Asset Publisher

null Phát huy vai trò của hội viên Chi hội luật gia là giảng viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp trong công tác tuyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Phát huy vai trò của hội viên Chi hội luật gia là giảng viên Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp trong công tác tuyền truyền, phổ biến giáo dục pháp luật

Lê Thị Nhật Sang

Khoa Nhà nước và Pháp luật

Ngày 30/01/2024 vừa qua, Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 129/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án “Phát huy vai trò của Hội Luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2024 - 2030” (sau đây gọi tắt là Đề án). Đề án đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của Hội Luật gia trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho nhân dân, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của nhân dân, thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Theo đó, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được hiểu là hoạt động đưa ra, giải thích và vận động quần chúng nhân dân biết, hiểu, tin và thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Với đặc thù nghề nghiệp, các hội viên của Chi hội luật gia Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp hầu hết là các giảng viên. Chi hội luật gia Trường hiện nay có 11 hội viên, đều có trình độ Cử nhân, Thạc sĩ Luật, Quản lý hành chính, Hành chính công tham gia hoạt động tại các phòng, khoa chuyên môn. Thời gian qua, mỗi giảng viên là thành viên Chi hội luôn tích cực, chủ động tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, nghề nghiệp gắn với nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó, phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức khác nhau như: tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua các bài giảng, các buổi sinh hoạt chuyên môn về pháp luật, tuyên truyền giáo dục pháp luật ở cộng đồng nơi cư trú, ở tại gia đình… các hội viên Chi hội là giảng viên  của Trường đã gắn kết công tác giảng dạy với việc tuyên truyền giáo dục pháp luật trực tiếp đến các học viên là cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Nội dung tuyên truyền về các văn bản pháp luật mới, về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua các bài giảng ở tất cả các chương trình như: Trung cấp lý luận chính, các lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên, chuyên viên chính; bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp phòng… Thông qua hoạt động giảng dạy, tuyên truyền, các giảng viên ở các phòng, khoa đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, kết hợp hướng dẫn kỹ năng xây dựng soạn thảo văn bản cho cán bộ cơ sở, góp phần thiết thực vào việc xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư và đảm bảo xây dựng an ninh trật tự, an toàn xã hội. Giảng viên các phòng, khoa trong quá trình giảng dạy luôn lồng ghép, giải thích pháp luật cho học viên khi họ có thắc mắc về những quy định liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; việc thực hiện chế độ, chính sách; giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ gia đình, tranh chấp thừa kế, tranh chấp liên quan đến hôn nhân… góp phần không nhỏ trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho các đối tượng.

Thực tế cho thấy giữa việc thực hiện công tác giảng dạy với hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên lớp là hai nhiệm vụ không thể tách bạch. Mỗi môn học, phần học, mỗi chuyên đề đều liên quan đến các quy định của một số ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Khi người giảng viên đứng lớp truyền đạt kiến thức đối với học viên chính là khi người giảng viên đồng thời thực hiện hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Người giảng viên thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy của mình ở trên lớp cũng chính là đã thực hiện tốt nhiệm vụ của một hội viên Hội Luật gia nói chung và hội viên Chi hội luật gia Trường nói riêng.

Phát huy những kết quả đạt được đó, đồng thời, để thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy cũng như nâng cao hơn nữa hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, lồng ghép các quy định pháp luật vào nội dung bài giảng. Trong thời gian tới, các hội viên Chi hội Luật gia Trường cần chú ý đến một số yếu tố trong chuẩn bị nội dung giáo án như sau:

Thứ nhất, ý thức thật sâu sắc rằng công tác chuyên môn và tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật là một nhiệm vụ quan trọng của người hội viên Hội Luật gia. Qua đó, sẽ tự ý thức được việc lồng ghép nội dung giảng dạy và tuyên truyền, giáo dục pháp luật vào bài giảng là nhiệm vụ thường xuyên của người giảng viên.

Thứ hai, căn cứ vào nội dung bài giảng, người giảng viên cần xác định rõ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cần khai thác phục vụ cho bài giảng và những nội dung cần tuyên truyền.

Thứ ba, xác định được tính thời hiệu của văn bản pháp luật. Việc xác định hiệu lực pháp lý của văn bản có một vai trò hết sức quan trọng trong tiến trình thu thập, xử lý thông tin, tài liệu, sử dụng thông tin tài liệu trong giảng dạy nói riêng và tuyên truyền giáo dục pháp luật nói chung, đồng thời lựa chọn được các văn bản mới để tiến hành bổ sung, cập nhật trong từng phần của bài giảng.

Thứ tư, lựa chọn thông tin tài liệu cần khai thác, lồng ghép vào các nội dung bài giảng một cách hợp lý. Việc xác định thông tin tài liệu khai thác để đưa vào bài giảng một cách hợp lý vừa góp phần đảm bảo trọng tâm của bài giảng, đồng thời đảm bảo được nội dung tuyên truyền.

Thứ năm, thường xuyên cập nhật và điều chỉnh nội dung bài giảng khi các văn bản có sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo tính thời sự của hoạt động giảng dạy gắn với tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Tóm lại, việc phát huy vai trò của người hội viên Hội Luật gia nói chung và hội viên Chi hội luật gia là các giảng viên tại Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp nói riêng trong lồng ghép việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các bài giảng là một hoạt động quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, đáp ứng yêu cầu về nâng cao nhận thức pháp luật đối với mỗi học viên của Nhà trường.