Xuất bản thông tin

null Vài điểm mới về qui định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2021

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Vài điểm mới về qui định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2021

Nguyễn Thanh Tuấn

 

          Ngày 01 tháng 3 năm 2021 Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi có hiệu lực kể từ ngày 20/4/2021. Ở Nghị định này có nhiều điểm mới đáng để chú ý quan tâm. Một trong số đó, có thể kể đến một vài điểm mới cụ thể sau:

          1, Phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng đối với hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn đối với vật nuôi.

          Cụ thể, tại Điều 29 quy định đối với người có hành vi đánh đập, hành hạ tàn nhẫn vật nuôi sẽ bị phạt tiền từ 1 đến 3 triệu đồng.

          2, Không gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ bị phạt từ 3 đến 5 triệu động.

          Tại khoản 2, Điều 29 nêu rõ, phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với cơ sở giết mổ tập trung có một trong các hành vi sau:

+ Không có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh trước khi giết mổ.

+ Đánh đập vật nuôi trước khi giết mổ.

+ Không có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ.

Đồng thời tại khoản 4, Điều 29 cũng nêu nêu rõ mức phạt đối với hành vi đưa vật thể lạ, bơm nước cưỡng bức hoặc các chất khác vào cơ thể động vật trên cạn trước khi giết mổ. Cụ thể:

+ Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm dưới 100 kg.

+ Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 100 kg đến dưới 500 kg.

+ Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 500 kg đến dưới 1.000 kg.

+ Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với trường hợp tổng khối lượng động vật vi phạm từ 1.000 kg trở lên.

3, Xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp sẽ bị phạt.

Cụ thể, tại khoản 3, Điều 29 quy định phạt tiền từ 10 -15 triệu đồng đối với hành vi cản trở, phá hoại, xâm phạm trái phép hoạt động chăn nuôi hợp pháp.

Mức phạt tiền trên là mức quy định áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Về hình thức xử phạt, Nghị định quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về chăn nuôi, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền. Ngoài ra, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả…

Về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Luật chăn nuôi 2018.

- Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 01/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.