Bài viết

null Chính sách kinh tế mới – Nep, cách tiếp cận của Lênin đến Chủ nghĩa xã hội

Trang chủ Bài viết

Chính sách kinh tế mới – Nep, cách tiếp cận của Lênin đến Chủ nghĩa xã hội

Nguyễn Phước Tài, Khoa Lý luận cơ sở

Tống Hoàng Huân, Khoa Xây dựng Đảng

         

1. Sơ lược hoàn cảnh ra đời của chính sách kinh tế mới

          Sau thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga, Lênin cùng các đồng nghiệp đã tập trung vào xây dựng chủ nghĩa xã hội theo đúng nguyên lý của Mác và Ăng-ghen. Chế độ “cộng sản thời chiến” (CSTC) là phương thức thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội của chính quyền Xô viết non trẻ. Bấy giờ khi xây dựng chủ nghĩa xã hội có nghĩa là xây dựng một xã hội được điều tiết tự giác, tức là có kế hoạch với chế độ tự quản gắn liền với cơ chế hàng hóa, phi tiền tệ - dựa trên cơ sở công hữu về tư liệu sản xuất.

          Cương lĩnh II của Đảng cộng sản Nga có đề cập “Trong lĩnh vực phân phối, nhiệm vụ của chính quyền Xô viết hiện nay là làm sao tiếp tục thay thế thương nghiệp bằng việc phân phối sản phẩm một cách có kế hoạch, có tổ chức trên quy mô toàn quốc. Mục đích là tổ chức toàn bộ dân cư thành một mạng lưới thống nhất các công xã tiêu thụ...”. Trên thực tế về mặt kinh tế không thể thủ tiêu tiền tệ ngay lập tức, cho nên Lênin chủ trường “Đảng cộng sản Nga sẽ ra sức thực hiện một cách hết sức nhanh chóng những biện pháp triệt để nhất để chuẩn bị cho việc thủ tiêu tiền tệ, trước hết là việc thay thế tiền tệ bằng các sổ tiết kiệm, bằng séc, bằng phiếu ngắn hạn có quyền mua các sản phẩm nội [1, tr.123].

Tư tưởng cách mạng nôn nóng và không tưởng không chỉ có ở một số người Bôn sê vích, mà còn ở một số người tin rằng chẳng bao lâu nữa sẽ nổ ra cuộc cách mạng vô sản ở châu Âu, đó là mong ước của nhiều người. Trong thực tế, phong trào công nhân ở cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là cơ sở tạo lập và củng cố niềm tin đó. Cơ sở để cho rằng chính niềm tin này là một trong những yếu tố quan trọng đưa Lênin và các cộng sự của Người tới quyết định xây dựng “trực tiếp” chủ nghĩa xã hội trong khi đó ở nước Nga những năm đầu của thế kỷ XX vẫn chưa bước vào giai đoạn tư bản chủ nghĩa một cách hoàn chỉnh, tức là chưa có một cơ sở vật chất, kỹ thuật nhất định cùng một đội ngũ cán bộ có ý thức kỷ luật và trình độ học vấn cao. Nhưng cách mạng thế giới, cách mạng Châu Âu và cách mạng vô sản ở châu Âu đã không nổ ra, do vậy vô sản Châu Âu không giúp đỡ được gì cho nước Nga về kỹ thuật và tổ chức. Đất nước Nga bị chìm đắm trong những khó khăn và khủng hoảng về kinh tế.

Các nhà lý luận Mác - xít ở nước Nga Xô Viết tiếp tục tìm kiếm những nguyên nhân thất bại của cuộc thử nghiệm đầu tiên về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội. Kết quả của cuộc thử nghiệm đầu tiên và cuộc tìm kiếm chân lý đầy gian nan này đã đưa tới sự thay đổi về cơ bản toàn bộ quan điểm về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Mác – Ăngghen.

2. Chính sách kinh tế mới qua cách tiếp cận của Lênin đến chủ nghĩa xã hội

Mỗi quốc gia có điều kiện cụ thể rất khác nhau, Lênin đã từng viết: “chúng tôi nghĩ rằng những người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng những nguyên lý ấy thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống ở Đức, ở Đức không giống ở Nga [2, tr.232]”.

Những nguyên lý của Mác – Ăngghen đã thất bại khi áp dụng vào nước Nga vì Nga lúc bấy giờ là một nước lạc hậu. Lênin nhìn thấy được điều này, Người đã phân tích để đưa ra những nguyên nhân dẫn đến sự thất bại đó, đồng thời vạch ra hướng đi đúng đắn và tìm ra lối thoát cho nước Nga xô-viết lúc bấy giờ. Lênin viết: “Thất bại đó đã biểu hiện ở chỗ là chính sách kinh tế của ta lâm vào tình trạng ở phía thượng tầng của nó, bị phát triển lực lượng sản xuất mà cương lĩnh Đảng ta coi là nhiệm vụ cơ bản và bức thiết nhất” và “Chế độ trưng thu lương thực thừa ở nông thôn, cách giải quyết những nhiệm vụ xây dựng ở thành thị một cách trực tiếp theo chủ nghĩa cộng sản như thế nào đã làm trở ngại cho việc phát triển lực lượng sản xuất, và đã tỏ ra là nguyên nhân chủ yếu gây nên cuộc khủng hoảng kinh tế ở chính trị sâu sắc mà chúng ta vấp phải bởi mùa xuân năm 1921 [2, tr.199]”.

Nội dung chủ yếu của chính sách kinh tế mới là:

- Chấm dứt chính sách cộng sản thời chiến. Biểu hiện qua việc bãi bỏ chế độ trưng thu lương thực, chuyển sang chính sách thuế lương thực. Sau khi làm xong nghĩa vụ thuế lương thực, nông dân được toàn quyền sử dụng hoặc mang bán trên thị trường tự do phần lương thực dư thừa.

- Thực hiện chủ nghĩa tư bản nhà nước. Chủ trường này cho phép tư sản trong nước tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh dưới dự giám sát, kiểm kêkiểm soát của nhà nước chuyên chính vô sản. Đối với những người sản xuất cá thể, nhà nước Xô viết chủ trương thông qua việc giúp họ tạo ra các lợi ích lớn hơn so với làm ăn cá thể để thu hút họ vào các hợp tác xã.

- Nhà nước chuyên chính vô sản điều tiết để phát triển nền kinh tế hàng hóa, xóa bỏ chế độ giao nộp sản phẩm và hàng đổi hàng, phát huy vai trò của tiền tệ trong phát triển kinh tế.

Tháng 3/1921, tại Đại hội Đảng cộng sản Nga lần thứ X, chính sách kinh tế mới đã được thông qua, tiến hành hủy bỏ các sắc luật về quốc hữu hóa tiểu thủ công nghiệp, đồng thời thực hiện chế độ thuế nông nghiệp. Từ sau Đại hội X, một thời kỳ mới về nguyên tắc trong lý luận và hoạt động thực tiễn về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga đã được mở ra.

Vai trò nhà nước được coi trọng và đã thay đổi về chất. Nhà nước không đơn thuần là “nhà nước do công nhân vũ trang cấu thành” gắn với cơ chế tự quản, mà chuyển thành nhà nước của các “quan chức” và các nhân viên chuyên môn. Lênin cho rằng chỉ với nhà nước như vậy mới đủ khả năng điều tiết nền kinh tế hàng hóa, nhưng Người cũng ý thức được mối hiểm họa của cơ chế mới là bệnh quan liêu.

Trong lĩnh vực kinh tế, Lênin đã xóa bỏ các định đề phi hàng hóa và phi tiền tệ. Tại Đại hội III Quốc tế cộng sản tháng 7/1921, Người nói: “tự do buôn bán có nghĩa là tự do của chủ nghĩa tư bản, nhưng đồng thời lại là một hình thức mới của chủ nghĩa tư bản. Như thế có nghĩa là, trong một chừng mực nào đó, chúng tôi lập lại chủ nghĩa tư bản, chúng tôi làm việc đó một cách hoàn toàn công khai. Đó là chủ nghĩa tư bản nhà nước. Những chủ nghĩa tư bản nhà nước ở trong một nhà nước vô sản – đó là hai khái niệm khác nhau [2, tr.58]”. Lênin đề ra nhiệm vụ làm sống lại thương nghiệp, các kinh doanh nhỏ và chủ nghĩa tư bản, bắt chúng chịu sự điều tiết của nhà nước trong một chừng mực mà chúng vẫn hoạt động có hiệu quả. Cùng với chính sách về thuế lương thực, việc hủy bỏ các lệnh cấm buôn bán và việc đề ra các chính sách có tác động tích cực đến quan hệ tỷ giá giữa sản phẩm nông nghiệp và sản phẩm công nghiệp đã cải thiện đời sống nông dân và công nhân. Lương thực, thực phẩm tràn ngập các chợ. Và đây chính là cơ sở làm cho mối liên minh công nông được củng cố và phát triển.

Nội dung của NEP về đổi mới cơ chế quản lý là từng bước đưa các xí nghiệp quốc doanh sang hoạch toán kinh tế. Trong thời kỳ NEP, chế độ hợp tác xã có một ý nghĩa đặc biệt. Theo Lênin, chế độ hợp tác xã là tất cả những cái cần thiết và đầy đủ để xây dựng một xã hội xã hội chủ nghĩa tốt đẹp và trọn vẹn, nhưng Người cũng nói rõ chế độ hợp tác chưa phải là chủ nghĩa xã hội.

Chính sách kinh tế mới đã thổi một luồng sinh khí vào nền kinh tế Nga. Cuộc cải cách kinh tế dựa trên cơ sở phân quyền kinh tế và trao đổi quyền tự quản rộng rãi cho các xí nghiệp đã làm mọc lên nhiều liên hiệp xí nghiệp khổng lồ. Kết quả đặc biệt quan trọng của chính sách kinh tế mới là đã bắt đầu khôi phục và tăng năng suất lao động sau bốn năm rưỡi thi hành chính sách NEP. Nước Nga xô- viết không chỉ khắc phục được hậu quả của chiến tranh và nạn đói mà sản xuất còn vượt mức chiến tranh [7] (Năm 1926 sản xuất công nghiệp đã vượt mức trước chiến tranh).

Với kết quả mà NEP mang lại, Lênin đã thay đổi cách tiếp cận chủ nghĩa xã hội từ “trực tiếp” sang “gián tiếp”, có nghĩa là Nga phải trải qua thời kỳ quá độ, trong thời kỳ này các hình thức kinh tế tư bản tư nhân được phép phát triển trong sự kiểm soát của chính quyền vô sản.

Trong những năm cuối đời, Lênin đã để tâm nghiên cứu NEP với mô hình nhà nước quy mô lớn và nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Người cũng đã nhận thấy được những nguy cơ đe dọa NEP: tệ hành chính quan liêu và sự chia rẽ trong nội bộ đảng. Để ngăn chặn những nguy cơ ấy, Lênin đề nghị cải cách chính trị, người viết: “Tôi rất muốn đề nghị Đại hội lần này quyết định một số thay đổi trong chế độ chính trị của chúng ta” [5, tr.293].

Sau khi Lênin mất, những tư tưởng nói trên của Người bị hiểu sai hoặc bị lãng quên và chính sách kinh tế mới không còn được áp dụng vào cuối những năm 20.

Trong thời đại ngày nay, dĩ nhiên không một quốc gia, không một dân tộc nào áp dụng chính sách NEP của Lênin một cách rập khuôn. Tuy nhiên, qua chính sách NEP chúng ta có sự hiểu biết thêm sự sáng tạo và thiên tài của Lênin trong quá trình tiếp cận tới chủ nghĩa xã hội, dựa trên cơ sở các quan hệ thị trường và nền kinh tế nhiều thành phần. Và phải chăng, những năng lượng tiềm ẩn trong lòng chủ nghĩa xã hội mà ta chưa biết, sau những dồn nén của thời gian, sau khi những bão tố khủng hoảng sẽ lại bùng lên, và một thời kỳ phát triển mới mạnh mẽ và rạng rỡ của chủ nghĩa xã hội sẽ lại bắt đầu.

3. Ý nghĩa chính sách kinh tế mới của Lênin

Chính sách kinh tế mới của Lênin có ý nghĩa cực kì quan trọng: Một là, NEP giúp nền kinh tế nước Nga xô viết khôi phục mạnh sau chiến tranh, từ một nước bị tàn phá nặng nề trở thành một nước có nguồn lương thực dồi dào. Kinh tế phát triển đã khắc phục được tình hình khủng hoảng chính trị xã hội lúc bấy giờ, chính quyền đã gầy dựng được lòng tin nơi nhân dân vào sự thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội. Hai là, NEP đã đánh dấu một bước phát triển mới về lý thuyết nền kinh tế nhiều thành phần, các hình thức kinh tế quá độ, việc duy trì và phát triển quan hệ hàng hoá tiền tệ, quan tâm tới lợi ích kinh tế cá nhân. Trước hết là những vấn đề có tính chất nguyên tắc trong việc xây dựng mô hình nền kinh tế xã hội.

Đối với nước ta, ở những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ 20 có nhiều nét tương tự bối cảnh Liên Xô những năm 20 của thế kỷ 20. Khi đó, nhiều đường nét của chính sách kinh tế mới được vận dụng và kế thừa thành công ở Đổi mới của Việt Nam sau đó 65 năm, từ Đại hội lần thứ VI của Đảng (2/1986).

Với hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta đã vận dụng, phát triển một cách sáng tạo chính sách kinh tế mới của Lênin trong việc phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tích cực và chủ động hội nhập quốc tế phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta. Do vậy, đã gặt hái được những thành quả quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế và xã hội, nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trên thương trường quốc tế; tạo ra cơ sở và tiền đề quan trọng đưa nước ta phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trong dòng chảy sôi động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ Mát – xcơ – va, 1976, t.38.

[2]. V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t.4.

[3]. V.I. Lê-nin, Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va. 1978, t.43.

[4]. V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t.44.

[5]. V.I.Lê-nin, Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978, t.45.

[6]. Lịch sử Đảng cộng sản Liên xô, Nxb Sự Thật, Hà Nội.

[7]. Chính sách kinh tế mới của V.I. Lê-nin và sự vận dụng vào công cuộc đổi mới ở Việt Nam, nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin