Bài viết

null Quan điểm về “giữ thế công” trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Quan điểm về “giữ thế công” trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh

Lê Thị Thanh Kiều, Khoa Lý luận cơ sở

Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự giữ vị trí quan trọng trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là sự kế thừa, phát triển tư tưởng quân sự của ông cha ta trong lịch sử đánh giặc giữ nước và những kinh nghiệm quân sự của cách mạng thế giới. Trong đó, một trong những quan điểm nổi bật của Người về quân sự là quan điểm về giữ thế công hay còn gọi là giữ thế tiến công, thể hiện ở các nội dung:

Thứ nhất, phải giữ thế công mới đánh được giặc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: tiến công là nội dung quan trọng quyết định đến thắng lợi của chiến tranh, vì có tiến công mới tiêu diệt được kẻ thù, giành thắng lợi quyết định. Nhưng theo Người, không phải lúc nào cũng tiến công mà phải biết tiến công đúng lúc, đúng nơi, phải được chuẩn bị kĩ càng…có như vậy mới đảm bảo tiến công thắng lợi mà không phải hi sinh nhiều người, kể cả lực lượng của ta cũng như lực lượng của giặc.

Trong tác phẩm Chiến thuật du kích, Người yêu cầu đảm bảo nguyên tắc: “Bao giờ cũng giữ thế công. Giữ thế công là mình tiến đánh quân thù trước. Du kích phải giữ quyền chủ động chính để giữ thế công. Giữ thế công mới đánh được giặc, không đánh được trận to thì đánh trận nhỏ, làm tiêu hao giặc ít nào hay ít ấy. Du kích mà chỉ phòng thủ thì thế nào cũng thất bại” (1), vì vậy, có giữ thế công thì mới đánh được giặc.

Thứ hai, điều tiên quyết của giữ thế công là phải có tư tưởng tiến công.

Hồ Chí Minh khẳng định có tư tưởng tiến công chiến lược mới có hành động tiến công, phát triển được thế công trong khởi nghĩa vũ trang và trong chiến tranh cách mạng. Trong đó, phải quán triệt quan điểm giữ thế công, quán triệt tư tưởng tiến công. Người khẳng định: “Nhãn quang ưng đại tâm ưng tế/Kiên quyết thì thì yếu tấn công” (2)

Theo Hồ Chí Minh, trước hết lực lượng quân đội phải thấm nhuần tư tưởng tiến công, tức là yếu tố chính trị, tinh thần. Người khẳng định xây dựng quân đội phải toàn diện nhưng trong đó phải có yếu tố chính trị làm gốc: “tư tưởng vững, chính trị vững, kỹ thuật khá, thân thể khoẻ thì nhất định thắng lợi” (3).

          Thứ ba, giữ thế công và giành quyền chủ động có mối liên hệ chặt chẽ.

          Hồ Chí Minh khẳng định chỉ có tiến công liên tục mới giành được quyền chủ động và khi giành quyền chủ động thì mới phát triển tốt thế tiến công: “giữ được chủ động thì thế nào cũng thắng, không thắng to thì thắng nhỏ”(4) và theo Người, giành thế chủ động không chỉ là tấn công địch mà còn thể hiện ở việc rút lui bảo toàn lực lượng nếu gặp giặc mạnh, đây cũng là nguyên tắc đầu tiên của cách đánh du kích trong quan điểm của Người.   

          Thứ tư, khi thực hiện giữ thế công phải luôn chuẩn bị thực lực, phải kết hợp chặt chẽ với phòng bị:

Về chuẩn bị thực lực: Hồ Chí Minh khẳng định: trước khi tiến công phải chuẩn bị đầy đủ thực lực, bởi có thực lực mới có thể chủ động tiến công kẻ thù được. Đó là xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân dựa trên 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) và trên cơ sở phát triển lực lượng chính trị dựa chắc vào các tổ chức của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về thực hiện phòng bị: theo Hồ Chí Minh chiếm vị trí chủ chốt, Người viết: “Trong một nước không có gì quan trọng bằng phòng bị. Sự phòng bị sai 1 ly thì đi 1 dặm, đến nỗi hao binh, tổn tướng. Sách có câu: “Con ong còn có cái nọc để giữ mình”, huống chi một nước không phòng bị, không phòng bị thì sự người đông đất rộng cũng vô dụng cho nên có phòng trước thì khỏi lo xa” (5). Vì vậy, Người cho rằng tiến công không có lợi nhưng phòng bị có lợi, thì phòng bị. Theo Người, không phải phòng bị là bị động, phòng bị tiêu cực, mà là trong những trường hợp cụ thể khi chưa có điều kiện tiến công cần phải giữ gìn lực lượng để tạo lực, tạo thế thì phải rút vào phòng bị; Đồng thời, phòng bị phải quán triệt tư tưởng tiến công, phòng bị chủ động, phòng bị để tiến công. Người luôn quán triệt yêu cầu không được chủ quan, khinh địch, phải bảo toàn lực lượng để kháng chiến lâu dài, tiết kiệm sức dân, chắc thắng thì đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh.

          Thứ năm, giữ thế công phải gắn với biết tiến công.

Biết tiến công là phát huy sức mạnh của lực lượng phù hợp, đúng thời gian, đúng địa điểm, quy luật khách quan, điều quan trọng hơn nữa là phải có sự nỗ lực chủ quan của con người. Theo Hồ Chí Minh, đó là tài chỉ huy thao lược, vạch kế sách đúng đắn vì: “dùng binh giỏi nhất, là đánh bằng mưu”, nghĩa là “không phải đánh mà quân địch phải thua”.

          Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, năm 1953, Pháp lập kế hoạch NaVa: tập trung lực lượng mạnh ở Đồng bằng Bắc Bộ, sau đó tấn công và tiêu diệt lực lượng chủ lực của ta. Để làm phá sản kế hoạch này, ta liên tục mở các chiến dịch tấn công buộc Pháp phải phân tán lực lượng ở 5 nơi: Luang Prabang, Điện Biên Phủ, Sê Nô, Đồng bằng Bắc Bộ, Pleiku; làm cho kế hoạch Nava bước đầu phá sản. Trên cơ sở đó, quân ta tập trung lực lượng mở chiến dịch Điện Biên Phủ, cả nước làm nhiệm vụ giữ chân Pháp tại chỗ, vì vậy, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

          Giữ thế công trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh đã góp phần to lớn vào kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam và thế giới, nhưng hơn hết góp phần soi đường để quân dân ta giành thắng lợi trong cuộc cách mạng dân tộc dân chủ và vững vàng bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay./ANd9GcRDBiW-MHMSw4FqxaJJdHgr8vi06Zb6V_zNIB5_Vp1Z2BEKuFM&t=1&usg=__jo6fjJozdJjdidg9_ci2P3odFCk=

Tài liệu tham khảo

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3.
  2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5.
  3. Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1975.


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, trang 503.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, trang 324.

(3) Hồ Chí Minh với các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1975, trang 184.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 3, trang 503.

 (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, trang 695.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin