Xuất bản thông tin

null Xây dựng tốt văn hoá ứng xử trong thực hiện ngày quốc tế hạnh phúc trong mỗi gia đình

Trang chủ Bài viết

Xây dựng tốt văn hoá ứng xử trong thực hiện ngày quốc tế hạnh phúc trong mỗi gia đình

Mai Quang Khả

                  Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

Vào tháng 6/2012, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon chính thức công bố tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 . Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Ngày Quốc tế hạnh phúc được lấy từ ý tưởng từ Bhutan, quốc gia vốn được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới dựa trên các yếu tố như sức khoẻ, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Liên Hợp Quốc quyết định kỷ niệm ngày này theo đề xuất của Vương quốc Bhutan. Bắt đầu từ những năm 1970, nhà vua của vương quốc này đã đưa ra một cách thức mới đánh giá sự thịnh vượng của xã hội, đó là thông qua chỉ số hạnh phúc quốc gia, bên cạnh các chỉ số về kinh tế thường được dùng để đánh giá về sự giàu có vật chất. Chỉ số này được tính toán dựa trên các yếu tố về sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Ngày Quốc tế Hạnh phúc cũng truyền tải thông điệp: “Cân bằng, hài hòa là một trong những chìa khóa để mang đến hạnh phúc”.

Ở tỉnh Đồng Tháp, ngày 22 tháng 02 năm 2023, Uỷ Ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch Số: 62/KH-UBND về triển khai thực hiện công tác gia đình năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Trong đó có nội dung gắn kết việc thực hiện Chủ đề Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2023: “Hạnh phúc cho mọi người” với Chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam 28/6/2023: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”. Đó là: Triển khai thực hiện, đẩy mạnh, nhân rộng các mô hình hiệu quả, mô hình mới về xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em trong gia đình...

- Tiếp tục duy trì, nhân rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững, Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; Cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình; địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện truyền thông đại chúng về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Chú trọng nội dung truyền thông, giáo dục, vận động về đạo đức, lối sống văn hóa trong gia đình, trách nhiệm của các thành viên gia đình trong thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình; đồng thời, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt trong đấu tranh phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình văn hóa; phê phán những trường hợp vi phạm, xúi giục, cản trở, bao che các hành vi bạo lực gia đình. Thường xuyên lồng ghép nội dung tuyên truyền công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào phong trào “Toàn dân toàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

- Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác gia đình, các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình. Khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình.

Như vậy, nhân tố quan trọng trong đời sống mỗi gia đình, có ý nghĩa tác động đến xây dựng môi trường văn hóa của cộng đồng và xã hội chính là những quan hệ ứng xử trong gia đình. Khuôn mẫu cơ bản trong ứng xử gia đình cần luôn luôn gìn giữ, dù gia đình hiện đại hay gia đình truyền thống thì điều bất biến luôn là sự yêu thương, chia sẻ, hòa hợp, chung thủy, đoàn kết giữa các thành viên trong gia đình.

Mỗi cách ứng xử văn hóa trong gia đình đều là môi trường văn hóa cụ thể tác động trực tiếp đến lối sống, suy nghĩ của các thành viên, đặc biệt là những đứa trẻ. Từ cách ứng xử của cha mẹ, các giá trị văn hóa được hình thành và thẩm thấu đến tất cả các thành viên trong gia đình, đó là sự hiếu kính tổ tiên, kính trọng ông bà, cha mẹ; là sự hòa thuận, chung thủy trong quan hệ vợ chồng; sự bình đẳng, tôn trọng, yêu thương giữa cha mẹ với con cái; sự hòa thuận hiếu đễ của con cái đối với ông bà, cha mẹ… Đây là cơ sở quan trọng để xây dựng môi trường văn hóa gia đình.

Xây dựng và lan tỏa nét đẹp truyền thống trong mỗi “tế bào của xã hội” có ý nghĩa thiết thực đối với việc nuôi dưỡng, phát huy những nét đẹp đó trong đời sống, góp phần đẩy lùi những hiện tượng phản cảm, tiêu cực. Trong bối cảnh đô thị hóa, guồng quay CNH-HĐH đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, càng đặt ra những vấn đề cấp thiết đối với việc xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình và đời sống cộng đồng.

Thực trạng phổ biến được nhìn thấy hiện nay là bên cạnh những nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng vẫn được chú trọng gìn giữ, lan tỏa thì còn có không ít mặt trái cần báo động. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, đạo đức, nhân cách và văn hóa con người Việt Nam đang có những biểu hiện xuống cấp, xuất hiện những vấn đề tiêu cực. Bên cạnh những nét đẹp trong văn hóa ứng xử biểu hiện qua thái độ, hành vi, cử chỉ, lời nói là sự xuất hiện những hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp hằng ngày. Việc nhận diện những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử là việc làm cần thiết để có biện pháp điều chỉnh nhằm tạo ra môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước hiện nay. Điển hình tại các bến xe, nhà ga, sân bay… những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, phản cảm của hành khách đã gây nên làn sóng phẫn nộ, lên án gay gắt từ cộng đồng. Tình trạng chen chúc, xô đẩy khiến cho không gian công cộng ở nhiều nơi trở nên xô bồ, nhộn nhạo. Hay việc xâm phạm các công trình văn hóa, thẩm mỹ nơi công cộng diễn ra trong thời gian qua cũng là biểu hiện của những mặt trái về văn hóa ứng xử trong đời sống cộng đồng và xã hội.

Trong xây dựng đồng bộ môi trường văn hóa, phải chú trọng vai trò của mỗi gia đình và cộng đồng; phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa và cần chú ý đầy đủ đến yếu tố văn hóa, con người - chủ thể của xã hội trong phát triển kinh tế. 

Với vai trò là những tế bào xã hội, gia đình chính là môi trường văn hóa đầu tiên mà mỗi cá nhân được tiếp nhận trong quá trình trưởng thành, định hình nhân cách, lối sống và văn hóa ứng xử. Bên cạnh những yếu tố đạo đức, những ứng xử trong giao tiếp thì các tác phong sinh hoạt, thói quen trong lao động sản xuất cũng đều trở thành những chuẩn mực mà gia đình tạo cho con cái họ ngqay từ nhỏ cho đến khi trưởng thành.

Xây dựng gia đình bình đẳng, hạnh phúc là giá trị chân chính mọi luôn người mong muốn hướng đến. Xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình để từng bước ổn định, ngăn chặn các tệ nạn xã hội ảnh hưởng đến gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội, “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng”./.


Tài liệu tham khảo:

- Trang thông tin điện tử LĐLĐ thành phố Hải Phòng, https://congdoanhaiphong.vn/, Thứ tư, 16/03/2022.

- Trang thông tin điện tử Đài PTTH tỉnh Ninh Bình, https://nbtv.vn/, ngày 26/04/2021.

- Kế hoạch Số: 62/KH-UBND, ngày 22 tháng 02 năm 2023 của Uỷ Ban nhân dân tỉnh Đônhg Tháp về triển khai thực hiện công tác gia đình năm 2023 trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.