Xuất bản thông tin

null Những vấn đề đặt ra đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp trong cách mạng công nghiệp 4.0

Trang chủ Bài viết

Những vấn đề đặt ra đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp trong cách mạng công nghiệp 4.0

Nguyễn Thanh Tuấn

-----

          Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong bối cảnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo nói chung và tại Trường Chính trị cấp tỉnh nói riêng chắc chắn cần phải thay đổi toàn diện, cả về nội dung lẫn về phương pháp, hình thức đào tạo bồi dưỡng. Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp với nhiệm vụ là tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo Quy định 09-QĐi/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, việc đổi mới phương thức, phương pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tỉnh trước cuộc CMCN 4.0 là một đòi hỏi tất yếu của công tác đào tạo, bồi dưỡng. Trong khuôn khổ bài viết, xin trao đổi vài ý kiến xoay quanh những vấn đề đặt ra đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Trường chính trị tỉnh Đồng Tháp và kiến nghị một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Trường trong bối cảnh CMCN 4.0.

1. Những vấn đề đặt ra đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ở Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp trong cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc CMCN 4.0 là sự kết hợp của công nghệ trong các lĩnh vực vật lý, công nghệ số và sinh học, tạo ra những khả năng sản xuất hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đến mọi mặt của đời sống – xã hội. Hệ thống giáo dục – đào tạo nói chung và hệ thống Trường Đảng nói riêng sẽ chịu ảnh hưởng sâu sắc và toàn diện của nó. Định hướng phát triển giáo dục sẽ có thay đổi nhất định, từ khâu quản trị, mô hình tổ chức lớp học đến vai trò của thầy và trò trong tổ chức giảng dạy và học tập. Sẽ xuất hiện mô hình lớp học ảo, phòng học ảo, phương tiện, công cụ ảo và thầy/cô giáo ảo. Trong điều kiện đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng tại Trường Chính trị Tỉnh cần chủ động thay đổi để theo kịp với những yêu cầu trong tình hình mới.

CMCN 4.0 sẽ đặt ra nhiều yêu cầu tác động đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong giai đoạn hiện nay, cụ thể:

Thứ nhất, về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng.

Về mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chính là tạo ra những người cán bộ, công chức, viên chức có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. Cuộc CMCN 4.0 tạo ra những chuyển biến mọi mặt của đời sống xã hội, điều này sẽ tác động đến những thay đổi trong công tác quản lý, điều hành và phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Mọi sự thay đổi của nhà trường phải nhằm hướng đến tạo ra được những người cán bộ, người học có được năng lực, kỹ năng mới như năng lực tổng kết thực tiễn; tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tư duy phân tích, tổng hợp; xử lý thông tin đa chiều,…

Thứ hai, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thay đổi phương thức đào tạo, bồi dưỡng.

Với sự phát triển của internet, các lớp học trong thời đại CMCN 4.0 sẽ chịu sự tác động và có sự thay đổi nhất định. Các lớp học có thể diễn ra ở bất cứ đâu, vào bất cứ thời điểm nào. Các lớp học trên giảng đường, thư viện và thời khóa biểu cố định dần được thay thế bởi các lớp học trực tuyến, thư viện số, thời khóa biểu linh hoạt phù hợp với điều kiện cụ thể và sự lựa chọn của người học. Với “Trường học trực tuyến”, công nghệ điện toán đám mây có thể được sử dụng để phát triển các không gian học tập trên môi trường mạng. Các tài liệu học tập và sách tham khảo đều lưu trữ trên mạng. Thông qua các thiết bị kết nối internet như laptop, smartphone,… người học có thể tham gia vào các lớp học bất cứ lúc nào. Học viên thời 4.0 không nhất thiết phải tập trung điểm danh tại các giảng đường. Họ có thể làm những công việc khác và tận dụng thời gian tham gia học tập qua chiếc điện thoại, laptop của mình một cách chủ động và linh hoạt nhất. Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp thông tin học tập được tổng hợp, phân tích và đưa ra các gợi ý hữu ích cho cả người học và người dạy.

Thứ ba, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu mới.

Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, phương thức tiếp cận và lĩnh hội tri thức cũng ít nhiều thay đổi theo. Trong đó, để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thì ngoài việc thay đổi nội dung, chương trình, hình thức, đào tạo, thì việc đổi mới phương pháp dạy và học là một yêu cầu được đặt lên hàng đầu. Trung tâm của lớp học bấy giờ được xác định đó là người học, người học lúc bấy giờ được xác định là trung tâm, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng phải hướng đến mục tiêu phát triển năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là năng lực thực thi công vụ. Trong khi đó, hiện nay không ít giảng viên vẫn chưa chủ động đổi mới phương pháp giảng dạy, vẫn chỉ chú trọng truyền đạt một chiều mà thiếu đi sự tương tác, phản hồi từ phía người học. Hơn thế nữa, có giảng viên chưa chủ động để tiếp cận với việc làm clip, video để có thể tham gia hiệu quả vào hoạt động giảng dạy trực tuyến. Do vậy, việc thay đổi phương pháp dạy học là yêu cầu tất yếu đối với giảng viên.

2. Kiến nghị một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng tại Trường trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường đinh hướng xã hội chủ nghĩa và cuộc CMCN 4.0, thiết nghĩ Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp nói riêng và hệ thống trường Chính trị cấp tỉnh nói chung, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, các trường chính trị nói chung và Trường Chính trị Đồng Tháp nói riêng cần sớm ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Cần có lộ trình, xây dựng đề án và triển khai áp dụng mô hình “phòng học ảo”, bên cạnh các phương thức đào tạo truyền thống cần kết hợp cả đào tạo đan xen theo hình thức trực tuyến thông qua môi trường mạng.

Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, thống nhất trong toàn bộ hệ thống đào tạo, bồi dưỡng, từng bước hình thành trung tâm tích hợp dữ liệu; trung tâm quản lý điều hành về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Hai là, Trước tác động của cuộc CMCN 4.0, đòi hỏi người giảng viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp nhằm góp phần tạo ra đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Điều đó đòi hỏi người giảng viên “Trường Đảng” trước hết phải thường xuyên khơi dậy, rèn luyện và phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu, tự đặt vấn đề và tự giải quyết vấn đề của học viên. Ngoài ra, giảng viên cần hướng dẫn học viên cách ghi chép, đọc tài liệu, chuẩn bị cho buổi Cemina ở buổi học trực tuyến,… Đây là quá trình rèn luyện cho học viên năng lực tư duy chính xác và phẩm chất tư duy biện chứng. Mà điều  này thì cực kỳ cần thiết vì như Ph. Ăngghen đã chỉ rõ: Một dân tộc muốn đứng vững trên đỉnh cao của khoa học thì không thể không có tư duy lý luận.

Bên cạnh đó, trong mỗi buổi giảng, tiết giảng đòi hỏi giảng viên phải kết hợp nhuần nhuyễn, linh hoạt nhiều phương pháp tùy vào điều kiện cụ thể. Tùy vào từng nội dung cụ thể cần lồng ghép vào những tình huống thực tế khơi dậy sự tìm tòi, đào sâu suy nghĩ, phát triển và mở rộng kiến thức của người học.

Với những “phòng học ảo” cần xây dựng được nội dung giảng dạy, trao đổi nhằm thu hút sự tham gia tích cực của người học, qua đó giảng viên có thể đánh giá được một cách tổng quát, chất lượng, hiệu quả của tiết giảng, buổi giảng để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Thứ ba, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trong nhà trường.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng thời đại CMCN 4.0, đòi hỏi đội ngũ giảng viên “Trường Đảng” phải có những năng lực mới, sáng tạo, những phẩm chất mới thông qua hoạt động đào tạo, tự đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại. Muốn vậy, nhà trường cần có kế hoạch đào tạo, đào tạo lại hoặc bồi dưỡng nhằm bù đắp những kiến thức còn thiếu hụt, đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng hành nghề trong thời kỳ CMCN 4.0. Giảng viên phải tự nghiên cứu trau dồi tri thức, hình thành phông kiến thức đủ sâu và rộng, không chỉ đáp ứng lĩnh vực chuyên môn mình đảm trách mà còn có khả năng liên hệ, vận dụng cho các đối tượng học viên có kiến thức chuyên môn khác nhau. Điều này không có nghĩa là giảng viên “biết hết”, “cái gì cũng biết” mà chỉ là nền tảng, cơ sở kiến thức qua đó định hướng cho học viên biết cách liên hệ, vận dụng lý luận vào thực tiễn công tác của mình.

Chuẩn kiến thức và kỹ năng thời kỳ CMCN 4.0 đòi hỏi cán bộ, công chức viên chức trong hệ thống cơ quan nhà nước cần có kiến thức pháp lý, kiến thức kinh tế, kiến thức xã hội, kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin trước cuộc CMCN 4.0.

CMCN 4.0 đã và đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội. Hệ thống giáo dục nói chung và giáo dục chính trị nói riêng cần đổi mới từ nội dung, chương trình tới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và cả cách thức đánh giá… Do vậy, để không bị bỏ lại phía sau, các Trường Chính trị nói chung và Trường Chính trị tỉnh Đồng Tháp nói riêng cần chủ động thay đổi, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị mình và nhu cầu phát triển của đất nước, địa phương./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

          - https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/08/01/cach-mang-cong-nghiep-4-0-va-nhung-van-de-dat-ra-trong-cong-tac-dao-tao-boi-duong-nguon-nhan-luc-nganh-tu-phap/

          - Nguyễn Thị Ngọc, Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Tạp chí quản lý nhà nước, Số 185, tháng 10/2019.