Innehållspublicerare

null Những bài học quý báu đối với cách mạng Việt Nam qua chiến tranh biên giới Tây Nam

Trang chủ Bài viết

Những bài học quý báu đối với cách mạng Việt Nam qua chiến tranh biên giới Tây Nam

ThS. Nguyễn Bích Ngọc

                                                                      Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam là một trong những trang sử hào hùng nhất của nhân loại. Trải dài hơn một nghìn năm đánh thắng giặc xâm lược phương Bắc, quân đội và nhân dân ta lại tiếp tục khiến thế giới phải chấn động sau những chiến thắng oanh liệt Điện Biên Phủ 1954 và đại thắng mùa xuân 1975, quét sạch bè lũ thực dân, đế quốc hùng mạnh ra khỏi bờ cõi. Tuy nhiên, ngay sau khi nước nhà được thống nhất, trong lúc toàn dân vui mừng thoát khỏi họa chiến tranh đã kéo dài hơn một thế kỷ và cả nước bắt tay vào công cuộc tái thiết đất nước, không ai ngờ rằng chúng ta lại tiếp tục cầm súng ra trận để chiến đấu chống lại sự xâm lược của bè lũ Khmer Đỏ khát máu ở toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Sau năm 1975, khi Việt Nam vừa thống nhất, tập đoàn phản động Pol Pot đã cho quân đánh chiếm các đảo (Phú Quốc, Thổ Chu ...) và biên giới đất liền Tây Nam nước ta cùng nhiều hành động khiêu khích khác. Khi đó, ta chưa đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của tình hình, việc giải quyết các vụ đụng độ chỉ qua con đường đàm phán để tìm giải pháp hòa bình. Trước đó, khi chiến tranh chống Mỹ kết thúc, theo đề nghị của phía Campuchia, ta đã rút hết cán bộ, chiến sĩ về nước kể cả lực lượng tình báo, nên những diễn biến nội tình bên trong Campuchia ta không nắm rõ. Bên cạnh đó, do bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, ta cũng đã cho giải ngũ phần lớn lực lượng bộ đội chính quy về địa phương chăm lo lao động sản xuất, chỉ để lại số ít lực lượng dân quân canh giữ tuyến biên giới. Với sự xúi giục, kích động, giúp sức của các cường quốc thù địch, tập đoàn Pol Pot tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động khiêu khích, phá hoại ở vùng biên giới Tây Nam nước ta, liên tục kích động tâm lý chống Việt Nam. Chúng huy động lực lượng quân đội hùng hậu cùng rất nhiều phương tiện chiến đấu hạng nặng áp sát biên giới. Đêm 30 tháng 4 năm 1977, tập đoàn Khmer Đỏ ra lệnh cho nhiều sư đoàn và lực lượng địa phương các tỉnh biên giới bất ngờ đồng loạt tấn công vào sâu 10 km trên lãnh thổ Việt Nam, đánh chiếm 14/16 xã trên dọc tuyến biên giới, tàn sát hàng nghìn thường dân vô tội, đặc biệt là ở An Giang. Cuộc tiến công lớn thứ hai diễn ra vào ngày 25 tháng 9 năm 1977, 9 sư đoàn chủ lực Khmer Đỏ cùng lực lượng địa phương mở cuộc tiến công đánh sang các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp, Tây Ninh. Chúng tiếp tục đốt phá, giết hại dân lành với các cách thức dã man hơn thời Trung cổ. Nhận thức được dã tâm của tập đoàn Pol Pot-Ieng Xary dưới sự xúi giục, hà hơi, tiếp sức của một số thế lực thù địch, bắt đầu từ 23/12/1978, ta đã huy động lực lượng bộ đội chính quy cùng nhiều trang thiết bị kỹ thuật quân sự mở cuộc tổng phản công trên khắp mặt trận. Chỉ trong hai tuần lễ, quân ta đã quét sạch 20 sư đoàn Khmer Đỏ, đẩy chúng ra khỏi biên giới, giúp nhân dân Campuchia tiến công giải phóng Phnôm Pênh. Đòn tấn công giáng trả của ta đã đập tan ảo tưởng về sức mạnh quân sự của tập đoàn Pol Pot và âm mưu đánh bại Việt Nam bằng chiến thuật du kích trên đất Campuchia.

Chiến tranh biên giới Tây Nam đã giúp Đảng và quân dân ta rút ra nhiều bài học cảnh giác quốc tế hết sức sâu sắc. Việt Nam là một đất nước yêu chuộng hòa bình và luôn có trách nhiệm với nền hòa bình thế giới. Vì vậy, từ bao đời nay, mọi sự tranh chấp quốc tế, Việt Nam đều chọn trước tiên là giải pháp đấu tranh hòa bình theo luật pháp quốc tế, chủ yếu qua đàm phán hoặc xây dựng các hiệp ước, hiệp định hữu nghị và hợp tác. Tuy nhiên, khi cần thì ta sẵn sàng đấu tranh cương quyết theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, lấy sức ta để lo cho ta, không lệ thuộc và trông chờ vào sự cảm thông hay giúp đỡ của nước khác. Điều quan trọng là phải luôn đề cao tinh thần cảnh giác, không để bị động, bất ngờ trước những âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch hay những kẻ ảo tưởng với chiêu bài chủ nghĩa dân tộc. Cần nhớ rằng, trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh chống Mỹ từ năm 1970, tập đoàn Pol Pot đã tỏ rõ thái độ chống Việt Nam, ra sức xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh Việt Nam, kích động thù hằn dân tộc, đòi hoạch định lại biên giới, coi Việt Nam là “kẻ thù số một”. Chúng đã thực hiện nhiều cuộc bắt bớ, thủ tiêu cán bộ Việt Nam và đảng viên cộng sản Campuchia thân Việt Nam. Sau thắng lợi 1975, do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, ta chưa kịp thời đánh giá đúng bản chất, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Vì thế, thời gian đầu, ta đã bị động, bất ngờ trong việc xác định đối tượng tác chiến, gặp khó khăn trước các đợt tiến công xâm lấn của quân Khmer Đỏ. Đây là điều hết sức đáng tiếc và là bài học xương máu trong công tác đối ngoại và quốc phòng của ta khi đó.

Trong tình hình thế giới nhiều biến động phức tạp như hiện nay, sự đấu tranh không khoan nhượng giữa các ý thức hệ và sự cạnh tranh khốc liệt về lợi ích địa chính trị trên phạm vi toàn cầu và khu vực, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải luôn tỉnh táo, nêu cao hơn nữa tinh thần cảnh giác cách mạng. Cần tiếp tục phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh về kinh tế, quân sự, chính trị và ngoại giao để sớm phát hiện, nhận rõ kẻ thù chiến lược; xác định, đánh giá đúng đối tượng và đối tác trong từng thời điểm; chủ động chuẩn bị về tư tưởng, chính trị, lực lượng và thế trận, sẵn sàng đánh bại bất kỳ cuộc chiến tranh xâm lược nào. Đặc biệt, phải nắm bắt, dự báo được các xu hướng trong quan hệ quốc tế, khu vực cũng như mục tiêu, lợi ích, ý đồ chiến lược của từng nước, nhất là các nước lớn; tiếp tục tăng cường, giữ vững quan hệ đặc biệt giữa ba nước Đông Dương. Chính từ kinh nghiệm đấu tranh chống thực dân, đế quốc trong quá khứ và qua cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, Đảng ta sáng tạo đề ra đường lối đối ngoại đa phương, đa dạng hóa, sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia trên thế giới như hiện nay, áp dụng chính sách quốc phòng “4 không” (Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế). Đây rõ ràng là sách lược ngoại giao khôn khéo của một nước nhỏ, tránh sự lợi dụng của các cường quốc với nhiều tham vọng địa chính trị, sẵn sàng đi đêm với nhau và sau đó mặc cả với nhau trên lưng của mình. Đại hội Đảng toàn quốc thứ XIII cũng tiếp tục xác định nhiệm vụ đối ngoại là “Trên cơ sở vừa hợp tác, vừa đấu tranh, hoạt động đối ngoại nhằm phục vụ mục tiêu giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước và góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới”. Việc vừa hợp tác, vừa đấu tranh, theo cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đó là phải thấy rõ tính chất hai mặt trong quan hệ với mọi đối tác, trong xử lý mọi sự việc nảy sinh để không bỏ lỡ bất kỳ một cơ hội hợp tác nào, nhưng cũng không lơ là mất cảnh giác. Chúng ta tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, khôn khéo, bản lĩnh của Đảng, quân và nhân dân ta sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, quyết không để mất dù chỉ một tấc đất, một tấc biển vốn đã từng gắn bó với dân tộc Việt Nam từ bao đời nay./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên (2024), Chiến thắng chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam - bài học cho công cuộc bảo vệ chủ quyền đất nước, bài viết đăng trên Website https://nhân dân.com

2. Thái Vân (2019), Bài học bảo vệ Tổ quốc từ thực tiễn cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam”, bài viết đăng trên Website https://codotphcm.com/trang-chu.html