Xuất bản thông tin

null Tập thể dục rèn luyện sức khỏe theo lời Bác dạy

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Tập thể dục rèn luyện sức khỏe theo lời Bác dạy

                                   Mai Quang Khả, Phòng QLĐT và nghiên cứu khoa học.

Ngày 27-3-1946, Báo Cứu quốc, số 199 đăng bài viết "Sức khỏe và thể dục" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên văn là: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khoẻ mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khoẻ tức là cả nước mạnh khoẻ.

Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi một người yêu nước. Việc đó không tốn kém, khó khǎn gì. Gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi ngày lúc ngủ dậy, tập một ít thể dục. Ngày nào cũng tập thì khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khoẻ.

Bộ Giáo dục có Nha Thể dục, mục đích là để khuyên và dạy cho đồng bào tập thể dục, đặng giữ gìn và bồi đắp sức khoẻ.

Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. (HCM toàn tập, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, năm 2011, tập 4, tr.241).

Trước đó, dù bộn bề công việc của một đất nước, một chính quyền mới, nhưng Hồ Chí Minh, trên cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã ký Sắc lệnh số 14-SL ngày 30-1-1946, thành lập Nha Thể dục Trung ương (thuộc Bộ Thanh niên), và Sắc lệnh số 33-SL thành lập Nha Thanh niên - Thể dục (thuộc Bộ Quốc gia giáo dục). Đây là nền tảng, là căn cứ pháp lý và cội nguồn của ngành thể dục thể thao và phong trào rèn luyện sức khỏe của Nhân dân ta, đất nước ta.

Mở đầu bài viết, Bác khẳng định: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công... Mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe”. Sau đó Bác dẫn thêm về mỗi người dân, người yêu nước thì nên tập thể dục “đặng giữ gìn và bồi đắp sức khoẻ”.

 Cuối bài viết, Bác chỉ rõ: “Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập”. Lời kết bài viết của Bác vừa là lời kêu gọi mọi người nên siêng năng tập luyện thể dục, đồng thời cũng khẳng định sự cần thiết tập luyện thể dục mà Bác tự gương mẫu thực hiện mỗi ngày.

Những quan điểm, chủ trương về TDTT của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cổ vũ, động viên toàn dân, toàn quân ta dấy lên phong trào tập luyện TDTT sâu rộng ngay từ những ngày đầu giành được chính quyền cách mạng cho đến các giai đoạn kháng chiến, kiến quốc sau này, nhất là trong giai đoạn đổi mới hội nhập quốc tế ngày nay.

Ngày 01 tháng 12 năm 2011, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết Số 08-NQ/TW, Về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020, với Quan điểm và mục tiêu cụ thể:

Quan điểm:

1- Phát triển thể dục, thể thao là một yêu cầu khách quan của xã hội, nhằm góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế; đồng thời, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội và của mỗi người dân, đảm bảo cho sự nghiệp thể dục, thể thao ngày càng phát triển.

2- Ðầu tư cho thể dục, thể thao là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thể dục, thể thao và đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao; đồng thời phát huy các nguồn lực của xã hội để phát triển thể dục, thể thao. Ðổi mới quản lý nhà nước về thể dục, thể thao, phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức xã hội trong quản lý, điều hành các hoạt động thể dục, thể thao.

3- Giữ gìn, tôn vinh những giá trị thể dục, thể thao dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, phát triển nền thể dục, thể thao nước ta mang tính dân tộc, khoa học, nhân dân và văn minh.

Mục tiêu:

Hoàn thiện bộ máy tổ chức, đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thể dục, thể thao; tăng cường cơ sở vật chất, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ làm nền tảng phát triển mạnh mẽ và vững chắc sự nghiệp thể dục, thể thao. Ðến năm 2020, phấn đấu 90% học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể; các trường học, xã, phường, thị trấn, khu công nghiệp có đủ cơ sở vật chất thể dục, thể thao phục vụ việc tập luyện của nhân dân; trình độ một số môn thể thao trọng điểm được nâng cao ngang tầm Châu Á và thế giới; bảo đảm các điều kiện để sẵn sàng đăng cai tổ chức thành công các sự kiện thể thao lớn của châu Á và thế giới.

Nói về công tác đào tạo, bồi dưỡng vận động viên, Nghị quyết yêu cầu; “Coi trọng giáo dục đạo đức, ý chí, lòng tự hào dân tộc cho vận động viên. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các vận động viên xuất sắc và phát huy vai trò nêu gương của họ đối với lớp vận động viên kế cận và với thanh thiếu niên nói chung. Kiên quyết đấu tranh khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong thể thao, nhất là trong bóng đá và các môn thể thao thành tích cao”. Yêu cầu đó cho thấy quan điểm chỉ đạo của Đảng ta về thể dục, thể thao là phải khách quan, trung thực, lấy đạo đức làm đầu, không vì chạy theo thành tích mà làm sai mục đích đích thực của rèn luyện thể dục, thể thao là nâng cao sức khỏe, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo lời Bác dạy, bởi vì, có sức khỏe là có tất cả, chỉ có sức khỏe mới đem lại cho con người có cuộc sống hạnh phúc, có sức lao động, công tác, chiến đấu và học tập tốt.

Ngày 3-12-2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2198/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, trong đó đặt ra các mục tiêu quan trọng hướng đến xây dựng và phát triển nền TDTT nước nhà nâng cao sức khỏe nhân dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tăng tuổi thọ của người Việt Nam…

Trong những năm gần đây, nhiều cơ sở TDTT công lập được củng cố; số lượng các cơ sở ngoài công lập tăng nhanh với nhiều loại hình mới. Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” ngày càng được mở rộng đa dạng về hình thức, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Hoạt động TDTT của người cao tuổi, người khuyết tật được quan tâm. Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường có những chuyển biến tích cực cả về hình thức lẫn nội dung. Thể thao thành tích cao đạt được nhiều kết quả, một số môn đã vươn tới trình độ châu lục và thế giới. Hợp tác quốc tế về thể thao được tăng cường, vị thế của thể thao Việt Nam được nâng cao, nhất là ở khu vực Ðông - Nam Á.

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành vào thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2019, theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 ở Việt Nam, kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975. Mục đích của Tổng điều tra là nhằm thu thập thông tin cơ bản về dân số và nhà ở phục vụ hoạch định các chính sách phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030 và giám sát các mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Theo kết quả đó, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 73,6 tuổi, trong đó tuổi thọ của nam giới là 71,0 tuổi và của nữ giới là 76,3 tuổi. Từ năm 1989 đến nay, tuổi thọ trung bình của Việt Nam liên tục tăng, từ 65,2 tuổi năm 1989 lên 73,6 tuổi năm 2019. Chênh lệch về tuổi thọ trung bình giữa nam và nữ qua hai cuộc Tổng điều tra gần nhất hầu như không thay đổi, duy trì ở mức khoảng 5,4 năm.

Những kết quả đó khẳng định lại tư tưởng Hồ Chí Minh về tập luyện thể thao để rèn luyện sức khỏe, góp phần hiệu quả vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng phát triển./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia-Sự thật, năm 2011, tập 4.

- Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao đến năm 2020.

-Tạp chí Bảo hiểm xã hội online, http://www.baobaohiemxahoi.vn/vi/tin-chi-tiet-tuoi-tho-trung-binh-cua-nguoi-viet-nam-tang-them-84-tuoi-trong-30-nam-a6ee630a.aspx, ngày 19/12/2019.

-Báo Nhân dân online, https://nhandan.com.vn/the-thao-hangthang/tu-loi-keu-goi-cua-bac-ho-258856, 29-03-2016.