Contentverzamelaar

null Nâng cao giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong tình hình mới

Chi tiết bài viết Bài viết

Nâng cao giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên trong tình hình mới

Lê Nguyễn Tuyết Lộc

Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp

Giáo dục lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên chiếm vị trí rất quan trọng trong suốt quá trình đổi mới đất nước. Nó là phương thức giáo dục một cách phổ biến và trực tiếp thế giới quan Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, giúp cho họ khắc phục những tư tưởng lạc hậu, những tàn tích của thế giới quan cũ, nâng cao trình độ chính trị, nhiệt tình cách mạng, tinh thần tự giác và tính tích cực trong quá trình cải tạo xã hội cũ, xây dựng xã hội mới.  Xuất phát từ những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, cán bộ, đảng viên Việt Nam càng cần phải nâng cao trình độ về mọi mặt, trong đó nâng cao trình độ giáo dục lý luận chính trị là cần thiết nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới. Chính vì thế, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác giáo dục lý luận chính trị.  

Về mục đích của công tác giáo dục lý luận chính trị

Mục đích cơ bản của công tác giáo dục lý luận chính trị nhằm xây dựng cho những cán bộ, đảng viên thế giới quan khoa học, phương pháp luận đúng đắn, nhân sinh quan tích cực nhằm khắc phục những tư tưởng lạc hậu, lỗi thời, không chịu đổi mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã xác định rõ về mục đích của công tác này đó là học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng và học để hành. Kế thừa tư tưởng của Người, Đảng và Nhà nước chủ trương đường lối đề ra cách thức, nhiệm vụ cụ thể để công tác giáo dục lý luận chính trị đạt được kết quả thiết thực.

Về nội dung của công tác giáo dục lý luận chính trị

Nội dung của công tác này rất rộng lớn, bao gồm việc giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, những bài học kinh nghiệm trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc. Trong đó, công tác giáo dục lý luận chính trị được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau những đặc trưng chủ yếu nhất là hoạt động giảng dạy và học tập theo một hệ thống chương trình nhằm làm cho người học nắm được những lý luận cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hổ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng.

Về vai trò của công tác giáo dục lý luận chính trị

Công tác giáo dục lý luận, chính trị có vị trí rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Đặc biệt là đối với mọi thắng lợi của cách mạng Vỉệt Nam. Chủ nghĩa Mác ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XIX và được truyền bá rộng rãi hết các nước Châu Âu và kể cả các nước Châu Á trong đó có Việt Nam. Từ khi được truyền bá vào lãnh thổ Việt Nam đã tạo ra những trang sử chói lọi, đưa Việt Nam từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa Việt Nam từ một nước nô lệ trở thành một quốc gia thống nhất, độc lập, tự do. Từ đó cả nước ra sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Rõ ràng: “Chủ nghĩa Mác – Lênin, đối với chúng ta, những người cách mạng và nhân dân Việt Nam không những là “cẩm nang” thần kỳ, không những là kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Và thực tế cho thấy, thắng lợi của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhận cơ bản, quan trọng và có ý nghĩa quyết định nhất là Đảng ta đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, đề ra đường lối phù hợp và đúng đắn.

Trong tình hình giáo dục lý luận chính trị trong gian đoạn hiện nay, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, chúng ta cần đánh giá đúng thực trạng cả ưu và khuyết điểm về nội dung, tinh thần, thái độ, hiệu quả, tính thiết thực trong học tập lý luận… có như vậy mới có định hướng, phương pháp đúng để công tác giáo dục lý luận chính trị đạt được kết quả tốt đẹp.

Để nhận thức chính xác về tình hình giáo dục lý luận chính trị cần có sự khảo sát, đánh giá cụ thể về tình hình giảng dạy, học tập tại các cơ sở hiện nay như đội ngũ giảng viên có đáp ứng đủ yêu cầu hay không? Kết hợp các phương pháp giảng dạy tích cực với phương pháp truyền thống như thế nào? Cách thức đánh giá chất lượng học tập ra sao? Trên cơ sở phân tích thành công, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đưa ra giải pháp để thực hiện tốt hơn công tác giáo dục lý luận chính trị.

Trải qua gần 40 năm đổi mới, công tác giáo dục lý luận chính trị của Đảng được phát triển sâu rộng để đưa đường lối, quan điểm, tư tưởng của Đảng vào cán bộ, đảng viên và quần chúng. Công tác giáo dục lý luận, chính trị đã góp phần nâng cao một bước về trình độ giác ngộ chính trị, ý thức xã hội chủ nghĩa, nhiệt tình cách mạng, bồi dưỡng những kinh nghiệm cách mạng sinh động và cụ thể cho cán bộ, đảng viên và quần chúng, đã đào tạo được nhiều cán bộ lãnh đạo phục vụ tích cực cho những nhiệm vụ chiến lược trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, trong hoạt động thực tế, không phải hoạt động nào cũng đều đạt được chất lượng và hiệu quả tốt. Bên cạnh những việc làm tốt, còn không ít việc làm chưa tốt, hiệu quả chưa cao. Trước hết là tính khoa học trong công tác giáo dục lý luận chính trị còn bị hạn chế. Những thành tựu mới về lý luận của thế giới chưa được nghiên cứu sâu sắc và chưa được kịp thời đưa vào nội dung giáo dục. Tính chiến đấu trong công tác giáo dục lý luận chính trị cũng còn yếu. Về mặt tổ chức lực lượng, thiếu sót lớn là chưa tổ chức và phát huy tốt lực lượng cán bộ, đảng viên làm công tác tuyên truyền, giáo dục. Cơ sở vật chất, phương tiện tuyên truyền, giáo dục còn nghèo nàn.

Để hoạt động giáo dục lý luận chính trị đạt kết quả cao cần khắc phục những hạn chế hiện đang tồn tại và thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, mở rộng hệ thống giáo dục lý luận chính trị, nhằm bảo đảm cho tất cả cán bộ, đảng viên học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và đường lối cách mạng Việt Nam, những nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị.

Hai là, tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, hình thức và phương pháp giáo dục. Trong giai đoạn hiện này, mục tiêu của công tác giáo dục lý luận chính trị là làm cho mỗi cán bộ, đảng viên hiểu rõ và nắm vững những nội dung cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng. Cùng với sự phát triển của thời đại, những vấn đề thực tiễn mới ra đời, đòi hỏi cần bổ sung những nội dung mới, những vấn đề phát triển mới về lý luận Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào chương trình, nội dung giáo dục lý luận chính trị. Ngoài ra, việc đổi mới phương pháp giáo dục cũng rất cần thiết trong giáo dục lý luận chính trị, việc đổi mới phải quán triệt với quan điểm lý luận gắn liền với thực tiễn, đảm bảo tính khoa học, tính độc lập và sáng tạo ở người học. Điều này, đòi hỏi phải có sự linh hoạt, sáng tạo trong hình thức và phương pháp giảng dạy.

Ba là, xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống tổ chức giáo dục lý luận chính trị vững mạnh. Cần làm cho việc học tập lý luận chính trị trở thành một sinh hoạt không thể thiếu được trong đời sống tinh thần, đời sống chính trị, một đòi hỏi tự nhiên của người cán bộ, đảng viên và về lâu dài là của toàn thể những người lao động.

Bốn là, nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng dạy lý luận chính trị. Mỗi cán bộ cần thường xuyên bồi dưỡng về tri thức và phương pháp nghiên cứu khoa học, tạo điều kiện để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học. Xây dựng các tập thể khoa học có sự gắn kết, phối hợp hiệu quả giữa các thế hệ, phát huy được sức mạnh tư duy của tập thể khoa học trong nghiên cứu.

Năm là, củng cố, nâng cao phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu lý luận chính trị. Trong công tác lãnh dạo, chỉ đạo, quản lý cần quan tâm giáo dục, động viên, xây dựng thái độ, động cơ đúng đắn, nâng cao ý thức, trách nhiệm chính trị, hình thành đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận chính trị vững về chuyên môn, nghiệp vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Quan tâm bồi dưỡng chuyên môn, kỹ năng sư phạm, kỹ năng nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ giảng dạy lý luận chính trị, thông qua nhiều hình thức và hoạt động tự bồi dưỡng của mỗi cá nhân.

Tóm lại, công tác giáo dục lý luận, chính trị có vị trí rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Tầm quan trọng đó bắt nguồn từ vai trò của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với quá trình phát triển của xã hội với tư cách là khoa học cách mạng của giai cấp công nhân và là hệ tư tưởng của toàn dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Việc nâng cao trình độ lý luận chính trị trong cán bộ và đảng viên là điều kiện chủ yếu để tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng ta, làm cho sự đoàn kết, thống nhất ấy có cơ sở khoa học thật vững chắc. Xuất phát từ đó, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ thấy rõ rằng thái độ của mình đối với việc học tập và nghiên cứu lý luận chính trị chính là một vấn đề thuộc về tính đảng, một vấn đề có quan hệ đến sự sống còn của Đảng và chế độ của ta.