Bài viết

null Đại tướng Võ Nguyên Giáp - tượng đài của quân đội Việt Nam hiện đại

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Đại tướng Võ Nguyên Giáp - tượng đài của quân đội Việt Nam hiện đại

 Mai Quang Khả

        Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân). Võ Nguyên Giáp là một nhà chỉ huy quân sự và nhà hoạt động chính trị Việt Nam. Là đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông chỉ huy chính trong chiến tranh Đông Dương (1946–1954) và chiến tranh Việt Nam (1960–1975). Ông tham gia vào nhiều chiến dịch quan trọng như Chiến dịch Biên giới thu đông 1950, Trận Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968), Chiến dịch năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ông là nhà chỉ huy quân sự nổi bật nhất bên cạnh Hồ Chí Minh trong suốt cuộc chiến và lãnh đạo nhiều chiến dịch lớn cho đến khi kháng chiến cứu nước kết thúc.

Thời niên thiếu

        Năm 1925, Võ Nguyên Giáp rời trường Tiểu học Đồng Hới ở quê nhà Quảng Bình để vào Huế ôn thi vào trường Quốc học Huế (ông đỗ thứ hai sau Nguyễn Thúc Hào). Hai năm sau, ông bị đuổi học cùng với Nguyễn Chí Diểu, Nguyễn Khoa Văn (tức Hải Triều), sau khi tổ chức một cuộc bãi khóa. Ông về quê và được Nguyễn Chí Diểu giới thiệu tham gia Tân Việt Cách mạng Đảng, một đảng theo chủ nghĩa dân tộc nhưng có màu sắc cộng sản thành lập năm 1924 ở miền Trung Việt Nam. Nguyễn Chí Diểu cũng giới thiệu Võ Nguyên Giáp vào làm việc ở Huế, tại nhà xuất bản Quan hải tùng thư do Đào Duy Anh sáng lập và ở báo Tiếng dân của Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, Võ Nguyên Giáp bắt đầu học nghề làm báo, chuẩn bị cho giai đoạn hoạt động báo chí trong thời Mặt trận Bình dân Pháp.

        Thời thanh niên

        Đầu tháng 10 năm 1930, trong sự kiện Xô Viết Nghệ Tĩnh, Võ Nguyên Giáp bị bắt và bị giam ở Nhà lao Thừa phủ (Huế), cùng với người yêu là Nguyễn Thị Quang Thái, em trai là Võ Thuần Nho và các giáo sư Đặng Thai Mai, Lê Viết Lượng,…

        Cuối năm 1931, nhờ sự can thiệp của Hội Cứu tế Đỏ của Pháp, Võ Nguyên Giáp được trả tự do nhưng lại bị Công sứ Pháp tại Huế ngăn cấm không cho ở lại Huế. Ông ra Hà Nội, học trường Albert Sarraut và đỗ. Ông nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit). Do bận rộn hoạt động cách mạng, vào năm 1938, ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư.

        Từ 1936 đến 1939, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương, là sáng lập viên của mặt trận và là Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ trong phong trào Đông Dương đại hội. Ông tham gia thành lập và làm báo tiếng Pháp Notre voix (Tiếng nói của chúng ta), Le Travail (Lao động), biên tập các báo Tin tức, Dân chúng. Tháng 5 năm 1939, Võ Nguyên Giáp nhận dạy môn lịch sử tại Trường Tư thục Thăng Long, Hà Nội do Hoàng Minh Giám làm giám đốc.

        Bắt đầu sự nghiệp quân sự

        Ngày 3 tháng 5 năm 1940, Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng Phạm Văn Đồng lên Cao Bằng rồi vượt biên sang Trung Quốc để gặp Hồ Chí Minh. Ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương trong năm này và bắt đầu các hoạt động của mình trong Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, một tổ chức chống phát-xít và đấu tranh cho độc lập của Việt Nam. Ông tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, mở lớp huấn luyện quân sự cho Việt Minh ở Cao Bằng.

        Ngày 22 tháng 12 năm 1944, theo hướng dẫn của Hồ Chí Minh, ông thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo. Đây là tổ chức tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 25 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp đã chỉ huy đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân lập chiến công đầu tiên là tập kích diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần thuộc Châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Võ Nguyên Giáp trở thành uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, sau đó là ủy viên Thường vụ Trung ương, tham gia Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc.

        Sau Cách mạng Tháng Tám, Ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Phó Bộ trưởng (nay gọi là Thứ trưởng) Bộ Quốc phòng trong Chính phủ lâm thời (từ ngày 28 tháng 8 đến hết năm 1945) và là Tổng chỉ huy Quân đội Quốc gia và Dân quân tự vệ. Trong Chính phủ Liên hiệp, ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (cho đến tháng 7 năm 1947 và từ tháng 7 năm 1948 trở đi).

        Ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chiến tranh Đông Dương chính thức bùng nổ. Dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản, ông bắt đầu chỉ đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống lại sự trở lại của người Pháp (1945-1954) trên cương vị Tổng chỉ huy và Tổng Chính ủy, từ năm 1949 đổi tên gọi là Tổng tư lệnh quân đội kiêm Bí thư Tổng Quân uỷ.

        Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam

        Không được đào tạo tại bất kỳ trường quân sự nào trước đó, không trải qua các cấp bậc quân hàm trong quân đội, Võ Nguyên Giáp thụ phong quân hàm Đại tướng vào ngày 28 tháng 5 năm 1948 theo sắc lệnh 110/SL ký ngày 20 tháng 1 năm 1948, Ông trở thành Đại tướng đầu tiên của Quân Đội Quốc gia Việt Nam khi 37 tuổi. Cùng đợt thụ phong có Nguyễn Bình được phong Trung tướng; Nguyễn Sơn, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái, Lê Hiến Mai, Văn Tiến Dũng, Trần Đại Nghĩa, Trần Tử Bình được phong Thiếu tướng. Tháng 8 năm 1948, ông là ủy viên Hội đồng Quốc phòng Tối cao vừa mới được thành lập.

        Từ tháng 8 năm 1945 Võ Nguyên Giáp là một trong 5 ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và trở thành ủy viên Bộ Chính trị (thay thế Ban Thường vụ Trung ương) Đảng Lao động Việt Nam từ năm 1951.

        Như các danh tướng Việt Nam trong lịch sử, Võ Nguyên Giáp chú trọng nghệ thuật lấy ít địch nhiều, lấy yếu chế mạnh, lấy thô sơ thắng hiện đại. Tư tưởng quân sự nổi tiếng của ông có tên gọi là Chiến tranh Nhân dân, kế thừa quan điểm quân sự Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật đánh giặc của tổ tiên, tri thức quân sự thế giới, lý luận quân sự Mác-Lênin và được đúc rút từ kinh nghiệm cá nhân được liên tục cập nhật trong nhiều cuộc chiến tranh mà nổi bật là chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ.

        Năm 1954, Võ Nguyên Giáp được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Lao động tin tưởng trao cho toàn quyền chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trước khi ra trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò: “Cho chú toàn quyền chỉ huy. Trận này chỉ được thắng không được thua vì thua là hết vốn”. Ông tự tin lên kế hoạch và chỉ huy 4 trong 6 sư đoàn bộ binh khi đó của Quân đội Nhân dân Việt Nam là 308, 304, 312, 316 và Đại đoàn sơn pháo 351 tấn công Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề được trang bị hiện đại của Liên hiệp Pháp. Chiến thắng này đã đặt dấu chấm hết cho quyền lực của người Pháp tại Đông Dương sau 83 năm và đã đưa Võ Nguyên Giáp đi vào lịch sử thế giới như là một danh nhân quân sự Việt Nam, một người hùng của Thế giới thứ ba, nơi có những người dân bị nô dịch đã xem Võ Nguyên Giáp là thần tượng để hạ quyết tâm lật đổ chế độ thực dân xây dựng nền độc lập của riêng mình.

        Tới dấu ấn trong kháng chiến chống Mỹ

        Mùa xuân năm 1975, vào những ngày cuối tháng tư lịch sử, trong chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, Bộ thống soái tối cao đã tập trung trí tuệ, tài năng ra những quyết định, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, những mệnh lệnh, chỉ thị cho quân và dân cả nước biến các nghị quyết đúng đắn của Đảng thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trên các chiến trường. Một trong những mệnh lệnh đó do Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký trong bức điện khẩn ngày 7/4/1975. Bức điện với nội dung “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” được coi là “kim chỉ nam” để các cánh quân tiến thẳng vào sào huyệt của kẻ thù. Mệnh lệnh lịch sử này đã góp phần quan trọng tạo nên tính lịch sử cho chiến thắng của chiến dịch quân sự lớn nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

        Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành tượng đài của quân đội Việt Nam hiện đại, không phải chỉ bởi hào quang của cấp bậc Đại tướng hay Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, mà còn là một quá trình phấn đấu vươn lên từ nằm gai nếm mật, trong tay không có gì cho đến ngày có hàng vạn quân trong tay. Một đại tướng từ người chỉ huy đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, chỉ được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy vào cuối năm 1944. Đến hôm nay nhìn lại mới thấy đó là sự trưởng thành, phát triển vĩ đại, là niềm tự hào vủa cả dân tộc và quân đội ta./.

        Tham khảo từ: Trang thông tin điện tử thành phố Hồ Chí Minh www.hcmcpv.org.vn; Trang thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình www.quangbinh.gov.vn; Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.884-886, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin