng, nhưng Bác đã ứng cử tại Hà Nội và Người đã trúng cử với số phiếu cao nhất.

Trước khi sang thăm nước Pháp, khi chính quyền non trẻ vừa mới thành lập, việc lãnh đạo Chính phủ gặp không ít khó khăn, nhưng Người vẫn giữ vững niềm tin tuyệt đối để giao toàn quyền điều hành cho cụ Huỳnh Thúc Kháng với lời căn dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, để rồi Cụ Huỳnh và Chính phủ đã đứng vững trước bối cảnh hết sức phức tạp của tình hình. Không những thế, chính niềm tin trọn vẹn của Người vào những người tài, những nhân sĩ trí thức giỏi của dân tộc đã thu hút được nhiều nhân sỹ, trí thức Việt Nam từ trong nước và ở nước ngoài từ bỏ giàu sang vinh hoa, phú quý, chấp nhận khó khăn, gian khổ để theo Bác làm cách mạng. Nhân cách lớn và niềm tin của Hồ Chí Minh đối với con người có sức lan tỏa, lôi cuốn mạnh mẽ để nhân dân đi theo Đảng làm cách mạng và đưa cách mạng và đưa sự nghiệp cách mạng tiến bước.

Trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” vào ngày 19 tháng 12 năm 1946, bằng tất cả niềm tin vào tương lai dân tộc, tin vào sức mạnh không gì lay chuyển nổi của nhân dân, tin vào sự lãnh đạo của Đảng, mặc dù đất nước trong hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Người vẫn khẳng định: “Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”[1]. Với niềm tin đó, Người đã truyền cảm hứng cho cả dân tộc để đưa đất nước vượt qua được hoàn cảnh khó khăn, tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với sự chênh lệch quá lớn về tất cả mọi mặt và sự áp đảo gần như tuyệt đối về quân sự, trong hoàn cảnh đó đại đa số quan điểm đều cho rằng, cách mạng không thể thắng lợi và đặc biệt, với sức mạnh vượt trội thực dân Pháp tin chắc rằng họ sẽ dễ dàng tiêu diệt lực lượng cách mạng Việt nam và đưa Đông Dương trở về thời kỳ thuộc địa. Tuy nhiên, bằng niềm tin vững chắc Hồ Chủ tịch đã khẳng định: “Khi ta bắt đầu kháng chiến, có người nhút nhát cho rằng: cuộc kháng chiến của ta là “châu chấu đá voi”. Nhưng chúng ta đã cả quyết trả lời những người lừng chừng và bi quan kia rằng: “Nay tuy châu chấu đấu voi, Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra”. “Sự thật đã chứng tỏ rằng “voi” thực dân đã bắt đầu lòi ruột...”…Dù là voi hay là sư tử, giặc Pháp cũng nhất định sẽ thua, mà kháng chiến của ta nhất định sẽ toàn thắng[2]. Niềm tin đó đã khơi dậy khát vọng của hơn hai mươi triệu đồng bào, để rồi dân tộc Việt Nam đã đưa ba chữ “Điện Biên Phủ” vào dòng chảy của lịch sử thế với chiến thắng “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và “ghi tạc vào lịch sử nước Pháp” với những dòng sử không thể xóa nhòa.

Kết thúc thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Nhân dân Việt Nam chưa một ngày được hưởng hòa bình thì một kẻ thù lớn và mạnh hơn rất nhiều lần thực dân Pháp lại đến. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là cuộc chiến không cân sức và ở vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến, khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng lực lượng không quân hùng hậu, vẫn kiên định và mãnh liệt với niềm tin chiến thắng của cả dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song Nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do! Đến ngày thắng lợi nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn![3].

Trong văn bản cuối cùng (Di chúc), Người đã để lại cho dân tộc Việt Nam một tài sản tinh thần vô giá, đó là một niềm tin sắt đá về tương lai của cách mạng Việt Nam, của cách mạng thế giới, cũng như nhiều vấn đề cụ thể khác. Người khẳng định: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn[4]. Niềm tin đó được hình thành từ thực tiễn cách mạng nước ta, sự vận động của lịch sử theo nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, cùng những dự báo thiên tài và chính xác về tiến trình diễn ra của đất nước, của xã hội. 

Thực hiện Di chúc của Người, cả nước sôi sục khí thế quyết tâm, tạo nên một khí thế cách mạng mạnh mẽ, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Ngoài chiến trường, bộ đội thi đua giết giặc lập công; ở hậu phương thực hiện khẩu hiệu: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”,… Quân và dân hai miền Nam - Bắc luôn kề vai, sát cánh đánh thắng và làm thất bại các chiến lược quân sự của Mỹ, buộc đế quốc Mỹ phải rút quân về nước. Với quyết tâm sắt đá ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ta thực hiện “đánh cho ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975, thực hiện trọn vẹn mong ước của Người.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào của cách mạng, Bác vẫn luôn giữ vững niềm tin và từ trong quá trình đó, mỗi người chúng ta đều có thể nhận ra được những căn cứ để Người xác thực niềm tin, đó là: tin vào thực tiễn cuộc sống; tin vào sức mạnh không gì có thể địch lại của nhân dân; tin vào những điều đúng đắn; tin vào chân lý; tin vào sự lãnh đạo của Đảng; tin vào sự quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện những mục tiêu tiến bộ, tích cực,…Những căn cứ để xác thực niềm tin của Bác là cơ sở vững chắc, là kim chỉ Nam để cán bộ đảng viên xác định niềm tin của mình trong bối cảnh hiện nay. Không dừng lại ở căn cứ để xác thực niềm tin mà còn là những cơ sở vững chắc nhất để cán bộ đảng viên xác định rõ lập trường, từ đó kiên quyết đấu tranh quyết liệt với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm lợi dụng bối cảnh tình hình để chống phá Đảng, sự lãnh đạo của Đảng và gây chia rẽ, mất đoàn kết trong đội ngũ cán bộ đảng viên và trong Nhân dân.

Niềm tin không đơn thuần chỉ là sự tin tưởng, mà niềm tin đúng đắn, phù hợp sẽ tạo ra động lực, quyết tâm cao trong mỗi con người để mỗi người có thể tự mình và đồng hành cùng tập thể vượt qua những trở ngại, khó khăn để đạt được những mục tiêu trong sáng, tích cực. Học tập Bác về việc xây dựng, xác lập và giữ vững niềm tin để mỗi cán bộ đảng viên vững tin vào những quyết định đúng đắn của Đảng trong việc sắp xếp, tinh giãn tổ chức và đội ngũ để đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình, quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc./.


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), NXB CTQG Sự Thật, Hà Nội, tập 4, tr. 534

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), NXB CTQG Sự Thật, Hà Nội, tập 8, tr. 103-104

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), NXB CTQG Sự Thật, Hà Nội, tập 15, tr. 131

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), NXB CTQG Sự Thật, Hà Nội, tập 15, tr. 618