Contentverzamelaar

null Vài suy ngẫm nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024)

Chi tiết bài viết Bài viết

Vài suy ngẫm nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024)

 

Lê Thị Nhật Sang

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Mỗi năm cứ đến ngày 27/7, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả nước lại tưởng nhớ đến các anh hùng thương binh, liệt sỹ và thêm tự hào về bước phát triển của công tác chăm sóc thương binh, liệt sỹ theo tư tưởng và sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đã nhiều năm trôi qua kể từ khi đất nước hoàn toàn giải phóng, sự hi sinh của những người lính luôn là khúc hùng ca bất tử về những con người tình nguyện xả thân vì quê hương, vì Tổ quốc. Đó là sự hóa thân kỳ diệu của họ vào lòng đất Mẹ và sự bất tử những con người với non sông:

"Tên anh đã thành tên Đất Nước

Ôi anh giải phóng quân

Từ dáng đứng của anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân"

(trích Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh xuân)

Hành trình đi đến chiến thắng của dân tộc không phải là con đường trải đầy hoa hồng và gấm lụa. Đó là chặng đường đầy chông gai mà mỗi tấc đất, mỗi gốc cây đều thấm máu anh hùng:

“Ngày dân tộc trở về đường số một

Lòng không nguôi thương những cánh rừng này

Nơi những đứa con nằm lưng đèo cuối dốc

Dọc theo lối mòn chìm khuất dưới rừng cây

Nếu một ngày ta dựng những hàng bia

Xin hãy để “nơi đây những cuộc đời chưa bao giờ yên nghỉ”

(trích Những người đi tới biển- Thanh Thảo).

Và để rồi, những dòng sông dập dềnh sóng nước ngàn năm sau vẫn ca lên những khúc ca về tuổi hai mươi anh hùng đã làm nên dáng hình xứ sở:

“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

(Lời người bên sông- Lê Bá Dương)

           Cứ tưởng như thời gian trôi qua sẽ âm thầm mang theo tất cả, ấy vậy vào những ngày mùa thu tháng Bảy, cả nước lại lặng mình tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh cho ngày hòa bình, độc lập và tri ân cho những người trở về sau bom đạn, khói lửa của chiến tranh. Chiến tranh tuy đã lùi xa nhưng hình ảnh các anh vẫn sống mãi trong lòng đất mẹ, sống mãi trong các thế hệ chúng tôi hôm nay và mai sau và trở thành một phần trong những trang lịch sử hào hùng của dân tộc, trong tâm trí mỗi thế hệ người dân Việt Nam.

Ngày 27/7 lại đang đến gần, đó là ngày mà nhân dân cả nước đã dành riêng để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống hi sinh vì đất nước, vì độc lập tự do. Các anh ra đi vì những mục tiêu cao đẹp và ngã xuống hào hùng, bàn tay của giặc đã tàn phá, dày xéo đất nước nhưng không bao giờ làm thay đổi được bản chất của con người Việt Nam. “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành truyền thống tốt đẹp trong văn hóa, tư tưởng của người Việt Nam, đó là sự trân trọng lớp người đi trước, là những đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Để chúng ta có được hòa bình, độc lập như ngày hôm nay chính là nhờ một phần lớn công lao của các thế hệ đi trước.

Đã từng nghe nói, không ai chọn cho mình cách chết, cũng không ai muốn mình phải chết và không có cái chết nào có ý nghĩa bằng được sống, nhưng mà chết như thế nào, trong điều kiện nào và trong hoàn cảnh nào. Khi Tổ quốc lâm nguy, mồ mả của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng bị đe doạ, của cải, ruộng nương, làng mạc bị xâm chiếm thì lựa chọn cái chết để đất nước được trường tồn là một lựa chọn vinh quang và cao cả. Mỗi một thân xác nằm xuống, mỗi một phần thi thể mất đi là một ánh hào quang soi sáng hơn con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đó là những dòng chữ bằng vàng khắc sâu lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.

Để có được nền hòa bình hôm nay, có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, có cơm ăn, áo mặc, có được những nụ cười, ..... Tất cả những điều có được ấy phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, bằng xương, bằng máu của các thế hệ cha ông đi trước. Trong đó có những người tuổi đời còn rất trẻ đã gạt lại phía sau những hạnh phúc riêng tư, nguyện đem thân mình dâng hiến cho Tổ quốc.  “Hạnh phúc của Thạc và Như Anh chỉ có thể gắn chặt với niềm vui chung của dân tộc mà thôi. 4 năm nữa, biết bao nhiêu sự kiện đã xảy ra. 30/4/1975, thì Như Anh và Thạc đang ở trong tình trạng nào?” Đó là những dòng tâm sự được Liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc ghi lại trong hàng trăm bức thư được sưu tầm và đăng trong cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” do Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn và giới thiệu mà tôi đặc biệt ấn tượng. Phải chăng tình yêu đất nước và nỗi nhớ nhung da diết đã khiến liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc có một lời hẹn ước dành tặng cho người bạn gái cùng trường cấp 3 Yên Hòa thuở ấy bằng một lời hẹn “Đúng ngày 30/4/1975 sẽ trả lời câu hỏi “Hạnh phúc là gì?”. Đau lòng thay, khi ngày đất nước hoàn toàn thống nhất đã gần đến thì ngày 30/7/1972, người lính trẻ Nguyễn Văn Thạc đã hy sinh trong mùa hè đỏ lửa ở Thành cổ Quảng Trị. Đó là những đau thương, mất mát mà dù tất cả đã qua đi nhưng nỗi đau ấy vẫn còn đọng mãi trong lòng những người ở lại, vẫn cảm thương thay cho những người lính trẻ thời ấy, họ sống vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp, vì hiểu rằng hạnh phúc riêng tư của mình chỉ có thể gắn liền với niềm vui chung của dân tộc, dẫu biết chiến tranh luôn thật tàn khốc và họ lúc nào cũng biết được rằng nó sẽ có thể lấy đi của họ những giấc mơ về một tương lai và hạnh phúc trọn vẹn: “Chiến tranh đã và sẽ lấy đi nhiều hơn của Thạc. Chả có gì là bi kịch đâu. Trong cuộc sống, cái đổ vỡ, cái bi thảm thường sâu thẳm hơn niềm vui nông nổi”, đó là lá thư cuối cùng  liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc gửi cho người yêu Như Anh đề ngày 11/7/1972 như một lời từ biệt.

 Cũng đã có biết bao người đã mãi mãi nằm lại trong lòng đất mẹ, hay để lại một phần thân thể đã hy sinh máu xương vì lý tưởng cao đẹp, như anh hùng lực lượng vũ trang, liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã viết: “Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng ...”

Thấu hiểu những hy sinh to lớn đó, Bác Hồ đã viết: “Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cho nên đối với “những người con trung hiếu ấy, Chính phủ và đồng bào phải báo đáp thế nào cho xứng đáng”, và Người giải thích: “Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy, mọi người phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt qua tất cả khó khăn, gian khổ hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã để lại”. 77 mùa thu đi qua (27/7/1947-27/7/2024) là 77 mùa tri ân, ngày 27/7 trở thành ngày mà những người còn sống mãi mãi không được quên, không thể quên, là ngày đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về những truyền thống tốt đẹp, nhắc nhở chúng ta khi được sống trong hòa bình, được cất tiếng hát ca sẽ không quên mảnh đất dưới chân mình đã thấm đượm mồ hôi, xương máu của cha anh đi trước để nguyện sống xứng đáng với những kỳ vọng của các thế hệ đi trước.

Mặt khác, phải thể hiện lòng tri ân một cách thiết thực, hiệu quả thường xuyên, coi việc mình làm cho thân nhân liệt sĩ, thương binh là làm thay những người con ưu tú đã hi sinh vì Tổ quốc, vì mình, vì cả dân tộc Việt Nam. Đánh dấu công lao to lớn ấy, suốt 77 năm, bất kể khó khăn, gian khổ đến đâu, Đảng và Nhà nước ta luôn thực hiện những chính sách đặc biệt đối với những người có công, cũng như gia đình và con cháu của họ. Ngoài chế độ trợ cấp, Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách ưu đãi như: Hỗ trợ nhà ở cho người có công; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người có công và con cháu; chăm sóc sức khỏe; tham gia các hoạt động xã hội, thực hiện chính sách và pháp luật về người có công. Công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng và tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ đã được toàn xã hội quan tâm. Đáng mừng, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.

Tháng 7 đã trở lại! Trong những ngày này, các nghĩa trang liệt sĩ trên khắp cả nước luôn đón nhận những cuộc viếng thăm, những nén hương tỏ lòng thành kính, kính trọng và biết ơn đối với những liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Ngày 27/7 là một kỷ niệm không phai, không bao giờ quên!.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam”, NXB. Công an Nhân dân, năm 2015