Bài viết

null Tinh thần thi đua ái quốc trong bối cảnh toàn dân chống dịch Covid-19 hiện nay

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Tinh thần thi đua ái quốc trong bối cảnh toàn dân chống dịch Covid-19 hiện nay

Nguyễn Thị Duyên

          Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng, phát động các phong trào thi đua yêu nước, coi đó là một bộ phận quan trọng trong quá trình lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước mà Người còn là tấm gương mẫu mực trong những phong trào thi đua. “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung về thi đua yêu nước có giá trị lý luận và giá trị thực tiễn sâu sắc, có sức sống mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước.

          Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trên toàn quốc và chỉ rõ: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, làm cho tốt, làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam bất kỳ già, trẻ, gái, trai; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu… Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”.

          Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cũng như trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam (1954 -1975), các phong trào thi đua yêu nước đã phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, củng cố niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, tạo sự thống nhất tư tưởng và hành động, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực chiến đấu, lao động, sản xuất, góp phần quan trọng đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ thù giành độc lập cho dân tộc, mở ra một kỷ nguyên mới vĩ đại của lịch sử dân tộc.

          Với tầm quan trọng và giá trị thực tế của phong trào thi đua yêu nước được phát huy trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Ngày 4/3/2008 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 258/QĐ-TTg về việc lấy ngày 11/6 hàng năm là “Ngày Truyền thống thi đua yêu nước”. Đây là dịp để nhân dân đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với công tác tổ chức, vận động và hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

          Trong tình hình dịch bệnh bùng phát từ cuối năm 2019 bởi một chủng virus Corona mới được phát hiện lần đầu tiên Trung Quốc đến nay đã lan ra hơn 200 quốc gia, làm hàng ngàn người dân châu Á và các nơi khác trên thế giới nhiễm bệnh thậm chí tử vong. Trước “cơn sóng thần” biến thể Delta bùng phát đang khiến người dân và chính phủ các nước trên thế giới quay cuồng. Biến thể Delta thật sự là một “sát thủ” khủng khiếp làm cả thế giới bàng hoàng, hoang mang bởi mức độ lay lan và sự chết chóc mà biến thể đem đến.

          Việt Nam cũng đang nằm trong khoảng thời gian bùng phát đợt dịch thứ 4 do biến thể Delta lây nhiễm. Trước sự nguy hiểm của biến chủng mới, Đảng và Chính phủ đã kịp thời dự báo, nhận định, đánh giá, phân tích tình hình và kịp thời đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sự lây nhiễm của biến chúng Delta, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong nhiều những biện pháp, những giải pháp, những chỉ đạo ấy, ngày 14/8/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương chủ trì cuộc họp của Hội đồng và phát động phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19”. Lời kêu gọi của Thủ tướng cho thấy sự tiếp nối truyền thống “thi đua ái quốc” của một giai đoạn lịch sử đấu tranh của dân tộc, cũng như việc tiếp tục học tập và làm theo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực thi đua yêu nước.

          Chúng ta không khó để nhận ra nhiều gương điển hình tiên tiến, nhiều tấm lòng vàng trong thi đua phòng, chống dịch bệnh như mô hình “ATM ô-xy”, “ATM gạo”, “Siêu thị 0 đồng”; shipper áo xanh, những bếp ăn từ thiện, “3 tại chỗ”,…Đặc biệt là sự đồng lòng, chung tay, đoàn kết hỗ trợ nhau của đội ngũ y bác sĩ từ các tỉnh phía Bắc vào chi viện cho các tỉnh phía Nam với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt” và gần đây nhất (ngày 21/8) là 300 chiến sĩ cán bộ, học viên Học viện quân y vào hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh chống dịch, ngày 23&24/8, 1.100 người còn lại sẽ tiếp tục lên đường vào hỗ trợ Thành phố chống dịch.

          Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng kêu gọi “Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”, càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, thống nhất, với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư tin chắc rằng đã chạm đến trái tim của mỗi người, hiệu triệu được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cố gắng hơn nữa trong phòng chống dịch bệnh nói riêng và trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước nói chung. Tăng cường tinh thần thi đua ái quốc trong mỗi người, mỗi ngành, trong toàn dân tộc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, 2011, tập 5, tr.556-558.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin