Xuất bản thông tin

null Hoạt động của các Hợp tác xã trên địa bàn xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang

Chi tiết bài viết Bài viết

Hoạt động của các Hợp tác xã trên địa bàn xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang

ThS. Lê Thị Thanh Kiều

Khoa Lý luận cơ sở

          Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, Đảng ta khẳng định: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…”[1]. Do đó, các hợp tác xã hoạt động hiệu quả là nội dung giữ vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế tập thể, là tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” ở nước ta hiện nay.

          Xã Lại Sơn (hay Hòn Sơn) có diện tích 1.087,04 ha, là xã đảo lớn nhất trong tổng số 23 hòn đảo của huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang. Lại Sơn nằm ở vùng biển Tây Nam, trong vịnh Rạch Giá, cách Trung tâm hành chính huyện Kiên Hải khoảng 28km; cách Quần đảo Nam Du 27km; cách thành phố Rạch Giá khoảng 60km. Xã có 04 ấp, 36 tổ nhân dân tự quản, 2.477 hộ với 8.697 nhân khẩu. Năm 2020, xã Lại Sơn đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2024, được chọn là xã điểm để tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay xã cơ bản đạt 18/19 tiêu chí (còn tiêu chí 19.2 chưa đạt). Dự kiến trong năm 2025 địa phương sẽ hoàn thành hồ sơ để kiến nghị công nhận đạt xã Nông thôn mới nâng cao. Vì vậy, theo tiêu chí “13.1. Hợp tác xã hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định”, hiện trên địa bàn xã Lại Sơn có 02 hợp tác xã hoạt động và đạt chuẩn theo tiêu chí 13.1. là Tiến Đạt và hợp tác xã Nông nghiệp xã Lại Sơn.

Hợp tác xã Nông nghiệp xã Lại Sơn: Được thành lập vào tháng 02/2023 với 07 thành viên và hoạt động với vốn điều lệ 70.000.000 đồng. Hoạt động chủ yếu của hợp tác xã là trồng trọt và mua bán rau sạch hữu cơ để phục vụ người dân tại địa phương. Ngoài ra, hợp tác xã còn sản xuất các sản phẩm như: rượu đào, rượu nho rừng, chế biến các sản phẩm khô cá phục vụ cho địa phương và du khách. Trong đó, có 2 sản phẩm của hợp tác xã đã đăng ký và được công nhận đạt sản phẩm OCOP 3 sao[2].

Hợp tác xã nông nghiệp Tiến Đạt được thành lập vào tháng 10/2018 gồm 10 thành viên với vốn điều lệ 200.000.000 đồng. Hoạt động chủ yếu của hợp tác xã Tiến Đạt là giới thiệu, phân phối con giống cá và tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm cá nuôi của địa phương (gồm cá bớp và cá mú)[3]. Trong 03 năm tiếp theo, hoạt động của hợp tác xã cơ bản ổn định và có hiệu quả kinh tế cao với thu nhập lợi nhuận trung bình mỗi thành viên là 50.000.000đồng/ người/năm. Đến năm 2021, do ảnh hưởng từ dịch Covid 19, hợp tác xã mở rộng sang thu mua cá đánh bắt của ngư dân đến bán tại các cửa hàng và Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh Kiên Giang. Nhờ vậy, giúp ngư dân giảm thiểu thiệt hại về nuôi trồng, có thể duy trì đánh bắt trong thời gian cách ly Covid 19. Hiện nay, hợp tác xã chủ yếu phát triển hoạt động nuôi trồng và giới thiệu cá giống cho các thành viên.

 

Với điều kiện đặc thù của xã đảo nên hoạt động của 02 hợp tác xã tại Lại Sơn có những khó khăn nhất định. Hoạt động kinh doanh của hợp tác xã còn lệ thuộc vào tình hình du lịch. Bên cạnh đó, phương tiện kỹ thuật, máy móc thiết bị, nguồn vốn đầu tư còn hạn chế; mẫu mã bao bì một số sản phẩm OCOP chưa đa dạng nên tính cạnh tranh thị trường còn hạn chế;… Tuy khó khăn rất nhiều nhưng hoạt động của các hợp tác xã này luôn đem lại hiệu quả và bảo đảm lợi nhuận cho xã viên. Vì vậy, có thể chỉ ra những kinh nghiệm đối với sự thành công trong hoạt động của hợp tác xã hiện nay bao gồm: Sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Đảng ủy, nhận thức và sự đồng thuận của hệ thống chính trị đối với hoạt động của hợp tác xã; Sự tích cực, chủ động từ Hội đồng quản trị và sự đồng tình của thành viên. Tổng hợp những yếu tố này giúp hợp tác xã hoạt động hiệu quả và tạo được hình ảnh mới, nhận thức và tin tưởng về mô hình kinh tế tập thể trong nhân dân. Đồng thời, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng ta về hợp tác xã - nòng cốt của kinh tế tập thể trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước./

Tài liệu tham khảo

1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2022), Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

2. Ủy ban Nhân dân xã Lại Sơn (2024), ngày 10/12/2024, Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.


[1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng (2022), Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/6/2022, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

[2] Gồm rượu đào và rượu nho Như Ý.

[3] Ủy ban Nhân dân xã Lại Sơn (2024), ngày 10/12/2024, Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.