Publicador de continguts

null “Báo chí cách mạng” - tính thời sự và giá trị từ Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

“Báo chí cách mạng” - tính thời sự và giá trị từ Chuyên mục “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân

TS. Nguyễn Quốc Trung

 Khoa Xây dựng Đảng

Tóm tắt, Báo chí cách mạng bản thân tên gọi đã bao hàm ý nghĩa của từ “cách mạng” - đó là tính tiến bộ, tính nhanh chóng lan tỏa, tính tích cực,… cho nên Báo chí luôn là công cụ, phương tiện hữu hiệu thúc đẩy sự phát triển. Báo chí cách mạng Việt Nam đã và luôn sẽ là công cụ, phương tiện quan trọng trong thực hiện và đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng cũng như là sự kết nối giữa Đảng với Nhân dân và ngược lại.

Từ khóa: Báo chí cách mạng, tính thời sự, những việc cần làm ngay

Nền Báo chí Việt Nam ra đời từ yêu cầu của cách mạng, phục vụ cách mạng và vận động cùng với quá trình phát triển của cách mạng. “Báo chí cách mạng” là vừa nói đến mục đích của một nền Báo chí, nhưng đồng thời còn mang ý nghĩa phản ánh bản chất của Báo chí. Báo chí là phương tiện để truyền tải thông tin đúng đắn, chính xác một cách nhanh chóng, lan tỏa nhanh chóng những tấm gương tiêu biểu của xã hội; Báo chí giúp nói lên tiếng nói dân chủ, bảo vệ cái đúng và phản ánh cái sai; Báo chí sẽ giúp mỗi người thay đổi và phát triển,… Chính vì thế bản chất của Báo chí đã mang trong mình tính cách mạng, do đó, Báo chí luôn và sẽ là công cụ hiệu quả của “cách mạng” - đúng theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Từ những năm tháng hoạt động ở trong nước, Nguyễn Tất Thành đã nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của Báo chí, do đó, trên hành trình đi khắp thế giới tìm con đường cứu dân, cứu nước Nguyễn Ái Quốc đã bắt đầu tìm đến với Báo chí và bắt đầu sự nghiệp Báo chí vĩ đại của mình. Từ cuối những năm 1917, Nguyễn Ái Quốc bắt đầu bước chân vào lĩnh vực Báo chí[1]. Động cơ làm báo của Người lúc này là: Phát biểu chính kiến của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng ngay tại nước Pháp để đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Năm1920 sau khi nhận thức được chân lý của thời đại, yêu cầu đặt ra là phải truyền bá một cách đầy đủ, có hệ thống Chủ nghĩa Mác-Lênin về Việt Nam, vận động tổ chức đẩy mạnh phong trào yêu nước và phong trào đấu tranh của công nhân, tích cực chuẩn bị các tiền đề chính trị, tư tưởng, tổ chức cho việc thành lập một Đảng cách mạng, một tổ chức tiên phong đại diện lợi ích của giai cấp công nhân và của toàn dân tộc để lãnh đạo cách mạng.

Để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền và yêu cầu sự nghiệp cách mạng, tháng 7/1921, Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà cách mạng ở các nước thuộc địa khác của Pháp lập Hội liên hiệp thuộc địa và xuất bản báo Le Paria (Người cùng khổ)[2]; đầu năm 1923, Nguyễn Ái Quốc chủ trương xuất bản tờ báo tiếng Việt tại Pháp với tên báo là: Việt Nam Hồn, để phục vụ kiều bào Việt Nam ở Pháp; từ năm 1923 đến 1924, khi học tập, công tác ở Liên Xô và Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc vẫn là cộng tác viên cho hãng thông tấn Liên Xô và tờ Tiếng Anh CantoGazette - cơ quan của Quốc dân Đảng Trung Quốc.

Là nhà cách mạng, thấm nhuần chủ nghĩa Mác Lênin, một người từng nhiều năm làm báo và hiểu rõ sức mạnh của báo chí, Nguyễn Ái Quốc rất tâm đắc những quan điểm của Lênin về báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”[3] “Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung”[4].

Trước yêu cầu lịch sử của cách mạng Việt Nam, cuối năm 1924, khi về đến Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc bắt tay ngay vào việc chuẩn bị xuất bản một tờ báo chính trị, đồng thời mở những lớp huấn luyện các thanh niên ưu tú đưa từ trong nước sang để làm nòng cốt cho cách mạng sau này. Ngày 21/6/1925 tờ Thanh niên, cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên được xuất bản[5]. Sau báo Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc lập ra nhiều tờ báo để phục vụ cho sự nghiệp cách mạng[6].

Tháng 2/1930, tại Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã thông qua một nghị quyết về báo chí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam từ tiền đề hoạt động báo chí ở ngoài nước, đến tờ báo đầu tiên - báo Thanh niên - qua mỗi thời kỳ cách mạng đều có sự phát triển mạnh mẽ, đến nay là một hệ thống quốc gia các cơ quan thông tin đại chúng gồm nhiều loại hình, ở nhiều cấp, thuộc nhiều cơ quan chủ quản, xuất bản bằng tiếng Việt và tiếng các dân tộc thiểu số, bằng ngoại ngữ, với những chức năng và nhiệm vụ hết sức đa dạng, nhằm nhiều loại đối tượng và sử dụng nhiều công nghệ hiện đại.

Báo chí, Báo chí cách mạng luôn giữ vai trò và có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của lịch sử, đặc biệt vào những thời điểm chuyển giao mang tính bước ngoặt của lịch sử thì Báo chí càng có vai trò quan trọng hơn nữa.

Công cuộc đổi mới toàn diện và đồng bộ được khởi xướng tại Đại hội VI của Đảng vào tháng 12/1986 là một bước ngoặt của lịch sử, là sự kiện chính trị trọng đại của đất nước là quá trình chuyển tiếp và thay đổi về chất trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng. Trong bối cảnh đó, một lần nữa lịch sử đặt trách nhiệm lên vai của Báo chí.

Đường lối đổi mới đã được xác định tại Đại hội VI của Đảng, đó là sự tổng kết thực tiễn quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và những bước khảo nghiệm tìm hướng đi cho phù hợp với thực tiễn đất nước - đó là những định hướng dẫn đường cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, thực tế tư duy, nhận thức của đa số người dân luôn có một độ trễ nhất định đối với lý luận dẫn đường và thực tiễn thay đổi của xã hội, chính vì yếu tố tự nhiên đó mà dẫn đến sự kìm hãm, kéo lùi sự phát triển và làm cho người dân không theo kịp được với sự thay đổi và phát triển của thực tiễn xã hội. Để thúc đẩy sự thay đổi và giúp cho mọi người có được những định hướng cần thiết, chắc chắn trong việc nhận thức được sự cần thiết phải thay đổi theo một xu hướng mới, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã thông qua Báo chí - mở đường cho báo chí tham gia tích cực vào việc tuyên truyền đường lối; làm cho báo chí trở thành diễn đàn mở để phát huy dân chủ, tập hợp và phát huy sức sáng tạo của nhân dân; làm cho báo chí trở thành diễn đàn mang tính cầu nối giữa Đảng với Nhân dân và ngược lại.

          Đại hội VI của Đảng đã diễn ra và đường lối đã được triển khai gần nửa năm nhưng nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, rất cấp thiết cho sự phát triển của xã hội vẫn chưa có nhiều thay đổi, thậm chí có vấn đề còn không có chuyển biến, thực tế đó, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết tâm, quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Ngày 24/5/1987, Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã gửi cho toàn soạn Báo Nhân Dân một phong bì và đích thân ký gửi: “Kính gửi toàn soạn Báo Nhân dân, từ nay trở đi, tôi sẽ gửi đăng những bài ngắn, dưới đề mục “Những việc cần làm ngay”. Rất mong các đồng chí thấy được thì cho đăng. Cần sửa gì về nội dung, cách viết các đồng chí cứ sửa. Tôi sẽ ráng viết đều, trừ khi bận công việc quá, hay phải đi xa”. Những bài báo với tiêu đề “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư đã nhanh chóng phát huy tính hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Những vấn đề cụ thể trong chuyên đề “Những việc cần làm ngay” như: “Chống lại sự im lặng đáng sợ”, “Mở đường cho báo chí”, “Chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực”,…đã đánh vào đúng trọng tâm, trọng điểm những vấn đề khó khăn, nan giải của xã hội.

          Từ số đầu tiên ngày 25/5/1987 đến số cuối cùng ngày 28/9/1990, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã viết tất cả 31 bài cùng với tiêu đề “Những việc cần làm ngay”. Những bài viết của đồng chí Nguyễn Văn Linh trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” đều theo tinh thần nói và làm, nói đúng và làm đúng, chứ không phải nói một đằng mà làm một nẻo. Nói thẳng vào vấn đề, nói lý luận, nói thực tiễn nhưng thực tiễn đó phải là tiêu chuẩn để kiểm nghiệm lại vấn đề lý luận. Lý luận cũng phải sát với thực tiễn, cho nên phải kết hợp giữa lý luận và thực tiễn. Những bài viết đều đề cập các vấn đề lý luận nhưng thực sự cũng phản ánh thực tiễn, phản ánh những việc phải làm trên cơ sở nói thẳng, nói thật, nhìn rõ sự thật và đánh giá đúng sự thật.

Tinh thần từ những bài viết trong chuyên mục “Những việc cần làm ngay” yêu cầu các cấp, các ngành nhìn thẳng vào sự thật, thực hiện công khai, dân chủ, tập trung giải quyết những vấn đề do công luận lên tiếng một cách nhanh chóng, chính xác, triệt để, đồng thời cũng lưu ý trách nhiệm chính trị xã hội rất lớn của các cơ quan truyền thông đại chúng. “Những việc cần làm ngay” trở thành nhu cầu, thành đòi hỏi cấp bách và sự cổ vũ động viên mạnh mẽ đối với toàn Đảng, toàn dân mà trực tiếp là lãnh đạo các cấp, các ngành, các cơ quan bảo vệ pháp luật và các cơ quan báo chí truyền thông.

Những bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay" trên Báo Nhân Dân năm xưa không chỉ nghiêm khắc phê phán những việc làm tiêu cực trong xã hội thời kỳ đầu đổi mới mà còn nguyên giá trị ở thời điểm hiện tại, góp phần nói lên những việc cần làm ngay để phát huy những ưu điểm, những việc làm tốt, đồng thời cũng phê bình những sai trái, tiêu cực trong xã hội để chấn chỉnh. Báo chí cách mạng phải thể hiện tinh thần cách mạng và tinh thần đó đã thể hiện đầy đủ và sâu sắc trong “Những việc cần làm ngay”.

Sự nghiệp đổi mới của đất nước đã hơn 35 năm, dân tộc Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, thực tiễn đổi mới cũng xuất hiện và đặt ra những vấn đề lớn, đó là: sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch với Đảng, với chế độ, với nền tảng tư tưởng của Đảng; tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí của đội ngũ cán bộ đảng viên đã và đang từng ngày từng giờ làm mất lòng tin  của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” của một bộ phận cán bộ đảng viên, tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội,…hội tụ tất cả những vấn đề trên, có thể nói đất nước, dân tộc, sự nghiệp đổi mới, vai trò lãnh đạo của Đảng,… đang trước trước một thời khắc lịch sử quan trọng, lịch sử một lần nữa đòi hỏi sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết lịch, mang tính cách mạng sâu sắc của Báo chí.

Báo chí cách mạng đã đóng vai trò rất quan trọng và ở một khía cạnh nào đó còn mang tính quyết định cho sự vận động và phát triển sự nghiệp cách mạng của Đảng. Thực tế hiện nay cho thấy sự cần thiết phải mở đường mạnh mẽ và quyết liệt cho Báo chí để giải bài toán “sự im lặng đáng sợ” trong tình hình mới; để phát huy vai trò của Nhân dân trong công tác phòng chống tham ô, tham nhũng, lãng phí; để phát huy vai trò Nhân dân trong hiện thực hóa qui chế dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”,…nâng cao vai trò của Báo chí, phát huy vai trò Báo chí là giải pháp hữu hiệu trong việc giải quyết những vấn đề nan giải hiện nay. Báo chí cách mạng luôn có tính cách mạng khi tính cách mạng luôn được nhận thức và phát huy một cách hiệu quả.

-------------------------

Tài liệu tham khảo:

  1. Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2013.
  2. Mác, Ăng ghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản, NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2004.

[1] Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của luật sư Phan Văn Trường, đặc biệt là sự khuyến khích của Charles Louguet, cháu ngoại của C.Mác – Chủ nhiệm báo Le populaire (Người bình dân) - cơ quan của Đảng xã hội Pháp thời kỳ này và của Gaston Monmoussesu - chủ bút báo La vie d’ouvriers (Đời sống thợ thuyền), Nguyễn Ái Quốc đã đi vào con đường báo chí. Sau khi viết nhiều tin ngắn đăng trên báo Đời sống thợ thuyền, bài báo đầu tiên của Nguyễn Ái Quốc mà chúng ta được biết đến là bài luận chiến rất sắc sảo với tiêu đề: "Tâm địa thực dân". Từ năm 1919, nhiều tờ báo ở Pháp, trong đó có nhiều tờ nổi tiếng như: Người bình dân, Đời sống thợ thuyền, Báo của dân (Le journal du peuple) Tạp chí cộng sản (Le cahiers du communisme) Nhân đạo (L’Humanite) Thư tín quốc tế (La corres-pondance internationale)… đã đăng nhiều bài báo của Nguyễn Ái Quốc.

[2] Số 1 báo Le Paria ra ngày 1/4/1922. Những bài báo đăng trên tờ báo này đã khẳng định tài năng báo chí và văn học của Nguyễn Ái Quốc

[3] Lịch sử Báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2010), NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2013.Tr 46.

[4] Mác, Ăng ghen, Lênin, Hồ Chí Minh bàn về báo chí xuất bản, NXB Chính trị Quốc gia. Hà Nội 2004. Tr 366

[5] Số đầu tiên của tờ Thanh niên ra đời vào ngày 21/6/1925 và tiếp tục xuất bản đều đặn hàng tuần. Với gần 90 số, báo Thanh niên đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử: Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin trong nhân dân ta, góp phần tích cực chuẩn bị về mặt lý luận, chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra một dòng báo chí mới - Báo chí cách mạng Việt Nam.

[6] Báo Kông Nông (1926), Báo Đường Kách Mệnh (1927). Ngày 1/10/1929, báo Búa Liềm - cơ quan ngôn luận của ĐDCSĐ ra số đầu tiên. Tháng 8/1929, chi bộ ANCSĐ ở Thượng Hải ra báo Đỏ viết tay trên giấy sáp. Kể từ tờ Thanh niên mở đường đến cuối năm 1929, báo chí cách mạng Việt Nam đã có trên 50 tờ báo và tạp chí là cơ quan của các cấp hội của Hội Việt Nam thanh niên cách mạng và 2 tổ chức Cộng sản là: ĐDCSĐ và ANCSĐ.