Contentverzamelaar

null Dấu ấn người Hoa tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

Trang chủ Bài viết

Dấu ấn người Hoa tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp

ThS. Tống Hoàng Huân

          I. KHÁI QUÁT CHUNG

          Về nguồn gốc tên gọi Sa Đéc, theo các tài liệu ghi chép lại như Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, Đại Nam nhất thống chí Lục tỉnh Nam Việt do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thì tên gọi Sa Đéc đã có từ trước năm 1757.  Sa Đéc lúc còn là đạo Đông Khẩu đã được ghi nhận trong Gia Định thành thông chí như sau: “…  Có đạo Đông Khẩu ở phía nam, chợ phố liên lạc, ghe thuyền nhóm đông, làm chỗ đại đô hội cho trấn này. Phía tả có Tiên Phố (thuộc về thôn Tân Qui Đông, mõm cát trắng lè ra như cái lưỡi, nước trong, gió mát, sông êm, người ta thường đậu thuyền nơi ấy, không có ruồi muỗi quấy nhiễu nên gọi là Tiên. Phía hữu có bãi Phụng Nga hình như la thành hộ vệ, núi sông hiểm yếu, bờ cõi vững yên. Chảy qua tây nam 33 dặm có Rạch Dầu (ở bờ phía tây), rạch Nàng Hai (ở bờ phía đông), rạch Sa Nhân (ở bờ phía tây), rồi đến ngã ba Nước Xoáy, mạch đất bị đến khẩn cấp, dòng nước chảy loanh quanh như kiểu chữ chi chữ huyền, để giữ chặt khí sinh vượng”.

          Căn cứ vào các cứ liệu đã được ghi chép, chúng ta có thể nhận định rằng, vào thế kỷ XVIII, cùng với Cù lao Phố, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ (tức Vĩnh Long ngày nay) thì Sa Đéc là một tụ điểm tập trung dân cư chính của người Việt trong buổi đầu khai hoang mở cõi ở vùng đất phương Nam. Đến đầu thế kỷ XIX, Sa Đéc đã trở thành một trung tâm dân cư với phố chợ sầm uất. Gia Định thành thông chí miêu tả Sa Đéc lúc đó như sau: “Phố chợ dọc theo bờ sông, nhà cửa hai bên tương đối liên tiếp dài 5 dặm, dưới sông có những bè tre, gác làm phòng ốc, đậu sát nhau... trên bờ dưới sông trăm thứ hàng hóa tốt đẹp, trông khá vui vẻ, thật là phồn hoa vậy”[1].

          II. NỘI DUNG

          Người Hoa có mặt ở vùng đất phương Nam từ những năm cuối của thập niên 1600. Năm 1776, 1777 khi nhà Tây Sơn tiến quân truy quét chúa Định vương Nguyễn Phúc Thuần ở Cù lao Phố và Mỹ Tho đại phố và nhất là việc nhà Tây Sơn tiến vào truy kích người Hoa ở Gia Định thì cuộc di tản vì chiến tranh này đã làm cho số lượng người Hoa dọc theo sông Tiền và sông Hậu như Nha Mân, Cái Tàu Hạ, Đất Sét, Sa Đéc càng lúc càng đông hơn. Theo Địa chí tỉnh Đồng Tháp thì sau năm 1975, số người Việt gốc Hoa ở Sa Đéc khoảng hơn 2.000 người. Hiện nay, tại Sa Đéc có khoảng 700 hộ người Hoa với khoảng 2.900 người.

          Người Hoa ở Sa Đéc trong kinh doanh, có mối liên hệ chặt chẽ với người Hoa ở Chợ Lớn (Sài Gòn), ở Singapor, Thái Lan, Malaisia... để làm đầu mối liên lạc với người thân ở chính quốc, để mở rộng thị trường kinh doanh.

          2.1. Dấu ấn người Hoa về văn hóa   

Là một đô thị hinh thành sớm hơn so với thành phố Cao Lãnh và các thị tứ khác trong tỉnh, gần như cùng lúc với Sài Gòn và Vĩnh Long, manng dấu ấn của người Hoa nên tại đây có rất nhiều chùa miếu, nơi thờ tự nhiều nhất tỉnh Đồng Tháp. Phước Hưng Cổ tự, chùa Bà Thiên Hậu, chùa Kiến An Cung… là những di tích cấp tỉnh có lối kiến trúc độc đáo mang đậm phong cách Trung Hoa. Đây là nơi cộng đồng người Hoa ở Sa Đéc và là nơi người dân, khách du lịch ở mọi miền đất nước, về thưởng ngoạn và cúng bái. Chùa Bà ở Sa Đéc có tên đầy đủ là Thất Phủ Thiên Hậu Cung, hay còn được gọi là Thiên Hậu Miếu được người Hoa Phúc Kiến xây dựng vào năm 1867 hiện có bốn bang Quảng Đông, Triều Châu, Hẹ, Phước Kiến thay phiên nhau bảo quản và lo khói hương là một trong những ngôi chùa không chỉ dành riêng cho người Hoa mà còn cò người Việt ở Sa Đéc và nhiều du khácg đến cúng bái. Chùa Phước Hưng ở Sa Đéc do nhóm người Hoa thuộc hội Minh Hương đến đất Sa Đéc lập nghiệp dựng để thờ Phật vào năm 1838. Thời gian sau được đồng bào Hoa - Việt trùng tu lại đầy đủ và tiện nghi hơn, nay còn gốc hai chữ chùa Hương Sa Đéc.  Một ngôi chùa khác cũng cần nhắc đến là Kiến An Cung (còn có tên gọi khác là chùa Ông Quách) là ngôi chùa có tuổi đời trăm năm, tọa lạc ngay trung tâm thành phố Sa Đéc. Ngôi chùa vừa cổ kính vừa ghi dấu ấn kiến trúc tiêu biểu của văn hoá Trung Hoa đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia năm 1990. Với vị trí rất gần nhà cổ Huỳnh Thủy Lê[2],vườn hoa Sa Đéc hay những di tích cổ kính khác như chùa Bà Thiên Hậu, chùa Hương, chùa Kiến An Cung đã góp phần vẽ nên một bức tranh về một thành phố Sa Đéc hiền hòa, cổ kính nằm bên dòng sông Tiền thơ mộng.

2.2. Dấu ấn người Hoa trong kinh tế

Trước tiên phải nói đến Hủ tiếu người Hoa xuất hiện ở đất Sa Đéc cùng với sự du nhập cư của cộng đồng người Tiều (Triều Châu). Có thể nhắc đến quán Mì, Hủ tiếu Minh Ký trứ danh Sa Đéc một thời. Chủ quán này có tên thật là Quan Muội (1932-2001), người gốc Quảng Đông, mở quán năm 1968 và con cháu tiếp tục thừa truyền cho tới nay. Ngoài ra còn có các quán ăn khác như Mì vịt tiềm Sa Đéc, Mì Vịt tiềm A Xìn, Mì vịt quay, Xá xíu... Các quán hủ tiếu và những thức ăn chế biến từ các nguyên liệu bột gạo của người Hoa như dầu chà quẩy, bánh tiêu, bánh bao... đã góp phần phát triển làng nghề làm bột Tân Phú Đông trở thành một di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hiện nay.

Ngoài ra nhắc tới Sa Đéc xưa, người dân ở đây vẫn không quên các tiệm chạp phô[3] của người Hoa như Tiệm trà Khương Ký, Trần Chí, Quảng Nhơn Thái (Nguyễn Huệ), Vĩnh Thuận... Các tiệm ăn của người Hoa một thời làm nên danh tiếng cho Sa Đéc còn có quán Liên Xương, quán Bình Ký, quán Lãnh Nam, quán Chí Thành. Đặc biệt là bánh in nhân đậu xanh Nhiêu Thuận Thuận của ông Nhiêu Kim Ký, một người Hoa ở Sa Đéc kết hợp với thông gia của mình là ông Lâm Chương Kỳ ở Cao Lãnh đã làm nên thương hiệu bánh vang danh đến Sài Gòn, Chợ Lớn.

Nghề thợ hàn thủ công của người Hoa gốc Quảng Đông đã tạo nên nhiều sản phẩm phục vụ sinh hoạt ở Sa Đéc như thùng vòi sen, giạ đong lúa, cóng, quặng, ấm... Nổi tiếng nhất là dòng họ Trần ở phường An Hòa. Năm 1920, tại Sa Đéc có 7/9 lò gốm do người Hoa làm chủ nằm dọc theo sông Tiền bên bờ Tân Xuân chạy dài xuống Cái Tàu Hạ. Nghề thủ công kim hoàn ở Sa Đéc là sự kết hợp tay nghề khéo léo giữa hai nhóm người Việt – Hoa do dòng họ thợ bạc Lý Duy Thiện chế tác tạo nên một sắc thái độc đáo và các sản phẩm này chính là minh chứng cho sự đoàn kết của hai dân tộc.

Sự đa dạng và phong phú trong các ngành, nghề của cộng đồng người Hoa những ngày đầu cùng với cư dân người Việt khai phá, mở mang vùng đất Sa Đéc đã góp phần làm nên một Sa Đéc trù phú và phồn thịnh như ngày nay.

III. GIẢI PHÁP PHÁT HUY THẾ MẠNH CỘNG ĐỒNG NGƯỜI HOA Ở SA ĐÉC

Nhằm tiếp tục phát huy vai trò của cộng đồng người Hoa để tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, chúng tôi thử đưa ra một số giải pháp sau:

Một là, cần nâng cao số lượng đảng viên, cán bộ là người Hoa trong các tổ chức chính trị xã hội và các tổ chức của Đảng, chính quyền ở cơ sở.

Hai là, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cá nhân, các tổ chức, các doanh nhân người Hoa sản xuất, kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Hơn nữa, người Hoa có tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng  rất cao, nên luôn giúp đỡ nhau trong đời sống. Chẳng hạn cùng buôn bán liền kề, họ không bao giờ cạnh tranh nhau, thậm chí còn giúp đỡ về vốn, hàng hóa. Rộng hơn, hễ có gia đình nào khó khăn, những hộ khấm khá hơn luôn tìm cách giúp đỡ để đồng hương có điều kiện sinh nhai, vươn lên cải thiện đời sống. Đây là một giá trị cần học tập, phát huy và lan tỏa trong đời sống hiện nay.

Ba là, cùng với cộng đồng người Việt góp phần giữ gìn truyền thống bản sắc văn hóa riêng biệt của người Hoa trong sự phát triển chung của văn hóa dân tộc góp phần làm giàu thêm nền văn hóa Việt Nam. Riêng ở thành phố Sa Đéc, cần quan tâm nhiều hơn đến vai trò của cộng đồng người Hoa trong việc phát huy và bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã được công nhận.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Công cuộc mở đất Tây Nam Bộ thời chúa Nguyễn – Đỗ Quỳnh Nga – Nhà Xuất bản Chính trị Sự thật Quốc gia năm 2022
  2. Địa chí tỉnh Đồng Tháp – Nhà Xuất bản Trẻ năm 2012
  3. Đồng Tháp 300 năm – Nhiều tác giả - Nhà Xuất bản Trẻ năm 2004
  4. Nam Kỳ và cư dân các tỉnh miền Tây – Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh năm 2022
  5. Văn hóa dân gian miệt Sa Đéc – Nguyễn Hữu Hiếu (Chủ biên) – Nhà Xuất bản Hội Nhà văn năm 2016.
  6. Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng (1820 – 1841) – Nhà Xuất bản Hà Nội năm 2019


[1] Gia Định thành thông chí – Trịnh Hoài Đức, tập Hạ, trang 128

[2] Ông Huỳnh Cẩm Thuận cũng là một thương gia người Hoa ở Phúc Kiến sang làm nghề xây dựng ở Chợ Lớn và buôn bán lúa gạo tại Sa Đéc và là người đóng góp phần lớn tiền của để xây dựng chùa Kiến An Cung.

[3] Chạp phô theo tiếng Quảng Đông có nghĩa là tạp hóa