Tartalom megjelenítő

null Mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong giai đoạn hiện nay

Bài viết Bài viết

Mục tiêu xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong giai đoạn hiện nay

Nguyễn Quang Thành

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Ngày 08/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 619/QĐ-TTg về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đã quy định tiêu chí tiếp cận pháp luật gồm 05 tiêu chí thành phần: Bảo đảm thi hành Hiến pháp và Pháp luật; thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã; phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải ở cơ sở; thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trải qua quá trình 04 năm triển khai thực hiện, đến ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg). Như vậy, từ năm 2022, công tác xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được triển khai thực hiện với nhiều điểm mới, đặc biệt mục tiêu của công tác này cũng đã có những thay đổi nhất định.

Thứ nhất, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật trong Nhân dân, đảm bảo tính thượng tôn Hiến pháp và pháp luật

Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam, việc tăng cường nhận thức và khả năng tiếp cận pháp luật của người dân là một phần không thể thiếu để hướng tới. Trong suốt hai thập kỷ qua, Việt Nam đã có nhiều cố gắng với nhiều giải pháp thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân, kể cả các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế … Đặc biệt, ngày 11/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 977/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân”. Đây được coi là giải pháp mang tính toàn diện, đột phá, thực hiện mục tiêu tổng quát xây dựng, tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả, toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tuân theo pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt, Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới đã khẳng định quan điểm: Bảo đảm thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và đề ra mục tiêu “Đến năm 2030, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”.

Có thể nói, việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một yêu cầu khách quan, tất yếu trong bối cảnh cả hệ thống chính trị tích cực xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Bởi lẽ, việc nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận pháp luật của người dân trong thời gian tới là thước đo quan trọng của một nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, của một nhà nước mong muốn người dân ngày càng tích cực tham gia vào các công việc quản lý nhà nước và quản lý xã hội. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc có kiến thức pháp luật, sử dụng pháp luật thành thục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình trong quá trình giao lưu dân sự cũng như tuân thủ tính tối cao của Hiến pháp và pháp luật trong đời sống là thực sự cần thiết.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả tiếp cận thông tin pháp luật

Trong những năm qua, việc tăng cường năng lực tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, từ đó góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật để thực hiện các quyền, bảo vệ các lợi ích của cá nhân và xã hội luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra nhiệm vụ “đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”, “tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của công dân và doanh nghiệp”.

Theo Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” được ban hành kèm theo Quyết định số 977/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra 02 mục tiêu cụ thể là:

(i) Nhận thức, trách nhiệm và thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân, đặc biệt là đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được nâng cao.

(ii) Nâng cao năng lực giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận trong hỗ trợ người dân tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật.

Để hiện thực hoá được 02 mục tiêu trên có lẽ phải cần đến sự triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Trong đó, thiết nghĩ việc xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một trong những giải pháp nhằm hiện thực hoá các mục tiêu trên. Thực vậy, nâng cao năng lực tiếp cận thông tin pháp luật của người dân là một mục tiêu hướng đến khi xây dựng bộ tiêu chí cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Tiếp cận thông tin pháp luật hiệu quả được thể hiện trên một số phương diện sau đây:

(i) Có phương thức để người dân được tiếp cận với thông tin chính sách, pháp luật mới một cách thuận lợi.

(ii) Người dân chủ động tìm kiếm, tra cứu thông tin pháp luật bằng đa dạng các hình thức.

(iii) Có phương thức hỗ trợ tiếp cận thông tin pháp luật dành cho các nhóm yếu thế trong xã hội.

Thứ ba, góp phần thực hiện toàn diện mục tiêu xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh

Xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là một nội dung thành phần đã được quy định trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 (Nội dung 6: Đánh giá, công nhận, xây dựng xã tiếp cận pháp luật; bảo đảm và tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân) và là tiêu chí thành phần của Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (Tiêu chí 18.5: Xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo quy định). Hiện nay, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tiêu chí “xã đạt chuẩn tiếp cận” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã đạt chuẩn nông thôn mới, Thủ tướng chính phủ đã quyết định bổ sung tiêu chí tiếp cận pháp luật vào Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao và nội dung “huyện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” trong tiêu chí hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công thuộc Bộ tiêu chí quốc về huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, tại Quyết định số 04/2022/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh cũng xác định tiêu chí “Quận (thị xã, thành phố) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật” là một nội dung thành phần của tiêu chí hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị. Như vậy, với việc bổ sung tiêu chí “chuẩn tiếp cận pháp luật” đối với xã nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới, đô thị văn minh cho thấy sự gắn kết các chủ trương, chính sách về xây dựng nông thôn mới với xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Có thể nói, xác định công tác xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ quan trọng và là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của địa phương. Thời gian qua, nhiều xã, phường, thị trấn trên cả nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác này cùng với quá trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh. Theo đó, căn cứ vào các tiêu chí đánh giá xã chuẩn tiếp cận pháp luật và các văn bản hướng dẫn thực hiện, cấp xã đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đồng thời, tổ chức triển khai các điều kiện để xây dựng địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, phân công cán bộ tham mưu thực hiện các tiêu chí về tiếp cận pháp luật cho người dân.

Sự gắn kết giữa việc xây dựng xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh thật sự cần thiết trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Việc triển khai thực hiện đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật ở cấp xã không phải làm tăng thêm việc, thêm áp lực cho địa phương mà vẫn là những nhiệm vụ chính quyền xã đang thực hiện, nay được xâu chuỗi, hệ thống thông qua bộ công cụ với các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể. Do đó, sẽ giúp xã tự đánh giá được khả năng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao; nhận diện được những khó khăn, hạn chế, bất cập trong triển khai nhiệm vụ; kịp thời đề xuất, kiến nghị giải pháp tháo gỡ để tổ chức thi hành Hiến pháp, pháp luật tại địa phương có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá tiếp cận pháp luật nói riêng và bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và đô thị văn minh nói chung có ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, nhân dân; đảm bảo quyền được tiếp cận thông tin của công dân và xây dựng nền hành chính cơ sở ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020

Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020

Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025

Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới; quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025

Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg