Bài viết

null 5 năm nhìn lại vài dấu ấn nổi bật trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Sa Đéc

Trang chủ Bài viết

5 năm nhìn lại vài dấu ấn nổi bật trong xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Sa Đéc

Nguyễn Thanh Tuấn

 

Vùng đất Sa Đéc xưa có tên Khmer là Phsar Dek, có hai cách hiểu, thứ nhất người ta cho rằng Phsar Dek tên của một nữ thần, thứ hai có thể hiểu từ Phsar Dek có nghĩa là chợ sắt, là đô thị lâu đời nhất tỉnh Đồng Tháp với tuổi đời trên 300 năm cùng với Sài Gòn. Sa Đéc trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp vào ngày 14/10/2013, được công nhận là đô thị loại II vào ngày 10/02/2018 và là đô thị loại II đầu tiên của tỉnh Đồng Tháp. Định hướng đến năm 2030, phấn đấu Sa Đéc trở thành đô thị loại I và xa hơn nữa trở thành “hòn ngọc Mekong” vào năm 2050.

Công tác xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Sa Đéc năm năm qua (2016 – 2020) đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa, hoàn thiện các thiết văn hóa cơ sở, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Công tác xây dựng đời sống văn hóa được cụ thể thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, là một trong bốn nhóm giải pháp lớn để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với cả nước phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được tổ chức thực hiện sâu rộng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp nói chung và thành phố Sa Đéc nói riêng. Thông qua phong trào, đã tạo nên môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn, từ đó đã tạo chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh trên các lĩnh vực đời sống xã hội. Đã có nhiều mô hình sinh hoạt thiết thực góp phần nâng cao chất lượng của các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao ở cơ sở.

Công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao thị hiếu thẩm mỹ cho người dân được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như: cổ động trực quan, biểu diễn văn nghệ, thông tin cổ động, triển lãm tranh ảnh, treo băng rol, panô, áp phích, tổ chức các hội thi, hội diễn, các giải thi đấu thể dục thể thao, tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép vào các buổi sinh hoạt của Nhân dân, sinh hoạt chi, tổ, hội đoàn thể, phát tờ rơi, xây dựng chuyên mục phát thanh với nội dung tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường, Luật phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật phòng, chống các tệ nạn xã hội… Đặc biệt, Thành phố đã tổ chức thành công diễn đàn “Chính quyền Thành phố đối thoại với Nhân dân” trên sóng phát thanh được 75 kỳ. Tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tham gia và hưởng thụ các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư trong việc thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị.

Đồng thời, thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” Thành phố đã lồng ghép các nội dung xây dựng nếp sống văn minh vào tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, khóm, ấp, xã, phường, đơn vị văn hóa, chợ văn minh, qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong mỗi người dân. Số gia đình văn hóa, khóm, ấp, xã, phường văn hóa được công nhận hàng năm đều tăng. Năm 2020 có 23.937 hộ/25.346 hộ đạt chuẩn gia đình văn hóa (đạt 94,41%); 22/22 khóm văn minh đô thị (đạt 100%); 15/15 ấp văn hóa nông thôn mới (đạt 100%); 06/06 phường văn minh đô thị (đạt 100%), 03/03 xã văn hóa nông thôn mới (đạt 100%). Phong trào xây dựng đơn vị văn hóa được tập trung đẩy mạnh, tạo được sự đoàn kết, gắn bó, giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ giữa cán bộ, công nhân viên chức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; rèn luyện đạo đức, tác phong hòa nhã, lịch sự khi tiếp dân, giảm phiền hà cho dân.

Công tác trang trí hoa kiểng các tuyến đường nội ô, khu vực trọng điểm và việc thu gom rác thải.

Giai đoạn 2016 – 2020, Thành phố đã dành 47,2 tỷ đồng đầu tư cho công tác cải tạo, trồng mới và trang trí hoa kiểng trong nội ô (trong đó: năm 2016 là 3,1 tỷ; năm 2017 là 4,8 tỷ; năm 2018 là 3,1 tỷ; năm 2019 là 13,6 tỷ; năm 2020 là 22,6 tỷ đồng). Công tác đầu tư xây dựng, cải tạo trồng mới và trang trí hoa kiểng khu vực công viên mở rộng tổng số tiền là 47,3 tỷ (trong đó: năm 2016 là 6,0 tỷ; năm 2017 là 7,2 tỷ; năm 2018 là 24,8 tỷ; năm 2019 là 9,3 tỷ). Bên cạnh đó, Thành phố còn thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo công tác thu gom, quét dọn rác thải trên địa bàn, nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị trên các tuyến đường trong nội ô thành phố.

Thực hiện theo định hướng xây dựng Sa Đéc trở thành thành phố hoa, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phát động rộng rãi trong các cơ quan, đơn vị, trường học, lực lượng vũ trang và trong nhân dân trồng nhiều cây xanh, thảm cỏ, thảm hoa, trên các tuyến đường của thành phố, tiến hành cải tạo các bồn hoa khu công viên, các vòng xoay, góp phần thay đổi diện mạo của đô thị Sa Đéc theo hướng xanh – sạch – đẹp.

Công tác xây dựng chợ văn minh.

Thực hiện Quyết định số  655/QĐ-UBND-HC ngày 20/6/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp về việc ban hành tiêu chuẩn và trình tự xét công nhận chợ văn minh, chợ nông thôn mới áp dụng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Ủy ban nhân dân Thành phố hàng năm đều xây dựng kế hoạch xây dựng chợ văn minh/chợ nông thôn mới. Thông qua các tiêu chí trong bảng điểm, các chợ đã ngày càng hoàn thiện theo hướng văn minh, làm chuyển biến trong nhận thức và hành động của các hộ tiểu thương trong việc chấp hành các quy định của Nhà nước và nội quy chợ, hạn chế tình trạng mua bán hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng; thái độ hòa nhã khi tiếp xúc với khách hàng; bán đủ, bán đúng giá niêm yết; sắp xếp hàng hóa đảm bảo mỹ quan, giữ gìn vệ sinh môi trường sạch đẹp; tham gia các hình thức hợp tác mua bán, kinh doanh, hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế và lệ phí; công tác sắp xếp, bố trí, di dời các chợ nhằm lập lại trật tự, tạo vẽ mỹ quan và thuận lợi cho tiểu thương mua bán được thực hiện đồng bộ và hợp lý. Từ năm 2016 – 2020, trên địa bàn thành phố có 05/05 chợ đạt chuẩn chợ văn minh/chợ nông thôn mới hàng năm.

Với những kết quả đáng ghi nhận trên, là một trong số rất nhiều kết quả đáng ghi nhận khác trong tiến trình xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn. Với sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sẽ sớm đưa Sa Đéc trở thành đô thị loại I, và xa hơn trở thành “hòn ngọc Mekong” và sẽ là thành phố đáng sống trong mắt bạn bè trong nước và quốc tế./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Báo cáo tổng kết 05 năm xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Sa Đéc giai đoạn 2016 – 2020.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin