Xuất bản thông tin

null Tình hình tỉnh Sa Đéc khi bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa I, năm 1946

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Tình hình tỉnh Sa Đéc khi bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa I, năm 1946

                         Mai Quang Khả, Phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học

 

Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, từ tháng 12/1945, quân Pháp đã chiếm Mỹ Tho, Vĩnh Long. Trước tình hình khẩn trương, Tỉnh ủy Sa Đéc chỉ đạo toàn tỉnh chuẩn bị mọi mặt để chống giặc.

Tỉnh ủy nhận định địch có thể từ Vĩnh Long đánh lên Sa Đéc theo đường bộ hoặc theo đường sông - từ Cái Tàu Hạ lên Nha Mân, rồi chiếm Sa Đéc, từ đó, chỉ đạo lực lượng vũ trang của tỉnh (du kích tập trung và các trại du kích) phối hợp dân quân du kích và nhân dân Châu Thành lập phòng tuyến ở Cái Tàu Hạ, Nha Mân, đắp 3 cản tàu trên sông Cái Tàu Hạ (đoạn rạch Xẻo Trầu), sông Nha Mân và ngang vàm rạch Dầu (Tân Quy Đông, Sa Đéc); chỉ đạo chuẩn bị hậu cứ ở Tân Dương, Long Hưng, Mỹ An Hưng...; thông cáo cho nhân dân ở thành thị, nơi đông dân cư chuẩn bị sẵn sàng sơ tán khi giặc đến, không tiếp tế hoặc giúp sức cho giặc...

Không khí chuẩn bị kháng chiến thật khẩn trương. Nhân dân cả tỉnh sôi sục căm thù quân xâm lược, tỏ rõ quyết tâm chiến đấu ngăn chặn giặc, lực lượng Thanh niên cứu quốc đóng vai trò xung kích và hăng hái nhất. Mở đầu ra quân đánh thắng của lực lượng du kích tỉnh Sa Đéc là trận phối hợp với tỉnh bạn tiêu diệt trung đội tàn quân Nhật ở cù lao Giêng.

Đầu tháng 9/1945, một trung đội quân Nhật vẫn còn trú đóng trong một trường dòng ở cù lao Giêng (quận Chợ Mới), chờ quân đồng minh đến “giải giáp”. Ta đưa người đến thương lượng, đề nghị chúng giao súng đạn, nhưng chúng không đồng ý. Theo chỉ thị của Xứ ủy, một tiểu đội du kích tỉnh Sa Đéc (Trại Bắc Sơn) cùng một trung đội vũ trang Lấp Vò, một trung đội Cộng hòa vệ binh của tỉnh Long Xuyên và hai tiểu đội du kích của Trà Vinh, Rạch Giá, do đồng chí Dương Quang Đông - Xứ ủy viên, Bí thư tỉnh Long Xuyên, chỉ huy chung, các đồng chí Lê Văn Nhung (tỉnh Long Xuyên), Nguyễn Hữu Xuyến (tỉnh Sa Đéc)... là thành viên Ban chỉ huy, thực hiện nhiệm vụ tước vũ khí của trung đội Nhật. Từ ngày 17/10 đến ngày 19/10/1945 (12 đến 14 tháng 9 năm Ất Dậu), quân ta dùng hỏa công thúc ép, kết hợp quần chúng nổi trống mõ, hò hét vang rền... Đến 2 giờ sáng ngày 20/10, toàn bộ tàn binh Nhật đầu hàng, ta thu tất cả vũ khí và đồ dùng quân sự. Số súng đạn thu được chia cho các lực lượng chiến đấu, lực lượng của tỉnh Sa Đéc được chia 14 súng, có một khẩu trung liên.

Đầu tháng 11/1945, hai trung đội du kích Bắc Sơn do đồng chí Nguyễn Hữu Xuyến chỉ huy, phối hợp với du kích Tân Quy Đông, Tân Hưng đốt bè rơm thả trôi sông vây ép hai tàu của tàn quân Nhật đậu ở mũi Cần Vố (Sa Đéc), tàu Nhật rút chạy về Vĩnh Long.

Ở cù lao Tây (quận Hồng Ngự), vùng Mỹ An, Đốc Binh Kiều (quận Cái Bè), quân và dân ta đều ráo riết chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng chống trả quân giặc tái chiếm.

Đến đầu tháng 01/1946, các khu vực thuộc tỉnh Đồng Tháp ngày nay đã có một bước chuẩn bị về tinh thần và lực lượng để đối phó với âm mưu mở rộng đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ của quân Pháp.

Song song với quân Nhật, khoảng cuối năm 1945, ở Cao Lãnh, Sa Đéc và nhiều nơi khác xuất hiện một số đơn vị của Đệ tam sư đoàn Cộng hòa vệ binh kéo đến đóng quân. Đệ tam sư đoàn do Nguyễn Hòa Hiệp chỉ huy, là một đạo quân ô hợp từ Sài Gòn chạy dạt xuống Cao Lãnh, Sa Đéc, tổng Phong Thạnh Thượng, Hồng Ngự... Trong đội quân này chỉ có số rất ít thật sự đi theo cách mạng, còn lại là thành phần phức tạp, có cả bọn lưu manh, bọn thân Nhật, thân Pháp, một bộ phận lợi dụng danh nghĩa đạo Cao Đài, Hòa Hảo... Đi đến đâu, chúng cũng khoác lác “quân đông, vũ khí tốt, đạn dược nhiều, biết đánh giặc và đã từng đánh Pháp ở Sài Gòn, Tân An, Mỹ Tho”, hứa sẽ “phối hợp cùng địa phương đánh giặc”. Kỳ thực, chẳng những chúng không dám đánh giặc mà còn tước vũ khí của du kích, bắt cán bộ cách mạng gán cho tội Việt gian rồi thủ tiêu. Tại quận lỵ Cao Lãnh, chỉ huy Đệ tam sư đoàn đòi ta phải cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, quân trang, đòi “lấy đầu” ba cán bộ lãnh đạo và chỉ huy lực lượng vũ trang cách mạng của tỉnh, đó là đồng chí Nguyễn Văn Huệ, Lê Văn Nhạc, Lê Văn Cử. Đóng quân ở đâu chúng cũng bất chấp chính quyền địa phương, phá rối trật tự trị an, cướp giật, quấy nhiễu nhân dân.

Trong khi quân và dân ta tập trung chống Pháp thì Đệ tam sư đoàn tan rã, một bộ phận trốn về miền Đông, một số rã tại chỗ rồi kết tập thành những toán cướp rất nguy hiểm, trước khi rút chạy, chúng cướp đi nhiều của cải, trong đó có vàng do dân đóng góp trong Tuần lễ vàng.

Quân Pháp chuẩn bị tấn công Sa Đéc, bọn tay sai từ Vĩnh Long lén lút lên Cái Tàu Hạ, Sa Đéc, Lai Vung, Cao Lãnh, Cái Tàu Thượng... để móc nối, cấu kết với bọn phản động tại chỗ, tuyên truyền kích động, lôi kéo, tổ chức lực lượng “lót ổ” chờ quân Pháp đến. Bọn phản động lợi dụng tôn giáo, một số tề, địa chủ, cường hào... được dịp ngoi đầu dậy chống phá cách mạng quyết liệt.

Để ngăn chặn giặc, ngoài việc lập các phòng tuyến, tỉnh còn thành lập Ban phá hoại ở các cấp, huy động nhân dân đào đường, phá cầu, làm cản, tháo dỡ một số cơ sở công cộng mà địch có thể trú đóng. Chuẩn bị phương án rút vào vùng sâu
Đồng Tháp Mười nếu Sa Đéc, Lai Vung, Cao Lãnh thất thủ,
căn cứ Tân Dương, Long Hưng không ở được.

*

Như vậy, qua hơn 4 tháng vừa tập trung xây dựng Đảng và chính quyền cách mạng còn non trẻ, tổ chức thành công cuộc bầu cử Quốc hội khóa I, chăm lo cuộc sống cho nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang công - nông,... vừa đối phó với Đệ tam sư đoàn, với bọn phản động lăm le lật đổ chính quyền nhân dân, lại phải đấu tranh trong nội bộ lãnh đạo tỉnh để giữ vững quan điểm, lập trường cách mạng của Đảng... Đảng bộ và nhân dân tỉnh Sa Đéc và quận Hồng Ngự, tổng Phong Thạnh Thượng, vùng hậu bối của quận Cái Bè... đã phấn đấu tích cực, vượt qua nhiều khó khăn, phức tạp trong thời gian đầu chính quyền cách mạng mới thành lập, làm được một số công việc cần kíp trong điều kiện có thể, chuẩn bị đối phó với giặc Pháp.

Thành công của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I đã thể hiện ý chí, quyết tâm và sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền của nhân nhân, đồng thời phản ánh sự tin tưởng sâu sắc của Đảng đối với quần chúng cách mạng(1). Trong cuộc tổng tuyển cử này Tỉnh Sa Đéc có 04 đại biểu là:

  1. Nguyễn Văn Cửu, sinh ngày 8/9/1902.
  2. Nguyễn Văn Huệ, sinh ngày 29/6/1913.
  3. Nguyễn Văn Kiểu, sinh ngày 20/10/1913.
  4. Trương Hữu Tước, sinh ngày 5/11/1912.(2)

Trong đó, Nguyễn Văn Kiểu không tham gia kháng chiến, ở lại Sài Gòn mở hiệu thuốc tây, Ban thường trực Quốc hội cho phép Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ bắt và xét xử; Trương Hữu Tước không hoạt động cho cách mạng.

Kỷ niệm 75 năm ngày tổng tuyển cử toàn quốc, bầu ra Quốc hội khóa I, Quốc hội đầu tiên của nước ta, những dữ liệu nêu trên nhằm nhắc nhở chúng ta nhớ thêm về lịch sử hào hùng, gian lao, mưu trí, hết lòng, hết dạ đoàn kết bên nhau của quân và dân tỉnh nhà để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Bài học cho chúng ta hôm nay là để có được thành tựu như vậy đòi hỏi phải có tinh thần quyết tâm và sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt để luôn vững vàng khi đối phó với khó khăn, thách thức, biến nguy thành cơ. Sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân là yếu tố quyết định thắng lợi. Bài học ấy luôn soi đường cho chúng ta bước tới những thành tựu tiếp theo trên con đường đưa quê hương Đồng Tháp hòa cùng cả nước đến bến bờ giàu đẹp, phồn vinh./.

Tài liệu tham khảo:

1. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Tháp, Địa chí tỉnh Đồng Tháp, NXB Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, N.2013.

2. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Đồng Tháp, LỊCH SỬ ĐẢNG BỘ TỈNH ĐỒNG THÁP - TậP I (1927 - 1954), NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, N.2020.

3. Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam, Thông tin đại biểu quốc hội các khóa.

Chú thích:

(1): Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam, Thông tin đại biểu quốc hội các khóa.

(2): Theo “Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam, Thông tin đại biểu quốc hội các khóa”, nhưng trong “Địa chí tỉnh Đồng Tháp” thì ghi nhận ở trang 217: Năm đại biểu được Mặt trận Việt Minh tỉnh giới thiệu ra ứng cử đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Đó là các ông Huệ, Tước, Cửu, Kiều, Vĩ.