Publicador de Conteúdos e Mídias

null Vai trò của Trường Chính trị tỉnh trong việc phát triển nguồn nhân lực khu vực công ở tỉnh Đồng Tháp

Chi tiết bài viết Bài viết

Vai trò của Trường Chính trị tỉnh trong việc phát triển nguồn nhân lực khu vực công ở tỉnh Đồng Tháp

Đỗ Hoàng Lãm

  1. Đặt vấn đề

Với chức năng cơ bản là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức ở địa phương về lý luận chính trị; đường lối, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật và quản lý hành chính Nhà nước và một số lĩnh vực khác. Nhận thức rõ tầm quan trọng của nguồn nhân lực khu vực công ở địa phương là nhân tố quyết định hiệu quả vận hành các cơ quan của Đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị, nên thời gian qua Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đã tập trung mạnh vào công tác đào tạo, bồi dưỡng ngày càng chất lượng, thiết thực, hiệu quả. Để từ đó, tạo ra được một hệ thống khu vực công tận tâm phục vụ, kiến tạo xây dựng phát triển địa phương.

  1. Nội dung

Với đội ngũ cán bộ, viên chức hiện có là 34 người với 5 tiến sĩ, 5 nghiên cứu sinh, 20 thạc sĩ và 4 cử nhân, luôn mang tinh thần trau dồi học hỏi, nâng cao kiến thức, qua đó đã đóng góp thiết thực vào công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công tại tỉnh Đồng Tháp. Trường Chính trị Tỉnh luôn xác định người học là trung tâm, luôn đặt vấn đề đào tạo, bồi dưỡng công chức nhằm làm sao nâng cao năng lực, vững vàng về tư tưởng và mạnh về chuyên môn, nghiệp vụ.

Trong năm 2024, Trường đã nỗ lực tiếp tục đổi mới đồng bộ các khâu, từ công tác tuyển sinh, mở lớp, quản lý học viên, thực hiện nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đến tổ chức giảng dạy, thực hiện tốt việc đa dạng hóa các loại hình bồi dưỡng. Kết quả, năm 2024, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan, tổ chức mở 79 lớp, tăng 14 lớp so với năm 2023 (đạt 101.3% so với kế hoạch được giao) với 6.368 học viên. Trong đó, mở tại Trường 08 lớp trung cấp/460 học viên, phối hợp mở tại các huyện, thành phố 04 lớp/257 học viên. Phối hợp với Học viện Chính trị khu vực II mở 01 lớp cao cấp lý luận chính trị với 60 học viên. Trường cũng đã phối hợp tổ chức 67 lớp bồi dưỡng với 5.711 học viên; thực hiện tốt việc đa dạng hóa các loại hình, chương trình bồi dưỡng, nhất là các chương trình như: bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện ban thường vụ huyện uỷ, thành uỷ và tương đương quản lý (đối tượng 4); bồi dưỡng cấp uỷ cơ sở; bồi dưỡng lãnh đạo cấp phòng; bồi dưỡng chuyên viên chính... Từ đó cho thấy Trường Chính trị Tỉnh đã góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức với quy mô và số lượng rất lớn. Không chỉ góp phần chuẩn hoá, đảm bảo tiêu chuẩn trong công tác cán bộ của Tỉnh, mà còn cung cấp kiến thức, kỹ năng một cách có hệ thống, khoa học để cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý áp dụng hiệu quả vào thực thi công vụ. Các học viên từng học tập tại Trường, sau khi tiếp thu được các kiến thức lý luận chính trị và kiến thức chuyên môn đã vận dụng sáng tạo vào quá trình công tác trở thành cán bộ giỏi, nhà lãnh đạo xuất sắc.

Sự đóng góp của Trường Chính trị Tỉnh trong hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công và từ đó nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, phát huy tốt nhất những tiềm năng, thế mạnh góp phần phát triển bền vững địa phương. Công tác đào tạo, bồi dưỡng của Trường đã góp phần quan trọng củng cố lập trường, bản lĩnh chính trị, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp cơ sở, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn của từng địa bàn, đơn vị trong Tỉnh. Bên cạnh đó, nhờ được đào tạo bài bản từ Trường Chính trị Tỉnh nên đội ngũ nhân lực khu vực công của tỉnh Đồng tháp đã thực hiện tốt nhiệm vụ truyền tải, giải thích quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt, hiểu rõ để thi hành và có chức trách, nhiệm vụ thực thi quyền lực và cung ứng dịch vụ công. Trở thành những nhân tố quan trọng tham mưu, dẫn dắt quá trình đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu lại nền kinh tế công nghiệp – nông nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề thách thức đến công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực khu vực công của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp như: Một số ít bài giảng chưa bám sát nhu cầu thực tiễn, còn nặng về lý thuyết; Đội ngũ giảng viên còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, vì hoạt động chủ yếu là giảng dạy nên có kiến thức chuyên môn sâu nhưng thiếu trải nghiệm thực tế… các vấn đề này có thể làm giảm hiệụ quả sự tiếp thu kiến thức, kỹ năng của học viên, cản trở vai trò của trường chính trị Tỉnh trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công cho địa phương.

Vì vậy, cần có các giải pháp kịp thời để nâng cao hơn nửa vai trò của Trường chính trị tỉnh trong việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực khu vực công của tỉnh Đồng Tháp thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của Tỉnh.

Thứ nhất, thể chế vẫn là khâu quan trọng nhất của mọi vấn đề, Trường cần tập trung tham mưu sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định, quy chế, đề án, chương trình, kế hoạch về công tác đào tạo phát triển nguồn lực của khu vực công tỉnh Đồng Tháp.

Thứ hai, tham gia đóng góp, xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu bồi dưỡng là nhiệm vụ trọng tâm. Xây dựng và cập nhật chương trình đào tạo dựa trên nhu cầu thực tiễn, phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của khu vực công và bám sát nhu cầu, đặc điểm từng của tỉnh Đồng Tháp.

Thứ ba, tăng cường công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên, đặc biệt là về kỹ năng thực hành, kinh nghiệm thực tiễn và năng lực giảng dạy bằng các phương pháp hiện đại. Ngoài ra, cần tăng cường mời các chuyên gia và nhà quản lý trong khu vực công tham gia giảng dạy để chia sẻ kinh nghiệm thực tế.

Thứ tư, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và chia sẻ tri thức: Tạo điều kiện cho giảng viên và học viên tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học liên quan đến quản lý nhà nước, cải cách hành chính và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Những kết quả nghiên cứu này sẽ là nguồn tài liệu quý báu giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và tính ứng dụng trong thực tiễn.

Thứ năm, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại và hạ tầng công nghệ thông tin. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giảng dạy và học tập, phát triển hệ thống học tập trực tuyến và tài liệu số hóa để học viên có thể truy cập và học tập linh hoạt.

  1. Kết luận

Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp không chỉ là cơ sở đào tạo mà còn là nơi kiến tạo nền tảng tư tưởng, đạo đức cách mạng và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện tại và tương lai của Tỉnh, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững, hiệu quả nguồn nhân lực của khu vực công địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp (2024), Báo cáo tổng kết phong trào thi đua năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Đồng Tháp.