Xuất bản thông tin

null Đào tạo trực tuyến phát huy tính giao tiếp của người học ở các trường Chính trị

Trang chủ Bài viết

Đào tạo trực tuyến phát huy tính giao tiếp của người học ở các trường Chính trị

Nguyễn Phước Tài

Học viên lớp TCCTHC - K51

      Có thể nói trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp là một trong những trường Chính trị ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đi tiên phong trong lĩnh vực sử dụng Microsoft Teams vào đào tạo trực tuyến.

      Một trong những e ngại của người học khi tiếp cận với các buổi học trực tuyến là cảm giác cô đơn, lạc lõng, khi đối diện với họ không phải là Thầy giáo/ Cô giáo (người thầy) và bạn bè mà làm một máy tính lạnh lùng trên bàn làm việc. Trong lịch sử hàng nghìn năm của giáo dục đại học nói chung và hoạt động đào tạo tại các trường chính trị nói riêng, hình thức đào tạo truyền thống luôn luôn có một chủ thể nhất định, đó chính là người thầy hiện diện trong không gian lớp học. Người thầy ấy có thể di chuyển từ bàn của mình xuống lớp hoặc đi vòng quanh, thời gian ít hoặc nhiều tùy theo yêu cầu của mỗi phương pháp và phương thức đào tạo.

      Trong phương thức đào tạo trực tuyến tại trường chính Trị Đồng Tháp, người học vẫn có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với giảng viên và các bạn học mỗi khi có lịch học tập trung. Vậy làm thế nào để phát huy khả năng giao tiếp theo phương thức đào tạo trực tuyến như hiện nay?

      Thật ra, tính giao tiếp không chỉ mang các thuộc tính vật lý mà còn bao hàm bên trong các yếu tố tâm lý nội tại. Giao tiếp không chỉ bao gồm trong quá trình hỏi-đáp, nêu và giải quyết vấn đề ở lớp mà còn hiện diện trong quá trình tư duy của người học. Theo Michael Moore trong Tree Types of Interaction, có ba loại giao tiếp trong dạy - học là: (1) giao tiếp giữa người học và nội dung bài giảng; (2) giao tiếp giữa thầy và trò; (3) giao tiếp giữa người học và người học.

      Đào tạo trực tuyến không phủ định bất cứ loại hình nào trong các loại hình kể trên, ngược lại các công cụ và phương pháp đào tạo trực tuyến còn khuyến khích người học có cơ hội nâng cao khả năng giao tiếp của mình hơn hẳn các phương pháp đào tạo truyền thống.

      Qua quan sát và tham gia học trực tuyến tại lớp K51 thuộc chương trình Trung cấp lý luận Chính trị - Hành chính của trường Chính trị Đồng Tháp, với vai trò là một học viên. Tôi thấy rằng, khi học viên đặt nhiều câu hỏi nhờ giảng viên (hay giảng viên đặt câu hỏi) trả lời, thì cơ hội giao tiếp không chỉ xuất hiện khi có nhiều học viên đặt câu hỏi mà còn ở cả khi các học viên khác lắng nghe, và tham gia tranh luận vấn đề. Điều này cũng gặp ở các lớp học truyền thông, tuy nhiên việc tranh luận không sôi nổi bằng vì tính giới hạn của thời gian và không gian học tập. Do tính chất không đồng thời (asynchronous), học viên học tập trực tuyến có thời gian suy nghĩ chín chắn hơn, tìm hiểu tài liệu bổ sung để củng cố cho phần lý luận của mình. Những học viên có bản tính nhút nhát, thiếu tự tin cũng sẽ dễ tham gia buổi thảo luận đó.

      Để khơi dậy sự giao tiếp nơi người học trực tuyến, người thầy phải sử dụng các công cụ và chiến thuật đặc biệt. Trong phần mềm Microsoft Teams mà trường Chính trị Đồng Tháp đã sử dụng, học viên có thể sử dụng các công cụ đã được thiết kế sẵn như Discussion (thảo luận giữa người học và người dạy) và Chat (trao đổi giữa học viên với nhau) để nêu lên bất kỳ thắc mắc nào về bài học hoặc ý kiến về chương trình học. Bên cạnh đó, nhằm khởi động một chuỗi giao tiếp, có khi người dạy cần phải nêu lên vấn đề cho buổi thảo luận, đặt ra câu hỏi để học viên tìm kiếm thông tin câu trả lời thông qua Slide, giáo trình và thậm chí là học viên dùng Google để tìm kiếm câu trả lời thỏa đáng nhất. Việc tìm kiếm thông tin trên Google vừa là cơ hội tốt để học viên lĩnh hội thêm phần tri thức mới, vừa là thách thức lớn đối với người dạy và ngay cả bản thân người học. Bởi kết quả tìm kiếm khi Google trả về luôn xuất hiện muôn ngàn câu trả lời khác nhau. Điều này khiến học viên luôn luôn vận động kiến thức của mình để xác định, phán đoán lựa chọn câu trả lời cho phù hợp nhất, đúng nhất. Trong thực tế của lớp K51 và một vài lớp do tôi phụ trách hỗ trợ kỹ thuật nhận thấy rằng, qua những buổi học trực tuyến đã khơi dậy được tính tích cực trong phát biểu của học viên, đồng thời làm gia tăng số người tham gia thảo luận và chất lượng các câu trả lời cũng được gia tăng đáng kể.

      Còn về giao tiếp giữa người học với nhau có thể thực hiện qua các công cụ nêu trên một cách thường xuyên và qua các buổi thảo luận được tổ chức theo lịch học. Người học dễ dàng chia sẻ, trao đổi phần trả lời câu hỏi của mình với các học viên khác cùng lớp, chia sẻ phương pháp tìm kiếm tài liệu, phương pháp làm bài tiểu luận,...nhờ hình thức này, nhiều nội dung khác giữa các học viên tham gia học trực tuyến tự động được mở ra, phong phú không kém các buổi thảo luận truyền thống của Nhà trường.

      Đối với học viên, những sự giao tiếp như trên không chỉ mở ra những kênh mới trong xã giao, đồng thời làm phong phú hơn nữa cách thức, phương pháp học tập của mỗi người học mà chúng còn được ưa thích và chấp nhận vì sự phù hợp với đặc điểm và hoàn cảnh của mỗi cá nhân. Và đặc biệt hơn hết là hình thức dạy học trực tuyến của Trường chính trị phù hợp với tình hình dịch bệnh Covid - 19 diễn ra khá phức tạp như hiện nay./.