Publicador de continguts

null Một số gợi mở cho quá trình hoạch định chính sách của tỉnh Đồng Tháp qua góc nhìn địa chính trị

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Một số gợi mở cho quá trình hoạch định chính sách của tỉnh Đồng Tháp qua góc nhìn địa chính trị

Đỗ Hoàng Lãm

  1. Đặt vấn đề

Vai trò của địa chính trị trong việc đưa ra các chiến lược và chính sách phát triển của địa phương, khu vực và quốc gia ngày càng được coi trọng. Ở tỉnh Đồng Tháp, nếu xác định đúng và tận dụng được các yếu tố địa chính trị như: vị trí địa lý, diện tích, dân số, địa hình…thì sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp của địa phương trong quá trình phát triển, lựa chọn được các chính sách phù hợp cho việc nâng cao vị thế và năng lực của địa phương.

  1. Nội dung

Đồng Tháp với diện tích 337.400 hecta, là một trong 13 tỉnh, thành phố của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là một trong hai địa phương tiếp nhận nguồn nước đầu tiên từ sông MêKong chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Với vị trí địa lý đặc thù, Đồng Tháp có đường biên giới giáp với Campuchia có chiều dài hơn 50 km với 4 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế là Thường Phước và Dinh Bà. Đồng Tháp là địa phương chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, sáng tạo, nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao, đảm bảo về an ninh lương thực cho khu vực và cả nước.

Sáng 11/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Đoàn Công tác của Trung ương đã thăm và làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Tháp. Tại đây, Tổng Bí thư “gợi mở tiềm năng với một số lợi thế mới nổi như: Lợi thế vị trí địa lý và khả năng kết nối giao thông, tiềm năng về con người và nguồn nhân lực, Tổng Bí thư nhấn mạnh, tỉnh huy động mọi nguồn lực, các thế mạnh đặc trưng để bứt phá, góp phần tích cực vào sự phát triển chung của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đất nước”[1]. Qua đó, chúng ta thấy rằng, các yếu tố địa lý ngày càng có một vai trò nhất định trong việc phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng an ninh của một địa phương và quốc gia. Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với các yếu tố truyền thống như: thể chế, nguồn vốn, giáo dục… thì các yếu tố về địa chính trị - chiến lược cũng phải được xem xét, đánh giá lại trong quá trình hoạch định chính sách ở tỉnh Đồng Tháp.

Như đã bàn đến ở đoạn trước đó, Đồng Tháp có vị trí địa lý mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng chiến lược cả về kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng an ninh. Là cửa ngõ giao thương và tiếp giáp với các tỉnh An Giang, Long An, Tiền Giang, Cần Thơ và biên giới Campuchia, Đồng Tháp có vai trò kết nối giao thương hàng hóa giữa Việt Nam và các nước ASEAN thông qua tuyến đường bộ, đường thủy. Thời gian tới, cần xây dựng các chính sách phát triển mạng lưới giao thông đường thủy, đặc biệt là trên sông Tiền, sông Hậu để khai thác lợi thế vận tải chi phí thấp. Ngoài ra, Đồng Tháp có đường biên giới dài hơn 50km tiếp giáp với Campuchia, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và kiểm soát các hoạt động biên mậu. Cần xây dựng chính sách kinh tế - quốc phòng gắn kết, đẩy mạnh xây dựng các công trình dân sự và cơ sở hạ tầng đã được quy hoạch để phục vụ cả mục tiêu phát triển kinh tế và hỗ trợ quốc phòng an ninh, như đường biên giới, trạm kiểm soát và khu kinh tế cửa khẩu để phát triển giao thương qua các cửa khẩu. Từ đó, không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn góp phần tăng cường sự ổn định, giảm các nguy cơ từ xung đột và bất ổn tại khu vực biên giới.

Trong bối cảnh, tổng thể vẫn hoà bình nhưng cục bộ một số khu vực lại bất ổn, nên câu chuyện an ninh lương thực lại được bàn đến như một tiền đề tạo ổn định cho sự phát triển. Với một địa phương diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, Đồng Tháp lại được định hướng nằm trong vùng trọng điểm sản xuất lúa gạo của Đồng bằng sông Cửu Long. Kèm theo đó, với hệ thống “sông lớn chảy qua tỉnh có thể có tác động tích cực như: Cung cấp nước cho nông nghiệp, cung cấp đường thủy để vận chuyển hàng hóa”[2], điều này hứa hẹn một điều rằng Đồng Tháp sẽ đóng góp quan trọng vào an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu gạo. Cần xây dựng Đồng Tháp trở thành tỉnh tiên phong trong đổi mới và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, mở ra cơ hội cho các lĩnh vực kinh tế mới: Kinh tế sinh thái, kinh tế song, kinh tế nước ngọt, nông nghiệp thích ứng. Bên cạnh đó, là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về nuôi trồng và xuất khẩu cá tra, Đồng Tháp có hệ thống kênh rạch chằng chịt, thuận lợi cho phát triển ngành thủy sản. Tỉnh có thể trở thành một trung tâm nuôi trồng thủy sản lớn nhất của vùng và cả nước. Trong đó, tập trung vào nuôi trồng thủy sản theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Phát triển thủy sản, nhất là cá tra trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh; áp dụng công nghệ cải tiến, hiện đại, nuôi hữu cơ, nuôi tuần hoàn, gắn với hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao, bền vững. Có thể khẳng định, phát triển bền vững ngành nông nghiệp để làm trụ đỡ cho nền kinh tế là một hướng đi phù hợp cho tỉnh Đồng Tháp hiện nay.

Các nhà nghiên cứu địa chính trị cho rằng vị trí địa lý có mối liên hệ với vị thế và sự phát triển của một địa phương. Với vị trí đầu nguồn của Đồng bằng sông Cửu Long, Đồng Tháp cũng giữ một vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh nguồn nước cho sự phát triển của toàn vùng, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các vấn đề liên quan đến suy giảm nguồn nước tại Đồng bằng sông Cửu Long. “Tỉnh nên chủ động liên kết với các tỉnh: Long An, Tiền Giang xây dựng Dự án đột phá tiểu vùng Đồng Tháp Mười thành Trung tâm dự trữ phát triển quốc gia về dự trữ nguồn nước ngọt và nguồn phù sa”[3]. “Việc đảm bảo nguồn nước ổn định là yếu tố then chốt để duy trì sản xuất lúa, cây ăn trái và thủy sản, ngoài ra nguồn nước không chỉ phục vụ nông nghiệp mà còn cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và các ngành dịch vụ khác. Nên triển khai các mô hình quản lý nước theo lưu vực, đặc biệt là lưu vực sông Tiền và đầu tư hệ thống kiểm soát và phân phối nước để giảm thất thoát và sử dụng hiệu quả. Xây dựng hồ chứa nước quy mô lớn phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt”[4]. Tóm lại, Đồng Tháp ngoài việc là trung tâm sản xuất nông nghiệp, Tỉnh còn giữ một vai trò trọng yếu trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước cho toàn khu vực đồng bằng sông Cửu Long, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững.

  1. Kết luận

Yếu tố địa chính trị đóng vai trò quan trọng đối với việc hoạch định chính sách của tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy rằng địa lý chỉ là một trong rất nhiều yếu tố tác động tới việc lựa chọn chính sách, các yếu tố truyền thống như thương mại, đầu tư, vốn, công nghệ hay nhân lực cũng rất quan trọng và nên được đánh giá dưới cái nhìn tổng thể, bao trùm. Từ đó, sẽ giúp tỉnh Đồng Tháp phát huy được hết tiềm năng và lợi thế, đưa Tỉnh ngày càng phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, vui tươi, hạnh phúc, xứng đáng với hình ảnh, văn hóa và con người Đồng Tháp “nghĩa tình, năng động, sáng tạo”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
  2. Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Thị Thu Hà (2021), Ảnh hưởng của yếu tố địa lý đến tăng trưởng kinh tế các tỉnh thành Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á.
  3. Đỗ Hoàng Lãm (2024), Tiềm năng phát triển kinh tế sông ở tỉnh Đồng Tháp, Trang thông tin Lý luận và thực tiễn Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, [https://truongchinhtri.dongthap.gov.vn/].
  4. Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (2024), Báo điện tử Chính phủ, [https://baochinhphu.vn/].

[1] Tổng Bí thư Tô Lâm: Xây dựng tỉnh Đồng Tháp phát triển trong nhóm dẫn đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long (2024), Báo điện tử Chính phủ, [https://baochinhphu.vn/].

[2] Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Thị Thu Hà (2021), Ảnh hưởng của yếu tố địa lý đến tăng trưởng kinh tế các tỉnh thành Việt Nam, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh châu Á.

[3] Quyết định số 39/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

[4] Đỗ Hoàng Lãm (2024), Tiềm năng phát triển kinh tế sông ở tỉnh Đồng Tháp, Trang thông tin Lý luận và thực tiễn Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp, [https://truongchinhtri.dongthap.gov.vn/].