Xuất bản thông tin

null Quân dân Đồng Tháp chuẩn bị chống Pháp trong những ngày sau Cách mạng tháng Tám

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Quân dân Đồng Tháp chuẩn bị chống Pháp trong những ngày sau Cách mạng tháng Tám

  Mai Quang Khả

     Cuối tháng 8/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ đứng trước những thử thách vô cùng nghiêm trọng. Ở miền Bắc, Tưởng Giới Thạch lấy danh nghĩa đồng minh xua 200.000 quân, do Lư Hán làm Tổng chỉ huy, tràn vào nước ta để “tước võ khí quân Nhật”. Ý đồ của Tưởng Giới Thạch là “Tiêu diệt Đảng ta, phá tan Việt Minh, giúp bọn phản động Việt Nam đánh đổ chính quyền nhân dân, để lập một chính phủ phản động làm tay sai cho chúng”.

     Ở miền Nam, ngày 6/9/1945, với danh nghĩa Đồng minh, quân đội Anh đến Sài Gòn. Theo chân quân Anh là những đơn vị bộ binh và xe bọc thép của quân viễn chinh Pháp. Đến Sài Gòn, quân Anh lập tức ra lệnh cho quân Nhựt làm nhiệm vụ cảnh sát trong thành phố và đòi lực lượng võ trang của ta phải nộp võ khí. Ngày 20/9, Gra-xây (Gracey), chỉ huy quân Anh ở miền Nam Đông Dương, ra thông báo khẳng định quyền duy trì trật tự của quân đội Anh, cấm mọi người dân mang võ khí, ai vi phạm sẽ bị trừng trị, kể cả bị xử bắn. Quân Anh chiếm các trại giam, thả những sĩ quan Pháp bị ta bắt giữ hồi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, cùng với 1.500 lính Pháp bị Nhật giam giữ và trang bị võ khí cho họ.

     Ngày 23/9/1945, quân Pháp được quân Anh, quân Nhật yểm trợ, bắt đầu nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, rồi sau đó đánh rộng ra các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung bộ. Pháp cũng đưa quân lên chiếm đóng thủ đô Phnôm Pênh của Campuchia, chiếm Pắc-xế, Hạ Lào… nhằm nhanh chóng khôi phục các thuộc địa của chúng ở Đông Dương. Nhiều tổ chức, đảng phái chánh trị phản động, như Đại Việt, Trốt-kít và bọn phản động lợi dụng tôn giáo nổi lên chống phá chánh quyền nhân dân.

     Trên đất nước Việt Nam chưa bao giờ có nhiều kẻ thù xâm lược như lúc nầy. Bọn phản cách mạng ở trong nước tranh nhau làm tay sai cho thực dân đế quốc chống lại Tổ quốc, chống lại đồng bào. Vận mệnh của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam đứng trước thử thách vô cùng nghiêm trọng. Tình thế cách mạng Việt Nam lúc nầy như “ngàn cân treo sợi tóc”!

     Ngày 11/11/1945, Đảng ta tuyên bố tự giải tán. Đảng tổ chức ra Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương để truyền bá chủ nghĩa cộng sản, tuyên truyền đường lối, chánh sách của Đảng, giữ vững và mở rộng mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng… Việc Đảng tuyên bố tự giải tán, sự thật là Đảng rút vào bí mật… Và dù là bí mật, Đảng vẫn lãnh đạo chính quyền và nhân dân.

     Ở tỉnh Sa Đéc, quận Hồng Ngự, tổng Phong Thạnh Thượng, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bên cạnh việc xây dựng và bảo vệ chánh quyền, thiết lập nền trật tự xã hội mới, thì công tác củng cố xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt nhất. Ở cấp quận, thành lập Quận ủy Cao Lãnh, Quận ủy Lai Vung và Quận ủy Châu Thành. Củng cố những chi bộ có từ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nay còn duy trì, đồng thời, phát triển một số chi bộ mới. Đến cuối 1945 đầu 1946, ở hầu hết các làng xã thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày nay đã có Chi bộ và đảng viên lãnh đạo.

     Theo tinh thần Hội nghị cán bộ toàn xứ (Nam Bộ) ngày 15/10/1945, Xứ ủy Nam Bộ chỉ định một số cán bộ chủ chốt ở các tỉnh trong Xứ và chỉ đạo  các tỉnh mở Hội nghị đại biểu bầu ra Tỉnh ủy lâm thời. Cuối tháng 10/1945, tỉnh Sa Đéc tổ chức Hội nghị đại biểu, bầu Ban Chấp hành Đảng bộ lâm thời do đồng chí Phạm Hữu Lầu làm Bí thư, đồng chí Trần Thị Nhượng làm Phó bí thư, Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, đồng chí Nguyễn Văn Huệ là Ủy viên thường vụ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh (Tỉnh ủy viên gồm có các đồng chí Nguyễn Long Xảo, Châu Văn Cương, Lê Văn Sáng, Lê Văn Lương, Võ Phát, Bùi Ngọc Hồ. Cuộc hội nghị tổ chức tại nhà số 115, đường Mé Sông (Vĩnh Phước, Sa Đéc), cách cầu Sắt Quay hơn 100m về phía thượng lưu).

     Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tuy nhân dân ta nắm được quyền lực chánh trị. Nhưng bọn phản động lợi dụng Phật giáo Hòa Hảo âm mưu tranh giành quyền lực ấy, họ ra yêu sách đòi Việt Minh giao quyền cai trị các tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Ở Sa Đéc, họ ngấm ngầm tổ chức hoạt động phối hợp với Cần Thơ nhưng quần chúng phát hiện sớm nên đã chận đứng âm mưu nầy. Riêng ở Lai Vung, bọn phản động rục rịch cướp chánh quyền cách mạng ở các làng ven sông Hậu, tỉnh phái một bộ phận Cộng hòa vệ binh do Cò Phụng chỉ huy, đến trấn áp. Nhưng do thiếu lập trường, quan điểm cách mạng, hơn nữa, Cò Phụng không liên hệ, phối hợp với địa phương mà tự động chỉ huy lính có những hành động quá khích, làm ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của Mặt trận Việt Minh.

     Đại đội du kích tập trung của tỉnh được củng cố lại, về sau đổi tên thành Trại Bắc Sơn. Trại có 265 quân, gồm du kích của quận Cao Lãnh (90 người), Lai Vung (80) và Châu Thành (95), đóng tại chùa Ông (Tân Phú Đông), do đồng chí Nguyễn Thanh Vân và Phạm Quốc Hùng chỉ huy.

     Mở đầu ra quân đánh thắng của lực lượng du kích tỉnh Sa Đéc là trận phối hợp với tỉnh bạn tiêu diệt trung đội tàn quân Nhật ở Cù lao Giêng. Đầu tháng 9/1945, một trung đội quân Nhật vẫn còn trú đóng trong một trường dòng ở cù lao Giêng (quận Chợ Mới), chờ quân đồng minh đến “giải giáp”. Ta đưa người đến thương lượng, đề nghị họ giao súng đạn, nhưng họ không đồng ý. Theo chỉ thị của Xứ ủy, một tiểu đội du kích tỉnh Sa Đéc (Trại Bắc Sơn) cùng một trung đội võ trang Lấp Vò, một trung đội Cộng hòa vệ binh của tỉnh Long Xuyên và hai tiểu đội du kích của Trà Vinh, Rạch Giá, do đồng chí Dương Quang Đông -Xứ uỷ viên, Bí thư tỉnh Long Xuyên, chỉ huy chung, các đồng chí Lê Văn Nhung (tỉnh Long Xuyên), Nguyễn Hữu Xuyến (tỉnh Sa Đéc)… là thành viên Ban chỉ huy, thực hiện nhiệm vụ tước võ khí của trung đội Nhật. Từ ngày 17/10 đến 19/10/1945 (12 đến 14 tháng 9 năm Ất Dậu), quân ta dùng hỏa công thúc ép, kết hợp quần chúng nổi trống mõ, hò hét vang rền… Đến 2 giờ sáng ngày 20/10, toàn bộ tàn binh Nhật đầu hàng, ta thu tất cả võ khí và đồ dùng quân sự. Số súng đạn thu được chia cho các lực lượng tham chiến, lực lượng của tỉnh Sa Đéc được chia 14 súng, có một khẩu trung liên.

     Trong chiến đấu, đồng chí Lê Minh Dân (du kích Sa Đéc) và đồng chí Quang (chiến sĩ Cộng hoà vệ binh quận Chợ Mới, Long Xuyên) đã hy sinh anh dũng. Địa phương và nhân dân tổ chức lễ truy điệu trọng thể. Lần đầu tiên, dân làng Chợ Mới được chứng kiến, tưởng niệm những người chiến sĩ cách mạng hy sinh ngoài mặt trận, gây xúc động lòng người . Để kịp thời cổ võ quân và dân ta, Tỉnh ủy và chánh quyền tỉnh Sa Đéc tổ chức mít-tinh mừng thắng lợi.

     Mặc dù gặp nhiều trở ngại, khó khăn, buổi đầu chưa có kinh nghiệm, nhưng đa số đồng chí trong Tỉnh ủy giữ vững quan điểm xây dựng lực lượng võ trang cách mạng, kiên trì đấu tranh nội bộ, vượt qua mọi trở lực… hình thành được lực lượng võ trang công nông từ tỉnh đến cơ sở. Lực lượng này tích cực bảo vệ Đảng, bảo vệ chánh quyền còn non trẻ, nhiều lần củng cố tổ chức, huấn luyện và từng bước bổ sung trang bị.

     Không khí chuẩn bị kháng chiến thật khẩn trương. Nhân dân cả tỉnh sôi sục căm thù quân xâm lược, tỏ rõ quyết tâm chiến đấu ngăn chận giặc. Khí thế chung đó đã góp phần tạo ra thế trận lòng dân cho cuộc kháng Pháp, kháng Mỹ của Đất Sen hồng thắng lợi./.

     Lược trích từ Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 1927 - 2000, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, N.2020, tập một (1927 - 1954) , Tr.111-121.