Xuất bản thông tin

null Đồng Tháp vững bước đi lên từ những ngày tháng Tám năm 1945

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Đồng Tháp vững bước đi lên từ những ngày tháng Tám năm 1945

 

 Ths Nguyễn Văn Hiệp

 Trưởng Khoa Xây dựng Đảng

       Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới lần thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Xô Viết liên tiếp giành thắng lợi quyết định trên chiến trường châu Âu, giải phóng một loạt nước và tiến thẳng vào sào huyệt phát xít Đức tại Béc-lin.

       Ngày 9 tháng 5 năm 1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 8 tháng 8 năm 1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14 tháng 8 năm 1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp lăm le dựa vào Đồng minh hòng khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương; những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật đang âm mưu thay thầy đổi chủ, chống lại cách mạng.

       Ở trong nước, trải qua các cuộc diễn tập, đến năm 1945, phong trào cách mạng dâng cao. Ngày 9 tháng 3 năm 1945, phát xít Nhật làm cuộc đảo chính hất cẳng Pháp. Ngay trong đêm đó, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng quyết định phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa, thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho thích họp. Tháng 3 năm 1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Tháng 4 năm 1945, Trung ương triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân. Ngày 16 tháng'4 năm 1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị tổ chức các ủ y ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.

       Từ tháng 4 năm 1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cửu nước diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức. Đầu tháng 5 năm 1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước và chuẩn bị Đại hội quốc dân. Ngày 4 tháng 6 năm 1945, Khu giải phóng Việt Bắc được thành lập, đặt dưới sự lãnh đạo của ủy ban chỉ huy lâm thời, trở thành căn cứ địa của cả nước. Tháng 8 năm 1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa*thắng lợi, đó là: tập trung, thống nhất, kịp thời.

       23 giờ ngày 13 tháng 8 năm 1945, ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân Tổng khởi nghĩa. Ngày 16 tháng 8 năm 1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ lâm thời do Đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi Nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

       Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18 tháng 8, cuộc Tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19 thảng 8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội. Ngày 23 tháng 8, khởi nghĩa thắng lợi ở Huế và ở Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Gia Lai, Bạc Liêu... Ngày 25 tháng 8, khởi nghĩa thắng lợi ở Sài Gòn - Gia Định, Kon Tum, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Trà Vinh, Biên Hòa, Tây Ninh, Bến Tre... Ở Côn Đảo, Đảng bộ nhà tù Côn Đảo đã lãnh đạo các chiến sĩ cách mạng bị giam cầm nổi dậy giành chính quyền.

       Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8 năm 1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay Nhân dân.

       Ở tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), mặc dù chưa nhận được mệnh lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương, nhưng căn cứ vào Chỉ thị Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta của Thường vụ Trung ương Đảng (ngày 12/3/1945) và căn cứ vào tình hình thực tế trong tỉnh, Tỉnh ủy lâm thời Sa Đéc đã quyết định chọn ngày 25/8/1945 là ngày khởi nghĩa giành chính quyền cùng lúc ở Cao Lãnh và Sa Đéc để địch không thể ứng phó cho nhau và phân công cán bộ, đảng viên về các địa phương ráo riết chuẩn bị mọi mặt.

       Sáng ngày 25/8, hàng ngàn quần chúng trang bị đủ loại vũ khí, từ các phía dồn về quận lỵ Cao Lãnh, chiếm nhà bưu điện rồi dùng điện thoại gọi liên tiếp về Sa Đéc “Chúng tôi đã chiếm xong Cao Lãnh! Sa Đéc đã xong chưa?” với mục đích uy hiếp tinh thần địch ở Sa Đéc, đồng thời bao vây chặt dinh quận, buộc Quận trưởng Bùi Quang Ân  phải tiếp đại biểu Ủy ban khởi nghĩa, bàn giao chính quyền và toàn bộ lực lượng vũ trang cho ta. Việc giành chính quyền ở quận Cao Lãnh kết thúc nhanh gọn.

       Cũng trong ngày 25/8/1945, tại Sa Đéc, đồng chí Trần Thị Nhượng (cô giáo Ngài, Sáu Ngài) đại diện Ủy ban khởi nghĩa Sa Đéc vào gặp Tỉnh trưởng Bửu và tuyên bố: “Hiện nay ở các tỉnh, chánh quyền đã về tay Việt Minh, nếu các ông không chịu giao chánh quyền cho Ủy ban khởi nghĩa thì các ông sẽ chịu hậu quả”. Trước áp lực của quần chúng bên ngoài, Tỉnh trưởng Bửu phải đồng ý bàn giao chính quyền.

       Khoảng 14 giờ ngày 25/8/1945, toàn bộ chính quyền tỉnh Sa Đéc đã về tay nhân dân. Trước đó, ngày 22/8/1945, ở quận Hồng Ngự, việc giành chính quyền diễn ra mau lẹ, giành thắng lợi trọn vẹn.

       Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Đồng Tháp còn là kết quả 15 năm đấu tranh anh dũng của quần chúng và các thế hệ đảng viên tỉnh nhà. Trước sự khủng bố dã man của kẻ thù, một số đảng bộ bị tổn thất nghiêm trọng nhưng bất chấp mọi hy sinh, người trước ngã xuống người sau tiếp bước, nêu cao dũng khí của người chiến sĩ cộng sản, người dân xứ Tháp Mười, làm cho kẻ thù phải khiếp sợ còn đối với quần chúng càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

       Cách mạng tháng Tám thành công đã chứng minh sự sáng suốt và nhạy cảm đặc biệt về chính trị, chọn đúng thời cơ, các Đảng bộ trong tỉnh đã biết nhằm vào mắt xích yếu nhất của địch để phát động quần chúng giành chính quyền ở từng địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Tổng khởi nghĩa, đồng thời dám chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước lịch sử về thời điểm tiến hành, bảo đảm Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi chắc chắn và hoàn toàn.

       Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Đồng Tháp đã viết nên trang sử vẻ vang, chói lọi và rực rỡ nhất của đất Tháp anh hùng trong lịch sử anh hùng của dân tộc Việt Nam.

       Phát huy thắng lợi của Cách mạng tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đồng Tháp ra sức xây dựng, bảo vệ thành công chính quyền cách mạng non trẻ, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

       Bước vào thời kỳ hòa bình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mặc dù gặp không ít khó khăn, thách thức cả về chính trị và kinh tế - xã hội. Song dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng bộ, sự đoàn kết của nhân dân, tỉnh ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức, giữ vững ổn định chính trị, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Qua hơn 35 năm đổi mới, tỉnh ta đã giành được những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Năm 2020, các chỉ số về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) tiếp tục được giữ vững ở thứ hạng 2 cả nước, chỉ số hài lòng về Cải cách hành chính, Đồng Tháp tăng 3 bậc, vươn lên đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, xếp hạng 12 cả nước. Quan trọng hơn, tăng trưởng kinh tế đã cơ bản được phục hồi, với mức tăng trưởng GRDP của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước (4,44/2,27).

       Dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh nhưng sản phẩm Đồng Tháp vẫn lưu thông thông suốt, với kim ngạch xuất khẩu tăng trên 27% và có mặt, tiêu thụ tốt tại các Trung tâm phân phối lớn của cả nước. Riêng trong tháng 5 vừa qua, Đồng Tháp nằm trong top 30 địa phương có giá trị xuất khẩu lớn nhất nước. Đó không chỉ là bước đi mà là những bước chạy tự tin của các doanh nghiệp Tỉnh đã biến nguy thành cơ hội.

       Phát huy truyền thống cách mạng, quê hương “Tháp Mười đẹp nhất bông sen – Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ” nhất định sẽ chiến thắng mọi khó khăn, dịch bệnh, đói nghèo, lạc hậu để vững bước đi lên trên con đường phát triển cùng cả nước./.

Tài liệu tham khảo

       Quang Trung, Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Sa Đéc - một mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng bộ tỉnh nhà http://www.baodongthap.vn, ngày 02/09/2019.

       Ban Tuyên giáo Trung ương, ĐỀ CƯƠNG TUYẾN TRUYỀN KỶ NIỆM 75 NĂM CÁCH MẠNG THÁNG TÁM (19/8/1945-19/8/2020).

       Phát biểu nhận nhiệm vụ của ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Bí thư Tỉnh uỷ/Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh khoá IX  tại kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân tỉnh khoá X nhiệm kỳ 2016 – 2021, http://www.dongthap.gov.vn/, ngày 02/07/2021.