Xuất bản thông tin

null Tìm hiểu quá trình hình thành tư duy của Đảng về đường lối đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình đổi mới

Trang chủ Bài viết

Tìm hiểu quá trình hình thành tư duy của Đảng về đường lối đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế trong quá trình đổi mới

Nguyễn Văn Hiệp

                                                                                   Khoa Xây dựng Đảng

Trong thời kỳ đổi mới, việc xác định mục tiêu đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn dựa trên nguyên tắc vì độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội, đồng thời phải rất sáng tạo, năng động, linh hoạt, phù hợp với vị trí, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, cũng như diễn biến của tình hình thế giới và khu vực, phù hợp với đối tượng mà Việt Nam có quan hệ; dựa trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời quan tâm đúng mức đến nghĩa vụ quốc tế của Đảng với tư cách Đảng cầm quyền.

Sau khi giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, trong 10 năm xây dựng CNXH trên phạm vi cả nước (1975-1986) quan hệ hữu nghị và hợp tác Việt Nam với các nước trong hệ thống XHCN được tăng cường, đặc biệt quan hệ với Liên Xô, từ (1975-1977) nước ta thiết lập thêm quan hệ ngoại giao với 23 nước, ngày 15-5-1976 Việt Nam trở thành thành viên chính thức của IMF; 21-9-1976 trở thành thành viên chính thức của WB; ngày 23-9-1976, gia nhập ADB; ngày 20-9-1977, gia nhập Liên hợp quốc; cuối năm 1976, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trong khối ASEAN; từ cuối năm 1977, một số nước tư bản đã có quan hệ với nước ta. Song song đó, nếu nhìn tổng quát, trong 10 năm trước đổi mới, quan hệ Việt Nam với quốc tế gặp những khó khăn, trở ngại lớn, nước ta bị bao vây về kinh tế, cô lập về chính trị, chỉ có quan hệ với Liên Xô và các nước XHCN và đặc biệt hơn từ đầu thập niên 80, thế kỷ XX các nước ASEAN và nhiều nước khác  thực hiện bao vây, cấm vận Việt Nam;

Ở trong nước, sau 10 năm xây dựng CNXH, bên cạnh những thành tựu cơ bản, chúng ta phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức mới: các thế lực thù địch bao vây, cấm vận về kinh tế và chính trị, đất nước rơi vào khủng hoảng KT-XH; quần chúng giảm lòng tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và điều hành của Nhà nước …

Xuất phát từ tình hình đó, Đại hội đại biểu lần thứ VI của Đảng đã quyết định đổi mới toàn diện đất nước, mở ra một bước ngoặc mới trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, với chủ trương: “Muốn kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nước ta phải tham gia sự phân công lao động quốc tế; trước hết và chủ yếu là với Liên Xô, Lào và Campuchia, với các nước khác trong cộng đồng XHCN; đồng thời tranh thủ mở quan hệ kinh tế và khoa học – kỹ thuật với các nước thế giới thứ 3, các nước công nghiệp phát triển, các tổ chức quốc tế và tư nhân nước ngoài trên nguyên tác cùng có lợi”. (1)

Thực hiện chủ trương này, Quốc hội đã thông qua Luật đầu tư nước ngoài (12-1987), đã tạo nền tảng pháp lý thuận lợi để nước ta mở rộng quan hệ kinh tế quốc tế, thu hút vốn, kỹ thuật, công nghệ nước ngoài để phát triển đất nước nhanh và bền vững..

Đại hội đại biểu lần thứ VII của Đảng với tuyên bố:

“Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. (2)

Đây là khâu đột phá trong việc thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế. Đại hội lần thứ VII của Đảng chủ trương gắn thị trường trong nước với thị trường thế giới, giải quyết tốt mối quan hệ giữa thị trường trong nước và thị trường ngoài nước và có chính sách bảo vệ hàng nội địa và Đại hội cũng đã xác định nguyên tắc cơ bản của hội nhập kinh tế quốc tế.

Nghị quyết TW 3, khóa VII lại xác đinh: có quan hệ với các tổ chức tài chính quốc tế và khu vực như IMF, WB, ADP, mở rộng quan hệ với các tổ chức hợp tác khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Theo quyết định số 493/CV/VPTW, ngày 14-6-1996 của Bộ Chính trị , Việt Nam gửi đơn xin gia nhập APEC.

Đại hội đại biểu lần thứ VIII của Đảng (năm 1996), chủ trương xây dựng nền kinh tế mở, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, nhấn mạnh quan điểm đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại, hướng mạnh về xuất khẩu, đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những mặt hàng mà trong nước sản xuất có hiệu quả, tranh thủ vốn, công nghệ, thị trường quốc tế; mở rộng quan hệ quốc tế,

“Việt Nam muốn là bản của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Hợp tác nhiều mặt, song phương và đa phương với các nước, các tổ chức quốc tế và khu vực trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi ..” (3).

Sau đó, Bộ Chính trị ra NQ số 01/NQ-TW về mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại 5 năm 1996-2000, xác định nhiệm vụ, phương hướng phát triển kinh tế đối ngoại cho 5 năm tiếp theo, đề ra những giải pháp cơ chế, chính sách chủ yếu để thúc đấy sự phát triển kinh tế đối ngoại.

Đại hội đại biểu lần thứ IX của Đảng, khẳng định:

“Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” (4)

Đại hội IX nhấn mạnh Việt Nam không chỉ sẵn sàng là bạn mà còn sẵn sàng là đối tác tin cậy của các nước  và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực theo tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, bảo đảm độc lập tự chủ và định hướng XHCN, bảo vệ lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường.

Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Chính trị đã ra Nghị quyết 07-NQ/TW ngày 27-11-2001 đề ra 9 nhiệm vụ cụ thể và 6 biện pháp tổ chức thực hiện quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

NQTW 9 (khóa IX) lại nhấn mạnh: cần chuẩn bị tốt các điều kiện trong nước để sớm gia nhập WTO; kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện của lợi ích cục bộ nhằm kềm hãm tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Đại hội đại biểu lần thứ X của Đảng hình thành đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế. Đồng thời, đề ra chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực khác” (5).

Coi đây là ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước và toàn dân; và của mọi doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế và xã hội.

Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng (năm 2011), trên cơ sở thế và lực mới của đất nước, nhấn mạnh quan điểm tăng cường sự chủ động, tích cực của Việt Nam đối với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng đầy đủ và toàn diện, không chỉ hội nhập trong lĩnh vực kinh tế, mà còn có trong các lĩnh vực khác. Việt Nam cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và trên thế giới, từ đó có thể đóng vai trò là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, hợp tác và phát triển và khẳng định rõ quan điểm: chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh

Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng xác định:

“Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, lấy lợi ích quốc gia – dân tộc làm mục tiêu cao nhất, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, kiên định độc lập, tự chủ, kết hợp sức mạnh dân tộc  với sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. (6)

Tăng cường đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh lệ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể; kết hợp hiệu quả ngoại lực và nội lực, gắn hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ. Đồng thời, phải rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, hoàn thiện thể chế nhằm thực thi có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Tóm lại; Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới đã đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng trong việc tạo môi trường, điều kiện thuận lợi và ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Kiên định đấu tranh bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của quốc gia, dân tộc. Quản lý và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp pháp phát triển với các nước láng giềng, làm tốt công tác bảo bộ công dân. Tuy nhiên, công tác đối ngoại còn nhiều hạn chế, như là: Chưa phát huy tốt lợi thế so sánh, hội nhập quốc tế có mặt chưa chủ động, hiệu quả chưa cao…

Tài liệu tham khảo

- Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI). Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật , Hà Nội, 2013.

- (1),(2) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI) Sđd, tr.63, 286.

- (3), (4) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI) Sđd, tr363, 479.

- (5) Đảng cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đảng thời kỳ đổi mới và hội nhập (Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI) Sđd, tr.645.

- (6). Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật , Hà Nội, 2016. tr153.