Publicador de continguts

null Tìm hiểu về vai trò và một số yêu cầu đối với tư duy phản biện

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Tìm hiểu về vai trò và một số yêu cầu đối với tư duy phản biện

Ths. Phạm Thị Mỹ Nhung

Khoa Lý luận cơ sở

Tư duy phản biện đã trải qua một chặng đường phát triển khá lâu dài trong lịch sử, khởi đầu từ sự tiếp cận của nhà triết học Socrates. Ông được coi là người đặt nền móng cho thuật hùng biện dựa trên hệ thống những câu hỏi đối thoại. Ông có tư tưởng tiến bộ, nổi tiếng về đức hạnh với quan điểm: hãy tự biết lấy chính mình. Ông là nhà triết gia được mệnh danh là bậc thầy của sự truy vấn. Socrates đã tiếp cận vấn đề tư duy phản biện cách đây hơn 2000 năm, nhưng định nghĩa của John Dewey - nhà triết học, tâm lý học, giáo dục học người Mỹ - về tư duy phản biện được biết đến một cách rộng rãi. Ông cho rằng tư duy phản biện là sự suy xét chủ động, liên tục, cn trọng về một niềm tin, một giả định khoa học có xét đến những lí lẽ bảo vệ nó và những kết luận xa hơn được nhắm đến”[1]

Định nghĩa của John Dewey nhấn mạnh đến tính chủ động của tư duy phản biện, cho rằng nếu một người có tư duy phản biện thì họ tự đặt câu hỏi và tự đi tìm thông tin. Ông cũng cho rằng suy luận là yếu tố then chốt trong tư duy phản biện.

Trong Cẩm nang tư duy phản biện - khái niệm và công cụ của Richard Paul và Linda Elder có định nghĩa tư duy phản biện (critical thinking) là nghệ thuật phân tích và đánh giá tư duy với định hướng cải thiện nó”[2]. Theo ông, tư duy phản biện là tư duy tự định hướng, tự giác, tự giám sát và tự hiệu chỉnh. Nó đòi hỏi những chuẩn mực nghiêm ngặt về sự xuất sắc và kiểm soát việc sử dụng chúng một cách tỉnh thức. Nó sẽ mang lại sự truyền thông hiệu quả và năng lực giải quyết vấn đề.

Tác giả Lê Thị Thanh Hà cho rằng: Tư duy phản biện là một hình thức tư duy giúp con người đưa ra những nhận định, phán đoán, đánh giá, lý luận khoa học cho hoạt động của mình trước những tác động của hiện thực... Do đó, kết quả của quá trình tư duy phản biện không chỉ nhắm đến việc đạt được sự hiểu biết, mà còn là việc vận dụng kiến thức để những thay đổi tích cực trong hiện thực[3].

Như vậy, chúng ta có thể hiểu: Tư duy phản biện là hình thức của tư duy mà chủ thể nhận thức có thể phủ định hoặc khẳng định một kết quả nhận thức qua việc xem xét lại một tình huống, một vấn đề nào đó theo quan điểm, chính kiến của chủ thể trên cơ sở vận dụng một cách chủ động, nhuần nhuyễn, sáng tạo những tri thức, phương pháp nhất định.

Tư duy phản biện trước hết là quá trình tư duy nhưng không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin thụ động. Mà nó là quá trình tư duy nhằm tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác để xác định lại tính chính xác của thông tin. Hay nói cách khác, tư duy phản biện là quá trình tư duy khi tiếp nhận một thông tin (kiến thức, luận điểm, lập luận...) có sự đào sâu suy nghĩ, phân tích, xử lý trong tư duy để từ đó mới chấp nhận cho là đúng, hoặc không chấp nhận (cho là sai), trên cơ sở của các quy luật lô gic, có lý lẽ (có căn cứ, lý do, dẫn chứng...). Và như vậy, tư duy phản biện không phải là việc đưa ra một nhận định cảm quan mà là việc đưa ra một nhận định kèm theo lí lẽ và dẫn chứng.

Năm 1995, K.B.Beyer đã đưa ra các nguyên tắc của tư duy phản biện. Thứ nhất là không định kiến. Thứ hai, tư duy phản biện phải có tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng và không mập mờ. Thứ ba là sự thành thục tư duy logic và tư duy biện chứng của người sử dụng tư duy phản biện. Nếu không biết hai loại tư duy này thì không thể nào tư duy phản biện được. Đó là những nguyên tắc chung. Sản phẩm của tư duy phản biện là các phán đoán mà ta hy vọng đúng chứ chưa chắc đã đúng. Ai nắm chắc hai loại tư duy công cụ trên, không có định kiến thì may ra có những phán đoán gần nhất với những gì sẽ xảy ra vì phán đoán là cho tương lai.

Trong xã hội phát triển, tư duy phản biện là yếu tố không thể thiếu. Không phải ngẫu nhiên tư duy phản biện được giảng dạy ở hầu hết các trường đại học ở Mỹ, các nước Châu Âu và một số nước Châu Á. Đó là một phương pháp tư duy được khuyến khích ở tất cả các trường đại học. Vậy điều gì làm cho tư duy phản biện chiếm một vị trí quan trọng như vậy?

Thứ nhất, tư duy phản biện giúp chúng ta vượt ra khỏi cách suy nghĩ theo khuôn mẫu, thói quen, truyền thống có sẵn đã định hình trong suy nghĩ, hình thành nên tính tích cực, sáng tạo trong tư duy của con người:

Với tinh thần phản biện, chúng ta sẽ dễ dàng vượt ra khỏi những quan niệm truyền thống, những suy nghĩ theo thói quen và cố gắng hướng đến những cái mới trong cuộc sống cũng như trong khoa học, thoát khỏi những rào cản định kiến trong suy nghĩ, cố gắng tìm lời giải đáp cho vấn đề đang suy nghĩ hay tiếp cận theo một cách mới. Thường khi nghe một ý kiến trái ngược với những điều mà ta quen thuộc hay trái ngược với truyền thống, chúng ta rất dễ bác bỏ nó. Khi có tinh thần phản biện, có tư duy phản biện thì chúng ta sẽ gạt đi tình cảm cá nhân, thói quen truyền thống đã có sang một bên, nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, toàn diện. Vậy, với tinh thần phản biện, chúng ta có cơ hội tiếp thu và đón nhận tri thức mới trong học tập và cuộc sống.

Có thể nhận thức rằng tư duy phản biện giúp chúng ta tìm hiểu những ý tưởng mới trong cuộc sống, có cách giải quyết mới cho những vấn đề tưởng như đã cũ. Người có tư duy phản biện luôn khao khát tìm tòi những cái mới, tiếp thu tri thức mới với tinh thần đặt lại vấn đề, thôi thúc họ tìm tòi, kích thích khả năng sáng tạo trong tư duy.

Thứ hai, giúp chúng ta hình thành khả năng tư duy độc lập, khả năng phân tích, đánh giá những thông tin, sự kiện cũng như một vấn đề chính trị, văn hóa, xã hội.

Các vấn đề mà chúng ta gặp phải trong học tập, công việc, trong cuộc sống... vô cùng đa dạng, phong phú và phức tạp. Không phải lúc nào và ở đâu mọi luồng thông tin, tri thức chúng ta tiếp cận hằng ngày đều đúng đắn. Chính vì vậy mà tư duy phản biện giúp chúng ta có khả năng xem xét kỹ lưỡng các vấn đề, chọn lọc những tri thức phù hợp. Con người với tư cách là chủ thể tư duy, khi có năng lực tư duy phản biện sẽ có khả năng tư duy một cách độc lập, không chịu ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài và quan trọng hơn cả là khả năng nhận thức vấn đề một cách rõ ràng hơn, lập luận chặt chẽ với những dẫn chứng đáng tin cậy, biết phân tích vấn đề, so sánh, tổng hợp, đưa ra đánh giá, từ đó suy nghĩ chín chắn và tự ra quyết định hành động của mình. Đây là một vai trò vô cùng quan trọng của tư duy phản biện.

Thứ ba, tư duy phản biện giúp chúng ta ý thức rõ ràng hơn về việc lắng nghe và tôn trọng ý kiến người khác trong tranh luận.

Trong quá trình tranh luận để tìm ra chân lý, chính tư duy phản biện rèn cho con người khả năng giảm sự tự ái và sẵn sàng chấp nhận sự thật, loại bỏ tính bảo thủ, duy ý chí, chấp nhận tri thức mới dù họ cảm thấy không hài lòng. Và khi có tư duy phản biện, chúng ta sẽ hình thành khả năng lắng nghe ý kiến của người khác, sẵn sàng tiếp thu khi các dẫn chứng mà người phản biện đưa ra là có cơ sở và căn cứ, dám nhận cái sai. Đồng thời, nó còn giúp cho ta trong việc phản biện một quan điểm cũng như lập luận một cách chặt chẽ hơn.

- Các yêu cầu đối với tư duy phản biện

Tư duy phản biện đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành khả năng tư duy độc lập, khả năng phân tích, đánh giá những thông tin, sự kiện cũng như mọi vấn đề của xã hội. Để có được những gì mà tư duy phản biện đem lại thì chủ thể tư duy cần phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định của tư duy phản biện

Một là, tư duy phải sáng tỏ, dựa trên lập luận, có luận c thuyết phục. Tư duy phản biện không chấp nhận bất cứ nhận định hay phán xét nào không có luận chứng rõ ràng. Người có tư duy phản biện phải đưa ra các dẫn chứng có sức thuyết phục cao trên cơ sở thực tiễn, tức là đưa ra ý kiến và phải dựa trên lập luận có căn cứ, phải chứng minh được lập luận đó vì khi không có cơ sở đầy đủ cho một vấn đề, chúng ta thường đưa ra những kết luận sai lầm. Do vậy yêu cầu cơ bản của tư duy phản biện là phải có căn cứ đầy đủ trong các lập luận, không nên chấp nhận những kết quả, quan điểm không có suy luận, lập luận rõ ràng.

Đồng thời, ngôn ngữ là vỏ vật chất của tư duy nên mối quan hệ của ngôn ngữ và tư duy là điều không thể phủ nhận. Vì vậy, trong tư duy phản biện cũng đòi hỏi ngôn ngữ được sử dụng trong lập luận phải rõ ràng, rành mạch, không dùng những từ ngữ có nghĩa mập mờ, dễ gây hiểu nhầm cho người nghe.

Hai là, tư duy phải khách quan, công bằng.

Để phản biện hiệu quả, trước hết người phản biện phải có vốn kiến thức nhất định về vấn đề đó, hơn nữa người phản biện phải ham học hỏi, tìm hiểu cũng như cởi mở với những quan điểm của người khác, biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến trái ngược với mình.

Khi nghe một ý kiến trái ngược với mình, chúng ta cần phải gạt tình cảm, gạt cái chủ quan cá nhân sang một bên cùng với các thói quen, truyền thống, định kiến,... và xem xét đối tượng một cách khách quan công bằng, nếu nó hợp lý thì sẵn sàng chấp nhận, không hợp lý thì chỉ ra khiếm khuyết và đưa ra lập luận của mình để thuyết phục người nghe.

Đồng thời, tư duy phản biện bao hàm cả tinh thần phn biện và kh năng phản biện. Tư duy phản biện đánh giá cao ước muốn tự phê phán, là khả năng có thể đánh giá suy nghĩ của chính mình, người có tư duy phản biện dám vượt qua những truyền thống đã trở thành khuôn mẫu trong lịch sử, các quan niệm trong quá khứ cũng như hiện thời tồn tại nhưng không còn phù hợp với thực tiễn, tích cực tìm hiểu các phương pháp thu thập thông tin, xử lý thông tin, suy luận cũng như trình bày vấn đề một cách khoa học, hiệu quả. Tinh thần phản biện cũng thể hiện ở thái độ tôn trọng mọi ý kiến, quan điểm, trên tỉnh thần xem xét một cách toàn diện, khách quan và kỹ lưỡng. Luôn nêu cao tinh thần tôn trọng người khác trong khi tranh luận.

Khả năng phản biện thể hiện ở chỗ người phản biện có khả năng xem xét vấn đề một cách khách quan, toàn diện, cụ thể. Chủ thể phản biện cần nắm vững và sử dụng thành thạo các hình thức, quy luật logic và các phương pháp chứng minh, bác bỏ cũng như các kỹ năng thu thập và xử lý thông tin. Vấn đề này có ý nghĩa vô cùng quan trọng vì hiện nay trong xã hội, có nhiều luồng thông tin mà chúng ta tiếp xúc hàng ngày vô cùng đa dạng về cả hình thức thể hiện và nội dung mà nó phản ánh. Nhưng không phải thông tin nào cũng chính xác, đúng đắn, có giá trị. Vì thế, việc chọn lọc trong quá trình thu thập thông tin cũng là một lần ta sử dụng tư duy phản biện. Đồng thời khả năng phản biện còn được còn thể hiện ở phương diện trình bày vấn đề rõ ràng, ngắn gọn, có tính thuyết phục người đọc, người nghe.

Vậy, Tư duy phản biện luôn hướng vào các vấn đề, các quan điểm trước đó đã được phản ánh. Trên cơ sở phản biện đó, chủ thể phản biện đưa ra ý kiến, sáng tạo của mình. Như vậy có thể thấy rằng, tư duy phản biện cũng là sự tổng kết cả một quá trình, góp phần cải biến đi tượng, và đồng thời đưa ra những tri thức mới phù hợp với hiện thực khách quan./.


[1] Lê Tấn Quỳnh Cẩm Giang (2011) “Hiểu biết về tư duy phản biện”, Thông tin khoa học hành chính (11)

[2] R,Paul, L.Elder (2017), Cảm nang tư duy phản biện – khái niệm và công cụ (Bùi Nam Sơn h. đ) Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ CHí Minh dịch, Thành phố Hồ Chí Minh

[3] Lê Thị Thanh Hà (2017) “Nâng cao năng lực tư duy phản biện cho các bộ lãnh đạo, quản lý ờ nước ta”, tạp chí Cộng sản, (11)