アセットパブリッシャー

null Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự phát triển của truyền thông xã hội trong thời đại số

Trang chủ Bài viết

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước sự phát triển của truyền thông xã hội trong thời đại số

Lê Thị Nhật Sang

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Với sự phát triển không ngừng trong phương thức tiếp cận thông tin hiện nay, khác với sự chống phá thông qua các kênh thông tin truyền thống. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đang lợi dụng sức lan tỏa của Internet, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội để phát tán những thông tin xấu, độc dưới dạng ngắn gọn, kích thích sự nghi ngờ trong Nhân dân để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Do đó, tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng trước sự phát triển của truyền thông xã hội là một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay.

  1. Nhận diện Truyền thông xã hội

Truyền thông xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Trong suốt nhiều thế kỷ, các kênh truyền thông chính thống được coi là những nguồn thông tin nhanh và tin cậy nhất. Trước khi Internet và mạng xã hội ra đời, truyền thông chính thống có sức ảnh hưởng to lớn tới công chúng thông qua việc định hướng và tái định hướng dư luận về những vấn đề chính trị, kinh tế và xã hội. Mặt khác, khi những tổ chức truyền thông hoạt động vì lợi nhuận, người ta bắt đầu chú trọng đưa tin về lĩnh vực giải trí, loại tin tức dễ thu hút đông đảo công chúng hơn tin tức thời sự. Dần dần, tin tức trở thành một loại hàng hóa được sản xuất hàng loạt, còn độc giả thì ngày càng dành ít thời gian để đọc và suy nghĩ một cách thấu đáo. Sự xuất hiện của các trang mạng xã hội đã dẫn đến việc thu thập thông tin đôi khi chỉ đơn giản là tiếp nhận và phát tán nội dung từ những nguồn tin tự do không có chuyên môn, thậm chí không thông qua biên tập hay kiểm chứng. Độc giả giờ đây không còn chỉ tiếp nhận thông tin, mà còn tự đưa tin và chia sẻ với bạn bè về những xu hướng tin tức trên mạng xã hội. Khác với các kênh truyền thông truyền thống có biên tập viên chịu trách nhiệm sàng lọc thông tin sai lệch hoặc những nguồn tin thiếu chính xác, đối với Internet, ai cũng có thể lan truyền thông tin.

  1. Các thế lực thù địch lợi dụng tối đa truyền thông xã hội để chống phá cách mạng Việt Nam

Quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội là những quan điểm sai lệch, nhìn nhận phiến diện, hoặc đối lập với nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam; chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam được đăng tải trên không gian mạng với mục đích phá bĩnh, gây nhiễu loạn thông tin, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam. Để chống phá cách mạng Việt Nam, các thế lực thù địch không ngừng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Chúng sử dụng rất nhiều các hình thức, phương pháp tinh vi, trong đó có mạng xã hội. Bằng mọi âm mưu, thủ đoạn, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tăng cường lập các trang web, các chương trình phát thanh, phát hình bằng tiếng Việt... Đặc biệt, các đối tượng này đã lập hàng nghìn trang web, blog, các ứng dụng mạng xã hội (facebook, zalo,…); hàng trăm loại báo chí, nhà xuất bản và các đài phát thanh truyền hình có chương trình tiếng Việt, tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo làm việc trực tiếp với các tổ chức, cá nhân phản động trong và ngoài nước… để xuyên tạc nền tảng tư tưởng lý luận của Đảng. Từ việc gây nhiễu loạn thông tin trên, kết hợp với sự lệch lạc trong nhận thức về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội sẽ dẫn đến sai lầm trong hành vi, tạo nên những mối nguy về an ninh, bất ổn chính trị, xã hội. Một bộ phận người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam, thường có xu hướng quan tâm, thích (like) và chia sẻ (share) thông tin giật gân, tiêu cực, trái chiều hơn các thông tin tích cực, một cách cố tình hoặc vô ý, bất chấp các hậu quả. Nhiều người cho rằng mạng xã hội là ảo, không phải chịu trách nhiệm về những phát ngôn, hành xử của mình. Tâm lý đó cộng hưởng với các công cụ được tạo ra để thu hút người dùng của truyền thông xã hội, cùng với sự bất cập, hạn chế trong quản lý của các cơ quan chức năng càng làm cho việc phát tán thông tin xấu, độc trở nên dễ dàng và nguy hiểm. Không thể phủ nhận, từ khi du nhập vào Việt Nam năm 1997 đến nay, bên cạnh những mặt tích cực, internet đã và đang trở thành môi trường màu mỡ cho hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, trong đó các nền tảng mạng xã hội là nơi lý tưởng để các thế lực thù địch mặc sức phát tán các thông tin không đúng với sự thật, cường điệu hóa hoặc “vơ đũa cả nắm” về các sự kiện, tình hình chính trị, xã hội ở nước ta.

  1. Một số giải pháp tăng cường công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng

Một là, phải cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin chính thống để nâng cao nhận thức, tri thức cho người dân. Không để tin xấu, tin sai sự thật đi trước thông tin chính thống. Xã hội ảo chính là phản ánh xã hội thật, vì thế rất nhiều vấn đề trong xã hội ảo phải được giải quyết từ xã hội thật. Báo chí công dân gây áp lực làm báo chí chính thống phải nhanh nhạy hơn. Đây là chìa khóa căn cơ lâu dài để tăng “sức đề kháng” trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

 Hai là, tăng cường quản lý nhà nước đối với hệ thống báo điện tử. Sớm khắc phục tình trạng sai tôn chỉ mục đích, đưa quá nhiều mảng tối của đời sống chính trị, tạo “mảnh đất” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị dễ dàng lợi dụng, khai thác thông tin, nói xấu chế độ. Các báo điện tử, trang tin điện tử chú trọng đổi mới, tạo điều kiện cho số đông cư dân mạng, nhất là giới trẻ thường xuyên truy cập internet qua mạng di động có thể sử dụng dễ dàng trong việc khai thác, tìm kiếm thông tin chính thống.

Ba là, tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật An ninh mạng năm 2018. Tuyên truyền sâu rộng về những hành vi bị cấm trong Luật An ninh mạng, nhất là các hành vi sử dụng không gian mạng để tuyên truyền chống Nhà nước; tổ chức, hoạt động, cấu kết, xúi giục, mua chuộc, lừa gạt, lôi kéo, đào tạo, huấn luyện người chống Nhà nước; xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xúc phạm tôn giáo, phân biệt đối xử về giới, phân biệt chủng tộc; thông tin sai sự thật; hoạt động mại dâm, tệ nạn xã hội; phá hoại thuần phong, mỹ tục; xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội….

Bốn là, truyền thông tuyên truyền, tư tưởng trên không gian mạng cần hay hơn, hấp dẫn hơn. Trên không gian mạng, mọi người không muốn xem, nghe các bài viết một chiều. Trên không gian mạng, quyền lực của các tổ chức không tác động được đến cơ chế tiếp cận thông tin. Nội dung thể hiện luận điểm của những người tham gia không gian mạng có xu hướng ngày càng ngắn lại, từ những cuộc tranh luận hàng trăm trang trên các diễn đàn (forum) trước kia, giờ đây được rút gọn, cá nhân hoá thành các bài dài trên trang cá nhân (blog), rồi rút ngắn hơn nữa ở trên Facebook, rồi các thông điệp cực ngắn trên Twitter. Bản thân các video dài trên Youtube đã ngắn đi nhiều ở các nền tảng video khác, đặc biệt là ở TikTok với độ dài chỉ khoảng 15 giây. Với không gian mạng như vậy thì các bài nghiên cứu lý luận, các bài viết mang tính tư tưởng như hiện nay dường như dài và khô khan với cư dân mạng. Chính vì vậy, truyền thông tư tưởng trên không gian mạng muốn đạt hiệu quả thì thông tin cần phải thực sự hấp dẫn, thu hút và lấy được sự yêu thích của không chỉ đảng viên, mà cả của người dân, đặc biệt là giới trẻ.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, hệ trọng, có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Trong giai đoạn hiện nay, để tăng cường và không ngừng nâng cao hiệu quả công tác này, cần nhận diện rõ bối cảnh mới, những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động, từ đó đề ra định hướng, giải pháp phù hợp với sự phát triển chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.

 2. Thạc sĩ Đỗ Thị Thanh Hà, “Tác động của phương tiện truyền thông xã hội đối với các cuộc cách mạng màu trên thế giới”, Tạp chí điện tử lý luận chính trị, năm 2022.

3. Đại tá, PGS. TS. KHQS Trần Nam Chuân (2022), Tăng cường đấu tranh phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch chống phá Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Trang thông tin điện tử Đảng ủy Khối cơ quan Trung ương, Hà Nội.

4. Lê Doãn Hợp (2020), “Xã hội ảo phản ánh xã hội thật”, đăng trên Báo điện tử VietNamnet.