Asset-Herausgeber

null 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – lòng tin vững chắc của nhân dân từ bài học “Nhỏ”

Chi tiết bài viết Bài viết

95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – lòng tin vững chắc của nhân dân từ bài học “Nhỏ”

Ts. Nguyễn Quốc Trung

Khoa xây dựng Đảng

Tóm tắt, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và lòng tin vững chắc của Nhân dân, dân tộc vào Đảng không phải xuất phát từ “những lời tung hô”, “tự xưng”, hay “những khẩu hiệu tuyên truyền đã được gọt giũa về ngôn từ” mà được đo lường bằng thực tiễn cuộc sống. Trong thực tiễn đa dạng và phong phú của quá trình lãnh đạo, niềm tin của Nhân dân đôi khi xuất phát từ những bài học “nhỏ”.

Từ khóa: 95 năm, thành lập Đảng, lòng tin, bài học

95 năm thành lập, trưởng thành và phát triển, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo Nhân dân, dân tộc Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại, đó là: thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945, giành độc lập dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc (thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước); thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và làm tròn nhiệm vụ quốc tế trong sáng; thắng lợi của công cuộc đổi mới đồng bộ và toàn diện đất nước. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong 95 năm qua là to lớn và có ý nghĩa lịch sử, đồng thời còn khẳng định nhất quán vai trò, năng lực lãnh đạo cách mạng của Đảng, khẳng định niềm tin vững chắc của Nhân dân, dân tộc vào sự lãnh đạo của Đảng. Đó là cơ sở vững chắc nhất, quyết định nhất để Đảng tiếp tục thực hiện vai trò lãnh đạo xây dựng và phát triển đất nước trong những giai đoạn tiếp theo.

Đảng là tập hợp những đảng viên mà thành, đảng viên của Đảng cũng từ các thành phần giai cấp, tầng lớp Nhân dân, dân tộc mà được xây dựng nên; cùng với đó là giới hạn không thể vượt qua của thực tiễn lịch sử và nhận thức con người (tất nhiên vẫn có những cá nhân kiệt xuất có thể dự báo hoặc có những nhận thức vượt thời đại), do đó, trong quá trình thực hiện trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo và hiện thức hóa đường hướng phát triển không thể tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế và thậm chí cả những sai lầm. Những sai lầm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn của Đảng sẽ để lại những tổn thất, những dấu ấn sâu đậm trong tâm khảm quần chúng Nhân dân, từng bước một sói mòn lòng tin của Nhân dân, dân tộc vào Đảng. Để không ngừng củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Đảng phải thẳng thắn nhìn nhận và triệt để khác phục. Xuất phát từ thực tiễn, từ cuộc sống của người dân: niềm tin và sự tôn trọng của mỗi người luôn được đảm bảo khi nhận được sự thừa nhận một cách nghiêm túc và một tấm lòng thành khẩn với những thiếu sót, sai lầm, cùng với đó là một thái độ dứt khoát và trách nhiệm rõ ràng trong việc khắc phục hậu quả. Để giữ vững niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Đảng không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực, bản lĩnh lãnh đạo, đồng thời, luôn luôn thấu triệt rõ bài học “dám thừa nhận sai lầm và thành khẩn sửa chữa sai lầm”.

Cụm từ “Đảng ta thật là vĩ đại” đã được nhắc rất nhiều trong các văn bản, trong các bài phát biểu, trong đời sống thực tiễn và phần lớn nhận thức về “sự vĩ đại” thường bắt nguồn từ những việc “lớn”, những “vấn đề có tính chiến lược”, những “kết quả thật phi thường”,… nhưng ít người tiếp cận dưới gốc độ là “dám thừa nhận sai lầm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “… một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính[1]. Dám thừa nhận sai lầm và kiên quyết sửa chữa sai lầm tưởng chừng như vấn đề bình thường của thực tiễn nhưng lại là yếu tố rất quan trọng làm cho mỗi con người trở nên hoàn thiện hơn, vĩ đại hơn và đặc biệt, đối với đảng chính trị điều đó đặc biệt quan trọng và cần thiết.

Trong lịch sử hình thành và phát triển triển của các đảng chính trị, có đảng chính trị đã nắm chính quyền rất nhiều năm, nhưng đối với vấn đề thừa nhận sai lầm trong quá trình lãnh đạo xã hội thì có thể nói là hiếm khi xuất hiện. Bởi vì, theo tư duy nhận thức thông thường thì thừa nhận sai lầm rất có thể được hiểu với thừa nhận thất bại, thừa nhận năng lực hạn chế,… điều đó đối với các đảng chính trị, đặc biệt là những thể chế chính trị thực hiện đa đảng đối lập, thì sẽ là cơ hội để các đảng đối lập công kính nhằm mục đích giành quyền lực chính trị.

Trải qua hàng ngàn năm dưới chế độ phong kiến, hàng trăm năm dưới chế độ thuộc địa, từ những con người của thực tiễn xã hội đó, với tư cách là những đảng viên, bước lên vũ đài chính trị, tiếp nhận quyền lực được Nhân dân ủy thác, trực tiếp quản lý xã hội, trong quá trình đó chắc chắn xuất hiện những hạn chế, những thiếu sót và thậm chí cả những sai lầm. Nhận thức được thực tiễn đó, từ rất sớm Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm nhắc nhở đảng viên không ngừng rèn luyện bản lĩnh, nâng cao trình độ để đáp ứng thực tiễn biến đổi và sự tin tưởng của Nhân dân, nhưng đồng thời Người cũng rất thẳng thắn với những sai lầm và kiên quyết nhận khuyết điểm, triệt để khắc phục hậu quả.

Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng của dân tộc, Đảng rất nghiêm túc với những sai lầm và Đảng đã thẳng thắn thừa nhận, đó là: Đảng đã rất thẳng thắn nhận sai lầm trong quá trình thực hiện “cải cách ruộng đất ở miền Bắc (1954-1956)”; tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng cũng đã rất thẳng thắn nhìn nhận sai lầm trong quá trình lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội để rồi đi đến quyết định đường lối đổi mới đất nước; trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới, dưới những tác động mạnh mẽ từ thực tiễn, những thiếu sót trong công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, cán bộ,…đã xuất hiện “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất, tham nhũng,…đây là những thiếu sót không phải sai lầm của Đảng, nhưng Đảng cũng đã rất thẳng thắn nhìn nhận và quyết tâm khắc phục.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh dù sai lầm lớn đến đâu, nghiêm trọng cở nào, nhưng nếu toàn Đảng quyết tâm nhất trí thì chắc chắn sẽ khắc phục được, sửa chữa được. Tại kết luận của Hội nghị Trung ương 10 (mở rộng) khóa II (1956)” Đảng khẳng định: “… Hội nghị đã nhất trí nhận rằng: Cuộc cách mạng phản phong đã hoàn thành. Đó là một thắng lợi to lớn và căn bản. Nhưng trong khi thực hiện đã phạm nhiều sai lầm khuyết điểm nghiêm trọng. Vì vậy, mục đích của Hội nghị trong đợt 1 là kiểm thảo công tác lãnh đạo, tìm ra phương pháp để sửa chữa khuyết điểm và để phát huy thành tích. …. Toàn Đảng ta, toàn dân ta đoàn kết nhất trí, thì dù sai lầm khuyết điểm nhiều mấy, chắc chắn cũng sửa chữa được. Những khó khăn phức tạp hiện nay cũng là một cuộc thử thách lớn. Vượt qua cơn sóng gió này, kinh nghiệm ta sẽ nhiều thêm, lực lượng ta sẽ mạnh thêm, thành tích ta sẽ mở rộng thêm và Đảng ta nhất định sẽ củng cố thêm và phát triển thêm[2].

Dám thẳng thắn thừa nhận sai lầm và kiên quyết khắc phục, sửa chữa sai lầm đó là yêu cầu của thực tiễn, là kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng và là một truyền thống quý báu của Đảng, nhưng như thế không có nghĩa là cứ để xuất hiện sai lầm và nhìn nhận, mà Đảng phải không ngừng bám sát vào thực tiễn, tổng kết thực tiễn, không ngừng nâng cao bản lĩnh, trí tuệ và trình độ lãnh đạo cách mạng để hạn chế và tránh những sai lầm.

Thực tiễn 95 năm ra đời và lãnh đạo cách mạng là thực tiễn 95 năm Đảng không ngừng củng cố và xây dựng niềm tin vững chắc của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Cơ sở vững chắc của niềm tin từ Nhân dân là bài học “dám nhìn nhận sai lầm và kiên quyết sửa chữa sai lầm”, đồng thời là sự thấu triệt quan điểm “lấy dân làm gốc”, niềm tin đó tiếp tục là cơ sở để Đảng không ngừng đổi mới sáng tạo trên cơ sở thực tiễn để lãnh đạo đất nước, để Đảng không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh đội ngũ cán bộ đảng viên hạt nhân quyết định thành công. Những thành tựu của đất nước trong 95 năm qua là cơ sở vững chắc nhất để khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, khẳng định niềm tin vững chắc, tuyệt đối của Nhân dân vào Đảng, là cơ sở để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới./.

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CCTQG Sự Thật, Hà Nội, tập 5

2. Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CCTQG Sự Thật, Hà Nội, tập 10.


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CCTQG Sự Thật, Hà Nội, tập 5, tr. 301

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập (2011), Nxb CCTQG Sự Thật, Hà Nội, tập 10, tr. 430, 431, 43