Bài viết

null Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Trang chủ Bài viết

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa

Ths. Nguyễn Quang Thành, Phòng QLĐT và NCKH

Ths. Trần Thị Thu Trang, Khoa Nhà nước và Pháp luật

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, khi Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời thì những ý tưởng về xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân từng bước được hiện thực hóa. Điều này được thể hiện rất rõ thông qua việc Chính phủ lâm thời đã ban hành một loạt sắc lệnh như sắc lệnh số 14, 39, 51 tạo cơ sở pháp lý cho cuộc Tổng tuyển cử tự do cũng như cho ra đời bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam vào ngày 09/11/1946. Bản hiến pháp này do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng Ban Soạn thảo, xét về phương diện tổ chức quyền lực nhà nước, bản hiến pháp này đã thể hiện một cách trọn vẹn và đầy tính sáng tạo học thuyết, quan điểm về nhà nước pháp quyền trong bối cảnh chính trị đặc thù của nước ta lúc bấy giờ. Đặc biệt, Hiến pháp năm 1946 đã ghi nhận được bốn giá trị cốt lõi của nhà nước pháp quyền:

            (i) Quyền lực nhà nước được cấu thành từ quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đó, Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất, do công dân Việt Nam bầu ra, ba năm một lần, có nhiệm vụ giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật, biểu quyết ngân sách, chuẩn y các hiệp ước mà Chính phủ ký với nước ngoài (1). Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc, có nhiệm vụ trực tiếp quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội trong cả nước (2). Tòa án là cơ quan tư pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, có nhiệm vụ xét xử (3).

            (ii) Giữa ba nhánh quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp) có sự phân chia nhiệm vụ và quyền hạn.

            (iii) Nhiệm vụ, quyền hạn của ba quyền này trong một chừng mực nào đó đã thể hiện được tính độc lập tương đối.

            (iv) Cuối cùng và cũng là điều quan trọng hơn cả, giữa ba quyền này có sự kiểm soát nhau.

                Có thể nhận thấy, việc ra đời Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp của một quốc gia độc lập, được xem là bước đầu hiện thực hóa chủ trương về xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam của Đảng ta vào thời điểm này. Bởi lẽ, sự hiện diện của hiến pháp trong nền chính trị pháp lý của một quốc gia là điều kiện quyết định sự tồn tại của một chế độ dân chủ và nhà nước pháp quyền. Hơn hết, hiến pháp là “sự đồng thuận của tất cả các thành viên xã hội thể hiện ý chí của nhân dân, là cơ sở bảo đảm tính hợp pháp và tính chính đáng của nhà nước” (4). Đặc biệt, những quy định trong bản hiến pháp đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam đã giao khá nhiều quyền hành về cho Chủ tịch nước, nhờ đó mà sự lãnh đạo của Đảng đối với bộ máy nhà nước được đảm bảo, đáp ứng tình hình “ngàn cân treo sợi tóc” lúc bấy giờ.

            Hiến định về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam kể từ Hiến pháp năm 1980. Sau năm 1975, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối. Bản Hiến pháp trước đó vào năm 1959 được xây dựng trong bối cảnh chính trị đất nước không thống nhất giữa hai miền. Do đó, sự ra đời của Hiến pháp năm 1980 là một tất yếu khách quan nhằm định hướng quá trình xây dựng và hoàn thiện các thiết chế. Đặc biệt, trong lần sửa đổi hiến pháp này, một trong những vấn đề quan trọng được ghi nhận chính là vai trò lãnh đạo của Đảng. Cụ thể, Điều 4 Hiến pháp năm 1980 quy định một cách trang trọng: “Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong và bộ tham mưu chiến đấu của giai cấp công nhân Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết Mác - Lênin, là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo xã hội; là nhân tố chủ yếu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam”. Có thể nhận thấy, quy định về đảng chính trị trong hiến pháp quốc gia là một quyền tự quyết của mỗi dân tộc. Điều này có vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ đối với đời sống xã hội mà còn ảnh hưởng đáng kể đến “màu sắc” chính trị của một quốc gia. Đồng thời, khi đề cập đến các đảng chính trị, Hiến pháp của các nước cũng đề cập đến nguyên tắc, cách thức thành lập; cách thức tổ chức của đảng; nguyên tắc hoạt động của các đảng chính trị  (5). Việc ghi nhận về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vào Hiến pháp năm 1980 và các bản hiến pháp sau này ở nước ta chứng tỏ niềm tin, sự lựa chọn của Nhân dân và vị thế, uy tín của Đảng đã được thực tiễn cách mạng kiểm chứng, nhất là vào những bước ngoặt lịch sử. Đồng thời, đây còn là chỗ dựa pháp lý cho sự tồn tại, hoạt động, lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ sở pháp lý để đấu tranh chống lại những quan điểm sai trái, thù địch muốn bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng hòng chuyển hóa chế độ chính trị nước ta (6).

            Định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong một số văn kiện quan trọng của Đảng. Tại Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta đã nêu lên ba nguyên tắc pháp quyền cơ bản để xây dựng nhà nước: (i) Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm; (ii) Nhà nước ta phải có đủ quyền lực và đủ khả năng định ra luật pháp và tổ chức, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật; (iii) Nhà nước Việt Nam thống nhất ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, với sự phân công rành mạch ba quyền đó (7).

            Đến Nghị quyết số 08-NQ/HNTW ngày 23/1/1995 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, văn kiện này đã nêu bật lên năm quan điểm về xây dựng và hoàn thiện nhà nước. Đáng chú ý trong đó phải kể đến quan điểm về vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền. Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ cần phải tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam quản lý xã hội bằng pháp luật, đồng thời coi trọng giáo dục, nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, theo pháp luật. Đó là cơ sở chủ yếu điều chỉnh các quan hệ cơ bản trong xã hội (8).

            Vào năm 1997, sau hơn mười năm thực hiện công cuộc Đổi mới, tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII về phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, Đảng ta đã đề ra ba yêu cầu để xây dựng Nhà nước trong thời kỳ mới (9) và khẳng định: “Ba yêu cầu trên quan hệ chặt chẽ với nhau, dựa trên nền tảng chung là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, thực hiện đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết dân tộc mà nòng cốt là liên minh công nhân, nông dân và trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam” (10)

            Có thể nói rằng, thông qua các văn kiện này, Đảng ta đã từng bước phát triển lý luận và làm sâu sắc thêm quan điểm của mình về xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Đồng thời, xem đây là một tất yếu khách quan và chi phối toàn bộ nội dung về đổi mới tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước trong giai đoạn mới.

            Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (năm 2001), lần đầu tiên nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước được ghi nhận. Văn kiện Đại hội khẳng định: “Nhà nước ta là công cụ chủ yếu để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” (11). Có thể nói, đây là cơ sở nền tảng quan trọng để tiến hành sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Như vậy, đây cũng là lần đầu tiên thuật ngữ “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và nguyên tắc “phân công, phối hợp” được trang trọng ghi nhận trong một đạo luật gốc của nước ta.

            Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã xác định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa dựa trên tám phương hướng và một trong tám phương hướng cơ bản đó là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đồng thời, bổ sung cơ chế “kiểm soát” việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp bên cạnh “phân công, phối hợp” mà Đại hội trước đó đã đề ra. Như vậy, với sự bổ sung, hoàn thiện trong định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, với lần sửa đổi Hiến pháp vào năm 2013 và cũng là đạo luật cơ bản có giá trị hiện hành, chúng ta đã trịnh trọng thừa nhận tại Điều 2 như sau:

“1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.”

            Từ những chủ trương về cải cách bộ máy nhà nước ở các kỳ Đại hội trước đến Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), với việc thừa nhận “Nhà nước ta... là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”, vận hành theo nguyên tắc“quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” là một quá trình vận động tất yếu của nhận thức với những bước đi đầy thận trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây cũng là quá trình đúc kết những tư tưởng và học thuyết của nhân loại về nhà nước pháp quyền, là quá trình vận dụng, bổ sung, hoàn thiện trong xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta về mặt lý luận cũng như thực tiễn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

A. Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng: Thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, ngày 27/6/1991, truy cập tại www.dangcongsan.vn

Nghị quyết số 08-NQ/HNTW ngày 23/1/1995 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, truy cập tại www.dangcongsan.vn

Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, truy cập tại www.dangcongsan.vn

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, xem tại www.dangcongsan.vn

B. Văn bản quy phạm pháp luật

Hiến pháp các năm 1946, 1959, 1980

Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001)

Hiến pháp năm 2013

C. Sách, báo, giáo trình và trang thông tin điện tử

A. Tocqueville, Democracy in America, New York, 1845, p. 107

Đào Trí Úc, Giáo trình Nhà nước pháp quyền, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, 2015

Hoàng Thị Kim Quế, “Nhận diện nhà nước pháp quyền”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 5, 2004

Lê Hữu Nghĩa, Hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp sửa đổi, Báo điện tử Nhân dân, https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/21947502-hien-dinh-vai-tro-lanh-dao-cua-dang-cong-san-viet-nam-trong-hien-phap-sua-doi.html

Nguyễn Viết Thông, Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, Báo điện tử Pháp luật Việt Nam, https://baophapluat.vn/trong-nuoc/viec-hien-dinh-vai-tro-lanh-dao-cua-dang-cong-san-viet-nam-doi-voi-nha-nuoc-va-xa-hoi-177684.html


[1] Điều 22, 23, 24 Hiến pháp năm 1946.

[2] Điều 43, 52 Hiến pháp năm 1946.

[3] Điều 63 Hiến pháp năm 1946.

[4] A. Tocqueville, Democracy in America, New York, 1845, p. 107.

[5] Nguyễn Viết Thông, Việc hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội, Báo điện tử Pháp luật Việt Nam, https://baophapluat.vn/trong-nuoc/viec-hien-dinh-vai-tro-lanh-dao-cua-dang-cong-san-viet-nam-doi-voi-nha-nuoc-va-xa-hoi-177684.html, [ngày truy cập 01/01/2020].

[6] Lê Hữu Nghĩa, Hiến định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Hiến pháp sửa đổi, Báo điện tử Nhân dân, https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/21947502-hien-dinh-vai-tro-lanh-dao-cua-dang-cong-san-viet-nam-trong-hien-phap-sua-doi.html, [ngày truy cập 01/01/2020].

[7] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng: Thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, ngày 27/6/1991, truy cập tại www.dangcongsan.vn.

[8] Nghị quyết số 08-NQ/HNTW ngày 23/1/1995 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VII, truy cập tại www.dangcongsan.vn.

[9] Ba yêu cầu này là: (i) Phát huy tốt hơn và nhiều hơn quyền làm chủ của nhân dân; (ii) Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; (iii) Tǎng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước.

[10] Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tiếp tục xây dựng Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam trong sạch, vững mạnh, truy cập tại www.dangcongsan.vn.

[11] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, xem tại www.dangcongsan.vn.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin