Xuất bản thông tin

null MÙA XUÂN LÀ TẾT TRỒNG CÂY LÀM CHO ĐẤT NƯỚC CÀNG NGÀY CÀNG XUÂN

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

MÙA XUÂN LÀ TẾT TRỒNG CÂY LÀM CHO ĐẤT NƯỚC CÀNG NGÀY CÀNG XUÂN

Mai Quang Khả, Phòng QLĐT & NCKH

 

Ngày 28/11/1959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh (với bút danh TRẦN LỰC) viết bài “Tết trồng cây” nêu rõ mục đích trước mắt và lâu dài của việc trồng cây: “Từ năm 1960 - 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta(1).

Về số lượng cây trồng, Bác tính mỗi người trong độ tuổi trồng được (từ 8 tuổi trở lên) mỗi năm trồng và chăm sóc tốt từ 1 đến 3 cây.

Về cách làm thì Bác chỉ ra: phải chuẩn bị đầy đủ cho tết trồng cây, các địa phải có kế hoạch trồng cây gì, trồng ở đâu,…

Với cách tính của Bác vào thời điểm đó (1959) và điều kiện kinh tế, dân cư của ta bây giờ thì mỗi năm nước ta có thể trồng mới và chăm sóc tốt khoảng 270 triệu cây xanh và nhiều hơn thế nữa.

Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu do có bờ biển dài. Dự tính của các nhà khoa học cho biết, nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Theo các kịch bản biến đổi khí hậu của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích vùng Đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước. Khi đó sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh sẽ bị ngập trên 20% diện tích thành phố.

Từ năm 2020 cho đến đầu năm 2021 này chúng ta thấy rõ: hạn hán, xâm nhập mặn làm chết nhiều vườn cây ăn trái ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều hộ dân thiếu nước ngọt dùng dài hạn; bão lũ, sạt lở đất kinh hoàng ở miền Trung làm chết và vùi lấp hàng chục người; dịch bệnh Covid-19 tái đi tái lại,… những thiên tai, dịch bệnh ấy đã làm thiệt hại cho nền kinh tế của đất nước ta, Nhân dân ta rất nhiều, những thiệt hại ấy không thể tính hết ngay hay thấy ngay được mà nó còn xuất hiện lâu dài trong cuộc sống của chúng ta.

Các nhà khoa học, và mọi người đều cùng thấy rõ biến đổi khí hậu có hệ quả từ khí thải tạo hiệu ứng nhà kính, rác thải gây ô nhiễm môi trường,… và quan trọng hơn là rừng của chúng ta bị khai thác mất cân đối giữa khai thác và trồng mới. Ngoài ảnh hưởng nước biển dâng, chúng ta còn chịu ảnh hưởng của sạt lở đất bao gồm sạt lở bờ biển (do mất rừng phòng hộ) và sạt lở trên sông (do khai thác cát mất cân đối với tự nhiên).

Hơn 60 năm trước, Bác Hồ đã phát động tết trồng cây để: “trong mươi năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân ta”. Rừng là lá phổi xanh của trái đất, là nguồn sống của con người và rất nhiều hệ thống động, thực vật phong phú, nơi hệ thống cuộc sống nối tiếp nhau của nhiều quần thể.

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Trung ương Đảng “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” đã nêu nhiệm vụ cụ thể về bảo vệ môi trường: “Chú trọng cải thiện chất lượng không khí, cây xanh, không gian vui chơi, giải trí trong các đô thị, khu dân cư, nhất là các thành phố lớn.

Bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Bảo vệ, phục hồi, tái sinh rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, nhất là rừng ngập mặn, rừng phòng hộ ven biển, rừng đầu nguồn. Ngăn chặn có hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng. Sớm dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên.

Tăng cường quản lý, mở rộng diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên hiện có tại những nơi có đủ điều kiện và đẩy nhanh việc thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên mới. Ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ cảnh quan, sinh thái, di sản thiên nhiên”.(2)

Trong vô vàn biện pháp bảo vệ môi trường hiệu quả, thì biện pháp trồng cây gây rừng là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhất. Như Bác đã khẳng định ở cuối bài báo “Tết trồng cây”: “ Đó cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng, đều có thể hăng hái tham gia”.(3)

Trồng cây là việc làm nhẹ nhàng nhưng hiệu quả, hiệu quả rất thiết thực, mong rằng mọi người, mọi cơ quan, mọi địa phương cùng chung sức thực hiện./.

Chú thích:

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.337.

(2) Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Trung ương Đảng “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, phần 2- Nhiệm vụ cụ thể, mục c) Về bảo vệ môi trường.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 12, tr.338.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tập 12.

- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Trung ương Đảng “về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”.