Xuất bản thông tin

null Vài dấu ấn về cải cách, đổi mới ở Nghị định đầu tiên trong năm 2021 của Chính phủ

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Vài dấu ấn về cải cách, đổi mới ở Nghị định đầu tiên trong năm 2021 của Chính phủ

Nguyễn Thanh Tuấn

 

            Năm 2021 là năm đầu của thập kỷ mới, với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Năm khởi đầu triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030, Nghị định số 01/2021/NĐ-CP (ngày, tháng, năm) về đăng ký doanh nghiệp được ban hành, đây là Nghị định đầu tiên được ban hành trong năm của Chính phủ. Ở Nghị định này đã cụ thể hóa những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp 2020, đồng thời khắc phục, xử lý những vướng mắc trong thời gian qua.

Đầu tiên, đó là việc quy định rõ ràng, cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đơn giản hóa, cắt giảm thành phần hồ sơ, giảm tải các thông tin kê khai nhờ việc tận dụng tối đa các thông tin có sẵn trong hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và các hệ thống thông tin đã kết nối. Nếu như tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 78/2015/NĐ-CP chỉ quy định mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp, thì ở Khoản 1 Điều 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngoài việc quy định mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế, còn quy định thêm đó là mã số đơn vị tham gia bảo biểm xã hội của doanh nghiệp.

Về thời gian đăng ký thay đổi nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cũng đã có thay đổi đáng kể. Theo đó, khoản 1 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định thời gian đăng ký thay đổi nội dung trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là 10 ngày kể từ ngày có thay đổi (trước đây, Nghị định 78/2015/NĐ-CP không quy định về vấn đề này). Tại Nghị định đã bãi bỏ một số thủ tục hành chính không cần thiết. Cụ thể, bãi bỏ thủ tục thông báo sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu (trước đây quy định tại Điều 34 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP). Việc bãi bỏ quy định này phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 (Cụ thể xem tại: Quy định về con dấu doanh nghiệp tại Luật Doanh nghiệp 2020). Bên cạnh đó, Nghị định 01/2021/NĐ-CP còn bãi bỏ thông báo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp, chào bán cổ phn riêng lẻ,… (trước đây được quy định tại Điều 54 Nghị định 78/2015/NĐ-CP).

          Yêu cầu về Hội nhập quốc tế đã và đang thúc đẩy công cuộc cải cách hành chính ở Việt Nam tiếp tục được thể hiện ở Nghị định này. Nghị định đã bổ sung thêm một điểm, đó là: công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, chi nhánh công ty đầu tư chứng khoán nước ngoài và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của Luật Chứng khoán năm 2019 thực hiện đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Nhằm tăng tính răn đe, tạo môi trường lành mạnh, an toàn trong kinh doanh và đầu tư, khung quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện trong Nghị định lần này. Việc kê khai không trung thực, không chính xác, giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp được xử lý triệt để, đặc biệt xử lý thỏa đáng với trường hợp các doanh nghiệp “bỏ trốn, mất tích”.

Cùng với đó, Nghị định cũng góp phần hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về hộ kinh doanh, thể chế hóa các quy định về hộ kinh doanh. Trước đây, tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh do cá nhân hoặc một nhóm người Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thành lập hay do một hộ gia đình thành lập. Hiện nay, tại khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định hộ kinh doanh sẽ do một cá nhân thành lập hay các thành viên hộ gia đình thành lập. Theo quy định mới thì “nhóm cá nhân người Việt Nam” không còn được thành lập hộ kinh doanh. Ngoài ra, cũng tại Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm đối tượng không cần phải đăng ký kinh doanh là “những người kinh doanh thời vụ”. Việc xác định rõ các chủ thể như trên phù hợp với Bộ luật Dân sự, giúp phân định rõ quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh và thành viên hộ gia đình, bảo đảm quyền kinh doanh và nghĩa vụ của hộ kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi hộ kinh doanh và một số nội dung quan trọng khác.

          Cuối cùng, đó là việc tiếp tục hiện đại hóa, chuyển đổi số mạnh mẽ trong công tác đăng ký doanh nghiệp thông qua việc nâng cấp, hoàn thiện các quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử. Nghị định cũng đã định hướng đến việc cung cấp hầu hết các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, nhằm giảm thời gian, chi phí thành lập doanh nghiệp, góp phần xây dựng một hệ thống đăng ký kinh doanh minh bạch, hạn chế tối đa những tiêu cực có thể phát sinh từ sự can thiệp của con người. Các thông tin cơ bản về doanh nghiệp được công khai hóa trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn thông tin chính thống, có giá trị pháp lý về doanh nghiệp, từ đó giúp tăng khả năng giám sát của cộng đồng đối với hoạt động của doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả công tác “hậu kiểm”, minh bạch hóa môi trường kinh doanh.

Với mục tiêu tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho thành lập và hoạt động của doanh nghiệp, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã mở ra cơ chế thông thoáng hơn so với Nghị định cũ, cụ thể hóa những cải cách, đổi mới của Luật Doanh nghiệp, đồng thời khắc phục những bất cập, xử lý vướng mắc trong thời gian qua, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, phục vụ Nhân dân./.

Tài liệu tham khảo

 

- Luật Doanh nghiệp 2020.

- Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

- Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

- http://baochinhphu.vn