Xuất bản thông tin

null Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Trang chủ Bài viết

Vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới, đô thi văn minh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp

Th.s Nguyễn Văn Hiền – Khoa Lý luận cơ sở

 

Ngày 08 tháng 7 năm 2016, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ban hành Thông tri Số 10/TTr-MTTW-BTT về Hướng dẫn thực hiện cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh đã góp phần thực hiện các mục tiêu của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vng, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nâng cao đời sống vật chất tinh thân cho nhân dân. Thời gian qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế gắn với xây dựng hệ thống chính trị. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phát huy tốt vai trò nòng cốt là người dân trong thực hiện phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại địa phương bằng những hoạt động thiết thực.

Thứ nhất, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động toàn dân đoàn kết tham gia phát triển kinh tế tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã gắn hoạt động với cuộc vận động, nhiều phong trào thi đua của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên được thực hiện nhiều mô hình có hiệu quả như: Tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt sổ tay chung sức tham gia xây dựng nông thôn mới của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; vận động nhân dân liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Trong phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, có nhiều mô hình mới của các tổ chức thành viên như của Hội Nông dân, Hội Chữ thập đỏ với mô hình “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, mô hình hùn vốn mua Bảo hiểm xã hội[1]; các hoạt động an sinh xã hội tiếp tục được phát huy hiệu quả; tổ chức và phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” bằng hình thức trực tuyến, tuyên dương hộ gia đình vượt khó thoát nghèo tiêu biểu, tri ân các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho công tác an sinh xã hội của tỉnh. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2020, Quỹ “Vì người người nghèo” các cấp đã vận động 106,5 tỷ đồng. Qua đó, nhân dân ổn định cuộc sống, phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở rộng ngành nghề, giải quyết việc làm, đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững.

Thứ hai, vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân, tương ái”. Duy trì hiệu quả các mô hình “Bếp ăn từ thiện”, “Xe chuyển bệnh miễn phí”, “Tổ từ thiện xây dựng cầu đường”, “Tín đồ Phật giáo Hào Hảo với an toàn giao thông”; “Xóm đạo bình yên”; “Gia đình An toàn – Hạnh phúc – Đạo hạnh”,… Phối hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên tổ chức thăm hỏi tặng quà các gia đình người có công, các đối tượng chính sách bảo đảm trang trọng nghĩa tình; vận động các tầng lớp nhân dân có nhiều hoạt động cụ thể giúp đỡ các gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công nâng cao mức sống[2]. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với các ngành hữu quan tổ chức dạy nghề; duy trì các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu lao động, tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài để tạo nguồn vốn lập nghiệp sau khi hết thời hạn lao động. Bên cạnh đó Ủy ban Mặt trận còn xây dựng các mô hình, phát động toàn thể nhân dân đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, ấp văn hóa, khóm văn hóa ở nông thôn và địa bàn đô thị...[3]

Thứ ba, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc làm tốt công tác vận động toàn dân đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quang môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. Trong công tác bảo vệ môi trường Ủy ban Mặt trận đã tích cực phối hợp với các Tổ nhân dân tự quản môi trường thực hiện vận động nhân dân bảo vệ môi trường, vận động nhân dân thu gom, lưu giữ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng tại các điểm nội đồng và xử lý bao bì sau khi sử dụng. Ngoài ra đối với các tôn giáo có “Câu Lạc bộ Tôn giáo bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu”, tính đến nay trên địa bàn Tỉnh có 9 tổ chức tôn giáo xây dựng được 120 mô hình, với 7.790 thành viên là chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia. Trong 06 tháng đầu năm 2020, các tổ chức Tôn giáo Tỉnh và cá nhân tiêu biểu trong các tôn giáo đã triển khai các công trình phần việc, các mô hình, tổng kinh phí 10,5 tỷ đồng (Theo Báo cáo kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Ủy ban MTTQ Tỉnh Đồng Tháp).

Thứ tư, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam các cấp còn vận động toàn dân đoàn kết đăng ký chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tuyên truyền cho nhân dân hiểu biết và thực hiện đúng các quy định của pháp luật, từ đó đã góp phần tích cực nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành pháp luật. Duy trì các  mô hình “Quản lý địa bàn, quản lý người vi phạm pháp luật”; “Cổng rào an ninh trật tự”; mô hình camera an ninh; mô hình “Gia đình An toàn - Hạnh phúc - Đạo hạnh”; “Câu lạc bộ gia đình bền vững”; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ Nhân dân tự quản, Hội quán nhằm góp phần xây dựng khu dân cư an toàn, lành mạnh, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế. Phối hợp các ngành triển khai có hiệu quả Đề án “Vận động toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”. Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp cùng với các tổ chức thành viên phối hợp công an, quân sự tổ chức phát động phong trào tuyên truyền, vận động  nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội (ma túy, trộm cắp, cờ bạc, nghiện hút) và vận động nhân dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự. Nhân dân đã tố giác trên 340 tin có giá trị, được các ngành chức năng tiếp nhận và xử lý kịp thời, góp phần cho 78 xã, 01 thị xã, 02 thành phố được xét công nhận và duy trì, giữ vững danh hiệu nông thôn mới, phối hợp củng cố tiêu chí an ninh trật tự cho 14 xã nông thôn mới nâng cao (trong đó có 03 xã nông thôn mới kiểu mẫu); Mặt trận Tổ quốc cùng với Công an, tổ chức chính trị - xã hội địa phương đã chủ động hướng dẫn cho 143/143 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đăng ký thực hiện tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” ở địa phương (Theo Báo cáo kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Ủy ban MTTQ Tỉnh Đồng Tháp).

Thứ năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã vận động toàn dân phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp chính quyền cùng cấp tổ chức cho các vị Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp tiếp xúc cử tri. Từ đó những vấn đề bức xúc chính đáng của nhân dân luôn được Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quan tâm giải quyết kịp thời. Công tác giám sát theo Quyết định 217-QĐ/TW, Quyết định 218-QĐ/TW được thực hiện đảm bảo như: Chế độ bảo trợ xã hội, công tác bình xét cho vay vốn hộ nghèo[4],… Qua giám sát đã giúp cho công tác điều hành thực hiện tốt hơn chức năng quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực. Đối với công tác phản biện xã hội, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã phối hợp tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp, tổ chức hội nghị góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng các cấp và dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tổng hợp ý kiến, kiến nghị về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều các văn bản Luật trình kỳ họp lần thứ 9, Quốc Hội khóa XIV. Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chủ động tham gia đóng góp xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, kết quả đã tổ chức được 196 cuộc.

Tuy đạt nhiều kết quả quan trọng trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh nhưng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập cần được giải quyết. Trong phát triển nông nghiệp, khâu liên kết trong sản xuất chưa nhiều, sức cạnh tranh thấp. Một số mô hình tổ chức sản xuất chưa thật sự bền vững; kinh tế tập thể chưa đa dạng ngành nghề kinh doanh, chưa làm cầu nối trong liên kết tiêu thụ, một số tiêu chí tuy đạt nhưng chỉ ở mức cơ bản cần tiếp tục nâng cao, trình độ dân trí có nâng lên nhưng chưa đồng đều, một số người dân còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, đó là những việc Nhà nước phải thực hiện mà chưa thấy vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, một số nội dung chương trình phối hợp thống nhất hành động tiến độ chậm so với yêu cầu. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động tuy có nâng lên, nhiều mô hình mới được hình thành, song chất lượng chưa đồng đều; chưa kịp thời rà soát đánh giá các loại hình, mô hình hiện có để củng cố, nhân rộng hoặc giải thể.

Trong thời gian tới Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội cần tiếp tục vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giữ vững và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới để hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Tiếp tục củng cố và kiện toàn Ban chỉ đạo, Ban quản lý, Ban phát triển, xây dựng kế hoạch phân công các ngành, đoàn thể phụ trách từng tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần tuyên truyền vận động nhân dân tiếp tục hưởng ứng mạnh mẽ thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh vệ sinh môi trường, tạo vẽ mỹ quang địa bàn cấp cơ sở. Bên cạnh đó cần sự tham gia của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp đầu tư tạo vốn, công ăn việc làm, vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động nhằm nâng cao thu nhập cho nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên củng cố về mặt tổ chức, thay đổi nội dung và phương thức hoạt động, sinh hoạt, phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền vận động, giúp nhân dân hiểu rõ về chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dưng nông thôn mới, đô thị văn minh để nhân dân, đoàn viên, hội viên nhận thức, hiểu rõ về lợi ích thiết thực, hiệu quả để ngày càng thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân ngày tốt hơn. Góp phần xây dựng đời sống văn hóa, phát triển kinh tế  - xã hội gắn với xây dựng hệ thống chính trị ngày càng thêm vững mạnh, ổn định và phát triển.


[1] Làm tốt có Hội Bảo trợ Người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam/Dioxin và Bệnh nhân nghèo Tỉnh: với 20. 821 thẻ (Theo Báo cáo kết quả công tác Mặt trận 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm công tác 6 tháng cuối năm 2020 của Ủy ban MTTQ Tỉnh Đồng Tháp)

[2] Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN Tỉnh đã phối hợp với các ngành có liên quan tham mưu lãnh đạo Tỉnh tổ chức Mặt trận Tổ quốc các cấp và tổ chức thành viên đã vận động các nguồn lực ủng hộ trên 18 tỷ đồng để chăm lo hỗ trợ Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo.

[3] “Tổ liên kết Tổ nhân dân tự quản xây dựng tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn”, phong trào các khóm, ấp đăng ký ấp văn hoá nông thôn mới, khóm đô thị văn minh năm 2020; Chung sức xây dựng nông thôn mới, Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới.; sáng – xanh – sạch – đẹp – an ninh; Đội thanh niên tình nguyện xây dựng nông thôn mới…

[4] Trong 06 tháng đầu năm 2020, MTTQ và các tổ chức thành viên tăng cường công tác giám sát việc tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo tinh thần Chỉ thị số 15 và 16/CT-TTgCP của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.