Tartalom megjelenítő

null Kết quả 10 năm thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ở tỉnh Đồng Tháp

Bài viết Bài viết

Kết quả 10 năm thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ở tỉnh Đồng Tháp

Mai Quang Khả

Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

Mở đầu

Thực hiện Kế hoạch số 417-KH/BTGTW ngày 12/01/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Ngày 10/10/2014, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh Đồng Tháp đã ban hành Chương trình  hành động số 199-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và ban hành nhiều văn bản có liên quan; đồng thời, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết đến cán bộ chủ chốt cấp Tỉnh và triển khai sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và tuyên truyền trong Nhân dân.

Ngày 31/12/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng văn hoá và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; tổ chức triển khai quán triệt được 659 lớp (cuộc), với 72.265 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham dự, trong đó, có 55.942 đảng viên, đạt tỷ lệ 97,57%(3), tổ chức học tập Chuyên đề năm 2022 "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hoá và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo" trong toàn hệ thống chính trị của Tỉnh.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, 03 năm thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TU, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Đồng Tháp đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.

Nội dung thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước ở tỉnh Đồng Tháp

Về xây dựng con người Đồng Tháp phát triển toàn diện

Việc xây dựng con người Đồng Tháp, nhất là thế hệ trẻ phát triển toàn diện, với các phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam được các cấp uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong Tỉnh triển khai xây dựng nhiều mô hình thực hiện; ngành Giáo dục và Đào tạo xây dựng đồng bộ ba môi trường văn hoá: Gia đình - Nhà trường - Xã hội; thực hiện Đề án "Xây dựng văn hoá ứng xử trong trường học giai đoạn 2019 - 2025" trên địa bàn Tỉnh, với mục tiêu thay đổi nhận thức về ứng xử văn hoá của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, học viên để phát triển năng lực, hoàn hiện nhân cách, lối sống văn hoá; xây dựng văn hoá trường học lành mạnh, thân thiện; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo[1].

Các cấp uỷ, chính quyền đã ban hành nhiều chủ trương xây dựng nhiều mô hình để xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, làm cơ sở phát triển văn hoá gắn với phát triển kinh tế, phát triển văn hoá trong Đảng, văn hoá trong doanh nhân, doanh nghiệp, văn hoá công sở, khu dân cư, gia đình; làm cho những giá trị văn hoá lành mạnh thấm sâu vào mỗi người dân, phát huy được đặc trưng văn hoá, tính cách của con người Đồng Tháp luôn nghĩa tình, năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, khó khăn.

Hoạt động lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, văn học, nghệ thuật luôn bảo đảm đúng định hướng, phát huy dân chủ, tạo không khí cởi mở, điều kiện thuận lợi cho hoạt động sáng tác và thẩm định các tác phẩm; chú trọng đổi mới đề tài, nội dung, phương pháp thể hiện đối với tác phẩm văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh,… Đặc biệt, khuyến khích văn nghệ sĩ khai thác đề tài về vùng đất - con người Đồng Tháp, sự nghiệp đổi mới của đất nước, địa phương, khẳng định những nhân tố tích cực, đấu tranh, phê phán tiêu cực, lạc hậu; qua đó, phát hiện, cổ vũ những tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật, kịp thời uốn nắn, phê phán những biểu hiện lệch lạc trong hoạt động sáng tác, trình diễn, hướng người đọc, người xem tới những giá trị "chân, thiện, mỹ".

Hoạt động thể dục, thể thao của Tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Thể dục, thể thao quần chúng có bước phát triển ổn định, ngày càng có nhiều người tham gia luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên; phong trào thể dục, thể thao trong cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động được quan tâm và ngày càng phát triển. Thể thao thành tích cao tiếp tục giữ vững thế mạnh ở các môn sở trường và nâng chất một số môn thể thao có tiềm năng, đóng góp nhiều thành tích cho quốc gia; tại các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc, Đồng Tháp luôn được xếp trong nhóm 15 địa phương dẫn đầu về thành tích.

Ban Chỉ đạo 35 Tỉnh luôn chủ động trong hoạt động, nội dung, hình thức, phương pháp đấu tranh, phòng chống các quan điểm sai trái, thù địch, các hành vi tiêu cực ngày càng phát huy hiệu quả; thường xuyên tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; giáo dục, định hướng tư tưởng cho thế hệ trẻ là đoàn viên, thanh thiếu niên trước thực trạng thông tin đa dạng, trái chiều, nhất là những thông tin sai lệch phát tán trên không gian mạng; đấu tranh, phản bác các trang mạng xã hội có nội dung xấu, độc.

Về xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh

Việc xây dựng các tiêu chí danh hiệu văn hoá trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với xây dựng nông thôn mới luôn được các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, nhất là trong xây dựng gia đình văn hóa[2]. Nhiều mô hình về công tác gia đình được thành lập, thu hút sự hưởng ứng mạnh mẽ của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân, góp phần vào hiệu quả chung của nhiệm vụ phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn Tỉnh. Xây dựng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá. Toàn Tỉnh, hiện có 07 thiết chế văn hoá thể thao cấp Tỉnh, 12 Phòng Văn hoá và Thông tin, 12 Trung tâm Văn hoá - Thể thao và Truyền thanh các huyện, thành phố; có 112/115 xã có Trung tâm Văn hoá - Học tập cộng đồng đạt chuẩn; có 08 nhà thi đấu, 12 nhà tập, 36 sân bóng đá 11 người, 152 sân bóng đá 05 người bằng cỏ nhân tạo, 459 sân bóng chuyền, 33 sân quần vợt, 69 hồ bơi cố định vừa và nhỏ, 57 phòng tập thể dục thể thao.

Về xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế

Nâng cao văn hoá công sở, xây dựng môi trường làm việc văn minh tại cơ quan, đơn vị, hình thành văn hoá ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, bảo đảm tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, sáng tạo, hiệu quả trong thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và xã hội[3].

Đẩy mạnh cải cách hành chính Nhà nước, công khai quy trình làm việc và người chịu trách nhiệm giải quyết công việc; rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về công chức, viên chức. Tăng cường theo dõi, kiểm tra việc chấp hành quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Việc xây dựng văn hoá doanh nhân, văn hoá doanh nghiệp với ý thức tôn trọng luật pháp, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh; tôn vinh các doanh nghiệp, doanh nhân xây dựng và phát triển thương hiệu địa phương[4].

 Về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá

Các hoạt động văn hoá, văn nghệ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Triển lãm tranh, ảnh, thư pháp, thư họa và chương trình biểu diễn nghệ thuật chào mừng các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn thường xuyên được tổ chức, góp phần tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh, con người, thiên nhiên và sắc thái văn hoá đặc trưng của Đồng Tháp, thu hút sự tham gia đông đảo của người dân.

Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ và phát huy các giá trị di tích cũng được các địa phương chú trọng. Công tác tu bổ di tích bằng các nguồn đầu tư từ ngân sách của Trung ương, Tỉnh và nguồn xã hội hoá đạt hiệu quả, nhiều di tích đã trở thành những điểm tham quan du lịch - văn hoá, tạo ra những tour du lịch hấp dẫn, có tác động thúc đẩy kinh tế phát triển, từng bước mang lại cho cộng đồng những lợi ích cả về vật chất lẫn tinh thần.

Công tác hợp tác và giao lưu văn hoá

Hàng năm, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ lãnh đạo Ban cán sự đảng Uỷ ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện văn hoá đa dạng, đặc sắc nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn gắn kết với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế của Tỉnh. Tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật giao lưu với các đoàn công tác nước ngoài như: Hàn Quốc, Ấn Độ, Lào, Cam-pu-chia,… sang thăm và làm việc tại Tỉnh[5]. Qua đó, giới thiệu những tinh hoa văn hoá, du lịch, quảng bá về thành tựu kinh tế, xã hội của địa phương, góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín, vị thế của Tỉnh nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế. Đồng thời, bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam nói chung, đặc trưng văn hoá và con người Đồng Tháp nói riêng.

Kết luận

Như vậy, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, 03 năm thực hiện Nghị quyết số 06- NQ/TU, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở Đồng Tháp có thể thấy rõ môi trường văn hoá toàn tỉnh được cải thiện và có một số mặt tiến bộ. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống được phát huy, giá trị văn hoá mới đang được hình thành, dân chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội được mở rộng. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã tác động đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần làm lành mạnh dần môi trường văn hoá, tăng cường khối đoàn kết toàn dân, trở thành nhân tố kích thích sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Thiết chế văn hoá, sản phẩm văn hoá của Tỉnh khá đa dạng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân; các di tích, di sản văn hoá được xây dựng, tôn tạo, phục hồi; cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch được tang cường. Hệ thống thông tin đại chúng được đầu tư phát triển, phục vụ công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần cho Nhân dân.

               

Tài liệu tham khảo:

- Tỉnh ủy Đồng Tháp, ngày 27 tháng 6 năm 2024, Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.


[1] Trường Đại học Đồng Tháp ban hành Bộ quy tắc ứng xử quy định về chuẩn mực ứng xử văn hoá của viên chức, nhân viên, sinh viên của Trường; tổ chức Hội thảo với chủ đề "Gắn kết ba môi trường giáo dục: Nhà trường - Gia đình - Xã hội" năm học 2022 - 2023. Triển khai thực hiện Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021 - 2030"; triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030" trên địa bàn Tỉnh; tổ chức thực hiện hiệu quả về đánh giá, xếp loại "Đơn vị học tập" trên địa bàn Tỉnh. Tỉnh Đồng Tháp có thành phố Sa Đéc và thành phố Cao Lãnh được UNESCO công nhận là thành viên Mạng lưới các thành phố học tập toàn cầu . Cuối năm 2022, xét công nhận 370.290 Gia đình học tập; 850 Dòng họ học tập; 684 Cộng đồng học tập; 824 Đơn vị học tập; thực hiện kiểm tra công nhận Cộng đồng học tập cấp xã 143/143 đạt 100%; xét và công nhận "Công dân học tập" tại các cơ quan, đơn vị đạt chuẩn đơn vị học tập từ Tỉnh đến cơ sở, kết quả đã công nhận 36.761 công dân học tập. Phong trào xây dựng "Góc học tập" tại gia đình được duy trì, kết quả có 335.953 hộ gia đình xây dựng "Góc học tập".

[2] Danh hiệu "Gia đình văn hoá": Từ năm 2014 - 2023, gia đình văn hoá chiếm tỷ lệ bình quân 91,68%. Năm 2023, toàn Tỉnh có 402.925/424.839 gia đình được công nhận là "Gia đình văn hoá", đạt tỷ lệ 94,84% (năm 2014 đạt 87,38%). Đến năm 2023, toàn Tỉnh có 569/572 ấp được công nhận "Ấp văn hoá nông thôn mới", đạt tỷ lệ 99,48%; 124/126 khóm được công nhận "Khóm đô thị văn minh", đạt tỷ lệ 98,41%.

[3] Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành Quyết định số 1631/QĐ-UBND-HC ngày 28/10/2021 ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc trong cơ quan Đảng, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.

[4] Toàn Tỉnh có gần 900 sản phẩm khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; có 453 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (01 sản phẩm 5 sao, 86 sản phẩm đạt 04 sao và 366 sản phẩm đạt 3 sao).

[5] Năm 2023, Tỉnh phối hợp tổ chức Tuần Văn hoá Cam-pu-chia tại tỉnh Đồng Tháp, đây là một trong các chương trình giao lưu văn hoá khu vực biên giới giữa Việt Nam và Cam-pu-chia do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức. Tổ chức Hội nghị hợp tác đầu tư và thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh.