Asset-Herausgeber

null Hòa bình - bản chất và thực tiễn

Trang chủ Bài viết

Hòa bình - bản chất và thực tiễn

Ts. Nguyễn Quốc Trung

                                                                                                 Khoa Xây dựng Đảng

Tóm tắt, “hòa bình” là khát vọng, là nhu cầu thiết thân của mỗi một người dân ở từng quốc gia, dân tộc. Từ thực tiễn một số cuộc xung đột ở một số điểm nóng trên thế giới hiện nay, từ thực tiễn nỗi thống khổ của người dân ở vùng có xung đột thì ý nghĩa của hòa bình càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, vấn đề hòa bình và cách thức để hiện thực hóa nền hòa bình lại không hoàn toàn thống nhất. Từ đó cho thấy nhận thức rõ bản chất của hòa bình và cách thức để xây dựng và duy trì hòa bình trong giai đoạn hiện nay là hết sức cấp thiết.

Từ khóa: hòa bình, bản chất, thực tiễn

Những năm 70 của thế kỷ XX - thời kỳ đỉnh điểm của “chiến tranh Lạnh”[1], đó là thời điểm mà cuộc đối đầu căng thẳng của Liên Xô và Hoa Kỳ thông qua các cuộc chiến ủy nhiệm, nhưng tình hình quốc tế cũng không phức tạp như hiện nay. Trong thời kỳ căng thẳng đó, các nước lớn, các khối quân sự đã ý thức được tính chất phức tạp của việc đối đầu trực tiếp và họ đã “ngồi lại với nhau” xây dựng và thiết kế nên những cơ chế, tiêu chuẩn để kềm chế, giảm căng thẳng và những quy tắc để ràng buộc nhau,… chính vì thế, dù tình hình rất phức tạp nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Trong giai đoạn hiện nay, khi mà chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, dân tộc cực đoan, dân tộc dân túy, dân tộc bá quyền,… đang trỗi dậy rất mạnh mẽ, với những toan tính lợi ích khác nhau và rất phức tạp, một số quốc gia đang đẩy thế giới vào một tình cảnh cực kỳ nguy hiểm, khó lường. Những cơ chế hạn chế xung đột, đối đầu đang bị “xé bỏ”, những cách lập luận và lý giải mới về lợi ích, chủ quyền, độc lập, về hòa bình,…  và đang trực tiếp đe dọa, xâm phạm, tước đoạt lợi ích của nước khác, thực tế đó đang đẩy thế giới đến cục diện đối đầu tiềm tàng có tính toàn diện. Có thể so sánh tình hình hiện nay còn nguy hiểm, phức tạp, khó lường hơn cả trong thời kỳ đỉnh điểm của “chiến tranh Lạnh”. Trong bối cảnh như thế thì giá trị của sự ổn định, hòa bình, độc lập càng trở nên có ý nghĩa và việc xác định bản chất của sự ổn định, của hòa bình, của độc lập; việc xây dựng những cơ chế để đảm bảo sự ổn định thật sự, hòa bình thật sự, độc lập thật sự đang trở thành một vấn đề cấp thiết.

1. Bản chất của hòa bình

Hòa bình luôn là một nội dung hết sức quan trọng trong lý luận và cả thực tiễn trong quan hệ quốc tế. Học thuyết Mác ra đời, trước hết là sự tổng kết thực tiễn phát triển thế giới để khái quát ra giá trị lý luận cho một sự phát triển với các tiêu chí, giá trị và sự tiến bộ; tiếp đến là tìm ra con đường để xóa bỏ đến tận gốc bạo lực và sự xung đột lợi ích của các quốc gia-dân tộc. Do đó, các nhà kinh điển của Học thuyết Mác đã có những quan điểm lý luận rất sâu sắc để luận giải và hướng đến xây dựng nhận thức chung về vấn đề hòa bình.

Theo Học thuyết Mác, về mặt thực tế không có nền hòa bình tự  nhiên và nền hòa bình chung chung, điều đó có nghĩa là nền hòa bình phải được các lực lượng trực tiếp tham gia vào việc xây dựng và đảm bảo trên một cơ sở thừa nhận những điểm tương đồng.  Hòa bình có thể hiểu theo nghĩa giản đơn đó là không có chiến tranh, các nhà kinh điển đặc biệt nhấn mạnh đến nền hòa bình đích thực. Theo V.I. Lênin, hoà bình đích thực là nền hoà bình gắn liền với “chế độ dân chủ hoàn toàn, chế độ dân chủ mà giai cấp công nhân vẫn bênh vực”[2]. Như vậy, dân chủ là một tiêu chí, yếu tố quan trọng để xác định tính chính danh của hòa bình đích thực, nếu thiếu đi hoặc không thực tế trong việc thực hiện dân chủ thì không thể có nền hòa bình thực sự; nếu có, đó chỉ là nền hòa bình cưỡng bức, giả tạo và hình thức. V.I. Lênin cũng nhận xét về nền hòa bình trong chế độ chuyên chế hay chế độ áp bức thì không phải là nền hoà bình đích thực, thậm chí nền hoà bình đó còn có thể dẫn đến những hệ lụy không lường và tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh.

V.I. Lênin cho rằng nền hòa bình đích thực gắn liền với chính quyền của giai cấp công nông và chủ nghĩa xã hội. Người viết: “Muốn giành được hoà bình (và hơn nữa, một nền hoà bình thực sự dân chủ, thực sự vẻ vang) thì chính quyền trong nước phải thuộc về công nhân và nông dân nghèo, chứ không phải thuộc về bọn tư bản và bọn địa chủ”[3]. Chính giai cấp công nông là lực lượng chủ chốt bảo vệ nền hòa bình thế giới vì họ là những người phải gánh chịu hậu quả của chiến tranh. Nhân loại chỉ có thể đạt được nền hòa bình đích thực khi chủ nghĩa xã hội thắng lợi, Người khẳng định: “Nếu chủ nghĩa xã hội không chiến thắng, thì hoà bình giữa các nước tư bản sẽ chỉ là một cuộc đình chiến, một sự tạm yên, chỉ là việc chuẩn bị cho một cuộc chém giết mới giữa nhân dân các nước”[4].

Khi bàn về hòa bình, V.I. Lênin cũng phân biệt rất rạch ròi giữa hòa bình với hòa ước. Hòa ước không đồng nghĩa với hòa bình. Có hoà ước hoà bình dân chủ nhưng cũng có hoà ước cưỡng bức. Hòa ước giữa các nước đế quốc ký với nhau không phải là một hòa ước hòa bình mà là việc “ghi lại những thay đổi trong quan hệ so sánh lực lượng đối địch do những hành động quân sự gây ra”[5]. Kết quả của các hòa ước đó dựa trên sự thành bại của chiến tranh, do đó, có nhiều hiệp ước là bất bình đẳng, có áp bức, bất công.

Từ bối cảnh cụ thể của một nước thuộc địa, bị chủ nghĩa thực dân, đế quốc đô hộ, xâm chiếm, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn bổ sung thêm luận điểm về hòa bình thực sự, Người cho rằng: “hòa bình thực sự không thể tách với độc lập thật sự”[6] vì đây là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của các quốc gia - dân tộc. Nền độc lập thực sự, theo quan điểm của Hồ Chí Minh là nền độc lập gắn liền với sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; gắn với quyền tự quyết trên tất cả các phương diện; nền hòa bình phải gắn với một mối quan hệ hòa hảo, hữu nghị, tôn trọng giữa các quốc gia-dân tộc; nền hòa bình thực sự phải gắn với ấm no, tự do, hạnh phúc của Nhân dân.

 Như vậy, điều kiện để có hòa hình là các quốc gia - dân tộc đều phải được độc lập và tự chủ. Ph. Ăngghen viết: “Để đảm bảo hoà bình giữa các nước, trước hết cần phải trừ bỏ tất cả mọi va chạm dân tộc, mỗi dân tộc đều phải có nền độc lập và phải là người chủ trong ngôi nhà của mình”[7]. Trên cơ sở đó, V.I. Lênin bổ sung là để có hòa bình “tuyệt đối phải bao gồm việc thừa nhận quyền tự quyết của tất cả các dân tộc”[8]. Có thể khẳng định, độc lập dân tộc, quyền tự quyết của các dân tộc (dân tộc quốc gia) là điều kiện tiên quyết đầu tiên để có hòa bình thực sự; đồng thời, các dân tộc phải được bình đẳng nhau trong cộng đồng quốc tế. Theo V.I. Lênin, bình đẳng dân tộc là sự ngang bằng nhau giữa các dân tộc, không phân biệt dân tộc lớn hay nhỏ và trình độ phát triển; bình đẳng giữa các dân tộc phải được thể hiện đầy đủ trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, quyền lợi kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là trên lĩnh vực chính trị. V.I. Lênin nhấn mạnh để “đảm bảo giải quyết được thực sự vấn đề dân tộc bằng cách thừa nhận quyền bình đẳng hoàn toàn và quyền tự quyết chính trị tuyệt đối của tất cả các dân tộc”[9].

2. Nhận thức và lý giải hòa bình

Trong điều kiện thế giới còn tồn tại giai cấp thống trị, bóc lột và những thế lực hiếu chiến, V.I. Lênin luôn lưu ý các quốc gia, dân tộc không được ảo tưởng về một nền hòa bình nhất thời, giả dối do các thế lực đế quốc, hiếu chiến tuyên bố, tuyên truyền. Đối với các quốc gia, để giành và giữ được hoà bình không phải là điều đơn giản. V.I. Lênin viết: “người nào nghĩ rằng giành được hoà bình không có gì khó, rằng chỉ đề cập qua loa đến hoà bình, và giai cấp tư sản sẽ đem lại hoà bình dâng cho ta, thì người ấy hết sức ngây thơ”[10]. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “muốn đi tới hòa bình có khi phải chiến tranh”[11]. Đây chính là sự vận dụng, phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác về bạo lực - dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng. Vì vậy, chiến tranh giải phóng dân tộc không hề mâu thuẫn với bảo vệ hòa bình thế giới; chiến tranh chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc còn là con đường để đi đến hòa bình thực sự.

Theo V.I. Lênin, các quốc gia có chế độ chính trị khác nhau có thể cùng tồn tại hòa bình. Vì vậy, Người đã đưa ra nguyên tắc chung sống hoà bình giữa các nước có ý thức hệ khác nhau, trong Sắc lệnh Hoà bình năm 1917. V.I. Lênin đã chỉ ra cơ sở cho sự chung sống hòa bình giữa các quốc gia, các hệ thống đối đầu ở ba điểm cơ bản: (1) quan hệ giữa hai hệ thống này không phải quan hệ thống trị và bị trị nên không nhất thiết phải dùng chiến tranh để lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản; (2) giữa hai nhóm nước này vẫn có những mâu thuẫn không đối kháng và những vấn đề chung khiến hai bên có thể hợp tác với nhau; (3) nhu cầu kinh tế sẽ khiến các nước phải làm ăn buôn bán với nhau. V.I. Lênin đã khẳng định sức mạnh của kinh tế, thương mại đến vấn đề hòa bình: “Có một sức mạnh lớn hơn nguyện vọng, ý chí và sự quyết tâm của bất cứ chính phủ hay giai cấp thù địch nào, sức mạnh đó là những quan hệ kinh tế chung của toàn thế giới”[12]. Luận điểm này của  V.I. Lênin có nhiều điểm tương đồng với quan điểm của chủ nghĩa tự do hiện nay.

Hồ Chí Minh trong quá trình mở rộng quan hệ đối ngoại, phục vụ cho cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, Người cho rằng các nước lớn có vai trò quan trọng đến hòa bình thế giới. Một mặt, các nước lớn có thể gây ảnh hưởng xấu đến hòa bình thế giới, nhưng mặt khác, các nước lớn có vai trò quyết định đến hòa bình thế giới, Người nhấn mạnh: “Thế giới hoà bình có thể thực hiện nếu các nước trên thế giới, nhất là những nước lớn, đều sẵn sàng giải quyết những xích mích giữa các nước bằng thương lượng và nếu nhân dân thế giới không chịu để bọn gây chiến lừa phỉnh, mà tự nhận lấy trách nhiệm bảo vệ hoà bình thế giới”[13].

3. Tình hình thế giới hiện nay và yêu cầu về các giải pháp hòa bình

Thực tế hiện nay cho thấy, mặc dù bối cảnh thế giới có rất nhiều thay đổi nhanh chóng và diễn biến phức tạp, nhưng xu hướng chung vẫn là xu hướng hòa bình, đối thoại và hợp tác; yếu tố kinh tế vẫn có trọng lượng lớn đối với việc thiết lập trật tự và nền hòa bình cho các nước. Nhân dân các quốc gia-dân tộc, các lực lượng tiến bộ vẫn luôn mong muốn và phối hợp với nhau để cùng nhau xây dựng được môi trường hòa bình thực sự và phát triển ổn định. Tuy nhiên, một số nhóm lợi ích; một số lực lượng có tư tưởng “diều hâu”; một số quốc gia-dân tộc mà trong đó đa phần là các nước lớn,... có xu hướng đối đầu; kích động dùng bạo lực, chiến tranh để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn và lợi ích; tạo ra môi trường để kích động tranh chấp, chiến tranh,... tất cả vì mục tiêu cạnh tranh địa chính trị; giành ưu thế trên các lĩnh vực kinh tế; tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp biển đảo; chiếm đoạt tài nguyên thiên nhiên và xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia-dân tộc khác.

Từ thực tiễn các cuộc xung đột giữa: Nga - Ukraina; Trung Quốc - Ấn Độ (thanh chấp biên giới); Israel-Hamas, Israel-Palestine, Israel-Iran, Israel-Hezbollah;...) và các điểm nóng trên trế giới hiện nay: Trung Quốc-tranh chấp và xung đột ở biển Đông; vấn đề Syria; Nga - Nato; Mỹ - Trung Quốc (vấn đề Đài Loan và vấn đề biển Đông, biển Hoa Đông); những sự thay đổi trong nhận thức về cách tiếp cận và những biến động chính trị ở một số khu vực, một số nước châu Phi,...) đã xuất hiện những cách tiếp cận và những cách giải thích mới về hòa bình, cụ thể: hòa bình, ổn định cho châu Âu là phải giành thắng lợi toàn diện hay đánh bại nước Nga; khu bờ Tây muốn có hòa bình, con đường duy nhất là phải tiêu diệt hoàn toàn lực lượng Hamas (đây là lực lượng chính trị lãnh đạo nhân dân Palestine ở khu bờ Tây và dải Gaza); vùng nước lịch sử, vùng đất lịch sử (được sử dụng trong tranh chấp biên giới lãnh thổ và biển đảo); hoặc những ngôn từ hết sức nguy hiểm xuất hiện trong xung đột Nga-Ukraina đó là Mỹ và các nước phương Tây cần phải dùng vũ khí hạt nhân đánh phủ đầu nước Nga; chúng tôi đang giết những người Nga và hy vọng cộng đồng quốc tế ủng hộ và cùng với chúng tôi giết những người Nga; cấm tất cả các tổ chức và cá nhân Ukraina đàm phán với tổ chức và cá nhân nước Nga; một số nước đã xếp quân đội và lực lượng chính trị đang lãnh đạo các quốc gia độc lập là tổ chức khủng bố (Mỹ, Canada,... đã xếp lực lượng cách mạng Hồi giáo Iran là lực lượng khủng bố),...tất cả những cụm từ và cách tiếp cận như trên chỉ có thể tạo ra rất nhiều những khoảng cách, những khoảng trống quyền lực, mở đường cho sự xuất hiện các mâu thuẫn không thể điều hòa và đó là cái cớ hoàn hảo cho việc duy trì và tiếp tục các cuộc chiến, các điểm xung đột,...tất cả để phục vụ cho những mục đích địa chính trị, lợi ích kinh tế, kiềm hãm các nước,... Trong khi đó, những điểm chung, những điểm tương đồng, những điều kiện tiên quyết để kết nối, để xây dựng niềm tin chiến lược, để thúc đẩy sự phát triển chung thì hầu hết đều bị bỏ qua hoặc xem nhẹ.

Hơn bao giờ hết, thế giới hiện nay đang đứng trước một mối nguy vô cùng lớn và nó đang ngày càng tăng lên nhanh chóng, thế giới cần một giải pháp hòa bình và giải pháp đó không có con đường nào khác là các nước lớn, các nhóm lợi ích, các lực lượng, các quốc gia-dân tộc,...phải tôn trọng và đảm bảo trên thực tế về quyền con người (quyền sống, quyền tự do, quyền hạnh phúc), tất cả vì con người – hạt nhân cốt lõi, yếu tố có giá trị, điểm tương đồng cao nhất để các quốc gia - dân tộc ngồi lại với nhau. Chỉ có như thế thì những điểm chung, những điểm tương đồng mới được tính đến, được tham vấn, được thiết kế, được xây dựng thành những hệ thống giá trị mà tất cả các lực lượng, quốc gia-dân tộc,...phải tuân thủ và đó là con đường để hướng đến sự đồng thuận và đó cũng là con đường để hướng đến một nền hòa bình thật sự và bền vững.

Trên phương diện lý luận đã có một hệ thống quan điểm sâu sắc, toàn diện và hoàn toàn mang tính khả thi về cách thức, giải pháp để đạt được một nền hòa bình đích thực, thật sự và có tính dài lâu. Hệ thống quan điểm đó vẫn luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, giá trị lịch sử và hiện tại. Trong bối cảnh thế giới còn chưa có một nền hòa bình đích thực và hoàn toàn, thì lý luận đó tiếp tục là cơ sở để nhận thức, chiêm nghiệm, lý giải và hành động nhằm hướng tới việc củng cố và xây dựng nền hòa bình theo xu hướng phát triển chung và đảm bảo được tính đồng thuận của thế giới đương đại.

-----------------------

Tài liệu tham khảo:

1/- C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 1995, tập 21.

2/- V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 22,23,26,27,31,35,44.

3/- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, tập 4,8,15.


[1] Chiến tranh Lạnh (1947-1991) là từ ngữ chỉ sự căng thẳng địa chính trị và xung đột ý thức hệ đỉnh điểm giữa hai siêu cường (đứng đầu và đại diện hai khối đối lập): Hoa Kỳ (chủ nghĩa tư bản) và Liên Xô (chủ nghĩa xã hội). Chiến tranh Lạnh bắt đầu từ năm 1947 với sự ra đời của thuyết Truman. Chiến tranh Lạnh kết thúc với sự tan rã của Liên Xô vào năm 1991. Thuật ngữ “Lạnh được sử dụng vì không có sự chiến đấu trực tiếp diện rộng giữa hai siêu cường, nhưng họ đã ủng hộ những nước đồng minh đang có xung đột nhằm gia tăng vị thế chính trị, nó được gọi là những cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

[2] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005, tập 23, tr.193.

[3] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005, tập 31, tr.67.

[4]. V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 35, tr.201.

[5]  V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005, tập 27, tr.345-346.

[6]  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, tập 15, tr.3.

[7] C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 1995, tập 21, tr.592.

[8] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2006, tập 26, tr.378.

[9] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2005, tập 22, tr.249.

[10] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 35, tr.139.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - sự thật, 2011, tập 4, tr.146.

[12] V.I. Lênin: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 2006, tập 44, tr.374.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.475.