Innehållspublicerare

null Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - chân lý của cách mạng Việt Nam

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - chân lý của cách mạng Việt Nam

Th.S Nguyễn văn Hiền –  Phó Trưởng Khoa Lý luận cơ sở

Th.S Phạm Thị Mỹ Nhung Khoa Lý luận cơ sở

Cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay, với những thắng lợi to lớn của lịch sử cách mạng nước ta và thành tựu đất nước đạt được qua hơn 35 năm đổi mới, đã chứng minh sự đúng đắn con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chính con đường cách mạng ấy đã đưa cả dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế trong quá trình Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội với mục tiêu cao cả do dân và vì nhân dân mà phục vụ. Đó cũng là con đường chân lý của cách mạng Việt Nam.

1. Lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh con đường duy nhất giành thắng lợi là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội

Việt Nam chúng ta trải qua hàng mấy chục thế kỷ của chế độ phong kiến. Với sự thống trị của vua, quan phong kiến trong chế độ phong kiến, nhân dân lao động không có một quyền dân chủ, vì thực chất chế độ phong kiến không phải là chế độ có nền dân chủ. Đến giữa thế kỷ XIX, Việt Nam vẫn là một quốc gia phong kiến độc lập, thống nhất, có chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Tuy nhiên, cuộc sống của nhân dân vô cùng khó khăn dưới sư thống trị của vua quan, phong kiến lúc bấy giờ

Ngày 01 tháng 9 năm 1858, quân đội thực dân Pháp cùng với Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, mở đầu công cuộc xâm lược Việt Nam. Pháp từng bước thôn tính nước ta, lần lượt chiếm được Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Triều đình Nhà Nguyễn từng bước thỏa hiệp với các điều ước năm 1862 (Nhâm Tuất), 1874 (Giáp Tuất), 1883 (Hắc măng) và hiệp ước Patơnốp ký ngày 6 tháng 6 năm 1884 là văn bản chính thức triều đình nhà Nguyễn công nhận quyền thống trị của thực dân Pháp ở Việt Nam. Sau đó thực dân Pháp từng bước thiết lập sự thống trị trên đất nước ta. Việt Nam từ một quốc gia độc lập, trở thành thuộc địa của Pháp.

Trước hoàn cảnh đất nước bị bọn “Lang sa” xâm lược, nhiều phong trào kháng chiến chống thực dân đã nổ ra mạnh mẽ. Từ phong trào Cần Vương (7-1885) của vua Hàm Nghi, kêu gọi nhân dân đứng lên chống Pháp, hàng trăm cuộc khởi nghĩa dưới ngọn cờ phong kiến đã nổ ra ở khắp Bắc - Trung – Nam. Các cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Ba Đình, Bãi Sậy và cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Tiến sĩ Phan Đình Phùng đến năm 1896 tiếng súng cuối cùng chấm dứt, tất cả phong trào đều bị đàn áp dã man và lần lượt thất bại.

Sau khi đàn áp được phong trào cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến, thực dân Pháp thực hiện Chương trình khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Việt Nam (1897 - 1914), đưa vào Việt Nam phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, làm thay đổi cơ cấu xã hội, giai cấp ở Việt Nam. Một số giai cấp, tầng lớp mới xuất hiện như tiểu tư sản, trí thức mới hình thành, giai cấp tư sản và giai cấp công nhân Việt Nam đã ra đời. Một số trào lưu và khuynh hướng tư tưởng mới cũng được du nhập, được truyền bá vào Việt Nam. Nhiều phong trào đấu tranh theo khuynh hướng mới dân chủ tư sản xuất hiện như phong trào Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục, Duy Tân, … Tuy nhiên, các phong trào này cũng bị thực dân Pháp đàn áp khủng bố quyết liệt, rồi bị dập tắt.

Sự thất bại của các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX do chưa tập hợp được đông đảo Nhân dân; thiếu lực lượng lãnh đạo và chưa có đường lối, phương pháp đúng đắn. Đồng thời cho thấy vai trò lãnh đạo của giai cấp phong kiến đã lạc hậu và khuynh hướng mới dân chủ tư sản, không đảm đương, đáp ứng được vai trò lịch sử của cách mạng nước ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc. Việt Nam đã thực sự lâm vào khủng hoảng về đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc. Con đường cách mạng Việt Nam như đứng trước ngõ cụt, không tìm ra lối thoát.

Với một trái tim yêu nước, thương dân, chứng kiến cuộc sống khổ cực, điêu đứng và cả sự uất hận của nhân dân và tinh thần đấu tranh bất khuất của cha anh. Người thanh niên Nguyễn Tất Thành với ý chí quyết tâm sẵn sàng chịu đựng những hy sinh vì mục tiêu cao nhất là độc lập cho Tổ quốc, vì tự do, hạnh phúc của đồng bào. Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước ngày 05 tháng 6 năm 1911. Người đã đi đến nhiều nước, nhiều châu lục. nghiên cứu, học hỏi thực tiễn, nền văn hóa khác nhau, đặc biệt là kinh nghiệm của các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới. Nguyễn Ái Quốc nhận thấy, Việt Nam muốn giành độc lập, tự do phải đi theo con đường cách mạng vô sản, đi theo con đường cách mạng Tháng Mười Nga. Theo Người, chỉ có thể đi theo con đường cách mạng vô sản, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, mới giải phóng triệt để nhân dân lao động. Hồ Chí Minh khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc” [1, tr 946].

Để hiện thực hóa đường lối cách mạng đó, trước hết phải có một đảng mác xít chân chính lãnh đạo, dựa trên nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin. “Trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy” [2, tr 267]. Mùa Xuân năm 1930, tại Hồng Công (Trung Quốc) (Thời gian này, Hồng Công là “tô giới” của Anh), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu từ ngày 06/01/1930 và kết thúc vào ngày 07/02/1930). Hội nghị xác định cách mạng Việt Nam: “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” [3, tr 1], Cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc Pháp, giành độc lập dân tộc và Công - nông là gốc của cách mệnh.

Với mục tiêu, con đường, nhiệm vụ và phương pháp cách mạng đúng đắn, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta tiến hành Cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, hoà bình và chủ nghĩa xã hội. Sự thắng lợi cách mạng Tháng Tám đã đem lại một nền dân chủ thật sự, một chế độ xã hội mới thật sự vì độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Mục tiêu, con đường cách mạng Việt Nam về độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội tiếp tục là ngọn cờ chỉ đạo, dẫn dắt dân tộc ta giành thắng lợi oanh liệt trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, để non sông thu về một mối, Bắc – Nam sum họp một nhà, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

2. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn tiếp tục là con đường duy nhất, là mục tiêu bất biến giành thắng lợi trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế

Mùa Xuân năm 1975, đất nước Việt Nam đã được thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, hậu quả nặng nề của các cuộc chiến tranh khốc liệt, kéo dài, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng xảy ra ở các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô đã làm ảnh hưởng mạnh mẽ, nhiều mặt đối với nước ta. Ngoài ra, sự bao vây cấm vận, chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước... làm cho tình hình kinh tế - xã hội trong nước gặp vô vàn khó khăn, đặc biệt là về kinh tế, lạm phát lên tới hơn 774%. Đặc biệt giai đoạn 10 năm xây dựng đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội từ 1975 - 1986, bên cạnh những thành tựu đạt được nhất định thì những sai lầm trong chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện làm cho đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội. Văn kiện Đại hội lần thứ VI đánh giá “Tình hình kinh tế - xã hội đang có những khó khăn gay gắt: sản xuất tăng chậm; hiệu quả sản xuất và đầu tư thấp; phân phối, lưu thông có nhiều rối ren; những mất cân đối lớn trong nền kinh tế chậm được thu hẹp, có mặt gay gắt hơn; quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa chậm được củng cố; đời sống nhân dân lao động còn nhiều khó khăn; hiện tượng tiêu cực xảy ra ở nhiều nơi và có nơi nghiêm trọng.” [4]

Mặc dù thực tiễn đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn những năm cuối thế kỷ XX. Tuy nhiên, Đảng ta xác định không phải vì những khó khăn của đất nước mà chúng ta từ bỏ mục tiêu con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Ngược lại, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội luôn được Đảng ta xác định là mục tiêu bất biến, là con đường duy nhất đem lại hoà bình, độc lập, tự do, hạnh phúc thật sự cho nhân dân. Quan điểm nhất quán đó được Đảng ta khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng ta như: Đại hội IV của Đảng ta khẳng định “giai đoạn cả nước độc lập, thống nhất làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”. Đến Đại hội lần thứ V của Đảng (1982), Đảng ta xác định nhiệm vụ chiến lược cách mạng Việt Nam đó là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội; sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đồng thời, xác định hai nhiệm vụ chiến lược đó có quan hệ mật thiết với nhau.

Báo cáo Chính trị của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI: “Muốn đổi mới tư duy, Đảng ta phải nắm vững bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa di sản quý báu về tư tưởng và lý luận cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh” [5, tr 459]

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (1991). Đảng rút ra bài học: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bài học xuyên suốt của cách mạng nước ta và khẳng định, đối với nước ta, không còn con đường nào khác ngoài con đường duy nhất đúng đắn là đi lên chủ nghĩa xã hội để có độc lập dân tộc thực sự và tự do, hạnh phúc cho nhân dân [6, tr 109].

Đại hội lần thứ VIII của Đảng đã tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, khẳng định bài học thứ nhất đối với con đường cách mạng Việt Nam là “Giữ vững mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong quá trình đổi mới; nắm vững hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kiên trì chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh” [7].

Đại hội IX khẳng định những kinh nghiệm, bài học đổi mới mà các Đại hội VI, VII, VIII của Đảng đã đúc rút vẫn có giá trị lớn, nhất là các bài học chủ yếu sau: Một là, trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Hai là, đổi mới phải dựa vào nhân dân, vì lợi ích của nhân dân phù hợp với thực tiễn, luôn luôn sáng tạo. Ba là, đổi mới phải kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Bốn là, đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp đổi mới. [8]

Đại hội XI của Đảng khẳng định: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử [9, tr 70]. Đại hội đã tổng kết rút ra năm bài học cơ bản và tiếp tục nhấn mạnh bài học hàng đầu là: nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam đã chứng minh con đường duy nhất đúng đắn, phù hợp quy luật để đất nước giành thắng lợi và phát triển là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đại hội lần thứ XII (2016) của Đảng ta khẳng định: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử”

Hiện nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, nhanh chóng, khôn lường, có cả thời cơ và thách thức. tiếp tục khẳng định con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Đại hội XIII của Đảng ta khẳng định: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động” [10, tr 109]

Mục tiêu, con đường cách mạng Việt Nam tiếp tục được khẳng định với những thắng lợi to lớn của lịch sử cách mạng nước ta và thành tựu đất nước đạt được qua hơn 35 năm đổi mới, đã chứng minh sự đúng đắn con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Chính con đường cách mạng ấy đã đưa cả dân tộc Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đưa đất nước ta ngày càng phát triển, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế trong quá trình Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng một xã hội với mục tiêu cao cả do dân và vì nhân dân mà phục vụ. Đó cũng là con đường chân lý của cách mạng Việt Nam. Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Trước đây, khi còn Liên Xô và hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa thế giới thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam dường như không có gì phải bàn, nó mặc nhiên coi như đã được khẳng định. Nhưng từ sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ, cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì vấn đề đi lên chủ nghĩa xã hội lại được đặt ra và trở thành tâm điểm thu hút mọi sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Các thế lực chống cộng, cơ hội chính trị thì hí hửng, vui mừng, thừa cơ dấn tới để xuyên tạc, chống phá. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, quy kết nguyên nhân tan rã của Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu là do sai lầm của chủ nghĩa Mác - Lênin và sự lựa chọn con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Từ đó họ cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ hoạ với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa! Thực tế có phải như vậy không? Thực tế có phải hiện nay chủ nghĩa tư bản, kể cả những nước tư bản chủ nghĩa già đời vẫn đang phát triển tốt đẹp không? Có phải Việt Nam chúng ta đã chọn con đường đi sai không? [11]

Rõ ràng, những luận điệu xuyên tạc, những quan điểm sai trái thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, phủ nhận chân lý con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Hay những người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa là hoàn toàn sai trái, phi thực tế cả về nhận thức lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội.

Ngược lại hoàn toàn những luận điệu đó, sự đúng đắn con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã được chứng minh bằng thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam. Nhờ thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế bắt đầu phát triển và phát triển liên tục với tốc độ tương đối cao trong suốt 35 năm qua với mức tăng trưởng trung bình khoảng 7% mỗi năm. Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020 đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD; Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008. Từ một nước bị thiếu lương thực triền miên, đến nay Việt Nam không những đã bảo đảm được an ninh lương thực mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo và nhiều nông sản khác đứng hàng đầu thế giới[12] . Điều đó, khẳng định sự thắng lợi của con đường cách mạng Việt Nam là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, là chân lý là mục tiêu bất biến để xây dựng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Góp phần nâng cao vị thế, vai trò Việt Nam trên trường quốc tế, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” [13, tr104].

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội

[2] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội

[3] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, tập 3, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội

[4] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vi/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-vi-cua-dang-19

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam (2006): Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 47, Nxb. Chính trị quốc gia –  Sự thật, Hà Nội.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam (1991): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, Hà Nội.

[7] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-viii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-viii-cua-dang-1549

[8] Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ix/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-ix-cua-dang-11

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2011): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

[11], [12] Nguyễn Phú Trọng (2021), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, https://www.tapchicongsan.org.vn/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam

 [13] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội.