Xuất bản thông tin

null Quan niệm về quyền con người và quyền của nhóm người dễ bị tổn thương theo pháp luật quốc tế

Chi tiết bài viết Bài viết

Quan niệm về quyền con người và quyền của nhóm người dễ bị tổn thương theo pháp luật quốc tế

                                                          Ths. Nguyễn Quang Thành, Phòng QLĐT và NCKH

                                                                 Th.s Trần Thị Thu Trang, GV Khoa NN & PL

Sau quá trình 40 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc cùng với việc ký kết tham gia và thực hiện các công ước quốc tế về quyền con người, chúng ta đã giành được một số thành tựu nhất định trong bảo vệ, thúc đẩy và phát triển quyền con người trên nhiều lĩnh vực như xây dựng hệ thống pháp luật hướng đến bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mọi người, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống Nhân dân. Đặc biệt, Nhà nước cũng đã dành nhiều hỗ trợ, ưu đãi cho nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội như người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ, trẻ em,… Cùng với nền tảng phát triển đạt được, với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa “của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”, Quốc hội khóa XIII (nhiệm kỳ 2011 – 2016) đã thông qua Hiến pháp năm 2013 tạo cơ sở chính trị - pháp lý vững chắc cho công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước trong thời đại hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong đó, quyền của nhóm người dễ bị tổn thương đã có những thay đổi nhất định, phù hợp với chuẩn mực và yêu cầu của pháp luật về nhân quyền quốc tế.

Dưới góc độ quốc tế, khái niệm “quyền con người” được Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người (OHCHR) định nghĩa là“những đảm bảo pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người[1]. Quyển “A Basic Handbook for UN Staff” của OHCHR cũng đưa ra một khái niệm khác về quyền con người. Theo khái niệm này thì quyền con người được hiểu chung là những quyền thuộc về con người. Khái niệm quyền con người thể hiện ở việc mọi cá nhân con người đều có quyền hưởng những quyền của mình mà không có sự phân biệt về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị, dân tộc hoặc nguồn gốc xã hội, tài sản, sự sinh ra hoặc những quy chế khác[2].

Khái niệm “quyền con người”ở nước ta cũng từng được nhiều nhà khoa học xây dựng, đặt nền móng cho việc nghiên cứu về vấn đề này từ lâu. Theo tác giả Nguyễn Đăng Dung và nhóm tác giả, quyền con người là những nhu cầu, lợi ích tự nhiên, vốn có của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế[3]. Ngoài ra, có tác giả khác cho rằng quyền con người là những đặc quyền mà do tự nhiên, tạo hóa sinh ra cho con người, là khả năng hoạt động một cách có ý thức, từ chối hoặc yêu cầu, giành lấy những gì đó, nhất là nhu cầu tự bảo vệ[4].

  Có thể nhận thấy, tựu trung lại dù được diễn giải bằng những hình thức câu từ khác nhau nhưng giá trị cốt lõi của quyền con người chính là những giá trị cơ bản, bẩm sinh, vốn có thuộc về mỗi người, dù họ mang quốc tịch nào hay không mang quốc tịch, thuộc về chủng tộc, màu da, giới tính hay ngôn ngữ nào. Đây được xem là chuẩn mực chung được phần đông cộng đồng quốc tế thừa nhận để bảo vệ nhân phẩm, tạo điều kiện và môi trường phát triển thuận lợi cho mỗi cá nhân được pháp luật quốc gia cũng như quốc tế ghi nhận và bảo đảm.

Bên cạnh số đông người có điều kiện phát triển toàn diện, xã hội vẫn có một số nhóm người có những yếu tố đặc biệt về các khía cạnh khác nhau, đòi hỏi Nhà nước và xã hội có chính sách, quy định pháp luật đặc thù để bảo vệ, khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển, những nhóm người này được gọi chung là các nhóm dễ bị tổn thương (vulnerable groups). Cụ thể hơn, đây là khái niệm được xây dựng dùng để chỉ các cộng đồng, nhóm người có vị thế về chính trị, kinh tế hoặc xã hội thấp hơn đa số, khiến họ có nguy cơ cao hơn bị bỏ quên hay bị vi phạm quyền. Chính vì vậy, cộng đồng hay nhóm người này cần được chú ý bảo vệ đặc biệt hơn so với những nhóm, cộng đồng người khác[5].

Việc phân định những cộng đồng, nhóm người nào thuộc về các nhóm dễ bị tổn thương vẫn còn có sự khác biệt giữa các quốc gia. Sự khác biệt này bắt nguồn từ quan điểm chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội và đặc biệt là yếu tố truyền thống, văn hoá tồn tại ở mỗi nước. Trong khi đó, theo nhận thức chung của luật nhân quyền quốc tế, các nhóm người dễ bị tổn thương sẽ bao gồm: trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người bị nhiễm HIV, người khuyết tật, người lao động di cư, người dân tộc thiểu số, người thuộc cộng đồng đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT)…

Ở Việt Nam, trong Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 có giải thích đối tượng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi hơn từ thiên tai so với những nhóm người khác trong cộng đồng. Đồng thời, luật cùng liệt kê những đối tượng dễ bị tổn thương bao gồm trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo và người nghèo[6]. Như vậy, từ những phân tích nêu trên có thể rút ra hai nhận xét sau:

Một là, các nhóm dễ bị tổn thương là những cộng đồng, nhóm người có vị thế về chính trị, kinh tế, xã hội thấp hơn đòi hỏi có sự chú ý bảo vệ đặc biệt so với những cộng đồng, nhóm người khác trong mỗi xã hội.

Hai là, đối tượng của các nhóm dễ bị tổn thương rất đa dạng và tuỳ thuộc vào đặc trưng của mỗi nhóm người, cộng đồng người mà Nhà nước có quy định, chính sách phù hợp để hỗ trợ, giúp đỡ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Minh Tuấn (2013), ABC về Hiến pháp (83 câu Hỏi – Đáp), NXB Tri Thức, Hà Nội

[2] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (Đồng chủ biên) (2011), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội

[3] Đỗ Hồng Thơm, Vũ Công Giao, Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, Nxb Lao động - Xã hội, 2010

[4] OHCHR (2006), Human Rights Training – A manual on Human Rights Training Methodology (Professional Training Series No.6), New York and Geneva

[5[ OHCHR (2000), A Basic Handbook for UN Staff, New York and Geneva


[1] OHCHR (2006), Human Rights Training – A manual on Human Rights Training Methodology (Professional Training Series No.6), New York and Geneva, tr. 10.

[2] OHCHR (2000), A Basic Handbook for UN Staff, New York and Geneva, tr. 2.

[3] Nguyễn Đăng Dung, Vũ Công Giao, Lã Khánh Tùng (Đồng chủ biên) (2011), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội, tr. 45 – 46.

[4] Hoàng Thị Kim Quế (2012), “Quyền con người, đạo đức và pháp luật”, Nhà nước và pháp luật, số 3, tr. 19.

[5] Đỗ Hồng Thơm, Vũ Công Giao, Luật quốc tế về quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương, Nxb Lao động - Xã hội, 2010

[6]Khoản 4, Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013