Xuất bản thông tin

null Giá trị trường tồn của tác phẩm “Đạo đức cách mạng”

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Giá trị trường tồn của tác phẩm “Đạo đức cách mạng”

                                                                         Mai Quang Khả

                                                    Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

Tháng 12 năm 1958, Bác Hồ viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” đăng trên tạp chí Học tập với bút danh Trần Lực, trong tác phẩm này, Bác đã trình bày một cách toàn diện, hệ thống về nguồn gốc, vai trò, nội dung, giá trị của đạo đức cách mạng và nêu đầy đủ các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên. Những chuẩn mực này được đặt trong mối quan hệ biện chứng với nhau và trong từng nội dung của mỗi chuẩn mực cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Việc nghiên cứu học tập tác phẩm này rất cần thiết cho việc học tập, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay.

Nói về nguồn gốc của đạo đức cách mạng, Bác viết:  “Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.(1) , Người chỉ ra rằng: “Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen... Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất của xã hội cũ là chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân trái ngược với đạo đức cách mạng, nếu nó còn lại trong mình, dù là ít thôi, thì nó sẽ chờ dịp để phát triển, để che lấp đạo đức cách mạng, để ngăn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”.(2)

Người khẳng định vai trò của đạo đức cách mạng là: “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn, gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước. Vì lợi ích chung của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc và của loài người mà không ngần ngại hy sinh tất cả lợi ích riêng của cá nhân mình. Khi cần, thì sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình cũng không tiếc” ... “Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ; không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa. Đó cũng là biểu hiện của đạo đức cách mạng”.(3)

Từ đó, Bác nêu định nghĩa về nội dung của đạo đức cách mạng: “Nói tóm tắt, thì đạo đức cách mạng là: Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”.(4)

Để rèn luyện đạo đức cách mạng, Người căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải: “Để tiến lên chủ nghĩa xã hội, cuộc đấu tranh phải lâu dài và gian khổ. Cần có người cách mạng là vì còn có kẻ địch chống lại cách mạng. Kẻ địch gồm có ba loại. Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài. Loại địch thứ ba là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc dịp thất bại, hoặc dịp thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia”.(5)

Như vậy, để rèn luyện đạo đức cách mạng, mỗi cán bộ, đảng viên phải tăng cường đề cao cảnh giác, cảnh giác với các thế lực thù địch; cảnh giác với chính bản thân mình, không thể tự hào về thành tích quá khứ mà phải không ngừng rèn luyện tiến bộ cho kịp với sự phát triển của xã hội, của thời đại và nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng; đồng thời phải không ngừng nâng cao cảnh giác, không ngừng rèn luyện để chiến thắng chính bản thân mình, chống chủ nghĩa cá nhân, trân trọng và đặt lợi ích của tập thể, của Đảng, của Nhà nước, của Nhân dân lên trên quyền lợi cá nhân, luôn có tâm thế làm việc vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, lấy việc phục vụ Nhân dân làm mục tiêu hoạt động, như Bác dạy là: “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”; và phải nhớ rõ: “đạo đức cách mạng là ra sức phấn đấu để thực hiện mục tiêu của Đảng, hết sức trung thành phục vụ giai cấp công nhân và nông dân lao động, tuyệt đối không thể lừng chừng”.(6)

Ngày nay, sự nghiệp đổi mới của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định đó là sự lựa chọn đúng đắn của toàn Đảng, toàn dân, nhưng chặng đường phía trước còn dài, các thế lực thù địch không ngừng chống phá với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân ta phải đồng lòng đoàn kết, đồng lòng, đồng sức phấn đấu thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội với mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Chìa khóa của thành công này là thực hiện đúng lời Bác dạy: “Đạo đức cách mạng là hòa mình với quần chúng thành một khối, tin quần chúng, hiểu quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng. Do lời nói và việc làm, đảng viên, đoàn viên và cán bộ làm cho dân tin, dân phục, dân yêu, đoàn kết quần chúng chặt chẽ chung quanh Đảng, tổ chức, tuyên truyền và động viên quần chúng hăng hái thực hiện chính sách và nghị quyết của Đảng”.(7)

Từ Đại hội XII, Đảng ta chọn mục tiêu xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về 04 nội dung: Tư tưởng, chính trị, tổ chức và đạo đức, trong đó xây dựng đạo đức là nội dung mới để khẳng định “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, đó cũng là thực hiện theo lời Bác dạy. Như vậy, qua 62 năm, tác phẩm “Đạo đức cách mạng” của Bác vẫn còn mang đạm tính thời sự, vẫn là bài học thiết yếu cho mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta để đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác, để phục vụ Nhân dân tốt hơn, hiệu quả hơn. Phải khẳng định phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân là lý tưởng cao đẹp: “Có gì sung sướng vẻ vang hơn là trau dồi đạo đức cách mạng để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và giải phóng loài người”.(8)./.

Tài liệu tham khảo: Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 601,

(2) Sđd, tr. 601, 602.

(3) Sđd, tr.602, 603.

(4) Sđd, tr. 603.

(5) Sđd, tr. 605, 606.

(6) Sđd, tr.605.

(7) Sđd, tr. 609.

(8) Sđd, tr. 612.