Trường Chính trị tỉnh đóng góp vào công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và tư vấn chính sách ở tỉnh Đồng Tháp
Trường Chính trị tỉnh đóng góp vào công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và tư vấn chính sách ở tỉnh Đồng Tháp
Nguyễn Quang Thành
Khoa Nhà nước & Pháp luật
Trong những năm qua, thực hiện theo Quy định 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hệ thống Trường chính trị đã hoàn thành việc kiện toàn tổ chức, bộ máy, từng bước thực hiện có hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ được giao. Theo đó, Trường chính trị tỉnh Đồng Tháp thực hiện chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.
Với những chức năng trên, một số nhiệm vụ cụ thể được Trường chính trị tỉnh Đồng Tháp tích cực triển khai thực hiện trong thời gian qua như sau:
Một là, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn và các đơn vị tương đương); trưởng, phó phòng, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp huyện và tương đương; trưởng, phó phòng của sở, ban, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh và tương đương; cán bộ được quy hoạch vào các chức danh trên; cán bộ, công chức, viên chức cấp cơ sở và một số đối tượng khác về chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức về một số lĩnh vực khác.
Hai là, đào tạo trung cấp lý luận chính trị - hành chính theo tiêu chuẩn chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương.
Ba là, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho các chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch cán sự và tương đương, ngạch chuyên viên và tương đương; ngạch chuyên viên chính và tương đương.
Bốn là, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ cho các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ của các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân cấp cơ sở.
Năm là, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đại biểu hội đồng nhân nhân cấp xã, cấp huyện.
Sáu là, bồi dưỡng các chương trình khác do cấp có thẩm quyền giao.
Bảy là, phối hợp với ban tuyên giáo tỉnh ủy, thành ủy và các cơ quan liên quan hướng dẫn và bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên của Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Tám là, tham gia tổng kết thực tiễn ở địa phương, cơ sở, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ giảng dạy, học tập. Đào tạo, bồi dưỡng cho các đối tượng khác theo chỉ đạo của tỉnh ủy, thành ủy.
Bên cạnh đó, thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đã tích cực triển khai hoàn thiện từng tiêu chí, chỉ tiêu được đề ra. Đến nay, cùng với các tiêu chí khác, tiêu chí về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đã góp phần đưa Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn mức 1. Có thể nói, để đạt các tiêu chí này, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu và đội ngũ giảng viên nhà trường đã xác định hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn không chỉ là nhiệm vụ mà còn là cơ hội để có thể đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Chính vì vậy, nhà trường đã tổ chức triển khai, thực hiện nhiều loại hình khoa học như nghiên cứu đề tài khoa học các cấp; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học; biên soạn, xuất bản sách tham khảo, chuyên khảo; xuất bản bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn”. Thông qua các hoạt động này, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đã góp phần không nhỏ vào công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tư vấn chính sách cho địa phương trong những năm qua. Cụ thể như sau:
Đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tư vấn chính sách cho địa phương đã được quan tâm đúng mức với những chỉ đạo sát sao, kịp thời của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu. Từ sớm, nhà trường xác định nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn là một trong những nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu của người giảng viên bên cạnh hoạt động giảng dạy; đồng thời, định hướng nhiều biện pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu thực tế của học viên nhằm giúp học viên gắn lý luận và thực tiễn, hướng đến nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường. Song song đó, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu Trường Chính trị luôn theo dõi, chỉ đạo sát sao các mặt công tác, nhất là các hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nhà trường ban hành Hướng dẫn, quy chế thực hiện một số hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế nhằm thống nhất quy trình cách thức thực hiện và phù hợp với thực tiễn.
Hoạt động nghiên cứu thực tế của giảng viên
Thực hiện quy chế giảng viên, quy chế nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Giám hiệu Trường đã khuyến khích và tạo mọi điều kiện về thời gian, kinh phí, tổ chức cho giảng viên các khoa, phòng đi nghiên cứu thực tế, học hỏi kinh nghiệm để tích lũy thêm kiến thức thực tiễn. Trường vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, kết hợp đi nghiên cứu thực tế thông qua nghiên cứu thực hiện đề tài khoa học, nghiên cứu thực tế cùng với các lớp Trung cấp lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng được mở hàng năm, đưa giảng viên đi cơ sở có kỳ hạn…
Đối với giảng viên, việc nghiên cứu thực tế ít nhất 15 ngày/năm là một nhiệm vụ bắt buộc; tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các trường luôn khuyến khích giảng viên lựa chọn các chủ đề thiết thực, có thể bổ sung kiến thức thực tế cho công tác giảng dạy, đồng thời, có thể có những đóng góp, đề xuất thiết thực, hữu ích cho địa phương.
Qua nghiệm thu các thu hoạch thực tế của giảng viên cho thấy ý thức tự nghiên cứu, tìm hiểu thực tiễn của giảng viên ngày càng nâng cao; qua các buổi nghiệm thu đã giúp cho giảng viên có thể trao đổi, nắm bắt thêm những thông tin, tư liệu ở nhiều địa phương khác nhau, làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn, cập nhật các kiến thức mới vào bài giảng thêm phong phú, sinh động và thiết thực. Đặc biệt, thông qua hoạt động nghiên cứu thực tế, nhiều cách làm hay, mô hình mới, các gương điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được giảng viên lồng ghép vào bài giảng, giới thiệu rộng rãi đến học viên ở nhiều địa phương khác. Có thể nói, việc tổ chức đi nghiên cứu thực tế hàng năm của đội ngũ giảng viên trong Trường đã trở thành nền nếp, thường xuyên, mang lại kết quả tương đối tốt và có nhiều đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng bài giảng, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng của Nhà trường.
Hoạt động thực hiện đề tài khoa học các cấp
Hằng năm, trên cơ sở chủ động đề xuất nhiệm vụ của các khoa, phòng và kết quả tư vấn của Hội đồng khoa học nhà trường, Hiệu trưởng phê duyệt nhiệm vụ khoa học làm cơ sở cho việc triển khai, đánh giá tiến độ và nghiệm thu kết quả nghiên cứu. Trong 05 năm (2019-2023), Trường đã tổ chức triển khai nghiên cứu và nghiệm thu đạt chất lượng 15 đề tài khoa học cấp trường (cơ sở) và các nhiệm vụ tương đương. Đồng thời, Trường tích cực triển khai thực hiện và đã nghiệm thu 03 đề tài cấp tỉnh và tương đương trở lên. Trong đó, có 01 đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh và 02 đề án do Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao cho trường tham mưu xây dựng đã được phê duyệt ban hành.
Cùng với việc đảm bảo số lượng đề tài khoa học, các đề tài khoa học và công nghệ mang đầy tính thực tiễn, thời sự và hơi thở cuộc sống của địa phương. Chẳng hạn, đề tài “Hoàn thiện và phát triển mô hình Tổ Nhân dân tự quản gắn với phát huy quyền con người, quyền công dân trên địa bàn các huyện, thành phố biên giới của tỉnh Đồng Tháp” đã được nghiệm thu trong năm 2023 góp phần khái quát hoá những vấn đề lý luận liên quan đến mô hình Tổ Nhân dân tự quản, về quyền con người và quyền công dân; đánh giá thực trạng và rút kinh nghiệm về mô hình Tổ Nhân dân tự quản đối với phát huy quyền con người, quyền công dân trên địa bàn các huyện, thành phố biên giới của tỉnh Đồng Tháp; từ đó, đề xuất xây dựng các tiêu chí để hình thành mô hình điển hình Tổ Nhân dân tự quản gắn với phát huy quyền con người, quyền công dân. Để bảo tồn và phát huy các làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển du lịch theo các chủ trương, đề án quan trọng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Trường Chính trị cũng đã chủ trì đề tài cấp cơ sở với các chủ đề: “Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với các làng nghề trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”; “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nhằm thúc đẩy du lịch tỉnh Đồng Tháp phát triển bền vững giai đoạn 2020 – 2025 tầm nhìn 2030”.
Hoạt động hội thảo, toạ đàm khoa học các cấp
Hằng năm, Trường phối hợp với các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các đơn vị, địa phương tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học các cấp. Từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2024, Trường đã phối hợp, chủ trì tổ chức được 05 hội thảo khoa học cấp tỉnh và tương đương trở lên. Trong đó, đã chủ trì tham mưu Tỉnh ủy tổ chức 01 Hội thảo cấp tỉnh; phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thành công 01 Hội thảo khoa học cấp bộ; 03 cuộc hội thảo cấp khu vực (Cụm thi đua). Đối với hội thảo/tọa đàm cấp trường, đã tổ chức 15 hội thảo khoa học cấp trường.
Thông qua việc tổ chức các hội thảo, toạ đàm, Trường chính trị Đồng Tháp tăng cường công tác tổng kết thực tiễn tại địa phương với những chủ đề đa dạng, gắn chặt với những vấn đề mà tỉnh nhà đang đặt ra như: hội thảo khoa học cấp Bộ: “Phát huy giá trị văn hóa con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Tháp hiện nay”; hội thảo khoa học cấp Tỉnh với chủ đề: “Lý luận và thực tiễn về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại tỉnh Đồng Tháp qua 40 năm đổi mới”; hội thảo khoa học Cụm thi đua các trường chính trị khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với chủ đề: “Xây dựng phong cách trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên trường chính trị khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long”; hội thảo khoa học phục vụ các chuyên đề của đề tài khoa học cấp cơ sở, hội thảo khoa học cấp Trường “Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp”, “Giải pháp hoàn thiện và phát triển Tổ nhân dân tự quản gắn với phát huy quyền con người, quyền công dân trên địa bàn các huyện, thành phố biên giới của tỉnh Đồng Tháp”; “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng”...
Hoạt động xuất bản sách, phát hành bản tin Thông tin Lý luận và thực tiễn, xây dựng trang thông tin điện tử
Từ các kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ, tổng kết thực tiễn, Nhà trường chủ động biên soạn thành sách tham khảo, chuyên khảo phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn cho cán bộ, công chức ở địa phương, cơ sở. Trường đã xuất bản được 07 sách chuyên khảo, tham khảo và kỷ yếu hội thảo khoa học.
Trường tích cực xây dựng kế hoạch tổng kết lý luận và thực tiễn, xuất bản Bản tin “Thông tin Lý luận và Thực tiễn” phục vụ tốt hoạt động nghiên cứu và giảng dạy. Mỗi năm xuất bản 03 số, từ tháng 6/2019 đến tháng 6/2024 đã xuất bản 15 số. Các bản tin Thông tin lý luận và thực tiễn luôn thu hút được nhiều bài viết ở nhiều chủ đề, có cả các bài viết của các trung tâm chính trị cấp huyện. Công tác thẩm định, chọn lựa các bài viết ngày càng chặt chẽ, chất lượng các bài viết ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, để Trang thông tin điện tử của trường, bảo đảm chất lượng, thông tin được cập nhật thường xuyên, trở thành diễn đàn thông tin, trao đổi, chia sẻ của đội ngũ giảng viên, học viên và đông đảo đọc giả; Ban Giám hiệu trường thành lập Ban biên tập, ban hành quy chế hoạt động, nội quy, quy định cần thiết. Hằng năm, xây dựng Kế hoạch hoạt động và báo cáo hoạt động của Ban biên tập.
Bên cạnh một số thành công đạt được, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tham mưu chính sách cho địa phương của Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định. Cụ thể như sau:
Một là, một bộ phận giảng viên, viên chức chưa thực sự quan tâm đến công tác viết bài nghiên cứu đăng trên các tạp chí có chỉ số ISSN, những hội thảo cấp khu vực, cấp Bộ trở lên. Việc đầu tư viết bài đăng trên Trang thông tin điện tử, Thông tin Lý luận và thực tiễn chưa được thường xuyên, chất lượng bài viết chưa được đồng đều.
Hai là, số lượng đề tài cấp cơ sở, cấp trường còn ít so với tiềm năng của đội ngũ giảng viên. Hạn chế này xuất phát từ nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan nhưng phần lớn giảng viên của Trường còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong triển khai thực hiện quy trình một đề tài khoa học do ngân sách nhà nước cấp kinh phí nên còn lúng túng.
Ba là, kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn vẫn chưa ngang tầm với vị thế, tiềm năng, yêu cầu, nhiệm vụ của Trường. Hoạt động tổng kết thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên phần lớn là để phục vụ việc giảng dạy, học tập tại trường; tổng kết thực tiễn để tư vấn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương góp phần hoạch định chủ trương, xây dựng nghị quyết, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị còn khá khiêm tốn.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, khẳng định vai trò của nhà trường góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt cấp cơ sở của các tỉnh, thành phố, Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp cần thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, Đảng ủy, Ban Giám hiệu cần tiếp tục sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tham mưu, tư vấn chính sách đối với hệ thống chính trị tại địa phương. Khắc phục những hạn chế của tư duy kinh nghiệm trong đội ngũ giảng viên; tạo động lực, điều kiện để đội ngũ giảng viên không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị, tạo thành thói quen lấy lý luận để phân tích, đánh giá thực tiễn, lấy thực tiễn để kiểm chứng, bổ sung và hoàn thiện lý luận.
Thứ hai, tiếp tục nâng cao nhận thức cho đội ngũ giảng viên về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đặc biệt là thế hệ giảng viên trẻ. Bản thân giảng viên cần phải thấy được đây không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội để rèn luyện tư duy nghiên cứu, sâu sát địa phương, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy nói chung.
Thứ ba, chú trọng công tác lồng ghép những yêu cầu về tổng kết thực tiễn trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cũng như trong quá trình giảng viên thực hiện nhiệm vụ công tác nghiên cứu thực tế, nghiên cứu khoa học hằng năm. Trong đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, khi cử tham gia các khóa học, nhất là đào tạo sau đại học, cần định hướng cho cán bộ được cử đi học ưu tiên lựa chọn đề tài luận văn, luận án gắn lý luận với thực tiễn, nhất là thực tiễn của cơ quan, địa phương.
Thứ tư, tiếp tục chú trọng, nâng cao chất lượng các sản phẩm nghiên cứu khoa học, qua đó góp phần đạt các tiêu chí Trường Chính trị chuẩn mức 2 theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư trong tương lai; chú trọng tham mưu đối với Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân cấp Tỉnh để đầu tư hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính, kinh phí hỗ trợ đào tạo giảng viên và đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học.
Với sứ mệnh trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Đồng Tháp, Trường chính trị cần tiếp tục phấn đấu thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao, tăng cường công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Từ đó, tham mưu, đóng góp để hoàn thiện chính sách liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoạch định và xây dựng chủ trương, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong thời gian tới và phấn đấu đạt chuẩn mức 2 theo đúng lộ trình đề ra.