Xuất bản thông tin

null “Tại sao Việt Nam không kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài”?

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

“Tại sao Việt Nam không kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài”?

TS. Nguyễn Quốc Trung

                                                                                   Khoa Xây dựng Đảng

Đây là vấn đề đã được bàn luận rất nhiều trong quá trình Philippines tiến hành các thủ tục pháp lý để kiện Trung Quốc ra “Tòa trọng tài” [1] và càng được bàn luận nhiều hơn nữa khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết, mặc dù, Trung Quốc kiên quyết phản đối và không tham gia, nhưng phán quyết của Tòa trọng tài đã có những ảnh hưởng nhất định đến uy tín của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Trong những năm qua, vấn đề này đã lắng xuống và thường rất ít khi được báo chí, các trang mạng xã hội nhắc đến. Nhưng trong thời điểm hiện tại, các thế lực thù địch, phản động, chống phá nền tảng tư tưởng, chống phá Đảng, chống phá Nhà nước Việt Nam lại khai thác để đưa ra những nhận định không đúng, sai lệch [2] làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, nhiều tài khoản mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động trích lại một số ý kiến từ các tài khoản mạng xã hội ở Trung Quốc cho rằng “nếu Việt Nam có bằng chứng đầy đủ thì Việt Nam đã kiện Trung Quốc rồi, chỉ là Việt Nam chẳng có gì để chứng minh và cũng chẳng dám kiện Trung Quốc”,… để tiếp tục đưa ra những quan điểm sai lệch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Vấn đề này đã được trao đổi, chia sẻ của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước trên các diễn đàn mở, trong các cuộc hội thảo khoa học và cả trên các diễn đàn ngoại giao. Bài viết này không phải đưa ra những quan điểm mới mà chỉ là góp thêm tiếng nói, góp phần khẳng định quan điểm đúng đắn, khách quan và thực tế đã được nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế ủng hộ và thừa nhận.

Trước khi đi vào trao đổi vấn đề đã được đặt ra, cần nhắc lại những quan điểm đã được khẳng định và được thừa nhận rộng rãi:

(1) Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, đó là sự thật không thể tranh cãi, là vấn đề không thể phủ nhận và được đông đảo cộng đồng quốc tế công nhận. 

(2) Hàng loạt tài liệu lịch sử trong và ngoài nước đã được lưu trữ và khai thác ở Việt Nam và trên thế giới đều khẳng định rõ chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

(3) Trên thực tế, qua các giai đoạn lịch sử các chính quyền ở Việt Nam đã luôn khẳng định chủ quyền, xác lập chủ quyền và tiến hành quản lý trên thực địa đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

(4) Thực tế đã chứng minh và cộng đồng quốc tế đã thừa nhận chính quyền nhà nước Trung Quốc đã dùng vũ lực để kiểm soát quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và một số thực thể ở quần đảo Trường sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

(5) Lợi dụng tình hình chính trị ở Việt Nam trong lịch sử, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã tiến hành kiểm soát một số thực thể ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam).

(6) Từ khi chính quyền nhà nước Trung Quốc và một số chính quyền các nước Đông Nam Á xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chính quyền Việt Nam (trong lịch sử và hiện tại) vẫn luôn khẳng định chủ quyền rõ ràng và không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (chưa bào giờ từ bỏ chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể đối với quần đảo Trường Sa như tuyên truyền của chính quyền nhà nước Trung Quốc, một số chính quyền các nước Đông Nam Á và các thế lực thù địch, phản động).

(7) Đối với vấn đề biển Đông, lập trường nhất quán của Việt Nam là luôn theo đuổi và ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Trở lại vấn đề Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài [3]. Trước hết cần làm rõ và khẳng định vấn đề tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc là vấn đề hoàn toàn khác (cả về mặt bản chất và hình thức) như vấn đề của Việt Nam và Trung Quốc. Tiếp đến, chính quyền Philippines kiện Trung quốc nhiều vấn đề có liên quan đến việc tranh chấp, trong đó, Tòa trọng tài Thường trực chỉ thụ lý một số nội dung, không thụ lý tất cả các nội dung mà Philippines đưa ra. Cuối cùng, đây là vấn đề giữa chính quyền Philippines và chính quyền Trung Quốc, không phải là toàn bộ các vấn đề tranh chấp trên biển Đông và vấn đề hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và cũng không phải là vấn đề chung của tất cả các quốc gia có liên quan đến tranh chấp trên biển Đông và tranh chấp các quần đảo và thực thể trên biển Đông.

Đối với việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài, quan điểm của chính phủ Việt Nam được thể hiện rất rõ ràng: Việt Nam ủng hộ vụ kiện của Philippines. Để bảo vệ quyền lợi của mình, Việt Nam đã cử đoàn với tư cách quan sát viên đến dự phiên tranh tụng diễn ra của vụ kiện liên quan đến Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc. Lập trường nhất quán của Việt Nam là luôn theo đuổi và ủng hộ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).

Sau khi có phán quyết, Việt Nam đã hoan nghênh việc Tòa Trọng tài Thường trực đã đưa ra phán quyết cuối cùng. Việt Nam luôn khẳng định lập trường nhất quán của mình về việc ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trở lại vấn đề tại sao Việt Nam không tiến hành các thủ tục pháp lý như Philippines đã tiến hành. Có hai vấn đề cần phải làm rõ và cần được khẳng định:

Vấn đề thứ nhất: trước hết, có thể nói việc tiến hành các thủ tục pháp lý kiểu như thế sẽ mất rất nhiều thời gian, vật chất, công sức, nhưng hiệu quả thì gần như không thể đoán định được; hơn nữa, trong các trường hợp tiến hành thủ tục pháp lý giữa các quốc gia bằng hệ thống luật pháp quốc tế thì các bên có liên quan có thể thừa nhận, tham gia hoặc không thừa nhận, không tham gia, trong trường hợp này lại không có tính ràng buộc; một vấn đề khác là khi có các phán quyết được đưa ra thì khả năng ràng buộc pháp lý là gần như không thể, các phán quyết chỉ có ý nghĩa tác động, ảnh hưởng nhất định đến uy tín, vị thế hay tầm ảnh hưởng của một quốc gia mà thôi.

Tiếp đến, việc tiến hành các thủ tục pháp lý giữa các quốc gia theo khuôn khổ luật pháp quốc tế có thể tạo ra những hệ lụy pháp lý không thể lường trước được và có thể dẫn đến những kết quả phức tạp không thể giải quyết được trong tương lai. Đây có thể nói là vấn đề rất phức tạp, rất nhạy cảm trong giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền giữa các quốc gia.

Cuối cùng, dù kết quả của việc tiến hành các thủ tục pháp lý trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp giữa các quốc gia có như thế nào đi nữa thì tất cả các vấn đề tranh chấp gần như không thể được giải quyết một cách căn bản và đưa đến một kết quả cuối cùng mà các bên chấp nhận và đảm bảo trên thực tế việc hiện thực hóa kết quả đó.

Vấn đề thứ hai: chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không thể tranh cãi và không phủ nhận, đã được đông đảo cộng đồng quốc tế thừa nhận và ủng hộ. Từ đó cho thấy, Việt Nam không cần thiết phải tiến hành các thủ tục pháp lý theo khuôn khổ luật pháp quốc tế để giải quyết các vấn đề tranh chấp do các bên khác đưa ra (mà việc đưa ra đó là không có cơ sở và không được công nhận) mà tất cả những điều đó đều vô lý.

Có thể đưa ra một giả dụ để chứng minh: trước đây trong cuộc chiến tranh Trung Quốc và Nhật Bản, Nhật Bản đã tiến hành chiến tranh và dùng vũ lực để kiểm soát phần lãnh thổ phía Bắc Trung Quốc (vùng Mãn Châu) trong một thời gian ngắn và thiết lập bộ máy quản lý vùng đất này trong một thời gian nhất định. Điều đó chứng tỏ vùng Mãn Châu là lãnh thổ của Nhật Bản. Đó là một giả dụ hoàn toàn vô lý và chắc chắn rằng chẳng ai tin vào điều đó dù có ai đó cố gắng chứng minh nó với bất cứ lý do nào đó và Trung Quốc chắc chắn sẽ không tiến hành một thủ tục pháp lý để kiện một quốc gia nào đó đưa ra lập luận đó hoặc tham gia vào một thủ tục pháp lý do một quốc gia nào đó tiến hành. Đó là điều vô nghĩa. Điều này khẳng định chắc chắn rằng lý do vì sao Việt Nam không tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan tới vấn đề quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như vấn đề của biển Đông. Điều này cũng đồng nghĩa rằng dù Trung Quốc có dùng cách gì để giải thích cho việc dùng vũ lực kiểm soát quần đảo Hoàng Sa và một số thực thể ở quần đảo Trường Sa thì cũng không thể phủ nhận sự thật lịch sử rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là lãnh thổ bản địa của Việt Nam.

Từ hai vấn đề đã phân tích trên và những căn cứ pháp lý và sự thừa nhận rộng rãi của cộng đồng quốc tế, trong vấn đề này, mỗi người dân Việt Nam có đủ căn cứ và lập luận để khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi và không thể phủ nhận, đồng thời đó cũng là cơ sở để phản bác có hiệu quả các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch đối với các vấn đề có liên quan đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các vấn đề của biển Đông./.


[1] Tòa Trọng tài thường trực The Haye với cái tên chính thức tiếng Anh là Permanent Court of Arbitration, viết tắt là PCA. PCA được chính thức thành lập năm 1900 và đi vào hoạt động năm 1902. Việt Nam đã ký kết cả hai Công ước của Tòa Trọng tài này. Với Công ước 1899, Việt Nam tham gia ngày 29/12/2011. Đối với Công ước 1907, Việt Nam tham gia ngày 27/02/2012.

[2] Đảng và Nhà nước Việt Nam cộng sản sợ Trung Quốc nên không dám kiện Trung Quốc,

  Đảng và Nhà nước Việt Nam cộng sản không có căn cứ vững chắc nên không dám kiện Trung Quốc,

  Đảng và Nhà nước Việt Nam cộng sản âm thầm bắt tay Trung Quốc cộng sản bán nước,…

[3] Philippines đệ đơn vào ngày 22 tháng 1 năm 2013 để khởi kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) về một số tranh chấp giữa hai nước liên quan việc giải thích và áp dụng UNCLOS ở Biển Đông. Tòa Trọng tài thường trực (PCA) được lựa chọn làm cơ quan thư ký của vụ kiện. Vào ngày 29 tháng 10 năm 2015, Tòa Trọng tài thành lập hợp pháp theo Phụ lục VII đã ra phán quyết sơ bộ, tuyên bố có thẩm quyền thụ lý, xét xử vụ kiện này, bất chấp việc Trung Quốc từ chối tham gia vào quá trình xét xử. Phán quyết cuối cùng của Tòa Trọng tài được công bố vào ngày 12 tháng 7 năm 2016, trong đó nhất trí tuyên bố Trung Quốc không có "các quyền lịch sử" dựa trên cái gọi là bản đồ "đường chín đoạn". Ngoài ra, Tòa bác bỏ khả năng Trung Quốc được yêu sách vùng biển từ các đảo nhân tạo mà nước này đã xây dựng trái phép ở Trường Sa, đồng thời xác định Trung Quốc đã gây tổn hại nghiêm trọng đến môi trường biển, mở rộng và làm phức tạp thêm tranh chấp.

        Về phía chính quyền Trung Quốc: Trung Quốc từ chối tham dự vào vụ kiện, cho rằng nhiều thỏa thuận với Philippines đặt điều kiện cho những đàm phán song phương có thể được thỏa thuận để giải quyết những tranh cãi về biên giới. Họ cũng buộc tội Philippines về việc vi phạm Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông tình nguyện, mà đã được thỏa thuận 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, mà cũng đặt điều kiện cho những đàm phán song phương như là các biện pháp để giải quyểt tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác. Trung Quốc công bố một văn kiện vào tháng 12 năm 2014 cho là việc tranh cãi không liên quan gì đến việc phân xử vì đây hoàn toàn là vấn đề chủ quyền, chứ không phải là quyền để khai thác. Việc Trung Quốc từ chối tham dự không làm cho tòa án kết thúc vụ kiện.