Xuất bản thông tin

null Vài suy nghĩ về lí tưởng cách mạng của thanh niên Việt Nam xưa và nay

Chi tiết bài viết Bài viết

Vài suy nghĩ về lí tưởng cách mạng của thanh niên Việt Nam xưa và nay

                                                                                                 Lê Thị Nhật Sang

                                                                                                Viên chức Trường Chính trị

            Có thể nói, ít có một quốc gia nào trên thế giới trải qua nhiều cuộc đấu tranh để xây dựng, giữ gìn và bảo vệ độc lập, tự do, chủ quyền Tổ quốc như Việt Nam. Bao lần khi Tổ quốc lâm nguy, đứng trước sự đe dọa của giặc ngoại xâm thì đã là con Lạc, cháu Hồng, ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc, không kể giàu nghèo, già trẻ; không chia dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo đều đứng lên bảo vệ quê hương xứ sở. Nổi lên đó phải kể đến lớp lớp thanh niên, những người trẻ tuổi vô cùng kiên quyết, cứng cỏi, là lực lượng tiên phong không ngại khó khăn, hi sinh, gian khổ. Trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đã có rất nhiều tấm gương anh dũng sẵn sàng hi sinh, bỏ lại sau lưng bao ước mơ, hạnh phúc, hoài bão của một người trẻ tuổi để hướng mình về một lý tưởng cách mạng cao đẹp đó là đấu tranh giành lại độc lập, tự do cho nước nhà, mang lại những trang sử vẻ vang, hào hùng cho dân tộc.

          Ta được thấy hình ảnh của người thanh niên 21 tuổi Nguyễn Tất Thành vượt đại dương bao la, không ngại khó khăn, gian khổ, bôn ba khắp nơi trên thế giới để đi đến tổng kết giữa lý luận và thực tiễn phù hợp nhất giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng trong việc tìm ra con đường giải phóng dân tộc. Với ý nghĩ đó và lòng yêu quê hương, đất nước sâu sắc, Người còn làm cho tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam phát triển hơn khi phong trào yêu nước cùng với chủ nghĩa Mác-Lênin và phong trào công nhân đã trở thành 3 yếu tố quan trọng đưa đến sự ra đời Đảng Cộng sản Việt Nam như bấy giờ. Với tinh thần yêu nước đó, dân tộc Việt Nam luôn tự hào vì dù trong bất kỳ giai đoạn nào của lịch sử, đất nước vẫn luôn có những người con biết dựng nước và gìn giữ từng mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, trong đó, là các tấm gương trẻ tuổi đã anh dũng hi sinh như: người anh hùng Lý Tự Trọng (1914-1931) trước khi lên máy chém, chàng trai 17 tuổi đã hô tên Việt Nam và hát bài Quốc tế ca giữ vững tinh thần cách mạng đến phút cuối đời; người nữ du kích Võ Thị Sáu (1933-1952) trên pháp trường vẫn giữ vững khí thế hiên ngang, nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù, hô to: “Hãy nhớ lấy lời tôi. Đả đảo thực dân Pháp, Việt Nam muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm!” hi sinh khi chỉ mới 19 tuổi; người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi (1940-1964) bất chấp nguy hiểm thay đồng đội cài mìn ở cầu Công Lý ám sát phái đoàn quân sự chính trị cấp cao của Mỹ chuẩn bị thị sát chiến trường miền Nam, tuy bại lộ và bị địch bắt, song, người anh hùng ấy trong những phút cuối đời, anh không đồng ý bịt mắt, bình thản, hiên ngang không hề nao núng và còn hô vang khẩu hiệu quyết chiến, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam; hay có thể kể đến sự hi sinh của 10 cô gái ngã ba Đồng Lộc là các nữ thanh niên xung phong tuổi từ 17 đến 24 thực hiện nhiệm vụ canh giữ giao điểm, phá bom và sửa đường thông xe, khi bị bom đánh phá trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, vào thời điểm trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi 10 cô gái trẻ đang tránh bom. Tất cả đã ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ và trong số họ chưa một ai lập gia đình…“Tuổi mười tám, đôi mươi ấy sắc như cỏ, dày như cỏ, yếu mềm và mãnh liệt như cỏ…” là những vần thơ được trích trong Trường Ca “Những người đi tới biển” của nhà thơ Thanh Thảo và cũng là của cả thế hệ những người lính năm xưa:

…Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

Cỏ sắc mà ấm quá, phải không em...”

Hình ảnh 10 nữ thanh niên xung phong hy sinh tại Ngã ba Đồng Lộc

          Có thể nói lịch sử nước ta trong những giai đoạn giành lấy quyền độc lập của Tổ quốc, quyền tự do cho dân tộc đã trải qua những cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, đánh đổi biết bao xương máu, lấy đi của người mẹ những đứa con, nỗi đau người vợ mất chồng, con mất cha hay những mối tình thời chiến đơn sơ, trong sáng đã không còn là hạnh phúc của riêng mình, nhưng rồi khi nhìn lại từng chặng đường lịch sử ấy, có vẻ như trong mỗi người thì hạnh phúc ấy chỉ có thể trọn vẹn khi gắn liền với vận mệnh của đất nước, với niềm vui chung của dân tộc: “Hạnh phúc của Thạc và Như Anh chỉ có thể gắn chặt với niềm vui chung của dân tộc mà thôi” – trích trong tác phẩm “Những lá thư thời chiến Việt Nam”, nếu đã từng xem qua tác phẩm sẽ thấy nơi chiến trường khốc liệt, tưởng chừng đã mất hết cảm xúc nhưng tình đồng đội, tình gia đình, tình cảm dành cho người mình thương yêu nơi quê nhà thế ấy lại vô cùng trọn vẹn, trọn vẹn trong từng cảm xúc mong mỏi khi nghĩ về ngày mai đây, đất nước bước ra khỏi những đau thương mất mát, hi vọng về một cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi và lời ước hẹn dành cho người bạn gái cùng trường từ nơi chiến trường tàn khốc vào Mùa hè đỏ lửa năm 1971 ở Thành cổ Quảng trị của Liệt sĩ Nguyên Văn Thạc đã trở thành một lời “tiên tri” mà đến nay không ai có thể giải thích được, rằng: “30/4/1975 sẽ trả lời cho câu hỏi, hạnh phúc là gì?”.

Giờ đây, lời nói đó đã trở thành sự thật, 30/4/1975 - đã chính thức trở thành ngày hội toàn dân, ngày non sông thống nhất thu về một mối. Nhưng có ai biết rằng, từ năm 1971 đến năm 1975 đã có biết bao sự kiện xảy ra, là giai đoạn tàn khốc nhất khi có biết bao người chiến sĩ trẻ tuổi đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường ấy khi ngày độc lập chỉ còn cách đó không xa nữa. Các anh ra đi, nhưng lý tưởng của các anh đáng để con cháu đời sau học hỏi. Bỗng nhớ lại Lê Bá Dương từng có một câu thơ được gợi lại trong những thước phim đầy bồi hồi, xúc động “Mùi cỏ cháy”, của nhà biên kịch Hoàng Nhuận Cầm:

“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ…

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm…”

          Dẫu 46 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc, những trang thư, dòng nhật ký không chỉ là lời hẹn ước của một người lính trẻ, mà còn là sự khát vọng của cả một dân tộc làm nên lịch sử ngày 30/4/1975 thống nhất non sông. Ngày nay, trong thời kỳ phát triển mới của đất nước, nhiệm vụ của thanh niên đã có sự thay đổi, không chỉ hết lòng với các hoạt động xã hội, thanh niên Việt Nam còn tâm huyết với công tác chuyên môn để có thể chủ động và tự tin hơn trong quá trình hội nhập quốc tế; thanh niên luôn là lực lượng tiên phong trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào nghiên cứu, áp dụng những tri thức mới vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao trong hoạt động quản l‎ý và sản xuất kinh doanh, cố gắng phát huy truyền thống tốt đẹp, sức trẻ tiếp bước thế hệ đi trước để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng hình ảnh càng ngày tốt đẹp hơn, tự hào tiến bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng. Song, là người con quê hương Việt Nam, chúng ta không thể quên những hi sinh, mất mát, những đánh đổi máu xương và nước mắt để giành lại từng tấc đất của Tổ quốc, để đất nước có được quyền tự do, độc lập, vẻ vang như ngày hôm nay. Qua đó, chúng ta càng thấy được rằng giá trị của nền hòa bình đối với mỗi người con đất Việt là vô cùng thiêng liêng và bất khả xâm phạm, dù cho đất nước ở giai đoạn nào đi nữa, thanh niên nói riêng và mỗi người Việt Nam nói chung phải luôn mang trong mình lòng yêu nước, đoàn kết, trách nhiệm và luôn khắc ghi công ơn của thế hệ đi trước đối với những gì ngày nay chúng ta nhận được để tiếp nối công cuộc gìn giữ và bảo vệ non sông, đất nước tươi đẹp, phát triển hơn và phồn thịnh hơn nữa trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

  1. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
  2. Đặng Vương Hưng (2015), Những lá thư thời chiến Việt Nam, NXB Công an nhân dân 2015.