Xuất bản thông tin

null Cơ sở hình thành và phát triển con người Việt Nam

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Cơ sở hình thành và phát triển con người Việt Nam

                                                                Trần Thị Thu Trang

                                                                 Khoa Nhà nước và Pháp luật

Với luận điểm bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội, triết học Mác - Lênin đã đi sâu nghiên cứu vấn đề con người, hướng con người đến tự do bằng cách giải phóng con người và xây dựng xã hội mới - hội xã hội chủ nghĩa.. Có thể nói, theo quan điểm của triết học Mác - Lênin, con người mới vừa là sản phẩm của xã hội mới đồng thời là chủ thể tích cực sáng tạo ra xã hội đó.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc diệu kỳ, đã từng làm nên những kỳ tích trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Cơ sở hình thành và phát triển con người Việt Nam cũng trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử dựng nước và giữ nước.

Thứ nhất, điều kiện địa lý tự nhiên với nền nông nghiệp lúa nước là yếu tố quan trọng đầu tiên tác động đến việc hình thành, phát triển con người Việt Nam. Được hình thành, phát triển trên dãi đất hình chữ “S” hướng ra biển Đông với ¾ diện tích là đồi núi, ¼ diện tích là đồng bằng và ven biển, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, khí hậu thời tiết phức tạp (hạn hán, bão lụt, bệnh dịch diễn ra thường xuyên) nên con người và dân tộc Việt Nam sớm có thói quen chịu đựng gian khổ, cần cù siêng năng và sớm phát triển ý thức tự lập, tự cường.

Nền kinh tế tiểu nông với trình độ của lực lượng sản xuất thấp kém, quan hệ sản xuất lạc hậu, sản xuất diễn ra theo tập quán mang tính tự cung, tự cấp và khép kín nên năng suất lao động thấp. Đó cũng là cơ sở hình thành xã hội nông nghiệp truyền thống với đơn vị “hạt nhân” “Làng”. Làng là thực thể “kinh tế - xã hội - chính trị - văn hoá” thu nhỏ của xã hội, tiêu biểu cho văn minh nông nghiệp lúa nước. Chính nền văn minh này đã quy định, tác động và ảnh hưởng đến việc hình thành, phát triển tâm lý, tình cảm, tính cách, tư duy và lối sống của con người Việt Nam truyền thống.

Thứ hai, các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Lịch sử hàng ngàn năm của con người, dân tộc Việt Nam là dựng nước đi đôi với giữ nước. Đó là yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định việc sớm hình thành quốc gia dân tộc và nhiểu phẩm chất quý giá của con người Việt Nam.

Từ khi dựng nước dân tộc Việt Nam đã phải đứng lên kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Trong tất cả các cuộc kháng chiến, con người Việt Nam phải đương đầu với những kể thù lớn hơn, đông hơn và mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Đó là mảnh đất làm nảy sinh tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường và nghệ thuật đánh giặc “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” của con người Việt Nam.

Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức độc lập, tự cường rất cao. Phẩm chất này đã được thể hiện rõ rệt trong những lần Việt Nam phải đối phó với họa xâm lăng từ bên ngoài. Tinh thần dân tộc cao sẽ là động lực và sức mạnh thúc đẩy một dân tộc vươn tới đỉnh cao.

Thứ ba, nền văn hoá lâu đời giàu bản sắc dân tộc. Nền văn hoá Việt Nam bắt nguồn từ thời kỳ Đông Sơn (thời kỳ dựng nước và hình thành nhà nước Văn Lang độc lập) phát triển trải qua hàng ngàn năm thăng trầm với nhiều cuộc giao lưu văn hoá với thế giới. Trong đó có ít nhất ba cuộc tiếp xúc văn hoá lớn nhất:

Một là, cuộc tiếp xúc ưu với văn hoá Trung Quốc suốt hơn ngàn năm Bắc thuộc;

Hai là, cuộc tiếp xúc với văn hoá Pháp trong gần 100 năm Pháp thuộc vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX;

 Ba là, cuộc tiếp với văn hoá Mỹ trong những thập niên 50 - 70 của thế kỷ XX.

Trong tất cả các cuộc tiếp xúc văn hoá nói trên, nền văn hoá và con người Việt Nam không chỉ giữ gìn, phát huy được bản sắc dân tộc, mà còn tiếp thu và làm giàu hơn bằng những tinh hoa văn hoá Đông - Tây. Ngày nay, trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, con người và văn hoá Việt Nam đang vươn mình tạo dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để thúc đẩy sự phát triển con người và xã hội.

Thứ tư, giá trị nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Giá trị nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin được thể hiện sâu sắc không những ở bản chất khoa học và cách mạng của nó, mà còn thể hiện ở tinh thần tôn vinh giá trị cao quý của con người và các quyền cơ bản của con người. Đó là quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc.

Chủ nghĩa Mác - Lênin được truyền bá vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hoạt động của con người và dân tộc Việt Nam, đồng thời là điều kiện và tiền đề cho sự phát triển con người và xã hội Việt Nam hiện đại.

Tính cách mềm dẻo, cởi mở và dễ hội nhập của con người Việt Nam là một yếu tố hết sức thuận lợi trong hoàn cảnh ngày nay, khi mà thế giới ngày càng phát triển theo xu thế hội nhập và chu kỳ thay đổi công nghệ ngày càng có xu hướng rút ngắn, nhất là trong thời đại 4.0. Ðiều này đặc biệt có ý nghĩa khi truyền thống hiếu học và khả năng trí tuệ của người Việt đã và đang trở thành một yếu tố bảo đảm cho sự phát triển với tốc độ cao của đất nước và trở thành một thế mạnh trên trường quốc tế. Ðiều quan trọng nhất lúc này là làm thế nào để gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại. Chúng ta đang hội nhập với thế giới không chỉ với tâm thức học hỏi người, điều chỉnh mình cho phù hợp để khai khác những lợi ích do toàn cầu hóa mang lại, mà còn với mục đích chủ động đem các giá trị của mình đóng góp với thế giới, biến những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế.

Tóm lại, điều kiện địa lý tự nhiên với nền văn minh nông nghiệp lúa nước, các cuộc kháng chiến anh hùng chống giặc ngoại xâm, nền văn hoá lâu đời giàu bản sắc dân tộc cùng với tinh hoá văn hoá nhân loại và giá trị nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin là cơ sở hình thành, phát triển con người và dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương: Tài liệu giáo dục chủ nghĩa yêu nước, Nxb Giáo dục, Hà Nội 2000.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Triết học (Dùng trong đào tạo trình độ Thạc sĩ, Tiến sĩ các ngành khoa học xã hội và nhân văn không chuyên ngành Triết học, Nxb Đại học sư phạm, năm 2014).

3. Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản CTQG, Hà Nội 2011, t.1.

4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.6.

5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.9.

6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.30.