Xuất bản thông tin

null Đảng viên tâm huyết hướng về Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Đảng viên tâm huyết hướng về Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Nguyễn Quốc Bình

Phó Khoa NN-PL

        Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta đã sát cách cùng toàn dân tộc, cùng đất nước trong suốt quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển. Đã thể hiện được trách nhiệm, vị trí và vai trò của lãnh đạo mình trong sự an sinh xã hội, an toàn toàn dân và trường tồn của đất nước.

        Tuy nhiên, trước sự biến động chính trị, kinh tế thế giới, ngày càng có nhiều phần tử lợi dụng danh nghĩa xã hội chủ nghĩa, tôn giáo để thiện hiện những việc làm, những hành động tư lợi cá nhân, ích kỷ chứ không phải vì dân tộc. Những hoạt động đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến suy nghĩ, tình cảm của người đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân Việt Nam. Vấn đề này đã đặt Đảng ta vào một vị thế, nhiệm vụ phải giải quyết thoả đáng làm công tác “nội trị, an dân” cho tốt để ổn định và tiếp tục phát triển đất nước. Nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII ra đời là một quyết sách lớn, quan trọng trong cả một giai đoạn lâu dài của đất nước, quyết định sự ổn định xã hội và phát triển của đất nước – củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, với những người cộng sản.

        Thể hiện quyết sách sáng suốt này, trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Phần mục tiêu tổng quát Đảng ta xác định: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. So với văn kiện các Đại hội trước trong mục tiêu tổng quát Đảng đã bổ sung các cụm từ vô cùng quan trọng, ý nghĩa, thiết thực:“tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”; “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện”; “năng lực cầm quyền”.

        Không dừng lại ở đó, để thống nhất, nhất quán hành động trong thực tiễn, các nội dung quan trọng trên còn được cụ thể hóa, chi tiết hóa trong định hướng phát triển đất nước ta 10 năm tiếp theo sau Đại hội (2021 – 2030), thể hiện:

        Thứ nhất, về công tác Đảng, văn kiện khẳng định: “Tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện; tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng; đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ cấp chiến lược có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; làm tốt công tác tư tưởng, lý luận; chú trọng công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật và dân vận của Đảng”.

        Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước. Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tội phạm và tệ nạn xã hội.

        Thứ ba, quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hoá, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

        Tuy nhiên, các quyết sách này có thành hiện thực, đi vào cuộc sống là cả một quá trình, là trách nhiệm toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, của các cấp ủy, người đứng đầu từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đặc biệt là tinh thần, thái độ của “Người cán bộ Đảng viên” sau khi tham gia học tập, nghiên cứu các nội dung văn kiện. Bởi vì: "cán bộ là cái gốc của mọi công việc"(1), "là cái dây chuyền của bộ máy"(2), "tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ sẽ có hại đến Đảng, có hại đến nhân dân"(3) và "cán bộ quyết định mọi việc"(4). Nghĩa là cán bộ đảng viên phải đi trước, làm gương về tư tưởng, đạo đức, thái độ, lề lối làm việc. Muốn phát huy được đầy đủ tính sáng tạo của hàng chục triệu người, của cả dân tộc, thì cán bộ phải đi trước, tự cải tạo mình, tự nâng cao mình. Cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao; phải rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện tinh thần và ý thức tập thể.

        Vì vậy, những người đảng viên hãy bớt một ít tư lợi cá nhân, với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, lòng trung thực đối với với đồng bào, với quê hương, với Tổ quốc sinh ra mình, mà đem hết tâm huyết hành động – biến Nghị quyết Đại hội XIII thành lời tuyên thệ trung thành, trách nhiệm đối với nhân dân, thành kết quả trong thực tế. Đồng thời cũng khẳng định vai trò không thể thiếu của Đảng ta đối với sự phát triển và trường tồn của dân tộc Việt Nam, mà trước mắt là bằng những việc làm thiết thực, hãy đồng lòng, góp hết khả năng có được của từng người để đánh lùi dịch bệnh Covid-19, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế, đảm bảo mọi người dân được sống trong hoà bình, ấm no, tự do, hạnh phúc.

Dân đồng lòng, Đảng sáng suốt, Đất nướcphát triển.

Đảng vững mạnh, Dân tin yêu,  hội trường tồn

Ghi chú:

-(1), (2), (3), Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2000, tr.269; tr.269; tr.254.

-(4), Hồ Chí Minh, toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.2000, tr.480.